Phật Học Vấn Đáp


Xin hỏi đọc kinh không nghĩ đến ý nghĩa thì làm sao y giáo phụng hành?
Lão Pháp sư nói kinh Phật không có ý, nhưng lúc dùng thì là vô lượng nghĩa, đọc kinh không được nghĩ đến ý nghĩa; lại nói đọc kinh phải biết chuyển kinh, phải y giáo phụng hành. Xin hỏi đọc kinh không nghĩ đến ý nghĩa thì làm sao y giáo phụng hành?

8/12/2022 5:03:46 PM

Khi đọc kinh mà không nghĩ đến ý nghĩa là rất khó, đó gọi là chân thật biết đọc kinh, cho nên không có nhiều người thật sự biết đọc kinh. Đọc kinh mà không nghĩ đến ý nghĩa là việc như thế nào? Là chân tu hành. Tu cái gì? Hoàn thành Giới Định Huệ cùng lúc. Nếu nghĩ đến ý nghĩa thì bạn đã phá sạch Giới Định Huệ rồi; chính là thật sự dùng phương pháp đọc kinh để tu định, để khai ngộ, đó gọi là chân thật biết tụng. Chân thật tụng đến nhất tâm thì người đó khai ngộ, trí huệ liền hiện tiền. Cho nên, người thường một mặt tụng kinh, một mặt nghiên cứu xem ý nghĩa câu này là gì? Ý nghĩa đoạn này là gì? Ý đó không phải là ý của Phật, mà là ý của chính bạn. Tại sao vậy? Phật không có ý. Cho nên kinh của Phật, bạn thử xem chú giải của người xưa thì bạn sẽ hiểu được, bạn xem Kinh Kim Cang có mấy trăm loại chú giải, Kinh Lăng nghiêm cũng có khoảng hơn một trăm loại chú giải, mỗi người chú giải đều không giống nhau. Nếu Phật có ý thì phải đều giống nhau chứ, vậy sao lại không giống nhau? Cho nên kinh Phật không có ý, người sâu sắc thì nhìn thấy sâu sắc, thấy được ý nghĩa sâu, người nông cạn thì thấy được ý nghĩa nông cạn, chỗ tuyệt diệu của Kinh là ở chỗ này.

Kinh Phật, chúng ta biết là từ trong tự tánh của Phật lưu lộ ra, trong tự tánh làm gì có ý chứ? Làm sao mới có thể kiến tánh? Hiện nay chúng ta đang học kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm nói rất nhiều, bạn phải buông xuống hết thảy vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn minh tâm kiến tánh. Hết thảy kinh của Phật đều là từ tâm tánh lưu lộ ra, cho nên kinh Phật không có ý. Người tụng kinh tùy theo trình độ của họ, phàm phu tụng kinh là ý của phàm phu, A la hán tụng kinh là ý của A la hán, Bồ tát tụng kinh là ý của Bồ tát, Phật tụng kinh chính là ý của Phật, bạn nhất định phải hiểu đạo lý này. Trong kinh dạy chúng ta đừng tưởng tượng, đừng tư duy thì ý nghĩa liền khởi lên, đó chính là chỗ ngộ của bạn. Nếu bạn nghĩ, nghĩ là ý thức thứ sáu, chấp trước là thức thứ bảy, bạn vừa nghĩ vừa chấp trước thì rơi vào trong ý thức rồi, đó thực sự không còn là Phật pháp nữa, Phật pháp đã biến thành thế gian pháp.

Phật dạy chúng ta làm cách nào? Nói thật ra, thiên kinh vạn luận, thực hiện ở trên hành vi trong đời sống chính là Thập thiện nghiệp đạo, đó là nền tảng. Cho dù là pháp Tứ Đế của A la hán, thực hiện ở trong đời sống vẫn là Thập Thiện nghiệp đạo. Lục Ba la mật của Bồ tát, Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ tát, các vị nghĩ xem, nếu không có Thập Thiện Nghiệp Đạo thì chúng không thể thực hiện, chúng đều là không, đều biến thành huyền học, phải hiểu điều này. Thực hiện hết thảy học vấn của nhà Nho chính là Đệ Tử Quy, biểu hiện ngay trong đời sống hằng ngày chính là như vậy. Lý luận của Đạo gia tuy cao sâu nhưng thực hiện cũng là ở Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Những thứ như vậy bạn phải thật sự làm được, đây gọi là Thánh học. Làm được thì thế nào? Chính là bạn giống như Thánh nhân. Mặc dù cảnh giới của bạn không đạt đến mức cao như Thánh nhân, nhưng nhất cử nhất động của bạn trong đời sống hằng ngày đúng thật là giống Thánh nhân, đạo lý là ở chỗ này.

Chúng ta không thể không xem trọng khóa trình nền tảng vô cùng quan trọng của ba nhà Nho Thích Đạo, những thứ này là sơ học, cũng là cứu cánh viên mãn. Nhà Nho đạt đến cứu cánh viên mãn chính là như vậy, lý thông rồi thì sự đều như nhau. Phật đến cứu cánh viên mãn cũng là Thập Thiện Nghiệp, rốt ráo viên mãn của Thập Thiện Nghiệp chính là thành Phật, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Chúng ta ngày nay có phiền não tập khí quá nhiều, làm chướng ngại cửa ngộ của chính mình, cho nên không khai ngộ. Nghiêm túc y theo phương pháp này mà tu học thì đó chính là trì giới, nhất tâm chuyên chú chính là định, định đến một giai đoạn tự nhiên sẽ khai trí huệ. Cũng đừng ngày ngày suy nghĩ: sao ta vẫn còn chưa khai trí huệ? Thế thì bạn vĩnh viễn không thể khai trí huệ. Vì sao vậy? Đó là chướng ngại! Có rất nhiều người niệm Phật đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, con niệm nhiều năm như vậy, sao vẫn chưa đạt được công phu thành phiến?” Tôi nói: “Đời này của bạn đừng hy vọng, tuyệt đối sẽ không đạt được công phu thành phiến”. Họ hỏi tại vì sao? “Bởi vì bạn có vọng niệm đang làm chướng ngại. Cái gì bạn cũng không cầu thì tự nhiên sẽ đạt được. Tâm mong cầu đó của bạn là vọng tâm, là chướng ngại, nó đã phá hoại công phu niệm Phật của bạn”. Phải chân thật dùng tâm thanh tịnh để niệm, tâm thanh tịnh là không được khởi vọng tưởng, cứ thật thà mà niệm thì tự nhiên sẽ có cảm ứng.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Y Giáo        Thập Niệm       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật