Ngài Nghĩa Tịnh (635 713) là một vị cao tăng dịch kinh thời Đường, quê ở Trác huyện, tỉnh Hà Bắc (có thuyết nói Ngài là người Tế Châu, tức huyện Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông), họ ngoài đời là Trương, tên tự là Văn Minh. Ngài xuất gia từ bé, bẩm tánh thông minh, mẫn tiệp, tham học trọn khắp các bậc danh đức, xem rộng khắp các sách vở. Từ lúc mười lăm tuổi, Ngài đã ngưỡng mộ công tích sang Tây Trúc cầu đạo của các vị Pháp Hiển và Huyền Trang. Ngài thọ Cụ Túc Giới lúc hai mươi tuổi nơi ngài Huệ Trí. Sau khi thọ giới, Ngài chuyên tâm học Giới Luật từ các bản sớ giải của hai vị Đạo Tuyên và Pháp Lệ suốt năm năm. Kế đó, học các bộ Đối Pháp, Tập Luận, và Nhiếp Luận tại Lạc Dương. Lại sang Trường An học Câu Xá và Duy Thức. Năm Hàm Thuần thứ hai (671), do được Phùng Hiếu Thuyên là quan cai trị Yểm Châu (nay là huyện Bình Nam, tỉnh Quảng Tây) tài trợ, Ngài từ Quảng Châu theo đường biển, vượt qua Thất Lợi Phất Thệ (tức Palembang thuộc đảo Sumatra) hiện thời, đến tiểu quốc Đam Ma Lê Để của Ấn Độ vào tháng Hai năm Hàm Thuần thứ tư (673). Ngài lưu lại đó một năm để học tiếng Phạn với một vị tăng Trung Hoa là ngài Đại Thừa Đăng.
Ngài lần lượt chiêm bái các thánh tích như núi Linh Thứu, núi Kê Túc, Lộc Dã Uyển, Kỳ Viên tinh xá v.v… Sau đó, siêng năng học tập tại chùa Na Lan Đà suốt mười một năm, chuyên dụng công nơi Du Già, Trung Quán, Nhân Minh và Câu Xá. Sau đấy, Ngài trở lại Sumatra, tu học thêm bảy năm nữa. Hơn ba mươi năm sau, Ngài mới trở về nước. Ngài đem hơn bốn trăm bộ kinh tiếng Phạn và ba trăm viên xá lợi đến Lạc Dương. Vũ Hậu (Vũ Tắc Thiên) đích thân ra ngoài cửa Đông kinh thành để đón tiếp, sắc truyền Ngài trụ tích tại chùa Phật Thọ Ký. Sau đó, Ngài tham dự dịch trường để dịch kinh Hoa Nghiêm bản mới (bản Bát Thập Hoa Nghiêm), cũng như dịch thuật các kinh sách về giới luật, Duy Thức, Mật giáo… sang tiếng Hán. Từ năm Thánh Lịch thứ hai (699) đến năm Cảnh Vân thứ hai (711), suốt mười hai năm, Ngài đã dịch được năm mươi sáu bộ kinh, hơn hai trăm ba mươi quyển. Trong số đó, kinh sách về Luật Tông chiếm phần lớn. Các bộ luật được lưu truyền hiện thời đại đa số do Ngài dịch. Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương được dịch trong khoảng thời gian từ năm 700 đến năm 703. Ngài cùng với các vị Cưu Ma La Thập, Chân Đế, và Huyền Trang được xưng tụng là “tứ đại dịch kinh gia”.
Ngoài việc dịch thuật, Sư cũng thường dùng những điều trọng yếu trong luật tạng để dạy bảo hậu học. Những lời Sư giảng dạy được lưu truyền rất mạnh tại Lạc Dương. Ngài còn biên soạn bộ Nam Hải Ký Quy Truyện gồm bốn quyển, Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện (hai quyển), và truyền dạy cách bính âm của Ấn Độ (tức là dùng hai chữ đã biết âm đọc để ghép lại hòng ghi âm một chữ Hán). Các trước tác của Ngài chứa đựng rất nhiều thông tin quý báu về xã hội, phong tục, tập quán v.v… của xã hội Ấn Độ thời đó. Ngài thị tịch vào tháng Giêng năm Tiên Thiên thứ hai (713), thọ bảy mươi chín tuổi, được dựng tháp thờ tại Long Môn thành Lạc Dương.
* Đôi nét về ngài Huệ Chiểu
Ngài Huệ Chiểu (651 714) là một vị tăng lỗi lạc thuộc Pháp Tướng Tông đời Đường, người xứ Truy Xuyên thuộc Truy Châu (tỉnh Sơn Đông), không rõ họ ngoài đời. Ngài còn được gọi là Truy Châu đại sư, thông huệ từ bé. Xuất gia khi mười lăm tuổi, Sư luôn giữ giới luật nghiêm cẩn, người đương thời gọi Sư là Chiểu xà lê. Thoạt đầu, Ngài theo học với ngài Huyền Trang; sau đó, theo học Duy Thức với ngài Khuy Cơ, đạt được áo chỉ và chân truyền của thầy. Sau khi ngài Khuy Cơ đã mất, do sư Viên Trắc soạn Duy Thức Luận Sớ đả phá học thuyết của ngài Khuy Cơ, ngài Huệ Chiểu bèn viết Thành Duy Thức Luận Liễu Nghĩa Đăng để phá thuyết ấy, hiển lộ thật nghĩa của Pháp Tướng Tông. Trước sau, Ngài cùng các vị Nghĩa Tịnh và Bồ Đề Lưu Chí tham gia đạo tràng dịch kinh, đảm nhiệm vai trò chứng nghĩa và san nhuận bản dịch. Ngài còn biên soạn Năng Hiển Trung Biên Huệ Nhật Luận (bốn quyển), Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Nghĩa Toản Yếu (một quyển), Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ, Pháp Hoa Huyền Tán Nghĩa Quyết, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Nghĩa Đoạn. Ngài cùng với ngài Khuy Cơ và Trí Châu được xưng tụng là tam tổ của Duy Thức Tông.
Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ Quyển thứ nhất
Đấng điều ngự ba cõi,
Ba đức thảy vẹn toàn.
Độ các loài quần sanh,
Từ trong pháp đã chứng.
Diễn giảng pháp chân thật,
Các pháp môn sâu mầu.
Thánh hiền tăng theo học,
Tịnh tín, tâm quy kính.
Con nay ca ngợi kinh,
Hoằng pháp lợi mình, người.
Hồi hướng đại Bồ Đề,
Cùng sanh lên Diệu Giác.
Ba nghiệp kiền thành lễ,
Ngưỡng mong đều gia hộ.
Để giải thích kinh này, trước hết dùng năm môn phân biệt:
Một, trần thuật cái nhân phát khởi của kinh.
Hai, nêu rõ Tông và Thể của kinh.
Ba, nêu ra thời và lợi ích của kinh.
Bốn, biện định vì sao kinh có tên gọi như thế.
Năm, dựa theo kinh văn mà chia thành từng khoa để giải thích.