Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-2

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 2
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Xin mở kinh ra, trang 145, hàng thứ hai từ dưới đếm lên. Chúng ta vẫn đọc từ ở trước.

“Nhĩ thời Quán Thế Âm Bồ Tát, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn, ức niệm ngã tích, vô số hằng hà sa kiếp, ư thời hữu Phật, xuất hiện ư thế, danh Quán Thế Âm. Ngã ư bỉ Phật, phát bồ đề tâm, bỉ Phật giáo ngã, tùng văn tư tu, nhập tam ma địa”.

Ở trước chúng ta nói rõ về ba chữ Quán Thế Âm, điều này rất quan trọng, hôm nay nói với quý vị về phát tâm.

Ở đây nói: “Ngã ư bỉ Phật phát tâm bồ đề”. “Bỉ Phật” là chỉ cổ Phật Quán Âm. Thầy của ngài tên là Quán Thế Âm, học sinh cũng gọi là Quán Thế Âm. Nếu chúng ta tu học theo pháp môn này, chúng ta cũng là Quán Thế Âm. Ở đây Bồ Tát Quán Thế Âm là Đẳng giác Bồ Tát, chúng ta hiện nay là hàng sơ học, Quán Thế Âm sơ phát tâm. Nhất định có cảm ứng đạo giao, nhất định có cảm ứng. Chỉ cần quý vị thật sự phát tâm, phát tâm rất quan trọng.

Phát tâm gì? Chư vị phải nhớ, phải phát tâm bồ đề. Nói đến tâm bồ đề, chúng ta nghe rất quen tai, thường nghe. Bản thân chúng ta cũng biết khuyên người khác, phải phát tâm bồ đề. Thế nào gọi là tâm bồ đề? Không biết, như vậy làm sao phát tâm? Nam Mô A Di Đà Phật, sáu chữ này chính là phát tâm bồ đề.

 A Di Đà Phật dịch sang tiếng Trung nghĩa là vô lượng giác. Vô lượng giác là gì? Chính là trong kinh thường nói A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Nam mô nghĩa là quy y, quy y là sao? Trước đây chúng ta không giác, hiện nay quay đầu cầu giác, đây là quy y. Từ bất giác quay đầu lại, đây là quy. Y là gì? Nương vào vô lượng giác. Cho nên tâm bồ đề, bồ đề là tiếng Ấn độ, dịch sang tiếng Trung nghĩa là giác. Tâm bồ đề chính là tâm giác, giác là đối với mê mà nói. Nếu trong tất cả cảnh giới mê mà không giác, đó không phải tâm bồ đề. Nếu trong tất cả cảnh giới giác mà không mê, đây chính là tâm bồ đề. Bởi vậy chư vị phải nhớ điều này, trong kinh Phật thường nói chánh tri chánh kiến, lại thường gọi là chánh tri chánh giác, những chữ này đều là tâm bồ đề. Nhưng trong kinh thường nói với chúng ta, Bồ Tát trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, đây cũng là tâm giác. Tâm giác, nhất định là hành sự như vậy, không thể thượng cầu hạ hóa, đây là không giác.

Tâm bồ đề, trong Đại Thừa Tín Khởi Luận nói với chúng ta, Bồ Tát Mã Minh giải thích với chúng ta là trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm. Chư vị tổ sư đại đức ngày xưa chú giải kinh luận, hầu như đại đa số đều nương theo ý nghĩa của Khởi Tín Luận để giải thích tâm bồ đề.

Trong các buổi giảng chúng tôi cũng nói rất nhiều, tuy nói rất nhiều lần, chư vị vẫn chưa phát tâm này. Hay nói cách khác, nói thêm vài lần cũng không sao, vì sao vậy? Vì ta chưa phát. Thế nào gọi là trực tâm? Hiện nay tâm chúng ta đã trực chưa? Tự cho rằng rất trực, rất chánh, rất chánh trực. Đó là tự cho đã chánh trực. Cho nên tiêu chuẩn tâm bồ đề, chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Phát tâm bồ đề rồi, nói cho chư vị biết, quý vị đã khai ngộ, đã chứng quả. Vì sao vậy? Chúng ta biết, người mà tâm bồ đề hiện tiền, là Viên giáo sơ trụ Bồ Tát. Trong pháp môn Tịnh độ gọi là lý nhất tâm bất loạn, tâm bồ đề hiện tiền. Do đây có thể biết, đại triệt đại ngộ, giác mà không mê. Sự nhất tâm vẫn mê, lý nhất tâm không mê. Là cảnh giới Viên giáo sơ trụ, cảnh giới Biệt giáo sơ địa trở lên, chúng ta phải nhận thức rõ ràng điều này.

Nói như vậy, sau khi quý vị nghe xong, tuyệt đối không được sanh tâm tự ti tự khuất. Vừa nghe nói Viên giáo sơ trụ, Biệt giáo sơ địa, tôi làm sao được? Tôi quá kém! Chúng ta không được sanh khởi tâm này, vì sao vậy? Vì Viên giáo sơ trụ, lý nhất tâm, chúng ta có thể chứng được, mỗi người đều có phần. Đừng vừa nghe đến liền khiếp sợ, cảnh giới này quá cao, địa vị quá cao, chúng ta không có phần. Không có phần, vậy chúng ta nói đến nó làm gì? Chúng ta đã giảng giải ở đây, đương nhiên là có phần. Mặc dù hôm nay ta mới đến nghe kinh, trước đây chưa từng nghe, ta cũng có phần. Nếu không có phần, nhân duyên này ta không gặp được. Còn như gặp được, chứng tỏ quý vị có duyên. Trong đời quá khứ ta có thiện căn phước đức, mới gặp được nhân duyên này.

Trực tâm, thế nào mới gọi là trực? Trong Quán Kinh Đức Phật tự nói, tâm bồ đề này ngài gọi là tâm chí thành. Trong Quán Kinh nói, tâm bồ đề này gọi là chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm. Chúng ta đối chiếu với Khởi Tín Luận, hai bên hỗ tương chú giải sẽ hiểu. Thế nào là trực tâm? Trực tâm là chí thành tâm, chí thành tâm chính là trực tâm. Thế nào gọi là đại bi tâm? Đại bi tâm là hồi hướng phát nguyện tâm. Chư vị phải nhớ, đây không phải một vấn đề. Phát nguyện là một vấn đề, hồi hướng là một vấn đề, là hai vấn đề. Phát tứ hoằng thệ nguyện, hoặc là y Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, phát thập đại nguyện, thập đại nguyện vương. Phải phát nguyện, hồi hướng phát nguyện, đây là đại bi tâm. Xem ý nghĩa này sẽ rất rõ ràng, nhưng chí thành lại có vấn đề.

Thế nào mới gọi là chí thành? Tiêu chuẩn của chí thành là gì? Quý vị đọc Cầu Khuyết Trai Bút Ký của Tăng Quốc Phiên, đó chính là tâm đắc đọc sách của ông. Quý vị xem người khác, trong tâm luôn cầu viên mãn, bất kỳ việc gì đều cầu viên mãn. Tăng Quốc Phiên không như vậy, ông cầu khiếm khuyết, không muốn quá viên mãn. Cho nên trên tấm hoành ở phòng sách của ông đề rằng Cầu Khuyết Trai, không phải cầu toàn, cầu khuyết. Vì sao vậy? Viên mãn, sau đó phải đi xuống dốc. Quý vị xem ánh trăng, trăng tròn, sau khi trăng tròn sẽ khuyết theo từng ngày. Cầu khuyết, khi khuyết nó sẽ viên mãn theo từng ngày. Ý này rất hay, cũng có thể thấy được học vấn của Tăng Quốc Phiên. Trong tâm đắc đọc sách của ông viết thế nào gọi là thành? Nhất niệm không sanh gọi là thành.

Chúng tôi từng giảng cho mọi người về Liễu Phàm Tứ Huấn, trong đó có một đoạn nói, họa phù niệm chú thành tức linh. Thành này nói như thế nào? Chính là nhất niệm bất sanh. Vẽ đạo phù này, từ khi đặt nét bút xuống, đến khi vẽ hoàn thành đạo phù này, trong tâm không khởi ý niệm nào, đạo phù này sẽ linh. Chúng ta niệm chú cũng như vậy, khi niệm chú, từ đầu đến cuối niệm câu chú này một cách rõ ràng. Trong đó không sanh khởi niệm nào, chú này sẽ linh. Nếu khi niệm chú này, sanh khởi vọng tưởng, chú này không linh, ý nghĩa giống nhau. Bởi vậy chư vị phải biết, niệm chú càng ngắn càng dễ nhiếp tâm, dài dễ khởi vọng tưởng, khởi vọng tưởng tức không linh.

Ví dụ niệm Chú Lăng Nghiêm, nếu muốn cầu cảm ứng, không bằng Chú Đại Bi. Chú Đại Bi chỉ có 84 câu, có thể trong khi trì chú không khởi vọng tưởng dễ dàng. Chú Lăng Nghiêm quá dài, không tránh khỏi khởi vọng tưởng. Còn Chú Đại Bi không bằng Chú Vãng Sanh, vì sao vậy? Vì Chú Vãng Sanh càng ngắn. Nói thật niệm chú Vãng Sanh, không bằng một câu Phật hiệu sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Quý vị niệm sáu chữ này, không khởi một vọng tưởng, sáu chữ này sẽ có cảm ứng. Quý vị đừng xem thường sáu chữ này, không đơn giản đâu! Quý vị không tin, tự hỏi chính mình, một mặt niệm Nam Mô A Di Đà Phật, mặt khác khởi vọng tưởng. Sáu chữ đều không được, đều khởi vọng tưởng. Nếu niệm đại chú, chú dài, làm sao linh nghiệm được? Thành tức linh, chúng ta một ngày từ sáng đến tối, niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật, trong mỗi câu đều có vọng tưởng. Đây chính là vì sao không linh, vì sao không có cảm ứng, đây là gì? Tu trực tâm.

Chúng ta học Phật, nếu muốn có thành tựu thật sự, nhất định phải tu trực tâm, vì sao vậy? Đây là nền tảng. Trực tâm cầu từ đâu? Trực tâm cầu từ đoạn trừ tất cả vọng tưởng chấp trước. Giống như những gì chúng ta đọc trong Kinh Hoa Nghiêm, viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt. Nếu không thể viễn ly vọng tưởng phân biệt, nói cách khác, tâm bồ đề không thể hiện tiền.

Viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt, phải biết vì sao gọi là vọng tưởng? Vì sao gọi là phân biệt? Hiểu rõ ràng về nó và thật sự buông bỏ. Chư vị xem chung mấy bộ đại kinh này, sẽ khai ngộ. Kinh đó sẽ chú giải kinh này, kinh này sẽ chú giải kinh kia. Quý vị mới thật sự tin, đây không phải người bình thường chúng ta nói năng lung tung, trong kinh Phật nói như thế.

Quý vị nghe nhiều sẽ hiểu được ý nghĩa, Phật dạy chúng ta như thế, Khổng tử cũng dạy chúng ta như thế. Khổng tử dạy chúng ta: “cách vật trí tri, thành ý chánh tâm”. Thành ý chánh tâm tức trong Phật pháp gọi là phát tâm bồ đề. Cách vật trí tri, tức là viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt. Thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta phương pháp này, sao ta có thể không tin? Bởi vậy chư vị muốn khai ngộ, muốn chứng quả, không thể không tuân thủ con đường này, tinh tấn tu học, đây là nói về trực tâm.

Thứ hai nói đến thâm tâm, thâm tâm Khởi Tín Luận cũng gọi là thâm tâm, trong Quán Kinh cũng gọi là thâm tâm. Thâm tâm là gì? Thâm tâm là tâm hiếu đức hiếu thiện. Chư vị phải biết, hiếu đức hiếu thiện người thế gian có, tiểu thừa cũng có, ngoại đạo cũng có. Đại từ đại bi, nhân thiên có, tiểu thừa có, ngoại đạo cũng có, duy nhất trực tâm không có. Đầy đủ cả ba tâm mới gọi là tâm bồ đề, không có trực tâm, chỉ có thâm tâm, có đại bi tâm, không gọi là tâm bồ đề.

Do đây có thể biết, gọi tâm bồ đề, trực tâm đứng hàng đầu, là nền tảng. Nghĩa là tất cả phàm phu ngoại đạo, họ đều không có trực tâm, trực tâm khó nhất! Trực tâm là chân thành, chân thành quá khó, chúng ta phải đặc biệt coi trọng điều này. Nếu ta muốn chân tức phải lìa vọng, muốn thành cần phải lìa tất cả hư ngụy, mới có thể làm được căn bản của tâm bồ đề, cũng là cơ sở để thành Phật tác tổ.

Thâm tâm chính là hiếu thiện hiếu đức, như vừa mới nói người thường đều có. Tuy người thường có, nhưng mục đích hiếu thiện hiếu đức đó là gì? Vì danh hoặc vì lợi. Họ hiếu thiện, hy vọng mọi người xưng họ, ông đó là bậc đại thiện nhân. Chọn người tốt việc tốt, họ có thể được chọn. Nếu hành thiện là vì điều này, thiện này không phải chân thiện.

Chúng ta thấy trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói, thiện có thật có giả, có vơi có đầy, có lớn có nhỏ, ông nói tất cả có năm đôi mười cảnh giới. Cho thấy thâm tâm có thứ lớp. Ví dụ nói, từ viên giáo sơ trụ là đã chứng được, cho đến Đẳng giác Bồ Tát, có 41 địa vị. Nói cách khác, chính là 41 trình độ sâu cạn khác nhau.

Đây cũng là vấn đề hôm qua tôi nói với mọi người, chúng ta học Phật nhất định phải biết ngày ngày nâng cao cảnh giới của mình, không thể giữ mãi cảnh giới này. Giữ mãi cảnh giới này, chính là thoái thất tâm bồ đề, tức là thoái chuyển. Hay nói cách khác, tâm bồ đề là tâm tinh tấn, ngày càng tiến bộ, chứ không phải ngừng lại ở một cấp bậc.

Thanh văn, Duyên giác không có tâm bồ đề, vì sao họ không có tâm bồ đề? Vì họ dừng lại ở một cấp bậc, thiên chân niết bàn. Họ chứng được cảnh giới này, và dừng lại tại cảnh giới này, không chịu tiếp tục tiến về phía trước. Tâm Bồ tát là dõng mãnh tinh tấn, tuyệt đối không có ngừng.

Chúng ta cầu tiến bộ, phải nâng cao cảnh giới của mình. Phải nâng cao mỗi ngày, không phải nói nâng cao mỗi năm, năm nay ta có thẻ trú trong cảnh giới này, không được. Mỗi năm nâng cao là nâng cao vượt bậc, nếu nói cảnh giới nâng cao rất ít, là ngày ngày nâng cao, đây mới gọi là học Phật!

Thâm tâm là tự thọ dụng, mục đích tu là gì? Là tu tâm thanh tịnh. Một người hiếu thiện hiếu đức, pháp hỷ sung mãn, thân tâm thanh tịnh, đây là tự lợi. Tâm đại bi là lợi tha, đại từ đại bi là lợi ích tất cả chúng sanh. Do đây có thể biết, thâm tâm và đại bi tâm đều là dụng, đều là tác dụng, còn trực tâm là lý thể. Từ đó cho thấy, thâm tâm và đại bi tâm, cũng chính là tâm thanh tịnh và tâm từ bi, là kiến lập trên nền tảng của trực tâm, đây gọi là tâm bồ đề. Nếu tâm thanh tịnh và tâm từ bi của chúng ta, không kiến lập trên nền tảng của trực tâm, đây không gọi là tâm bồ đề, điều này rất quan trọng.

Hôm nay chúng ta thấy Bồ Tát Quán Thế Âm Bồ Tát tu học trong bộ kinh này, cũng chính là chương Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông này. Là chính Bồ Tát Quán Thế Âm tự thuật ngài tu hành như thế nào, thành tựu như thế nào, chứng quả như thế nào? Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Quán Thế Âm nói ngài độ chúng sanh như thế nào, đó là hóa tha. Đây là bản thân ngài tu thành tựu như thế nào.

Chúng ta muốn mình tu thành tựu, đối với chương kinh văn này phải đặc biệt lưu ý, quan trọng nhất là phải hiểu rõ ràng về tâm bồ đề, đây là nền tảng tu hành vững chắc của Bồ Tát. Chúng ta muốn làm Bồ Tát Quán Thế Âm, muốn thành Bồ Tát Quán Thế Âm, tương lai cũng muốn thành Phật Quán Thế Âm, thì phải tu từ chỗ này.

Lại nói với chư vị, tâm bồ đề chính là hết thảy Phật pháp, quý vị đừng xem nó quá đơn giản. Toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm nói về điều gì? Chính là nói về tâm bồ đề. Cho nên tứ hoằng thệ nguyện cũng là tâm bồ đề. Những gì trong bộ Đại Tạng Kinh này nói đều là tâm bồ đề, nếu tâm bồ đề hiện tiền, tất cả Phật pháp đều thông đạt. Vì sao vậy? Vì tất cả Phật pháp đều hiển lộ ra từ tâm bồ đề. Bản thân ta đã chứng được tâm bồ đề, mười phương chư Phật với ta cùng một tâm. Pháp hiển lộ ra trong cùng một tâm, quí vị còn có điều không hiểu được sao?

Chư vị muốn thông đạt kinh luận mà tất cả chư Phật trong mười phương ba đời nói, chỉ cần phát tâm bồ đề là chứng được. Nhưng tâm này tuyệt đối không phải chỉ nói trên miệng là đã phát, không phải vậy. Phải phát xuất từ tận đáy lòng, thật sự giác ngộ, viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt. Đây là thật sự giác ngộ, là trực tâm hiện tiền. Chỉ cần trực tâm hiện tiền, thâm tâm và đại bi tâm cũng hiện tiền. Vì sao vậy? Vì từ thể khởi dụng. Bởi vậy người có trực tâm, nhất định có thâm tâm, có đại bi tâm. Hay nói cách khác, người có thâm tâm, có đại bi tâm, không nhất định có trực tâm. Ví dụ Thanh văn, Duyên giác cũng có tâm thanh tịnh, cũng có tâm đại bi, họ không có trực tâm. Thanh tịnh và từ bi của họ, không kiến lập trên nền tảng của chí thành. Họ kiến lập ở đâu? Họ kiến lập trên nền tảng của vọng tưởng phân biệt.

Tâm của A la hán là bên trong giữ sự nhàn nhã, là thiên chân niết bàn. Thiên chân niết bàn, chính là bên trong giữ sự nhàn nhã, giữ sự nhàn nhã vẫn là vọng tưởng phân biệt. Bởi vậy từ bi của họ, thanh tịnh của họ, kiến lập trên nền tảng của vọng tưởng phân biệt, không gọi là tâm bồ đề.

Chúng ta cũng có tâm thanh tịnh, cũng có tâm từ bi. Tâm từ bi, tâm thanh tịnh của chúng ta, vẫn kiến lập trên nền tảng của vọng tưởng phân biệt. Chúng ta không sánh bằng A la hán, A la hán ít vọng tưởng phân biệt, chúng ta quá nhiều vọng tưởng phân biệt, bởi vậy không thể sánh với họ. Khi nào trong mọi cảnh giới đều không có vọng tưởng phân biệt, đây mới thật sự gọi là tâm bồ đề. Bởi vậy nếu chúng ta không hiểu rõ tình hình này, đạo lý này, hiểu rõ cảnh giới này, thì tâm bồ đề này chỉ hữu danh vô thực, như vậy làm lỡ một đời này của chúng ta. Nhưng muốn hiểu rõ vấn đề này, cần phải đọc tụng đại thừa, thật sự khai ngộ, thông đạt vấn đề này là thế nào.

Tối hôm qua tôi nói với mọi người một câu, như thế nào gọi là vọng tưởng phân biệt, không thể không hiểu rõ điều này. Tốt, tất cả vọng tưởng phân biệt của ta đều không có, đó vẫn là vọng tưởng phân biệt, vẫn chưa đoạn tận. Vì sao vậy? Vì ta mê hoặc, ta không thể đột phá mê chướng này. Khi nào đột phá mê chướng, mới có thể viễn ly vọng tưởng phân biệt. Mê chướng này ngày nay gọi là tương đối, trong Phật pháp gọi là ngã chấp, pháp chấp.

Tâm bồ đề hiện tiền, chẳng những phải phá ngã chấp, mà còn phá pháp chấp. Phá ngã chấp, không còn mê ngã, không còn mê phiền não, công phu này không tệ. Nhưng đối với các pháp ta vẫn còn mê, vẫn không giác. Cho nên nói, sở tri chướng và phiền não chướng đều phải phá, chấp ngã chấp pháp đều phải đoạn. Mới có thể viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt, mới có thể chứng được trực tâm.

Ngày nay chúng ta nói đến tâm bồ đề, trọng điểm ở trực tâm. Có trực tâm, ở sau đều có. Trực tâm là tâm chánh giác, cũng chính là chánh tri chánh kiến. Sau đó ta tu hành, bất luận tu hành môn gì đều chính xác, đều là chánh hạnh, tuyệt đối không sai lầm. Vì sao vậy? Vì ta chứng được căn bản, cho nên tất cả đều chứng được.

Có một vị đồng tu nói với tôi, anh ta nói anh ta đã xem Tứ Thập Hoa Nghiêm, chính là bản hiện tại chúng ta đưa ra, bản chú giải về 53 lần tham bái. Anh ta nói, trong đó giống như đều là thần thoại, đều là câu chuyện, đều là phân biệt vọng tưởng, anh ta không hiểu. Tứ Thập Hoa Nghiêm là nhất chân pháp giới, là lìa tất cả vọng tưởng phân biệt. Vì sao chúng ta thấy họ đều đang phân biệt chấp trước? Vì bản thân chúng ta phân biệt chấp trước, bởi vậy không nhận ra trong đó lìa tất cả vọng tưởng phân biệt, chúng ta không nhận ra. Nếu ta vừa xem đã nhận ra trong đó là viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt, cảnh giới hiện tiền ta đã chứng được. Trong Kinh Hoa Nghiêm, ta hiểu được 53 vị thiện tri thức của Thiện Tài Đồng Tử, đều viễn ly tất cả vọng tưởng phân biệt, nghĩa là ta đã đại triệt đại ngộ. Sau khi đại triệt đại ngộ, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta làm sao đem cảnh giới triệt ngộ này hợp thành một với cuộc sống hiện thực của chúng ta. Đây gọi là chứng quả, đây gọi là học Phật chơn chánh, đây gọi là phát tâm bồ đề.

Tối hôm nay lợi dùng chút thời gian nói với chư vị câu này, câu này là căn bản của thành Phật tác tổ.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tạm dừng tại đây.
 

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về