Phật Học Vấn Đáp


Nằm mộng thường có Quỷ thần đến cầu giúp đỡ, phải làm thế nào mới có thể thật sự giúp đỡ họ?
Đệ tử học Phật hơn một năm, trong nhà mỗi buổi tối đều phát “Kinh Địa Tạng”, khi nằm mộng thường có Quỷ thần đến cầu giúp đỡ, chúng con đúng là chưa có công phu tu hành, phải làm thế nào mới có thể thật sự giúp đỡ họ lìa khổ được vui ?

8/14/2022 7:58:30 AM
Mỗi ngày buổi tối đều phát “Kinh Địa Tạng” chính là giúp đỡ, thời gian khác thì bạn có thể niệm Phật, lấy câu Phật hiệu hồi hướng cho họ. Niệm “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát”, niệm danh hiệu này cũng có thể hồi hướng cho họ, đây đều là điều chúng ta có thể làm được. Bạn giúp họ, họ hoan hỉ, họ cảm ân, cho nên những Quỷ thần này cũng hộ trì bạn, Quỷ thần hộ trì thì bạn làm việc sẽ rất thuận lợi.

Vì sao chúng ta có thể nhìn thấy Quỷ thần? Đặc biệt khi nghe Kinh, niệm Phật, thường xuyên có Quỷ thần đến.

Đây là cảm ứng, bạn không tin Quỷ thần, bạn cũng không chịu giúp họ thì họ không đến, họ đến thì cũng chẳng có tác dụng gì, không có chỗ tốt, là do bạn thật sự tin. Bao nhiêu năm nay tôi đã gặp được quá nhiều, tôi từng hỏi họ, tôi hỏi: “Vì sao các vị tìm tôi mà không tìm người khác?” Họ trả lời rất chắc chắn, họ nói vì Thầy tin, Thầy có thể giúp đỡ tôi thì tôi mới đến tìm Thầy. Họ nói nếu Thầy không tin, Thầy không thể giúp đỡ tôi thì tôi đến tìm Thầy có tác dụng gì chứ? Tôi mới hiểu rõ đạo lý này, nói rất có đạo lý. Họ đến tìm tôi, chúng tôi thật sự giúp họ, chúng tôi mỗi ngày giảng Kinh, niệm Phật, tụng Kinh đều hồi hướng cho họ, đều lập cho họ một bài vị nhỏ, cúng Thần như Thần đang ở đó; chúng tôi tôn trọng họ, không xem thường họ. Chúng tôi biết họ vốn dĩ cũng là Phật, ở trong Lục Đạo chúng tôi không cùng tầng không gian với nhau, chúng tôi đều là Mê mà không Giác. Chúng tôi có duyên phận gặp được Phật pháp; hay nói cách khác, trong sự bất giác này nếu so sánh với họ thì chúng tôi là thành phần giác ngộ cao hơn họ, họ kém hơn chúng ta. Chúng tôi đối xử với họ như đối với đồng tu, chúng tôi có nghĩa vụ giúp đỡ họ.

Câu hỏi tiếp theo, có người nói: “Chúng tôi là chúng sanh phi nhân”, khiến chúng con cảm thấy rất sợ hãi. Phải nên chân thật tu hành như thế nào để đời này chắc chắn được vãng sanh ạ?

Chúng sanh phi nhân, người cũng là chúng sanh, ý nghĩa của chúng sanh là hiện tượng của chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, gọi là chúng sanh. Hữu tình, vô tình trong Lục đạo đều là hiện tượng chúng duyên hòa hợp sanh khởi, cho nên chúng sanh là bao gồm tất cả sanh vật. Thập Pháp Giới y chánh trang nghiêm, cây cỏ hoa lá là chúng sanh, chúng duyên hòa hợp, Sơn hà Đại địa cũng là chúng sanh, những gì mà Lục căn của bạn tiếp xúc được không gì không phải là chúng sanh. Những suy nghĩ mà trong tâm bạn khởi lên vọng tưởng cũng là hiện tượng chúng duyên hòa hợp sinh khởi, cho nên phạm vi của chúng sanh rất lớn. Chúng sanh phi nhân là chỉ cho tất cả chúng sanh không phải là loài người, bạn không hiểu thấu thì bạn sẽ thấy sợ hãi; bạn hiểu thấu rồi thì bạn không sợ, không có gì đáng sợ cả. Cõi quỷ, người nào trong chúng ta mà không từng ở trong Cõi quỷ, đều từng làm quỷ, đâu có người nào mà chưa từng ở Địa ngục, từ Địa ngục đi ra. Cho nên nói ở trong Lục đạo, cõi nào cũng đều đã từng trải qua. Trong nhiều đồng học, cũng có người từng làm Thiên Vương, hiện nay từ Thiên Vương, phước trời hưởng hết rồi thì đọa lạc xuống nơi này. Tu phước thì nâng lên, tạo tội thì bị đọa lạc xuống, Lục đạo là sự việc như vậy. Cho nên bất kỳ cảnh giới nào hiện tiền, cứ lấy tâm bình thường để nhìn thì không có việc gì đáng vui, cũng không có việc gì đáng sợ.

Gặp được pháp môn Tịnh Độ quá khó, quá khó gặp được, hết thảy chư Phật Như Lai đều tán thán duyên này, không dễ gì gặp được. Sau khi gặp được rồi mà chân thật tin tưởng thì nhất định đời này phải sanh Tịnh Độ, làm thế nào để nắm chắc được? Chúng ta không thể sanh là vì có nghiệp chướng chướng ngại. Nếu thật có thể sám trừ nghiệp chướng thì chướng ngại không còn nữa. Cho nên ngay cả bậc Thánh nhân quân tử ở thế gian đều nói: “Nghe lỗi thì vui”, đây là Thánh Nhân, đây là gì? Chúng ta gọi là Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng, là loại người nào? Nghe người khác nói đến lỗi lầm của ta thì ta có thể tiếp nhận, ta có thể phản tỉnh, ta có thể sửa lỗi đổi mới, người này chính là Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng, người này trọn đủ mỹ đức của Thánh Hiền, trọn đủ điều kiện để thành Phật làm Tổ. Nếu vừa nghe thấy người khác nói lỗi của mình, lập tức đã nổi giận, không thể tiếp nhận, vẫn đưa ra nhiều ngôn từ để phản bác, đây là phàm phu. Bạn thử nghĩ xem trong số đại chúng mà chúng ta tiếp xúc, bao gồm cả chính mình, xem chúng ta là loại người nào? Người khác nói lỗi của ta thì có thể tiếp nhận không? Có muốn đi phản bác không? Người hiểu rõ thì trong tâm rõ ràng, nhất định sẽ không phản bác. Vì sao vậy? Sau khi phản bác rồi thì sẽ không có người nào nhắc nhở mình nữa, chính mình phát hiện ra lỗi lầm của chính mình thì quá khó! Đó là người nào? Là Thánh Nhân. Hiền Nhân cũng không làm được, Hiền Nhân trở xuống muốn sửa lỗi đổi mới thì sao? Nhìn người khác, bạn nhìn lỗi của người khác thì rất dễ, bạn nhìn lỗi của mình thì rất khó.

Cho nên Hiền Nhân là gì? Nhìn lỗi của người rồi hồi quang phản chiếu, người khác là cái gương, lập tức soi lại xem chính mình có hay không? Có thì sửa, không thì khích lệ, đây là đạo Thánh Hiền. Đây là điều mà chư Phật Bồ Tát, Đại Thánh Đại Hiền tán thán. Không có gì khác, chúng ta muốn thành tựu chắc chắn được vãng sanh Tịnh Độ thì phải dũng cảm sửa lỗi, người khác nói lỗi của chúng ta thì chúng ta phải cảm ân, cảm ân họ đã nhắc nhở. Họ nói sai, hiểu lầm cũng cảm ân, khi nói sai, không phải vậy thì nhắc nhở chúng ta, chúng ta không phạm phải lỗi lầm này thì rất tốt, có thể nhắc nhở đều là Đại ân Đại đức. Chúng ta sửa lỗi đổi mới, thành Thánh thành Hiền, tương lai vãng sanh thành Phật, chính là báo đáp họ, đây thật sự gọi là Tri ân Báo ân. Cho nên con người phải nên vĩnh viễn sống trong thế giới cảm ân, bạn nói xem bạn vui sướng biết bao, đây mới gọi là người thật sự hạnh phúc mĩ mãn. Thánh Hiền nhân thường nói với chúng ta “Nhân giả vô địch”, trong Phật pháp thì Nhân giả là tôn xưng của Bồ Tát, chính là người nhân từ, lại nói rõ một chút, người Đại từ Đại bi gọi là người Nhân. Vô địch là gì? Trong tâm của họ không có đối lập thì gọi là vô địch, trong nội tâm của họ không tìm được điều nào đối lập. Người khác đối lập với ta thì không vấn đề gì, trong tâm ta không đối lập với người, vậy là được, thân tâm thư thái, cho nên tướng mạo, thể chất của bạn đều sẽ hồi phục bình thường. Đúng thật là trong Phật pháp thường nói ít bệnh ít buồn, buồn là gì? Là phiền não, thân tâm của bạn ít bệnh ít buồn, đây là Thánh Nhân, Bồ Tát. Đến quả địa Phật thì mới không bệnh không buồn, đó là thành Phật rồi. Bồ Tát, A La Hán ít bệnh ít buồn, phiền não của các Ngài vẫn chưa đoạn hết.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Địa Tạng        Hộ Pháp        Học Phật        Công Phu        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật