Phật Học Vấn Đáp


Hết thảy chúng sanh đều là Phật vị lai, vậy đến lúc nào thì hết thảy chúng sanh mới đều thành Phật?

8/12/2022 12:03:55 PM

Hôm trước chúng ta đã vẽ một cái bảng, tôi nhìn thấy được dán ở trên bảng thông báo. Thật ra cũng nên đưa lên truyền hình cho mọi người xem. Dán trên bảng thông báo thì chỉ có đồng tu ở trong học viện của chúng ta mới có thể xem thấy. Nếu phát lên truyền hình thì trên mạng, trên truyền hình vệ tinh đều có thể xem thấy. Đến khi nào thì tất cả chúng sanh thảy đều thành Phật? Điều này không có thời gian dài hay ngắn mà đều ở trong một niệm. Một niệm giác ngộ thì chúng sanh thành Phật, một niệm mê hoặc thì biến thành tam đồ lục đạo. Sự khác biệt giữa Phật và chúng sanh chính là mê ngộ không như nhau mà thôi. Câu “hết thảy chúng sanh vốn dĩ thành Phật” là nói hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Nhưng hiện nay bạn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, cho nên gọi bạn là chúng sanh.

Nếu chúng ta thảy đều buông xuống vọng tưởng phân biệt chấp trước thì liền thành Phật, khi nào bạn buông xuống thì khi đó bạn thành Phật. Nếu không buông được vọng tưởng nhưng buông được phân biệt chấp trước thì bạn chính là Bồ tát. Bồ tát vẫn còn vọng tưởng, không có phân biệt chấp trước. Nếu vẫn còn vọng tưởng phân biệt mà buông được chấp trước rồi thì bạn là A la hán. Nếu cả ba thứ này đều không buông xuống được thì bạn là lục đạo phàm phu, đó chính là như chúng ta hiện nay, cả ba thứ đều không buông được! Phật dạy chúng ta trước hết buông xuống chấp trước, đây là thứ thô nhất, nặng nhất, không chấp trước đối với hết thảy người việc vật nữa. Phải học tùy duyên, Phổ Hiền Bồ tát dạy chúng ta “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức”, có thể tùy thuận người khác, cái gì cũng tốt, không chấp trước nữa thì là A la hán. Tiến thêm một bước, không những không chấp trước mà ý niệm phân biệt cũng không còn, vậy thì bạn chính là Bồ tát. Đến sau cùng, vọng tưởng là khởi tâm động niệm, điều này là khó nhất. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, làm được không khởi tâm, không động niệm, tâm giống như một tấm gương vậy, gương không khởi tâm, không động niệm, soi chiếu cảnh giới bên ngoài vô cùng rõ ràng, một chút cũng không bỏ sót, đó là Phật.

Tâm của Phật giống như một tấm gương vậy, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Phật nói với chúng ta, hễ buông xuống ba thứ này thì bạn chính là Phật, lập tức thành Phật. “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” (bỏ đao đồ tể xuống, lập tức thành Phật), đồ đao là gì vậy? Chính là ba cây đao: vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, buông xuống cái này, bạn lập tức thành Phật. Đây là điều nhất định phải nhận biết rõ ràng khi học Phật, Phật là gì, Phật ở đâu, Bồ tát ở đâu, bạn đều rõ ràng hết thảy.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Chúng Sanh       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật