XXX.1. Lời dẫn

[184b] Lý thể không có âm thanh, nhưng nhờ vào ngôn từ để biểu đạt ý nghĩa. Ngôn từ không có dấu vết, nhưng nương vào văn tự để diễn phát âm thanh. Cho nên văn tự là công cụ để hiển bày ngôn từ, ngôn từ là phương tiện để diễn đạt nghĩa lý. Âm nghĩa phù hợp, không sai lạc, nên văn tự được ứng dụng khắp nơi. Mặc dù dấu tích đầy khắp trong kinh điển, mà lý vẫn phù hợp với tâm thể. Nhưng vì kinh luận phong phú, khó ghi chép hết, còn truyện ký thì phức tạp, mỗi việc có rộng có lược. Sở dĩ đạo được truyền bá khắp nơi, khai thị cho hậu học là bởi vì dấu tích của nhân duyên lập giáo vẫn rõ ràng đầy đủ, nguồn gốc của việc hóa độ thế gian vẫn còn nguyên vẹn. Cho nên sưu tầm nghiên cứu các chương điều, tóm thâu chỗ cốt yếu để biên tập thành văn, và được ghi chép đầy đủ ở các chương trước. Còn những vấn đề lặt vặt khác nhằm dẫn dắt giúp đỡ cho người, hiện có thể thực hành thì ghi chép sau đây. Mong sao vén được mây mờ hôn ám cho ngọn đèn chính pháp rạng chiếu muôn nơi!

XXX.2. Oán khổ

Kinh Trung a-hàm ghi: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dạy các tì-kheo:

– Chúng sinh từ vô thỉ đến nay luân chuyển mãi trong đêm dài sinh tử, không biết được cội nguồn của khổ đau. Các tì-kheo nghĩ sao? Nếu chặt tất cả cỏ cây trên đại địa này làm thẻ, mỗi thẻ dài bốn lóng tay, thì số lượng thẻ này vẫn chưa đủ để so với số lượng cha mẹ mà các vị đã nương gá từ vô thỉ kiếp sinh tử. Các tì-kheo! Chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử dài lâu cũng như thế đó!

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Trong vòng luân hồi sinh tử các thầy đã bú sữa mẹ nhiều hơn nước sông Hằng và bốn biển. Vì sao? Vì trong đêm dài sinh tử, các thầy khi sinh trong loài voi, bú sữa voi mẹ vô số vô lượng. Hoặc sinh trong loài cầm thú như lạc đà, ngựa, trâu, lừa v.v… bú sữa loài mẹ cũng không kể xiết. Trong đêm dài sinh tử các thầy bỏ thân mạng nơi nghĩa địa, máu mủ chảy ra cũng giống như thế. Hoặc đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, máu tủy chảy ra cũng y như vậy.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Trong đêm dài sinh tử lưu chuyển, máu thân ta chảy ra cũng nhiều vô kể, hơn cả nước trong sông Hằng và bốn bể. Trong đêm dài sinh tử ấy, các thầy đã từng sinh trong loài voi, bị cắt tai, mũi, đầu, đuôi, bốn chân, máu tuôn ra vô lượng. Hoặc thụ làm thân loài cầm thú như ngựa, lạc đà, trâu, lừa v.v… bị cắt thân thể, như cắt tai, mũi, đầu, chân… máu tuôn ra cũng không thể lường. Hoặc khi thân hoại mạng chung bỏ xác nơi nghĩa địa, máu mủ chảy ra cũng vô lượng vô biên. Hoặc đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, rã xác tiêu hình máu huyết chảy ra cũng y như thế! Trong đêm dài sinh tử lưu chuyển, [184c] nước mắt khóc tiễn biệt cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè thân thuộc, hoặc khóc khi mất của cải cũng nhiều không thể lường, hơn cả nước trong bốn biển.

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Nếu các thầy gặp chúng sinh sống bình an vui vẻ thì phải nghĩ: “Trong đêm dài sinh tử, ta cũng từng cảm thụ vô lượng niềm an vui này”. Hoặc gặp chúng sinh chịu nhiều đau khổ thì phải nghĩ: “Ta từ xưa đến nay lưu chuyển trong đêm dài sinh tử, cũng từng chịu vô lượng nỗi khổ như thế”. Hoặc gặp chúng sinh mà lòng sợ hãi, rùng mình dựng tóc thì phải nghĩ: “Trong quá khứ chúng ta nhất định đã từng sát sinh, làm tổn thương, là kẻ ác tri thức của họ, nên bị lưu chuyển trong đêm dài sinh tử từ vô thỉ đến nay không biết được cội gốc, bờ mé của nỗi khổ”. Hoặc gặp chúng sinh mà sinh tâm vui mừng yêu mến thì phải nghĩ: “ Trong đời quá khứ chúng ta đã từng làm cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, thân thuộc, thầy, bạn tốt, lưu chuyển trong đêm dài sinh tử đến nay, nhưng do vô minh che lấp, ái nhiễm ràng buộc, mà không biết được cội nguồn của khổ đau”. Cho nên các thầy phải nên tu học như thế, siêng năng lập phương tiện đoạn trừ tận gốc khổ não, đừng cho tăng trưởng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ :

Một người trong một kiếp,
Nếu lưu giữ hài cốt,
Đừng để cho hủy hoại,
Chất bằng Tì-phú-la.[8]
Như các thánh đệ tử,
Chính trí đạt chân đế,
Khổ và nguyên nhân khổ,
Lìa khổ được tịch diệt.
Tu tập bát chính đạo,
Hướng thẳng đến niết-bàn,
Tột cùng trong bảy cõi[9],
Sinh qua lại trời người,
Cởi bỏ mọi ràng buộc,
Vượt khỏi bờ khổ đau.
Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Chúng sinh từ vô thỉ đến nay lưu chuyển mãi trong đêm dài sinh tử, không biết được nguồn gốc của khổ đau. Không một nơi nào mà Ta chưa từng sinh ra và chết đi. Cũng không một nơi nào mà không có cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, dòng họ và thầy của Ta.

Ví như trời mưa lớn, bọt nước chợt thành chợt tan. Cũng như vậy, chúng sinh bị vô minh che lấp, ái nhiễm buộc ràng, xoay vần trong đêm dài sinh tử mà không biết được nguồn gốc của khổ đau.

Ví như một trận mưa lớn, đông, tây, nam, bắc nơi nào cũng ngập nước. Cũng như thế, [185a] sự thành hoại của vô lượng quốc độ trong bốn phương như trời mưa khắp nơi không sót một chỗ nào. Nỗi khổ sinh tử của chúng sinh xoay vần trong đêm dài cũng không bờ mé.

Ví như tung gậy lên hư không, có thể đầu gậy rơi xuống trước, hoặc đuôi gậy rơi xuống trước, hoặc gậy rơi ngang xuống đất. Cũng như thế, chúng sinh từ vô thỉ chìm đắm trong đêm dài sinh tử, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sinh, hoặc đọa vào ngạ quỷ”.

Kinh Chính pháp niệm ghi: “Bấy giờ vua trời Dạ-ma nói với thiên chúng:

– Cõi trời, cõi người thuộc về đường lành có mười sáu nỗi khổ, đó là thân trung ấm, ở trong thai, lúc sinh, mong cầu ăn uống, ghét nhau mà gặp nhau, thương yêu mà xa lìa, thời tiết nóng lạnh, bệnh hoạn, bị người sai khiến, tìm cầu lao nhọc, gần ác tri thức, người thân lâm nạn, đói khát, bị người khác khinh chê, già, chết.

Đây là mười sáu nỗi khổ lớn trong nhân gian, đến chết vẫn còn những nỗi khổ khác. Ở trong sinh tử thật không thể chịu nổi! Trong cõi hữu vi chẳng có mảy may vui thú, tất cả đều vô thường, tất cả đều hủy hoại. Bấy giờ, vua trời Dạ-ma nói bài kệ:

Ở trong cõi đời này,
Có thân thì có khổ,
Có sinh thì có diệt,
Có diệt thì có sinh.
Khi thụ thân trung ấm,
Do nghiệp chịu khổ đau,
Trong đêm dài tăm tối,
Khổ này nói sao cùng!
Như rơi vào hố xí,
Như lửa đốt cháy thân,
Lúc ở trong thai bào,
Khổ này nói sao cùng!
Vì tham mùi vị ngon,
Tâm luôn luôn mong cầu,
Sinh ra muôn nghìn khổ,
Khổ này nói sao cùng!
Phàm phu luôn mong cầu,
Tham muốn không biết đủ,
Sinh ra các khổ não,
Khổ này nói sao cùng!
Ghét nhau mà gặp nhau,
Giống như ngọn lửa độc,
Gây ra bao não phiền,
Khổ này nói sao cùng!
Thương yêu mà lìa xa,
Lòng vô cùng khổ não,
[185b] Làm sao kham chịu nổi,
Khổ này nói sao cùng!
Thời tiết không điều hòa,
Cũng sinh muôn nghìn khổ,
Không muốn cũng phải chịu,
Khổ này nói sao cùng!
Bệnh hoạn hại thân người,
Sứ giả của thần chết,
Chúng sinh chịu khổ này,
Nói sao cho hết được!
Bị người khác sai khiến,
Mất hết quyền tự do,
Chịu bao điều cay đắng,
Khổ này nói sao cùng!
Lửa ái dục thiêu thân,
Vẫn cầu để chịu khổ,
Dần dần đến ngày chết,
Khổ này nói sao cùng!
Gần gũi với người ác,
Chịu khổ sở vô cùng,
Đưa mình về nẻo ác,
Khổ này nói sao cùng!
Thấy người thân buồn khổ,
Thì sinh lòng đau thương,
Còn hơn ở địa ngục,
Khổ này nói sao cùng!
Bị đói khát hoành hành,
Như lửa đốt ruột gan,
Hủy hoại cả thân tâm,
Khổ này nói sao cùng!
Bị bạn bè, thân thuộc,
Và mọi người khinh chê,
Thì sinh lòng buồn chán,
Khổ này nói sao cùng!
Cho đến khi già nua,
Thân gầy, tâm suy sụp,
Đi đứng phải chống gậy,
Khổ này nói sao cùng!
Thần chết cướp mạng người,
Đời này sang đời khác,
Đây là nỗi khổ lớn,
Sao nói được bằng lời!
_________________________

[8] Tì-phú-la 毘富羅 (S: Vipula; Hd: Quảng Bác Hiệp sơn): tên một ngọn núi thuộc nước Ma-kiệt-đà. Ngọn núi này mọi người thường thấy, nên Đức Phật lấy làm ví dụ.
 
[9] Bảy cõi (thất hữu 七有): địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, nhân, thiên, nghiệp, trung hữu.
 

Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về
2 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về

Khổ Đế
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Vòng Khổ
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương