I. ĐỊNH NGHĨA GIỚI LUẬT
GIỚI: Nguyên tiếng Phạn là thi la (sila). Tàu dịch là Giới, có nghĩa là phòng bị, răn cấm, câu thúc. Đức Phật chế giới luật để người học đạo phòng ngừa tội lỗi, răn cấm hành động trái pháp, kìm hãm dục vọng, và câu thúc đời sống tư hữu của mình, hầu mong tiến dần đến quả vị giác ngộ.
Giới có nghĩa là phòng phi chỉ ác. Giới điều là những phương tiện giúp Phật tử sống thanh tịnh cao cả, bằng cách ngăn ngừa đoạn trừ những tâm niệm xấu xa, những hành động bạo ngược. Giới cũng gọi là biệt biệt giải thoát. Vì không phạm một điều ác, tất phá tan một hình ngục; làm được một điều thiện, tất có ảnh hưởng tốt đẹp cho phong hóa. Giới cũng vậy, nếu giữ trọn một giới nào, tức là giải thoát được quả báo đọa đày bởi nghiệp lực của giới ấy mà chúng ta đã phạm, đồng thời cũng hưởng được quả báo phước nghiệp của giới ấy, do chúng ta đã thọ trì. Thí dụ: Người không ăn trộm, tức không có kết quả tù đày lao ngục, đồng thời được người đời khen ngợi tán thán v.v... Ấy gọi là giới.
LUẬT: Tiếng Phạn là ưu ba la xoa (upalaksa), Tàu dịch là Luật: kỷ luật, pháp luật, luật lệ, nghĩa là những khuôn khổ, pháp tắc, điều luật thống nhất của Phật giáo Phật tử không có quyền phủ nhận, phải triệt để tuân hành. Nên nhớ pháp luật này, không ai có quyền thêm bớt, dù các hàng đại bồ tát cũng vậy; duy chỉ có đức Phật mới có quyền sáng chế thiết lập mà thôi. Cho nên, người nào đã phạm những kỷ luật ấy, nhất là chính mình đã một phen bạch kiết ma thọ lãnh, tức là phạm luật; và người xử tội, cũng phải triệt để y cứ trên khuôn mẫu pháp luật, do đức Phật đã thân hành chế ra, mà xử đoán trọng khinh. Thí dụ: người nào đã phạm vào những luật lệ chung của nước nhà, tức là phạm tội, và người mang trách nhiệm xử đoán tội nhân, cần phải căn cứ trên quốc pháp để chuẩn định nặng nhẹ. Ấy gọi là luật.
Trong đạo Phật, nhất về luật tạng, chúng ta thấy rất phiền toái và phức tạp, bởi có vô số danh tướng và thể thức riêng biệt nhau như danh, chủng, tánh, tướng, khai giá, trì, phạm v.v... Cũng bởi vì sự sai khác ấy, Cho nên, đồng làm một việc, có người thì phạm, mà có kẻ thì gọi là trì.
Cắt nghĩa một cách tóm tắt cho dễ hiểu: Giới luật tức là những quy củ, khuôn khổ, phép tắc do đức Phật thuận theo lý tánh chân thật mà kiến lập, để chế ngự và đối trị nghiệp duyên của chúng sanh. Cho nên, Phật tử cần phải triệt để tuân hành, nếu lơ đểnh hay trái phạm, tức là phá hủy lời dạy vô thượng của đức Phật, và không hướng thuận về pháp tánh chơn như, nghĩa là tự dìm mình xuống đáy sâu tội lỗi.
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH GIỚI LUẬT
Với phần định nghĩa trên, chúng ta đã khái quát tinh thần thuần túy giới luật, nhưng cách áp dụng giới luật trên đời sống thực tại bằng phương tiện nào, thì chúng ta chưa thấy, Cho nên, đoạn này cần phải chỉ thị. Chúng sanh rất có nhiều chủng loại, trình độ khả năng cũng như niên lạp rất sai khác nhau, nên đức Phật kiến lập và truyền thọ giới luật cũng có nhiều tầng bậc. Tuy nhiên, lượng có sai khác, nhưng phẩm vẫn đồng nhất. Vì đồng nhất nên không ngoài bốn câu kệ sau đây:
Chư ác mạc tác: tránh xa tất cả những hành động tàn ác bạo ngược.
Giới luật cũng như hàng rào ngăn ngừa những điều phi pháp và đoạn trừ những cử chỉ bất lương. Cho nên, người nào không hành động hại mình hại người, ở hiện tại và tương lai, chính là người tuân hành giới luật. Đây là đứng về phương diện chỉ trì, giới tự lợi của hàng Tiểu thừa Thanh văn.
Chúng thiện phụng hành: triệt để thực hành tất cả những điều thiện.
Muốn hoàn thành tinh thần giới luật, không những chỉ chuyên trọng đoạn ác mà cần phải làm điều thiện. Tránh ác đã là một việc đáng quý nhưng làm thiện lại càng hi hữu hơn. Vì đấy là cử chỉ xả kỷ vị tha, là những bước hướng mạnh đến chân lý. Thọ trì giới luật tức là phụng sự điều thiện; một người chú trọng và tôn thờ điều thiện, tức là vâng giữ giới luật. Đây là đứng trên quan điểm tác trì của hàng Đại thừa Bồ tát.
Tự tịnh kỳ ý: chỉ trì và tác trì thiên trọng về nơi thân nghiệp, câu này mới thật căn cứ trên tác tư của ý nghiệp.
Nếu thực hành đúng hai phương diện chỉ, tác mà ý nghiệp chưa thanh tịnh, nghĩa là còn cấu đục bởi vô minh ích kỷ, tất nhiên không phải thuần thiện. Trạng thái này có thể quan sát trên hành động của kẻ đi câu thì sẽ thấy rõ. Cho nên, đánh giá một hành vi nào, muốn khỏi sai lầm, cần phải xét đoán trên tâm niệm, nhất là kết quả của hành vi ấy, và người nào ý niệm thuần lương, tức là thanh tịnh giới thể.
Thị chư Phật giáo: Không làm điều ác, phụng sự điều thiện, và ý niệm thuần khiết, là lời dạy bất di bất dịch của mười phương ba đời các đức Phật. Đây là một câu kết thúc, khuyến chúng sanh phải triệt để thực hành theo tinh thần và ý nghĩa của ba phương tiện trên. Nói một cách khác tức là đức Phật sách tấn chúng ta phải tôn trọng và tuân hành giới luật.
III. SỰ QUAN HỆ CỦA GIỚI LUẬT
Giới luật học là môn học trong ba tạng giáo điển của đức Phật, Cho nên, giới luật là một vấn đề quan hệ, Phật tử không thể nào bỏ qua.
Kinh có câu: "Giới tức là hạnh của Phật." Cho nên, nếu người nào không giữ giới mà mong giải thoát, thời cũng đồng như người tìm sự thật trong mộng tưởng.
Sự tu hành cũng như cuộc khởi đi của kẻ lữ khách, muốn đến đích cần phải cụ bị lương thực, và tinh tấn tiến bước. Thiếu cần mẫn và tư lương tức không thể phát hành và đến đích. Và Tư lương của kẻ tu hành là Giới, Định, Huệ.
GIỚI: Như trên đã cắt nghĩa, giới là phòng phi chỉ ác, nghĩa là năng lực ngăn ngừa điều trái và đoạn phục các hành động bất thiện. Một người muốn thở không khí trong sạch giải thoát, cần phải thận trong và tu trì giới pháp. Giới là cơ sở duy nhất của Định và Huệ; thiếu giới, định, huệ không thành; cũng như không có đất, dinh thự và lâu đài phải sụp đổ. Định và huệ của phàm phu ngoại đạo, sở dĩ chênh lệch và sai khác với định và huệ của Phật giáo cũng do điểm này.
ĐỊNH: Trừng tịnh tâm duyên, sản phẩm trung thành của giới. Do giới chỉ trì nên thân, khẩu nghiệp không làm điều phi pháp, đồng thời ý nghiệp được thanh tịnh, không còn tâm tư xao xuyến khi nhập thiền định. Tự nhiên hành động của thân, miệng, ý xứng hợp với luật nghi, gọi là định cộng giới. Chúng ta nên nhớ, chỉ có định lực mới đủ khả năng kìm hãm vọng tâm và làm cho chơn tâm hiển hiện, nhưng lực sở dĩ thành tựu là do giới làm căn bản.
HUỆ: Năng lực minh mẫn chiếu liễu của trí. Huệ là phản ảnh của định. Có Định, Huệ mới phát sanh; ví như nước có lắng trong, mặt trăng mới tỏ hiện. Nhờ ánh sáng trí huệ soi đường, sự tu hành khỏi lạc vào ma đạo. Cũng như muốn đi trúng đích, kẻ bộ hành phải có nhãn quan tinh diệu. Nên nhớ: có trì giới, tu định, huệ mới phát sanh. Tam thừa thánh nhân do tu vô lậu thiền định mà phát sanh vô lậu trí huệ, tương ứng với vô lậu luật nghi. Giới thể phòng phi chỉ ác cùng với trí huệ cộng sanh thì gọi là đạo cộng giới.
Giới Định Huệ là cơ quan nguyên yếu của đạo Niết bàn An tịnh.
IV. HIỆU LỰC VÀ ÍCH LỢI CỦA GIỚI LUẬT
Chúng ta đã nhận thấy phương pháp thực hành và sự quan hệ của giới luật, nhưng chưa thấy sự hiệu lực và ích lợi của giới luật.
Như chiếc xe hỏa, nếu bánh xe không ăn khớp với lề đường thời không thể chạy được và xe sẽ trúc đổ. Hiệu lực của giới luật đối với sự tu hành cũng vậy. Nếu vượt ngoài quy củ giới luật tất nhiên không thể tăng tấn trên đường giải thoát, nếu không phải là tăng thượng duyên của sự đọa lạc. Trì giới đã khó khăn, tất nhiên kết quả cũng vĩ đại, nhưng không ngoài ba quan điểm sau đây:
Đối với quá khứ: Một nhà bác học chuyên cần nghiên cứu thí nghiệm, lẽ dĩ nhiên phát minh, sáng tạo được nhiều nguyên lý và ứng dụng tinh xảo. Sự ngờ vực ngu dốt lúc thiếu thời do đó mà tiêu tan. Cũng vậy, người tu trì giới luật nhờ năng lực trì giới, có thể chuyển nghiệp bất thiện ở quá khứ, và ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưởng thọ đầy đủ hiện tại.
Đối với hiện tại: Quả báo hiện tại là phản ảnh trung thành của nghiệp nhân quá khứ. Một khi chuyển được nghiệp quá khứ, quả báo hiện tại phải thanh tịnh an lành. Lại hiện tại đã tu trì giới luật, nghĩa là làm tất cả điều thiện, diệt trừ điều ác, thời lòng được sảng khoái vui tươi, và những nỗi niềm hồi hộp lo sợ không còn nữa. Giải thoát triền phược, diệt tận dục vọng mê mờ là phương châm cao đẹp của người trì giới. Không phạm hình luật, lương tâm không ăn năn hối hận. Đấy chính là hiệu quả của người thọ trì giới luật .
Đối với vị lai: Nhà nghệ sĩ chuyên môn rèn luyện nghệ thuật, người học trò siêng năng trau dồi học và hạnh, tương lai phải rực rỡ, kết quả sẽ phải tốt đẹp. Người trì giới thanh tịnh, nghĩa là chuyên trọng huân tập vô lậu chủng tử, dĩ nhiên kết quả vị lai phải trong sáng ngát hương. Đấy là định luật nhân quả, một sự thật tuyệt đối, không ai có quyền phủ nhận.
Một bằng chứng rõ ràng nữa, là nhờ có nền giới luật thiết thực và rộng rãi, Phật giáo không bị hoen ố bởi sự chi phối của thời gian, bao giờ cũng giữ màu sắc thuần túy đạo Phật. Vì sống trong quy củ giới luật, bất cứ thời đại nào, phương sở nào, dưới một hình thức nào Phật tử cũng có thể nhịp nhàng, dung hòa và chung sống với nhau như hòa hợp một bản đàn kỳ diệu. Bởi hiệu quả và ích lợi như trên, Cho nên, Phật tử cần phải lãnh thọ và tu trì giới luật.
V. CÁCH TRUYỀN THỌ GIỚI LUẬT
Vì giới luật có quan hệ mật thiết với sự tu hành giải thoát nên đức Phật sau khi thành đạo mười hai năm, đã kiến lập và chế ra giới luật. Cho nên, Phật tử, nghĩa là người tiếp tục thi hành sứ mệnh vị tha, nhất là hạng xuất gia, cần phải truyền thọ giới luật. Nhưng tuyền thọ bằng cách nào?
Muốn truyền giới cho người khác, tất nhiên mình phải thanh tịnh đầy đủ giới đức, và ít nhất người truyền giới cần phải hơn người được truyền một bậc, kể cả giới pháp và đức hạnh. Thí dụ, bậc tỳ kheo mới có quyền trao năm giới hay mười giới cho một hay nhiều người khác. Nếu không thì tất nhiên sự truyền giới không hợp pháp và giới thể không thành tựu. Cũng vì điều này nên hàng tại gia cư sĩ không được truyền thọ giới pháp cho ai.
Còn người thọ giới trước tiên phải tinh thành sám hối, tẩy trừ nghiệp chướng. Khi thân tâm đã rỗng không, sạch các túc chướng phiền não, mới được thọ giới. Đây cũng như muốn nhuộm áo, cần phải giặt sạch trước khi nhuộm. Cần nhất phải hợp xứ, hợp thời, và đầy đủ mọi điều kiện, giới thể mới được thành tựu. Phải trao thọ giới pháp trước ngôi Tam bảo, vì thọ giới chính là vâng theo lời dạy của ngôi Tam bảo và cũng để cầu khải hộ trì của Tam bảo.
Chúng ta lại cần phải biết rằng: thọ giới là một cử chỉ tùy nguyện, do thân tâm chân thành phát ra chớ không phải một sự miễn cưỡng ép buộc; cũng như người muốn qua sông, cần phải vin vào dây nổi, đấy là một lẽ tự nhiên, chứ không ai có quyền áp chế bắt buộc. Vậy nên sau khi thọ giới, chúng ta cần phải triệt để tuân hành, dù có phương hại đến tánh mạng cũng vậy. Vả lại, giới luật chính đức Phật y cứ nơi tự tâm thanh tịnh của chúng sanh mà kiến lập. Thọ giới chính là vâng theo những đức tánh thuần lương mỹ diệu của tự tâm, như thế có gì là ép buộc miễn cưỡng? Cũng như muốn bảo tồn cơ thể tất nhiên đói phải ăn, khát phải uống. Sự thọ trì giới luật cũng như thế mà thôi.
Bởi thế, muốn khỏi thối đọa duy trì tự tâm, kiến lập một cơ đồ giải thoát giác ngộ, Phật tử chúng ta cần phải triệt để tuân hành giới luật. Vô thượng thay đức Phật, người đã sáng lập giới luật; cao quý thay người đã sưu tầm, kiết tập và truyền bá giới luật. Đáng thán phục và đáng tôn trọng thay người đã phát nguyện vâng giữ giới luật.
GIỚI LUẬT
Viên Âm Số 91 trang 7 năm 1950
I. YẾU ĐIỂM GIỚI LUẬT
Bài trước đã nói đại cương sự quan hệ của giới luật, ở đây nói rõ thêm và phân biệt ranh giới giữa đại thừa luật và tiểu thừa luật.
Giới luật là một trong ba tạng giáo điển của Phật đà. Hai tạng Kinh và Luận có xen sự nghị luận của các Bồ tát và các đệ tử Phật v.v... Về luật thì nhất định chỉ có đức Phật mới chế định mà thôi. Đức Phật căn cứ vào nhất thế chủng trí, như sự thật mà thuyết minh giới luật cốt xứng hợp hành vi của hàng đệ tử với thường trú chơn tâm cứu cánh chơn thật của muôn loài vạn vật. Muốn thấy sự thật của muôn loài vạn vật như Phật, phải nghiêm trì giới luật; muốn đạt được chơn hạnh phúc hoàn toàn của nhơn sinh, tức là cảnh giới Phật Đà, cũng phải nghiêm trì giới luật. Đức Phật dạy: "Thọ Phật giới tức nhập chư Phật vị", "Giới luật là đại sư của các ngươi, cũng như ta còn tại thế", "Giới luật còn là đạo ta còn". Người không nghiêm trì giới luật là người phản bội đức Phật, đi ngược cảnh giới giải thoát là cảnh giới thường trú chơn tâm, không thể thấy sự thật và hưởng hạnh phúc chơn chính. Người thọ trì giới luật, không những không phạm đến các điều ngăn cấm của Phật đã chế ra, mà hành vi hàng ngày càng xứng hợp với oai nghi khuôn mẫu. Oai nghi là những hành vi như đi đứng nằm ngồi v.v.... đúng theo một khuôn mẫu, quy tắc đã định. Đại thừa hay tiểu thừa luật đều y vào bốn yếu điểm sau:
TÁC: Nghĩa là tạo tác. Những người chưa thọ trì giới pháp, nay y theo pháp tắc oai nghi, làm lễ thọ giới. Nếu xét lại từ trước đến giờ, vì lầm lạc đã tạo ra nhiều điều phi pháp, cũng y theo quy tắc luật chế mà sám hối; về sau nếu còn vô tình phạm đến các giới điều đã cấm, thì cũng y theo phương pháp mà sám hối lại.
CHỈ: Nghĩa là ngăn dứt. Đối với những hành vi bất thiện như ngũ nghịch, thập ác ... quyết ngăn dứt mà không làm. Một nghĩa nữa nếu giữ gìn giới luật tinh tấn thì vô minh vọng tưởng sẽ ngăn dứt mà không phát sanh lại được nữa.
TRÌ: Có hai nghĩa: a) Trì xả, nghĩa là đối với những điều ác, quyết bỏ hẳn, không bao giờ làm lại, dù có hại đến tánh mạng. b) Trì thủ, nghĩa là đối với việc thiện quyết giữ gìn làm theo không để bỏ qua, dù là một việc thiện rất nhỏ.
PHẠM: Nghĩa là những hành vi không hợp pháp, trái với điều đã ngăn cấm; điều này mới là quan hệ. Người cầm cân giới luật cần phải sáng suốt, thông hiểu tất cả những tâm lý hành vi của hành giả. Căn cứ vào giới luật Đại thừa hay Tiểu thừa mà ấn định có phạm luật hay không. Lại còn phải căn cứ vào tâm niệm (nhất là tâm niệm) vào thời gian và nghiệp cảnh ( ) là thế nào mới có thể định đoạt là phạm hay không phạm. Ví dụ về giới sát sanh: Giết một con vật, đối với Thanh văn tiểu thừa là phạm nhẹ, đối với Đại thừa bồ tát thì phạm giới nặng, vì làm mất căn bản Từ bi tâm. Còn phải căn cứ vào tâm niệm cố ý lầm lạc, khi khởi tâm giết hại mạnh hay yếu, trong thời gian khởi tâm giết hại, đến khi giết và sau khi giết, trong khoảng thời gian ấy, trực tiếp hay gián tiếp, hối hận hay không hối hận, ác niệm tăng hay giảm, và nghiệp cảnh giết hại có thích hợp với lòng ưa muốn không (Như móng tâm muốn giết con bò mà khi giết lại giết lầm con trâu v.v..). . Từ khi móng tâm, trải qua thời gian đến nghiệp cảnh kết quả, một tâm niệm không thay đổi là tội nặng nhất. Nếu trong đó, móng tâm thì hăng hái hoặc vì một thiện niệm đến khi làm và sau khi làm thì hối hận hoặc gián tiếp, hoặc làm việc không kết quả như ý muốn, thi phạm tội nhẹ. Tùy theo những cảnh huống ấy mà định đoạt phạm hay không phạm, tội lỗi nhẹ hay nặng. Tội lỗi nặng nhẹ có chia làm ba loại thượng, trung và hạ. Về Đại thừa thì chú trọng nhất về tâm niệm. Bốn điểm yếu trên này làm khuôn khổ cho tất cả giới luật, dù Đại thừa hay Tiểu thừa cũng vậy.
II. NĂM THỪA LUẬT
Giáo pháp của Phật dạy có chia ra năm thừa sai biệt khác nhau, giới luật cũng y theo đó mà có năm thừa.
Năm thừa luật là Nhơn thừa luật, Thiên thừa luật, Thanh văn thừa luật, Duyên giác thừa luật và Bồ tát thừa luật. Nhơn thừa luật là năm giới của Ưu bà tắc, ưu bà di. Thiên thừa luật là mười thiện giới. Hai hạng trên này gồm cả tại gia và xuất gia (Bát quan trai giới cũng nhiếp ở trong này). Thanh văn thừa luật và Duyên giác thừa luật chỉ đặc biệt riêng cho hàng xuất gia, gồm có bốn chúng Sa di (con trai), Sa di ni (con gái), có mười giới; Tỷ kheo(đàn ông) có hai 250 giới, Tỷ kheo ni (đàn bà) có 350 giới; có luật tăng đến 500 giới. Duyên giác thừa luật gồm ở trong Thanh văn chứ không có luật riêng. Bồ tát thừa luật gồm cả tại gia và xuất gia, phổ thông đều theo giới kinh Phạm võng, có tất cả 58 giới, chia ra 10 giới nặng và 48 giới khinh.
Năm thừa luật trên đây, tùy theo căn cơ trình độ, hoàn cảnh mà lãnh thọ, trong đó chia ra có đại thừa và tiểu thừa sai khác nhau. Như bốn thừa trước thuộc về tiểu thừa luật, một thừa sau tức bồ tát thừa là thuộc về đại thừa luật.
III. NHẤT THỪA LUẬT
Nhất thừa luật, không phải ngoài năm thừa luật trước mà có, tức là chỉ cho
Đại thừa bồ tát. Đây cũng căn cứ vào giới kinh Phạm võng, 10 điều trọng và 48 điều khinh làm căn bản. Như người tùy theo hoàn cảnh, muốn làm khuôn mẫu đạo đức về nhơn đạo, chỉ thọ trì năm giới tại gia, nhưng thâm tâm muốn phát bồ đề tâm, hồi hướng về quả vô thượng bồ đề, nên dù ở hoàn cảnh triền phược gia đình, có thể thọ trì thêm giới bồ tát luật gọi là Ưu bà tắc bồ tát hay Ưu bà di bồ tát. Còn hàng xuất gia, chí khí trượng phu, trang nghiêm nhơn tướng làm khuôn mẫu cho muôn loài, cũng thọ giới bồ tát là hàng sa di bồ tát, sa di ni bồ tát, tỷ kheo bồ tát, tỷ kheo ni bồ tát v.v... Cho nên, năm thừa luật cũng không ngoài nhất thừa luật mà có, mà cuối cùng năm thừa luật đều quy nạp vào nhất thừa luật cả. Nhất thừa luật mới thật là mục tiêu cứu cánh về giới luật. Và cũng chính bản ý của Phật hiện thân ở thế gian này. Muốn chỉ định hành vi của Nhất thừa bồ tát luật (tức Đại thừa luật) cần phải căn cứ vào ba phương diện sau này:
Phương diện tiêu cực nghĩa là nghiêm trì tất cả giới luật oai nghi một cách rốt ráo thanh tịnh, tuyệt hẳn bao nhiêu lỗi lầm nhỏ nhiệm không có thể phạm được.
Phương diện tích cực nghĩa là thâu nhiếp tất cả những điều thiện mỹ thế gian, xuất thế gian, hữu lậu vô lậu, để áp dụng vào hành vi đạo đức của mình. Hai phương diện trên này thiên trọng về tự lợi.
Phương diện cứu cánh lợi tha. Đến phương diện thứ ba này mới thật hoàn toàn cứu cánh của người thọ trì giới pháp đại thừa. Nghĩa là một hành vi gì, không cần kể đến có lợi hay có hại cho mình, miễn hành vi ấy có lợi cho quần chúng, một cách thiết thực về hiện tại cũng như về tương lai, thì chơn chính đại thừa Phật tử triệt để thi hành ngay, không do dự lùi bước. Chỉ có người phát đại bồ đề tâm, mới thọ trì nhất thừa luật. Người ấy mới xứng với hai chữ Phật tử.
LỜI PHẬT
Thọ giới Phật dạy là được dự vào hàng chư Phật.
Giới luật còn là đạo ta còn. Giới luật là vị đạo sư của các ngươi, cũng như ta còn tại thế, không có sai khác.