Kinh Pháp Hoa dạy, đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên lớn “khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.
Chính vì thế, sau khi thành Phật, bằng tất cả tấm lòng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Ngài đã chu du khắp nước Ấn Độ để hoằng hóa độ sinh. Chỉ với mục đích là làm sao đưa hết thảy chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ vô minh trở về với đời sống đầy an lạc và giải thoát.
Tuy nhiên, trên bước đường hoằng hóa độ sinh đó, đức Phật đã nhận thấy rằng chúng sinh đời mạt pháp căn tánh không đồng, có kẻ thì căn tánh thượng, có kẻ thì căn tánh trung, có kẻ thì căn tánh hạ. Cho nên, đức Phật không chỉ dùng một phương tiện mà phải dùng vô số phương tiện để nhiếp hết thảy chúng sinh trở về với Phật tánh. Tuy có vô số phương tiện nhưng duy nhất chỉ có một vị giải thoát mà thôi, cũng giống như nước trong bốn biển tuy nhiều nhưng duy nhất chỉ có một vị mặn.
Pháp của đức Phật cũng giống như một trận mưa lớn xuống trần gian, tùy theo mỗi loại thích ứng tiếp nhận lượng nước của mình mà nuôi sống.
Hôm nay, là thời kỳ mạt pháp, với cách nhìn khách quan của mọi người, đại đa số chư Tăng, chư Ni và toàn thể tín đồ Phật tử ưa chuộng Pháp môn Tịnh độ. Chắc có lẽ Pháp môn Tịnh độ hợp thời và hợp căn cơ sao? Đúng vậy, Tịnh độ tông không chỉ dành riêng cho bậc hạ căn mà còn thâu nhiếp bậc trung, thượng căn nữa. Vì vậy, trong kinh Tượng Pháp Quyết Nghi cũng nói:
Chúng sinh ở thời Chánh pháp, tu Giới luật dễ thành tựu.
Chúng sinh ở thời tượng pháp, tu Thiền định dễ thành tựu.
Chúng sinh ở thời mạt pháp, tu Tịnh độ dễ thành tựu.
Trong kinh Niệm Phật Ba La Mật, phẩm thứ sáu, đức Bồ tát Quán Thế Âm nói rằng: “Đức Thích Ca trọn đời giáo hóa điều phục chúng sinh đã ban bố tám vạn bốn nghìn pháp môn tu tập nhưng trong đó niệm Phật là thù thắng đệ nhất”.
Sự thù thắng và phổ cập của Pháp môn Tịnh độ cho quảng đại quần chúng ngoài sự giới thiệu của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tiếp theo còn có các vị Bồ tát khuyên bảo mọi người nên nguyện vãng sinh về Tây phương Cực lạc như ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, các vị Tổ sư cả Thiền lẫn Tịnh như Vĩnh Minh, Trí Giả, Triệt Ngộ, Liên Trì, Thiện Đạo, Ngẫu Ích, đều là những vị Thiền sư nổi tiếng bên Thiền tông, sau khi tham thiền đạt ngộ, chuyển hướng niệm Phật cầu vãng sinh.
Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ, Tổ thứ ba của Thiền Pháp Nhãn cũng là Tổ thứ sáu của tông Tịnh độ đã nói:
“Hữu Thiền hữu Tịnh độ
Du như đới giác hổ
Hiện thế vi nhân sư
Lai sinh tác Phật Tổ”
Nghĩa là:
“Có Thiền có Tịnh độ
Như hổ mọc thêm sừng
Hiện đời thầy trời người
Vị lai làm Phật Tổ”.
Chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ cực lực xiển dương Pháp môn Tịnh độ. Với sự lợi lạc thật lớn lao này, chúng tôi cũng không ngại gì với tài mọn, đức kém của mình, để viết lên đây cuốn sách với tựa đề: “Tin sâu Pháp môn Tịnh độ”, chỉ với tâm nguyện là đem lại lợi lạc cho mọi người, chứ không có ý cao ngạo, ngã mạn gì cả.
Đây là cuốn sách đầu tiên, chúng tôi không sao tránh khỏi những sai lầm trong lối hành văn. Nếu có, kính mong chư Hòa thượng, chư Thượng tọa, các thân giáo sư, các vị học giả góp ý dạy bảo để cho cuốn sách ra đời được tốt đẹp hơn.
Mùa An cư kiết hạ PL. 2547
Tâm Hải cẩn chí