Phật Học Vấn Đáp


Làm nghề đông lạnh nhưng anh ấy không trực tiếp sát sanh, anh ấy có quy y Phật được không?
Bạch Hòa thượng! Con có quen một người bạn làm nghề đông lạnh nhưng anh ấy không trực tiếp sát sanh. Ban đầu, từ một cơ sở nhỏ, rồi phát triển thành một công ty lớn, có bảy tám chục công nhân làm việc. Những nhân viên công nhân làm việc ở đây rất nhiệt tình nên mới thành tựu được những kết quả như vậy. Nếu bây giờ không làm nữa thì toàn bộ công nhân, nhân viên trong công ty đều thất nghiệp. Vì vậy, anh ấy vẫn duy trì công ty vì mọi người, còn việc quan hệ làm ăn kinh doanh thì giao cho người quen quản lý thay. Anh ấy bây giờ tự mình mở ra một hội từ thiện. Có người gọi anh ấy là cư sĩ Phật tử. Vậy con kính hỏi Hòa thượng, anh ta có cần phải quy y Tam bảo không?

8/16/2022 11:15:34 AM
Được! Quy y, nghĩa là trở về, là hồi đầu nên quy y là điều rất tốt. Đối với anh ta, cần phải hiểu, tại sao đời này mình có phước báu như vậy? Là do đời trước tu tạo rất nhiều việc thiện. Các vị đọc trong cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” sẽ rõ điều này. Xưa nay, từ cổ chí kim, con người sống cũng không ngoài vấn đề “miếng ăn miếng uống, đều do tiền định” Ai định cho mình? Chính là do mình cả, chẳng có ai định cho mình được. 

Trong Kinh có nói: Làm người có hai loại nghiệp báo. Một là dẫn nghiệp. Sao gọi là dẫn nghiệp? Tức là trong đời quá khứ, chúng ta đã làm các việc thiện hoặc ác, những hành vi đó, nó tích chứa vào tàng thức của mỗi người, tạo thành một động lực thúc đẩy họ đi đầu thai trong mười pháp giới. Dẫn nghiệp chính là năm giới, thập thiện giới. Đời trước, ta hành trì tu tập năm giới, mười giới nghiêm mật, không sai phạm thì nghiệp lực sẽ dẫn ta đầu thai lại cõi người, đầu thai vào một gia đình nào đó. Vậy ai là cha mẹ mình? Là những người có duyên với mình. Nhân duyên này rất phức tạp nhưng không ngoài bốn loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Nếu như báo ân thì đứa con mà bạn sanh ra rất hiền hậu, hiếu thuận, thiên tính rất tốt. Còn báo oán thì nó làm tán gia bại sản, chết người. Còn đến đòi nợ thì mình nuông chìu, yêu thương, cung phụng, lo lắng mọi mặt trong cuộc sống sinh hoạt cho nó, đến khi khôn lớn thì nó chết mất. Đây là do kiếp trước mình thiếu nợ nó về tiền bạc, bây giờ đến đòi nợ xong là đi. Còn trả nợ thì đứa con đó sớm tối quan tâm chăm lo cung phụng cha mẹ những nhu yếu trong cuộc sống, nhưng trong tâm không cung kính, không hiếu thuận. Nếu không có liên quan đến bốn ân này thì không bao giờ đầu thai đến nhà mình. Sau khi hiểu rõ vấn đề này, Phật tử đem những nghiệp duyên đó chuyển hoá thành pháp duyên. Đây chính là giác ngộ. Dù ở trong Hòan cảnh thế nào, chúng ta cũng khuyên họ niệm Phật, khuyến khích họ học Phật, tiếp nhận lời Phật. Bồ tát đã dạy: Đây chính là chúng ta đem các nghiệp duyên ở trong quá khứ chuyển thành các pháp duyên, những móc xích oan thân trái chủ sẽ xoá trừ sạch, đều biến thành trí huệ chân chánh.

Thứ hai là Mãn nghiệp. Sau khi chúng ta trở lại làm thân người như bao người khác nhưng trong cuộc sống, ta có tiện nghi đầy đủ để hưởng thụ, lại thành tựu con đường công danh sự nghiệp ở xã hội. Ở đây, các vị phải biết là do đời trước ta tu tạo phước đức rất nhiều. Người làm việc ác thì gặp quả báo ác. Người biết tu tạo phước đức là nhân, đưa đến sự giàu sang là quả. Dùng pháp bố thí là nhân, thông minh trí tuệ là quả. Dùng vô uý bố thí là nhân, sống lâu khoẻ mạnh là quả. Nếu như bạn làm được cả ba loại bố thí này thì kết quả vô cùng thù thắng. Bạn vừa giàu sang, vừa được thông minh trí tuệ và được thân thể khoẻ mạnh sống lâu. Bạn quan sát có nhiều người giàu có nhưng lại không thông minh trí tuệ, thậm chí học không hết tiểu học nhưng phước duyên  của họ rất tốt, làm việc gì cũng thành công, lại được những thành phần trí thức, bác học phụ giúp làm nên sự nghiệp. Khi về già, các nhân viên thuộc hạ thay họ làm những việc kinh doanh buôn bán. Những công nhân, nhân viên này đến để báo ân cho họ vì do đời trước thiếu nợ họ. Do đó, làm người cần phải tu thiện tích đức, khi đầy đủ mãn nghiệp thì mọi việc vô cùng tốt đẹp.

Trong đời trước, chúng ta tu hành thiếu khuyết, thì đời này về phương diện nào đó ta gặp những khó khăn, khốn khó. Nhưng sau khi mình hiểu được Phật pháp thì ngay bây giờ, chúng ta nỗ lực tu tập vẫn còn kịp. Khi Phật tử hiểu rõ điều này thì nên cố gắng nỗ lực tu tập trong thời gian ba năm sẽ có kết quả tốt đẹp. Vận mạng nhất định có, nhưng chúng ta có thể cải đổi vận mạng được. Nếu tâm chúng ta nghĩ các việc thiện, làm các việc thiện, thì những điều xấu từ từ bớt đi, các việc tốt càng ngày càng thù thắng. Còn nếu tâm chúng ta chứa những điều bất thiện, làm những việc bất thiện thì dù có phước báu nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng dần dần tổn giảm, hưởng phước một thời gian nào đó, phước sẽ hết. Khi phước hết rồi thì các ác nghiệp sẽ đến với mình. Chúng ta hãy thử quan sát và nhìn xem những gia đình giàu có ở xã hội bây giờ, bỏ tiền bạc ra kinh doanh buôn bán ít năm thì tiêu tan sự nghiệp. Đó chính là trong quá khứ họ có phước báu nhưng bây giờ không hành thiện tích đức, vì thế phước báu nhanh chóng hết. Đạo lý này chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo và rõ ràng.
 
Trích từ:  Tịnh Độ Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Thích Nhuận Nghi


Thẻ
Nghiệp        Tam Bảo        Quy Y        Thập Niệm        Phật Tử       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật