Home > Kinh Sách Tịnh Độ > Khuyen-Tu-Tinh-Do-Thiet-Yeu

Khuyến Tu Tịnh Độ Thiết Yếu


Có người hỏi Khổng Tử: “Người dời nhà mà quên vợ. Điều đó có chăng?”. Khổng Tử bảo: “Lại có kẻ hơn thế nữa, như Vua Kiệt Vua Trụ thì còn quên cả bản thân mình”. Nếu dùng đạo nhãn mà quán xét thì mọi người thời nay đều quên mất thân mình. Tại sao? Từ sáng sớm mở mắt ra, bước xuống giường, cho đến tối lên giường ngủ thì đều là trần lao, chưa từng tạm thời tỉnh xét thân mình. Đó đều là quên mất mình vậy!

Vả lại, con người đối với thân mình, nếu ở trong một ngày mà nói thì không gì quan trọng hơn là sự đói khát. Ai nấy cần phải lo ăn uống đầy đủ.

Nếu ở trong một năm mà nói thì không gì quan trọng hơn sự lạnh nóng, ai nấy đều cần có y phục đầy đủ. Nếu lấy trọn đời mà nói thì không gì quan trọng hơn là sự sanh tử. Thế mà lại không dự bị, tại sao quá ngu mê như thế?

Đó chẳng phải là ngu thật sự, mà chỉ vì không biết có pháp tu Tịnh độ, có thể làm dự bị chu toàn cho sự sanh tử. Ví như có người đi đến chỗ xa xôi trước cần phải tìm nhà trọ, sau đó mới đi kiếm công việc làm thì tối đến mới có chỗ nghỉ ngơi. Trước tìm nhà trọ đó là nói tu Tịnh độ, khi tối đến là chỉ cho sanh mạng sắp hết, có chỗ nghỉ ngơi nghĩa là sanh trong hoa sen không còn trầm luân nơi đường ác, chịu những điều khỗ não.

Do đó mà xét thì niệm Phật để tu Tịnh độ, tu Tịnh độ để vãng sanh. Trong kinh nói, thọ mạng vô lượng, có vui không khổ, thế thì sự dự bị cho cả đời chẳng phải là rất đầy đủ lắm sao!

Hiện nay, có người biết mà lại không tu là tại sao? Ôi! Biết rồi! Hoặc là do ở nhà không có chỗ tĩnh tu, hoặc do không thể ăn chay, hoặc do sự việc phiền lụy tâm tư nhọc nhằn. Đâu biết rằng, niệm Phật chính là phải ở chỗ ồn náo để rèn luyện, chẳng câu nệ đi đứng nằm ngồi. Ở nơi huyên náo mà có thể nhất tâm không loạn động thì một tiếng niệm Phật ấy còn hơn niệm nhiều tiếng ở nơi yên tịnh.

Đó gọi là: Tâm thanh tịnh thì cõi nước thanh tịnh.

Nếu niệm Phật lại còn trường trai thì cố nhiên quá tốt, nhưng chỉ có bậc xuất gia mới được.

Nếu người tại gia mà có tâm xuất thế cũng cần phải cầu tốt đẹp mọi bề. Song cứ gây sự khốn khó cho người, bắt buộc phải trường trai thì chẳng phải là điều thích hợp dùng để khuyên bảo mọi người.

Nếu sáng sớm khi thức dậy chí thành niệm Phật thì đã có thể tiêu diệt tội lỗi trong hiện đời, lúc mạng chung lại được siêu sanh Tịnh độ.

Còn như số lượng của việc niệm Phật thì người rảnh rang niệm càng nhiều càng tốt. Nếu người bận việc mà phát tâm Vô thượng Bồ đề cũng phải xếp vào đây.

Gượng ép việc mà người không thể làm được, cũng chẳng phải là điều thích hợp để khuyên bảo đời. Bởi vì, trọn ngày tuy bận rộn nhưng lẽ nào lại không có chút thời giờ rãnh rỗi? Sao không bớt thời gian uống trà, nói chuyện phiếm để thâu nhiếp tâm tư mà niệm Phật?

Người học nhằn về sức lực, cũng có thể nhờ danh hiệu Phật mà tích chứa sức mạnh. Việc ấy có lợi ích không tổn hại, còn có điều nào hơn đây nữa? Huống chi, chẳng những được hiệu nghiệm lúc mạng chung, mà còn thấy được công năng nơi hiện tại. Kinh nói: “Nếu người thọ trì danh hiệu Phật thì hiện đời được mười loại công đức:

1. Ngày đêm thường được tất cả chư Thiên, Thần tướng đại lực, cùng các quyến thuộc ẩn hình bảo hộ.

2. Thường được 25 vị đại Bồ Tát như ngài Quán Thế Âm và tất cả các Bồ Tát thường theo bảo hộ.

3. Thường được chư Phật hộ niệm cả ngày đêm, Phật A Di Đà thường phóng ánh sáng nhiếp thọ người này.

4. Tất cả ác quỷ, hoặc dạ xoa, la sát đều không thể hại, tất cả rắn độc, thuốc độc đều không thể xâm phạm.

5. Không bị mọi tai nạn nước lửa, giặc cướp, gươm đao, ngục tù, xiềng xích, chết đột ngột, điên cuồng mất mạng.

6. Những tội nghiệp đã làm trước kia thảy đều tiêu diệt. Những oan mạng đã bị giết chết ngày xưa đều được giải thoát không còn kết thù oán.

7. Đêm nằm nghỉ an ổn, hoặc mộng thấy sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà.

8. Tâm thường hoan hỷ, nhan sắc tươi sáng, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp.

9. Thường được tất cả mọi người ở đời cung kính, cúng dường, lễ bái cũng như kính Phật.

10. Khi lâm chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện diện, được thấy Phật A Di Đà và các Thánh chúng tay bưng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh về Cực Lạc, cùng tận kiếp vị lai hưởng thọ sự vui mầu nhiệm.

Đức Phật khẩn thiết ngăn cấm mọi người nói dối, nhất định Ngài sẽ e không nói dối lừa gạt mọi người.

Người đời nói dối, nếu không phải là để được lợi thì cũng là để tránh hại. Đức Phật chẳng mong cầu gì ở thế gian thì nào có tìm kiếm điều lợi gì? Đức Phật xem sự sanh tử như dao cắt hư không thì sao lại lẩn tránh tai hại? Thế nên, việc nói dối đối với Đức Phật chỉ là vô dụng.

Nếu tin Phật không nói dối, nên xem kỹ lời khuyên bảo về bốn phần tu tập vãng sanh Tịnh độ sau; đồng thời nên mượn đây để khuyên bảo kẻ khác, độ mình độ người công đức vô lượng.

Chớ nên để sách này trên gác cao, cho là lời nói không căn cứ, cô phụ tâm lão bà này. Giả sử người không có duyên với Phật chẳng tin, cũng mong chuyển đến người khác để lưu thông pháp này, lần lượt chỉ dạy dẫn dắt lẫn nhau, khiến cho ai nấy đều bước lên con đường giác ngộ, người người cùng ra khỏi bến mê. Đó là sự mong đợi của tôi ở nơi các vị!