Hòa thượng Thích Nguyên Hiểu (Wonhyo) (617 688) vốn thuộc tông Hoa Nghiêm, họ Tiết, ngài là người nước Tân La (Silla, một vương quốc cổ của Triều Tiên). Năm 29 tuổi, ngài xuất gia ở chùa Hoàng Long. Năm 660, ngài vượt biển sang Tàu, nhưng giữa đường chợt nghĩ: Ngoài tâm không pháp, cần gì phải tìm nơi khác nên quay về. Sư tự xưng mình là cư sĩ, người đời thường gọi là sư Hải Đông. Theo Ahn Kye hyòn (An Khải Hiền) trong introduction of Buddism to Korea (Asian Humanities Press, 1989), ngài Nguyên Hiểu sau khi cưới công chúa Yosok đã hoàn tục và thệ nguyện dành trọn cuộc đời hoằng pháp. Trước ngài, tư tưởng Tịnh Độ ở Tân La đã được hoằng truyền bởi các vị Cát Tạng và Đại An, nhưng phải đợi đến ngài Nguyên Hiểu, Phật pháp, nhất là giáo nghĩa Tịnh Độ được giảng dạy phổ cập, dễ hiểu. Ngài thường đi khắp nơi gõ vỏ bầu hát khúc ca Muae (vô ngại) để giáo hóa Phật pháp cho mọi tầng lớp dân chúng.
Ngài trước tác nhiều tác phẩm rất giá trị, những bộ quan trọng nhất là Hoa Nghiêm kinh sớ, A Di Đà kinh sớ, Kim Cang Tam Muội kinh luận v.v.. Tác phẩm Du Tâm An Lạc Đạo này được Tịnh Độ tông Nhật Bản đánh giá rất cao, coi là một bộ luận quan yếu cho người tu Tịnh Độ.
Điểm đặc sắc trong luận này, được ngài nhấn mạnh nhiều lần là muốn được vãng sanh phải phát bồ đề tâm. Cũng như những luận sớ về tịnh độ khác, ngài nhấn mạnh đến yếu tố: tín, hạnh, nguyện, ba món tư lương cần thiết cho hành nhân niệm Phật. Cũng cần nói thêm là ngài có khuynh hướng dung hợp yếu tố Mật giáo như là một trợ duyên vãng sanh qua việc dùng cát có gia trì chú Đại Quán Đảnh Quang để rải lên thân người chết.
Hy vọng bản dịch nháp này sẽ giúp cho những hành giả tịnh độ củng cố thêm niềm tin vào bổn nguyện từ bi vĩ đại của đấng Tây Phương Từ Phụ, dũng mãnh tu trì. Nếu có chút phần công đức nào, kính xin hồi hướng cho hết thảy pháp giới chúng sanh cùng về Cực Lạc.
Du Tâm An Lạc đại lược chia làm bảy môn, trước hết, nêu tôn chỉ lập tông, hai là xác định sự tồn tại của cõi nước kia, ba là chỉ rõ cái nạn do nghi hoặc, bốn là bày tỏ nhân duyên vãng sanh, năm là nêu phẩm số vãng sanh, sáu là luận về vãng sanh khó hay dễ, bảy là nêu cái nghi và trừ nghi.