Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Tay-Phuong-Xac-Chi

Lời Tựa


Mùa Hạ năm Ðinh Mùi, tôi qua thăm phương trượng Hòa Thượng Tuyết Sơn. Hòa Thượng lấy một cuốn sách trao cho tôi bảo:

Ðây là chiếc thuyền báu. Duyên khởi của cuốn sách này rất lạ lùng: Vào cuối đời nhà Minh, ở Ngô Thành có tám người bạn cùng tu huyền môn. Ngày ngày thường thỉnh tiên giáng cơ luận bàn đạo thuật. Rốt sau có một vị tiên giáng xuống, luận đạo khác hẳn chư tiên khác. Do đàm đạo lâu ngày nên càng thêm thân thiết.

Mãi lâu sau, tiên chợt khuyên niệm Phật. Mọi người Hỏi:  “Có nên niệm Phật không?” Tiên Đáp:  “Nên chứ!”. Mọi người đều niệm Nam Mô Phật. Tiên bảo: “Không phải niệm như vậy”. Mọi người Hỏi:  “Vậy thì niệm ra sao?” Ðáp: “Các ông nên chắp tay, chí tâm, hướng về Tây đảnh lễ, niệm Nam Mô A Di Ðà Phật”. Mọi người vâng lời.

Từ đó, tiên khéo ngầm dạy pháp môn Niệm Phật cho mọi người khiến họ bỏ ngụy quy chơn, cầu sanh Cực Lạc. Ðến khi ấy, tiên mới bảo cho họ biết những nhân duyên quá khứ, danh hiệu Bồ Tát  (ngài là một vị Bồ Tát thị hiện)  và hóa hiện những điềm lành như mùi hương lạ, các thứ hoa trời… Tám người ấy đều bỏ lối tu tà vạy xưa kia, quy hướng chánh tín.

Ông Vô Hủ là thầy của bọn tám người ấy. Bồ Tát bảo ông đến xin thọ giới với hòa thượng Tam Muội để được trọn vẹn Tăng tướng. Lúc đầu, Hòa Thượng cật vấn, nhưng sau khi đọc xong bài kệ vịnh trăng của Bồ Tát, ngài liền hướng về Tây kính lễ, rồi làm lễ thế độ cho ông. Nguyên do là lúc Bồ Tát mới giáng cơ, ai cũng tưởng ngài là tiên, bèn lấy vầng trăng làm đề mục bảo ngài làm thơ. Nhân đó, Bồ Tát bèn ban bài kệ như sau:  

Nhất nguyệt quang hàm thiên thế giới

Phân thân vô lượng chiếu quần mê

Ðương tri bổn thể nguyên vô nhị

Bất động trang nghiêm biến hóa cơ

(Dịch nghĩa:

Một ánh trăng chiếu trọn khắp tam thiên đại thiên thế giới. Phân thân vô lượng giác ngộ tất cả những kẻ còn đang si mê. Mới biết là bổn thể vốn chẳng hai. Pháp thân bất động trang nghiêm biến hóa độ khắp các căn cơ). 

Bắt đầu từ ngày 28 tháng 5 năm Quý Mùi đời vua Sùng Trinh nhà Minh cho đến ngày mồng Hai tháng Mười năm Ðinh Hợi đời vua Thuận Trị nhà Thanh   trước sau Bồ Tát giáng cơ hai mươi bốn lần. Những lời ngài giảng ra đều là những điểm trọng yếu mầu nhiệm trong việc tu hành. Do trong bài kệ của ngài có chữ “xác chỉ chánh tu lộ”  (chỉ đích xác con đường chánh tu hành)  nên họ bèn đặt tên tác phẩm này là Tây Phương Xác Chỉ.

Tôi đọc xong, thân tâm hớn hở khác gì được giọt đề hồ thấm sâu vào gan ruột. Bởi thế, cứ khen lạ không ngớt. Hòa Thượng bảo:

Lúc ban đầu tôi cũng chẳng tin, nhưng đọc xong rồi thần trí sáng rỡ, muốn không tin cũng chẳng nổi.

Tôi thưa:

Trong những nhân duyên xưa kia, Bồ Tát với tám người ấy có duyên lớn, nghĩ thương xót họ hết mực nên mới quyền xảo tiếp dẫn họ như thế, chứ đâu có giống như những bọn thần quỷ thường giáng cơ. Hơn nữa, con xem lúc sắp chia tay Bồ Tát có nói: “Bày ra cầu cơ vốn là chuyện để thần quỷ dựa dẫm vào, chứ nào phải là việc thường ứng hóa của bậc Ðại Bồ Tát”. Lẽ đâu lại coi cuốn sách này giống như sách cầu cơ ư?

Khi ấy, tôi nguyện khắc in sách này để lưu truyền rộng rãi nhằm lợi lạc khắp các hữu tình, nhưng chưa đủ nhân duyên. Mãi đến mùa Xuân năm Kỷ Dậu, các bạn đạo Tăng, tục không ai chẳng hớn hở, mừng rỡ, nguyện góp của để giúp hoàn thành việc ấn loát. Thậm chí có kẻ đọc đến liền khóc, khóc xong đọc tiếp, bỏ ngay nhà cửa, y phục, đồ đạc mình vốn yêu thích để vào núi sâu niệm Phật. Há có phải là Bồ Tát dùng lòng vô duyên từ nhiếp hóa chúng sanh thật chẳng thể nghĩ bàn hay không?

Tôi bèn cùng hai vị lão pháp sư Linh Hy và Huệ Tiếp thuê người khắc ván. Khắc xong, bèn ghi đầu đuôi sự việc như thế.

Ngày rằm tháng Chín năm Kỷ Dậu (1669) đời Khang Hy,

Cổ Ngô Tịnh nghiệp đệ tử Lương Tây Kim Ngạc soạn.