Phật Học Vấn Đáp


Có cần nghe kinh khoảng giữa thời gian niệm Phật?
Phật Thất hàng năm của đại chúng bên trong Niệm Phật Đường ở Đạo tràng, khi nghe Kinh trong khoảng giữa các thời niệm Phật, phải nên chuyên nghe Kinh luận Tịnh Độ mà Sư Phụ Thượng Nhân giảng, hay là trước hết bắt đầu nghe “Giảng Tòa Nhân Sinh Hạnh Phúc” và “Đệ Tử Quy” của Thầy Thái ?

8/14/2022 7:49:46 AM

Trong Phật pháp có hai loại người, loại thứ nhất là thượng trí và hạ ngu, họ có thể không cần nghe Kinh. Người thượng trí, gọi là một nghe ngàn ngộ, họ thì một câu, hai câu là đã tường tận rồi; Người hạ ngu, bạn nói kiểu gì thì họ cũng nghe không hiểu, nhưng họ có chỗ tốt, là thật thà! Bạn dạy họ một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng thì họ cả đời niệm đến cùng, họ thật sự có thể làm được không xen tạp, không hoài nghi, không gián đoạn. Chúng ta xem “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, xem “Vãng Sanh Truyện”, trong đó xác thực ít nhất sáu mươi đến bảy mươi phần trăm số người, thậm chí đến tám mươi phần trăm số người đều thuộc về hạ ngu. Thời gian là bao lâu? Ba năm, thật sự vãng sanh. Đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước giờ đi không sanh bệnh, thật sự thành công! Cho nên thật thà đáng quý hơn bất cứ điều gì, người thật thà khó. Tuyệt đại đa số trong đó, chín mươi chín phần trăm không phải thượng cũng chẳng phải hạ, gọi là người trung căn. Người trung căn là khó chuyển nhất. Thế Tôn giảng Kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm chính là vì người trung căn. Vì người thượng căn thì không cần, giống như Đại sư Huệ Năng là người thượng thượng căn, lên lớp thì nhiều nhất một hai giờ đồng hồ là đã giải quyết rồi, Ngài liền thành Phật. Người hạ hạ căn, bạn dạy họ, họ niệm Phật nhiều lắm thì ba năm họ đến Thế giới Cực Lạc gặp A Di Đà Phật. Cho nên người trung căn khó! Phiền não tập khí của họ sâu nặng, ý kiến rất nhiều, cho nên Phật mới vì những người này mà giảng Kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm.

Đã là người trung căn thì nhất định phải làm theo quy cũ, bạn phải nghe lời. Làm theo quy cũ là làm như thế nào? Nhất định phải trì Giới. Phật nói với chúng ta ba nguyên tắc, trì Giới, tu Định, khai Ngộ. Ngày nay chúng ta muốn học giáo, rất có hứng thú với Kinh giáo nhưng không có hứng thú với Giới luật, không muốn học Giới, vậy thì không có cách gì, Phật cũng bó tay hết cách. Nếu bạn muốn thành tựu, đến đời nào bạn thật sự thích trì Giới thì đời đó bạn sẽ có thành tựu. Nếu bạn lơ là Giới luật thì đời đó của bạn không thể thành tựu, vẫn là trồng một chút thiện căn vào A Lại Da Thức, chỉ kết pháp duyên mà thôi. Phải hiểu điều này. Vậy muốn trì Giới thì sao? Phật dạy chúng ta: “Trước học Tiểu thừa, sau học Đại Thừa”. Tiểu Thừa là nói từ nhân thiên, chính là nói trước hết làm người cho tốt. Người còn làm không tốt thì làm sao bạn có thể làm Phật được chứ? Phật là người hoàn mĩ nhất trong con người, là người không có mảy may khiếm khuyết. Điều này khiến chúng tôi nghĩ đến các Tổ Sư Đại Đức của chúng ta, từ giữa thời nhà Đường về sau đã bỏ đi Tiểu Thừa, dùng Nho và Đạo để thay thế. Cho nên mối quan hệ giữa Nho Thích Đạo là một nhà, mối quan hệ Nho Thích Đạo vô cùng mật thiết. Chúng ta học Phật thì phải cắm gốc của Nho, Nho là nói nhân luân, là làm người; người mà bạn còn làm không tốt thì bạn không thể làm Phật. Đạo là nói thành Tiên, cũng phải làm người trước, làm người không tốt thì làm sao có thể làm Tiên? Nếu bạn hiểu rõ đạo lý này thì bạn mới hiểu Nho là gốc của làm người, cái gốc đầu tiên. Cho nên các đồng học phải nghiêm túc làm cho tốt “Đệ Tử Quy”, người khác làm hay không cũng không liên quan tới ta, nếu ta cầu người khác làm thì sai rồi, vì sao vậy? Đó là vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn. Phải yêu cầu chính mình làm, khách khí với người khác, không được khách khí với chính mình. Làm được “Đệ Tử Quy” rồi, câu đầu tiên trong “Đệ Tử Quy” là “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”. Cha mẹ không còn nữa thì người khác gọi ta, ta có thể chậm chạp, bỏ qua được không? Không được, họ là một ví dụ, đối xử với hết thảy chúng sanh phải giống như đối đãi với cha mẹ vậy. Nếu ta hiếu kính cha mẹ như thế nào thì hiếu kính hết thảy chúng sanh như thế đó. Đây là ở trong Phật pháp Đại thừa có. Trong “Bồ Tát Giới Kinh”, Phật nói với chúng ta rất rõ ràng: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”. Chúng ta đều xem hết thảy nam tử nữ nhân như cha mẹ của mình thì tâm hiếu đó của chúng ta mới có thể làm đến được.

Hiếu là nền tảng của hết thảy Pháp, căn bản của căn bản, là yêu cầu chính mình, không yêu cầu người khác. Hiếu kính đạt đến chỗ cùng cực là ở trong Phật pháp, Phật pháp nói: “Tình và vô tình, đồng viên chủng trí”. Chúng ta nhìn thấy một con kiến, nhìn thấy một con muỗi, cũng giống như nhìn thấy cha mẹ của mình không có khác biệt. Ai làm được? Nói cho các vị biết, Tu Đà Hoàn làm được. Tu Đà Hoàn là vừa mới nhập môn, là Sơ quả của Tiểu thừa. Trong Đại thừa thì là Bồ Tát Sơ Tín Vị, “Kinh Hoa Nghiêm” nói Thập Tín, Bồ Tát Sơ Tín Vị làm được. Chúng ta không làm được, không làm được thì chưa đến Sơ Tín, cũng chính là chưa bước vào cửa Hoa Nghiêm, Thập Tín là Tiểu học của Hoa Nghiêm, Thập Trụ là Đại học của Hoa Nghiêm. Chúng ta không đọc không học những Kinh giáo này thì làm sao biết được? Sau đó bạn quay đầu lại thử nghĩ xem, bạn nói học Phật khó biết bao? Người nào có thể có tâm cung kính như vậy? Loại tâm cung kính này, nói cho các bạn biết, đó là tánh đức. Nếu bạn giác ngộ rồi thì bạn sẽ làm như vậy, nhưng bạn không giống với chư Phật, là có khác biệt, điều hoàn toàn tương đồng chính là sự lưu lộ của tự tánh. Vì sao vậy? Hết thảy chúng sanh hữu tình vô tình đều là tự tánh biến hiện ra, tự tánh Di Đà, tự tánh Bồ Tát, tự tánh chúng sanh. Ruồi muỗi kiến gián trong chúng sanh, tự tánh kiến gián, tự tánh ruồi muỗi, là bình đẳng với tự tánh Di Đà, tự tánh Quan Âm, không có chút khác biệt.

Chúng ta nếu không huân tập trong giáo hạ nhiều năm như vậy thì sẽ không hiểu! Chúng tôi giảng cho người sơ học nghe, họ nghe thấy kỳ lạ, họ cũng không thể tiếp nhận, đâu có việc như vậy chứ? Đây là nói năng hồ đồ. Các loài bò bay máy ngựa làm sao có thể so sánh với cha mẹ của ta? Làm sao có thể so sánh với Phật Bồ Tát chứ? Họ nói chúng tôi nói năng hồ đồ. May mà lời này là lời Phật nói, không phải là chúng tôi nói, chúng tôi không hề nói ra. Chúng tôi thông qua huân tập nhiều năm như vậy, cuối cùng thì những lời nói này của Phật chúng tôi cũng nghe hiểu rồi nên tin tưởng, không hoài nghi, cũng học tập nghiêm túc. Hiện nay, chúng tôi nhìn thấy ruồi muỗi, nhìn thấy côn trùng nhỏ, chúng tôi sẽ chắp tay, chào Tiểu Bồ Tát! Nhất định sẽ không làm hại chúng. Khi tôi đi tắm, xả nước vào bồn tắm mà nhìn thấy trong bồn tắm có côn trùng nhỏ thì tôi không dám xả nước, trước hết nhất định chắp tay nói với chúng: “Tiểu Bồ Tát! Bây giờ tôi phải dùng bồn tắm này, mời bạn rời đi”. Nó đi rồi thì chúng tôi mới có thể xả nước, không được làm hại chúng, những côn trùng nhỏ đó còn nhỏ hơn cả con muỗi.

Cho nên chúng ta từ nhỏ chưa được cắm gốc, hiện nay cắm gốc là điều tất yếu, có thể đồng thời tiến hành. Mỗi ngày chúng ta dùng một nửa thời gian làm giáo dục cắm gốc, học những điều này, một nửa thời gian chúng ta để nghe Kinh, để niệm Phật. Phải đặc biệt xem trọng giáo dục cắm gốc. Cắm gốc, chúng ta cắm bốn cái gốc, đồng học xuất gia nhất định không được lơ là “Đệ Tử Quy”, phải biết không có “Đệ Tử Quy” thì nỗ lực cả đời của bạn sau cùng bằng không. Nếu muốn thành tựu thì cái gốc này là quan trọng hàng đầu, tuyệt đối không được lơ là. Có gốc này rồi mới có Phật pháp, không có gốc này thì không những không có Phật pháp mà pháp Nhân Thiên cũng không có. “Đệ Tử Quy” là Nhân đạo, “Cảm Ứng Thiên” là Thiên đạo, nhà Đạo nói thành Thần tiên, thượng phẩm là Thiên Tiên, Thập Thiện Nghiệp là Phật đạo, “Sa Di Luật Nghi” là Tăng Đạo. Thật sự muốn hưng khởi lại đạo tràng mà bạn không cắm bốn cái gốc này thì bạn không làm được. Cắm được bốn cái gốc này rồi thì đạo tràng của bạn sẽ tự nhiên mà hưng khởi lên, không cần bạn phải lo nghĩ gì. Vì sao vậy? Thần hộ pháp giúp bạn hưng khởi lên. Thần hộ pháp là hộ pháp cho Đạo chứ không phải hộ pháp cho người, bạn là người có Đạo thì họ sẽ bảo hộ cho bạn, nếu bạn làm người không có Đạo thì họ không bảo hộ bạn. Phải hiểu đạo lý này. Hết thảy tùy duyên, nhất định không được phan duyên. Phan duyên là tạo nghiệp, tạo nghiệp rất nặng. Tùy duyên, không phân biệt, không chấp trước thì thành tựu Công đức. Nếu vẫn có phân biệt, vẫn có chấp trước thì là Phước đức.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Niệm Phật        Tịnh Độ        Luận        Hạnh        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật