Ngày xưa đức Phật có dạy thế này trong kinh Vô thường: “Nếu đời người vui đẹp, nếu đời người tươi sáng, thì ta và chánh pháp của ta đã không xuất hiện giữa thế gian này với loài người; nhưng ta và chánh pháp của ta đã xuất hiện là vì loài người khổ não và đen tối ấy”. Thế nên dẫu chúng ta không có quyền gieo cho nhau những ý tưởng bi quan vì đức Phật từng nghiêm cấm điều đó, cho rằng làm như thế là đồng lõa với sự tàn sát, nhưng sự thực vẫn là sự thực. Sự thực cuộc đời con người quả là đen tối, ảm đạm.
Xưa có một ông vua sai một nhóm thần tử thông minh soạn cho ông xem bộ nhân loại sử. Sau bao nhiêu năm tháng, họ chở đến một xe đầy những sách, yết kiến cái tuổi già gần qua cửa tử của chúa thượng. Ông vua thấy mà chán ngán. Sau mấy phen bảo dọn lại để xem kịp trước phút lìa đời, ông được nghe lời này, trong lần chót, của người cầm đầu nhóm thần tử ấy: “Muôn tâu chúa thượng, lịch sử nhân loại nhiều, nhiều lắm, nhưng sưu tầm và biên chép lịch sử nhân loại, hạ thần thấy tất cả có thể viết bằng một chữ, chữ khổ, là đủ”. Trên giường bịnh, ông vua đang chơi vơi với cái chết ấy mới ý thức thâm thiết đến một sự thực mà đời ông đã có thể nhiều lúc nhìn thấy nhưng bị sự “lấy đau khổ thay đau khổ” đánh bát đi.
Lấy đau khổ thay thế đau khổ là thế nào? Như một kẻ bộ hành đã đặt gánh nặng lên vai rồi, thì vai này nặng lại đổi qua vai khác, khi đổi qua vai khác thì ở vai này kẻ bộ hành thấy khoái thích. Giữa cõi thế, đời con người đã có thần là có khổ, nhưng không tự giác mà có lúc còn cảm thấy khoái lạc là chỉ ở trong trường hợp “lấy đau khổ thay thế đau khổ” ấy. Chỉ có thế mà thôi. Đời người không có gì hơn là một màu khổ não nếu chúng ta không biết thay đổi nó theo chánh pháp của Phật dạy. Đây, chúng ta hãy can đảm nhìn nhận kẻ thù để còn mong chiến thắng nó. Thoạt đầu, khi ở trong thai mẹ thì cái khổ ấy không nói làm chi nữa, nhưng thế là chúng ta đã như kẻ bộ hành đặt gánh nặng lên vai rồi đó. Thế nên khoan nói khi đưa thân ra giữa trần thế phải dãi dầm bao nhiêu nắng mưa mà không mấy kẻ đủ tiền hứng gió hay đủ áo để ngự hàn, mà hãy ngó chính những kẻ sống trong nhung lụa đi nữa, là những kẻ do sự sống đó đã vung bao nhiêu sầu cho người, chuốc bao nhiêu tủi vào mình, trong khi họ không neo buộc lại được trong tay một chút gì hết trước sự cướp giật tàn bạo của vô thường. Vị chua cay, mùi đen bạc, tràn đầy bể khổ bến mê mà chính họ là kẻ chìm ngập nhiều nhất, sâu nhất. Trong khi đó, “cái thân phù thế nghĩ mà đau”: nó chỉ là “bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”. Vậy mà cái thân bèo bọt ấy, sự sống kéo nó tới với chút ít khoái cảm tức thì giật nó lui với trăm ngàn khổ đau. Không những chỉ vậy, thêm vào còn có sự già nua, sự bịnh tật lại xô đẩy nó một cách phũ phàng đến sự chết chóc mà đời không thể tránh được. Thương ôi, đời người, đời người thực sự quả là quá đen tối mà kẻ nào chạy chối sự thực ấy thì chỉ vùi mình mãi trong sự đen tối mà thôi.
Khổ hơn nữa là đời người đã khổ mà con người lại còn cố tình gây khổ sở cho nhau. Con người lòng đầy tham lam, tàn bạo mà lại si mê, con người ấy chỉ tự gây khổ cho nhau để rồi chung nhau chịu lấy khổ ấy. Thế nên sự sống mới bị giết chết một cách phũ phàng, sự yên ổn, nếu có, cũng bị công nhiên xâm phạm tàn nhẫn. Thân là thân của ta, đầu là đầu của ta, thế mà đời người chúng ta mấy ai giữ nổi và trọn quyền. kẻ hoành hành là con người, kẻ chịu đựng cũng là con người, vậy mà chiến thắng thì con người bị đày ải, chiến bại thì con người nô lệ, trong khi đó nào ai trao quyền cho ai, nhưng ai cũng bị sát phạt. Cuộc đời, con người hầu như không còn chỗ nào đứng vững được nữa.
Thế nhưng vẫn chưa hết, vì ngay ở địa hạt tin tưởng, đời người cũng chẳng còn biết tin tưởng vào đâu ngoài chánh pháp. Này đây là chủ nghĩa duy thần, này đây là chủ nghĩa duy vật, này đây là khoa học, này đây là tôn giáo, giữa chợ đời thứ nào cũng phong gói với những nhãn hiệu đẹp đẽ, chói lòa, do những bộ óc và bàn tay tham sân si. Nhưng nó đẹp là vì do tham sân si, mà nó đầy là vì chứa tham sân si. Không chỉ mới mà chẳng có chi lạ. Tham sân si hiện hình ra ở đời người, nhưng ở mọi lý thuyết, mọi chủ nghĩa mới thật là hình bóng trung thực của nó. Nên ở địa hạt này đời người mới thật hết chỗ để tin tưởng. Ngây thơ nghe theo tiếng gọi của tham sân si lòng mình mà đi theo lý thuyết của tham sân si lòng người, thì kết quả chỉ tăng thêm tham sân si, chỉ chịu đựng khổ não của tham sân si ấy mà thôi.
Trong không gian, nhìn qua đông tây cũng như nhìn về nam bắc, trong thời gian, nhìn vào trước sau cũng không khác nhìn ở hiện tại, “đời người chỉ là sự bại hoại, hư rã”. Nhưng phước cho con người là thế gian này có bóng tối thì cũng có ánh sáng, đêm tối bao nhiêu thì ngày sáng bấy nhiêu, nên trong cõi đời ám còn có mặt trời chánh pháp. Chánh pháp sẽ soi sáng đời người mà công việc trước hết là làm cho con người thấy rõ sự đen tối của cuộc đời để nhận ra phương hướng phải đi. Bởi vậy, con người đã có năng lực gây ra đau khổ toàn diện đời mình thì toàn diện đời mình cũng sẽ thay đổi được do chính năng lực ấy. Nên đời chúng ta, chúng ta đã biết là khổ và khổ vì nguyên nhân nào, thì bước thứ hai trong phương hướng mình phải đi là mạnh mẽ quay về chánh pháp, chuyển đời sống vô giá trị thành đời sống có giá trị, đời sống có nghĩa mà ta sẽ thấy có giá trị, đời sống có nghĩa mà ta sẽ thấy sau đây. Đấy là đời sống tràn đầy ánh sáng; chúng ta hãy nổ lực chống chõi cuộc đời khổ não để vươn mình ra ánh sáng ấy.