Home > Khai Thị Phật Học
Ông Lão Nghèo
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện trong kinh, câu chuyện này trích từ kinh Ông lão nghèo, trong Đại Chánh tạng quyển 17, trang 742 743.

Thời quá khứ, có một thời, đức Phật ở tại thành Xá vệ, trong vườn cây của ông Cấp cô độc và thái tử Kỳ đà, có 1.250 vị sa môn và hàng vạn chư vị bồ tát cùng tụ hội tại đó. Khi ấy, trong đại chúng có vô số trời, rồng, quỷ, thần. Mọi người đều cung kính nhiễu quanh đức Phật, nghe Phật thuyết pháp, ai nấy đều rất hoan hỷ.

Lúc đó, có một ông già nghèo, hơn hai trăm tuổi, dung mạo trông rất trường thọ. Lông mày của ông rủ dài, vành tai dày và rộng, hai hàm răng trắng và cứng như vỏ sò, tay dài quá gối. Nhìn tướng mạo bên ngoài thì ông lão phải là một trưởng giả giàu có, nhưng trên thực tế thì ông ta rất nghèo khổ, cuộc sống vô cùng khó khăn, áo không đủ che thân, y phục rách rưới, ăn không đủ no, đi được mấy bước thì thở hổn hển.

Ông lão nghe nói có đức Phật thị hiện nơi đời, trong lòng cảm thấy vô cùng vui sướng, nên ngày đêm phát nguyện muốn được tận mắt chiêm ngưỡng đức Phật một lần. Ông ta chống gậy đi suốt mười năm như vậy, vô cùng khó khăn mới tìm được đến nơi. Nhưng khi nguyện vọng sắp được thực hiện, thì ông lại bị vua Đế Thích và Phạm thiên giữ cửa quở trách và không cho vào. Ông lão lớn tiếng kêu lên:

- Tôi cả một đời gặp quá nhiều bất hạnh, sống cảnh bần cùng khốn khổ, chịu những tháng ngày đói lạnh, muốn chết không được, sống thì không chỗ nương tựa. Nay tôi nghe nói đức Thế Tôn nhân từ cứu độ tất cả chúng sanh, thiên hạ muôn vật đều có thể nương nhờ ân đức của Ngài, nên trong lòng rất vui mừng. Tôi ngày đêm phát nguyện mong muốn được chiêm ngưỡng đức Phật một lần, trải qua hơn mười năm, hôm nay nguyện vọng sắp thành hiện thực. Tôi từ nơi vô cùng xa xôi tới cầu xin được chiêm ngưỡng đức Phật một lần thôi, để có thể thoát ly được tất cả sự thống khổ, các ông lại ngăn cản tôi như vậy là làm trái với nguyện vọng của tôi, cũng làm trái với tâm nguyện độ sinh của đức Phật, các ông làm như vậy có thích hợp không?

Đức Phật biết sự việc này, liền quay sang nói với A nan:

- Ông đã từng thấy một ông lão có tướng mạo trang nghiêm trường thọ, nhưng lại thường phải chịu quả khổ, đến nay tội báo vẫn chưa hết không?

Ngài A nan quỳ gối, chắp tay bạch với đức Phật:

- Vì sao người có tướng trang nghiêm, trường thọ lại phải chịu ác báo như vậy? Người đã gặp ác báo như vậy, tại sao lại được trường thọ và có tướng mạo trang nghiêm? Cả đời này, con chưa từng thấy qua, không biết người này rốt cuộc đang ở đâu?

Đức Phật bảo:

- Ông ta đang ở ngoài cửa, bị Đế Thích và Phạm thiên ngăn cản không cho vào, ông hãy ra mời ông ta vào đây!

Sau đó, ông già rất khó khăn, run rẩy chống gậy đi vào. Vừa nhìn thấy Phật, ông ta buồn vui lẫn lộn, nước mắt nước mũi giàn giụa. Sau khi đảnh lễ Phật xong, ông quỳ gối chắp tay bạch đức Phật:

- Con cả đời này gặp biết bao nỗi bất hạnh, sống trong cảnh bần cùng khổ sở, trải qua bao tháng ngày đói rét, muốn chết không được, sống thì không biết nương tựa vào đâu. Nghe nói đức Thế Tôn từ bi cứu giúp tất cả chúng sanh, vạn vật trong thiên hạ đều được nương nhờ ân đức của Ngài, lòng con vô cùng vui sướng, ngày đêm phát nguyện mong muốn được chiêm ngưỡng đức Phật một lần. Trải qua mười năm, hôm nay, cuối cùng nguyện vọng của con gần được thực hiện. Nhưng con đi hơn mười năm, không dễ dàng đến được, rốt cuộc lại bị ngăn lại ngoài cửa, đợi rất lâu mà không có cách nào để vào, muốn quay về cũng không còn sức lực nữa, thật là tiến thoái lưỡng nan. Con lo lắng không có cách nào để gặp được đức Phật, lại phải bỏ mạng ở ngoài cổng, làm mất đi sự thanh tịnh nơi thánh địa, càng làm cho tội nghiệp của bản thân con nặng hơn. Không ngờ trong lúc tuyệt vọng, đức Thế Tôn từ bi thương con, cho phép con được vào để gặp Ngài một lần. Bây giờ con chết cũng không còn gì nuối tiếc nữa, chỉ mong có thể mau chóng kết thúc thân nghiệp chướng này, sau khi tội báo được tiêu trừ, mong rằng sau này có thể nương nhờ ân đức của Phật, ban cho con trí huệ thù thắng nhất.

Đức Phật nói:

- Con người sinh ra ở đời, mỗi người đều có nhân duyên sinh tử, do nhiều nhân duyên từ quá khứ mà dẫn đến tội báo ở đời này. Bây giờ, ta sẽ giải thích rõ ngọn ngành cho ông biết.

Trong kiếp quá khứ, ông được sinh ra trong một quốc gia rộng lớn, quyền thế, trong hoàng tộc của đức vua Minh Huệ. Ông là một thái tử vô cùng kiêu ngạo, chuyên quyền. Trên thì có cha mẹ thương yêu ông như châu báu, dưới thì có rất nhiều kẻ hầu người hạ, ông thường tùy ý coi rẻ và ức hiếp người khác, cống cao ngã mạn, không coi ai ra gì. Của cải mà ông có đều là do vơ vét tài sản của dân chúng, cuộc sống của họ đã vô cùng khốn khó, lại phải chịu sưu thuế hà khắc. Ông chỉ biết tích chứa tiền của mà không biết bố thí.

Lúc ấy, có một vị sa môn nghèo, từ một quốc gia vô cùng xa xôi, đến để thăm viếng tThái tử, mong cầu của vị sa môn này không nhiều, chỉ muốn xin Thái tử một bộ pháp y mà thôi. Ông không những không tiếp đón, trái lại, lại dùng thái độ ác nghiệt để tiếp đãi vị sa môn này. Ông đã không cúng dường pháp y, lại không dâng cúng ẩm thực, khiến cho vị sa môn vừa đói vừa lạnh ngồi đợi ngoài cổng, mà ông cũng không cho sa môn đi. Vị sa môn đợi như vậy trải qua bảy ngày bảy đêm, không được chút thức ăn, nước uống. Vậy mà khi tận mắt nhìn thấy vị sa môn chỉ còn hơi thở thoi thóp sau cùng, giống như ngọn đèn leo lét trước gió, ông lại rất thích thú, còn tụ tập mọi người vây quanh xem như trò vui.

Lúc đó, có một vị đại thần khuyên ông rằng:

- Thái tử, xin ngài đừng làm như vậy! Vị sa môn này có thái độ rất từ bi cung kính, xem ra là người có đức hạnh thanh tịnh, dù phải chịu lạnh cũng không hề than lạnh, chịu đói cũng không hề than đói. Sa môn đến khất thực chỉ vì muốn ngài tích lũy phước đức mà thôi, ngài đã không muốn bố thí thì cũng đừng áp bức, đùa cợt người ta, xin hãy mau chóng tha cho vị sa môn ấy đi đi, tránh chuốc lấy tội báo.

Thái tử trả lời:

- Ông ta là loại người nào? Muốn lừa gạt người khác, tự xưng có đạo đức, có tu hành. Ta chẳng qua chỉ là thử ông ta, giam giữ vài ngày mà thôi, không để ông ta chết đâu, bây giờ tha cho ông ta đi cũng được, để tránh làm phiền ta.

Sau đó, thái tử đuổi vị sa môn đi, trục xuất ra khỏi đất nước.

Không ngờ, sa môn đi đến cách biên giới khoảng hơn mười dặm, lại gặp phải tên cướp đói khát, muốn giết ngài để ăn.

Sa môn nói:

- Tôi là sa môn nghèo khổ lại bị đói lạnh, toàn thân gầy còm chỉ còn da bọc xương, thịt rất tanh hôi, ông nuốt cũng không trôi đâu. Tôi đối với ông không có chút tác dụng gì, ông giết tôi cũng uổng công vô ích mà thôi!

Kẻ cướp nói:

- Tôi vừa đói khát, vừa mệt lả đã nhiều ngày, chỉ có thể ăn đất cát mà thôi. Ông tuy gầy gò, cũng có được chút thịt, vẫn tốt hơn là ăn đất cát. Tôi tuyệt đối không thả cho ông đi đâu. Ngoan ngoãn nạp mạng đi!

Hai bên cứ như vậy tranh luận không ngừng.

Thái tử biết được sự việc này, bèn vội vàng đi đến biên giới để tiếp cứu. Thái tử nói:

- Ta trước đây đã không cúng dường cho sa môn y phục, đồ ăn, nay sao nỡ để ông ta bị đạo tặc giết chết được!

Ác tặc vừa nhìn thấy thái tử liền chạy đến dập đầu lạy lục, mong được lượng thứ, rồi liền thả cho vị sa môn đi.

Ông có biết không? Vị sa môn lúc đó, nay chính là bồ tát Di Lặc, còn vị thái tử kiêu ngạo ngang ngược kia chính là ông. Ông hiện nay chịu quả báo khốn cùng chính là do nhân tham lam ở đời quá khứ. Còn ông được trường thọ là do ông cứu vị sa môn kia một mạng. Nhân duyên thiện ác như bóng theo hình, như tiếng vang dội lại vậy.

Ông lão hướng lên Phật thưa:

- Ôi! Nghiệp báo quá khứ của con đã lỡ tạo, mong rằng có thể kết thúc trong một đời này.

Hôm nay thọ mạng của con không còn nhiều, chỉ hy vọng những năm tháng còn lại được xuất gia làm sa môn, đời vị lai có thể đời đời kiếp kiếp được hầu hạ bên cạnh đức Phật.

Đức Phật nói:

- Lành thay! Lành thay!

Lập tức, râu tóc của ông lão tự rụng, pháp y tự nhiên xuất hiện trên thân. Không những thế, ông lại được thân khỏe, xương chắc, tai thính, mắt sáng, lập tức được trí huệ vi diệu, nhập vào tam muội.

Khi đó, đức Thế Tôn liền nói một đoạn kệ, đại ý như sau:

“Ông quá khứ thân làm thái tử, không biết lấy nhân từ tiếp đãi người, không hiểu được con người nên tôn trọng phép tắc và đạo lý, kiêu ngạo ngang ngược lại phóng túng, cậy mình làm con của đại quốc vương, tự cho là không có nhân quả tội phước, cho rằng vĩnh viễn giữ được sự tôn quý, quyền lực, ông nào thể ngộ được sự báo ứng của sinh tử. Ngày nay, cuối cùng ông cũng gặp phải tai họa như vậy. Tuy là chịu tội báo, nhưng từ nay lại nhận được sự từ bi che chở của đức Phật, được bái kiến Thế Tôn, có thể giải thoát các tội báo quá khứ. Lúc tuổi già như ngọn đèn trước gió lại được vào cửa Phật, được xuất gia tu đạo. Mong ông vĩnh viễn xa lìa tâm xan tham, thường có thiện căn trí huệ, đời đời kiếp kiếp được hầu bên cạnh Phật, cứ như thế trải qua vô số kiếp, huệ mạng vẫn mãi trường tồn”.

Bấy giờ, ông lão đã là thầy tì kheo già, sau khi nghe Phật khai thị, rất vui mừng hướng về đức Phật chí thành đảnh lễ.

Lúc đó, Thế Tôn bảo A nan:

- Nếu như có người đọc tụng kinh này, về sau sẽ gặp được một nghìn đức Phật ở Hiền kiếp. Nếu có người nào y theo bản kinh này mà thực hành, hoằng dương cho chúng sanh đời sau, sẽ được đức Phật Di Lặc thọ ký. Đức Như Lai có tướng lưỡi rộng dài, lời nói chân thật không hề hư dối.

Tất cả đại chúng sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, vui vẻ tin nhận phụng hành, cung kính đảnh lễ đức Phật.

Câu chuyện này thức tỉnh chúng ta:

Phải chú ý cử chỉ hành vi, khởi tâm động niệm của mình, không nên tùy ý làm não loạn chúng sanh. Nếu não loạn chúng sanh, quả báo sẽ theo sau như bóng theo hình, như âm thanh vọng lại. Dù bạn đi đến đâu, cái bóng nhất định cũng sẽ đi theo đến đó, chẳng hề rời xa. Cho nên, chúng ta đối với thân khẩu ý của mình phải rất cẩn thận.

Ông lão này vì muốn thấy Phật, chống gậy đi từng bước khổ sở, đi hết hơn mười năm mới gặp Phật, mà còn bị ngăn cản ở ngoài cửa, chút nữa là không gặp được Phật, may mà đức Phật biết được, nên từ bi cho phép, ông ta mới có thể gặp Ngài. Đúng là thân người khó được, Phật pháp khó nghe. Chúng ta có may mắn được nghe Phật pháp, hy vọng mọi người biết trân quý, tinh tấn tu hành.

Mong mọi người cùng cố gắng!

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 04.10.2014