Phật Học Vấn Đáp


Chỉ cần tín nguyện thật sự đầy đủ, tán niệm cũng có thể vãng sanh có mâu thuãn không?
Trong "Di Đà Kinh Yếu Giải", Đại Sư Ngẫu Ích nói, chỉ cần tín nguyện thật sự đầy đủ, tán niệm cũng có thể vãng sanh. Như vậy có phải mâu thuẫn với cách nói: "Công phu thành phiến là yêu cầu thấp nhất của vãng sanh" không?

8/13/2022 8:57:19 PM

Không mâu thuẫn. Công phu thành phiến là bạn có thể tự tại vãng sanh; đầy đủ tín nguyện, tán niệm cũng có thể vãng sanh, đây là điều kiện thấp nhất để vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tán niệm là gì? Tán niệm là không có định khóa. Ta mỗi ngày phải có công khóa cố định, đây không phải tán niệm, công khóa không cố định là tán niệm. Họ rảnh thì niệm Phật, có việc thì làm việc, đây gọi là tán niệm. Tín nguyện kiên định, một mảy may hoài nghi cũng không có, vậy thì có thể! Tổ sư nói được rất hay, có thể vãng sanh hay không quyết định ở chỗ có Tín Nguyện hay không. Phẩm vị vãng sanh, đó là công phu niệm Phật cao hay thấp. Bốn cõi ba bậc chín phẩm, đó là mức độ của công phu niệm Phật. Nếu nói đến vãng sanh thì chân tín thiết nguyện, người này nhất định vãng sanh. Những điều nói bên trong "Yếu Giải" này, Đại Sư Ấn Quang vô cùng tán thán. Cho nên pháp môn này gọi là pháp dễ hành. Nhưng tín nguyện này, người chân tín thiết nguyện thì không nhiều. Người thông thường thì tín nguyện này là giả, không phải thật, vì sao vậy? Có tham luyến đối với thế gian này, đây là giả. Chưa buông xuống thế duyên, tranh danh đoạt lợi, làm sao họ có thể vãng sanh được? Người chân tín thiết nguyện là như thế nào? Không quan tâm đối với danh văn lợi dưỡng ở thế gian, buông xuống hết. Khi thân thể còn ở thế gian này thì luôn là tùy duyên, cái gì cũng tốt, nhất định không có mảy may tính toán, không có mảy may chấp trước, vậy thì nhất định vãng sanh.

Đối với thế gian này bạn chưa nhìn thấu, thế gian này như trong "Kinh Kim Cang" nói rất hay: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng", "hết thảy pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh". Đặc biệt "Kinh Bát Nhã" nói rất thấu triệt: "Hết thảy pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc". Cho nên chân thật hiểu rõ rồi thì triệt để buông xuống, không có gì là không tùy duyên cả. Ví dụ như nói dạy học độ chúng sanh thì phải tùy duyên, có duyên thì làm, không có duyên thì không làm, không phải là yếu tố nhất định. Nếu là yếu tố nhất định thì chấp trước rồi. Có duyên thì phải nên làm, vì sao vậy? Lợi ích rất nhiều chúng sanh. Không có duyên thì một chút cũng không miễn cưỡng, là chúng sanh không có phước mà. Sự việc này Phật có đến cũng không được, nhất định chúng sanh phải có phước. Phật đến thế gian để xuất thế, chúng sanh phước báo hiện tiền, cảm được Phật đến ứng hóa. Chúng sanh không có phước, nếu Phật đến được thì Phật phải thường xuyên đến, nhưng vì sao ít khi Phật đến như vậy? Phước báo chúng sanh chín muồi thì Phật sẽ đến thôi.

Chúng sanh thiếu phước, nói thật ra Phật cũng đến, nhưng không dùng thân Phật, không hiện thân tám tướng thành đạo. Giống như Đại Sư Huệ Năng ở Trung Quốc, thị hiện thân tiều phu rất bình thường, thị hiện làm thân phận Tổ sư. Đúng thật cũng có thị hiện làm thân phận Tể Quan, có thị hiện làm thân phận thương chủ (thương chủ chính là chủ doanh nghiệp lớn mà hiện nay nói). Thân phận nào cũng có thể thị hiện, nhưng phàm phu không biết. Những việc các Ngài làm, việc tốt dường như cũng không quá nhiều, vì sao vậy? Duyên phận chúng sanh. Chúng sanh chỉ có phước báo lớn bấy nhiêu, nếu vượt quá thì họ không nhận được. Tuyệt đối không phải các Ngài tùy tiện làm theo ý mình, mà thảy đều xem duyên phận. Cho nên, năng cảm là chúng sanh, sở ứng là Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát tuyệt đối không khởi tâm động niệm, nhất định không phân biệt chấp trước, chúng ta phải dùng thiện tâm để cảm, chúng ta phải dùng tâm chân thành học tập để cảm, cảm ứng này sẽ rất lớn.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Vãng Sanh        Nguyện        Công Phu        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật