Home > Khai Thị Phật Học
Phóng Sinh Và Từ Thiện
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ


Trên thế gian này hội từ thiện nhiều hơn hội Lưu Thủy, con người chỉ biết thương đồng loại mà không biết thương muôn loài, từ bi của Phật pháp trải đến muôn vật, từ con người đến muôn thú đều là chúng sinh trong cõi luân hồi, nay người mốt thú, nếu thâm hiểu nghĩa luân hồi tất cứu trẻ sơ sinh, người già bệnh, người bần cùng hay cải thiện người ác đều đồng với hành phóng sinh. Từ thiện hàm nghĩa cứu tế những chúng sinh đau khổ và cần cứu ngay. Thử hỏi chúng sinh nào đau khổ nhất, nếu không là những chúng sinh mất thân người?, thử hỏi chúng sinh nào ngu muội và ác nhất (ác phải hiểu theo nghĩa không hề biết và hành được thiện pháp cứu giúp chúng sinh) nếu không là súc sinh, như thế phóng sinh há không phải là bao quát mọi thiện pháp khác sao? Vì thế mà Liên tông thập tổ Hành sách đại sư mới tuyên thuyết "trong muôn hạnh lành, phóng sinh là hạnh lớn hơn cả".
 
Lại chưa nói đến phóng sinh có lực cứu mạnh nhất, đó là khiến súc sinh trở lại thân nhân thiên, có duyên với Phật pháp là nhân để thành quả Phật sau này, một người nuôi trẻ mồ côi, giúp người tật bệnh, rất có phúc báo nhưng thiếu công đức độ sinh, họ có phúc cứu sinh mà không phải là công đức độ sinh. Xem ra ngoài pháp thí là công đức thứ nhất sau đến phóng sinh là công đức độ sinh, mà các từ thiện khác chưa hẳn đã có những công đức này.
 
Rất nhiều người không tin sâu pháp phóng sinh nên thường cho từ thiện vẫn hơn phóng sinh. Từ thiện là thiện pháp cứu khổ cứu nạn, phóng sinh là pháp tiếp dẫn của Phật Di Đà khiến chúng sinh chuyển đổi tâm linh và cảnh giới, thế nên được chư tổ Tịnh độ tuyên dương. Đa số đệ tử Phật thời nay không hiểu và nắm vững công đức phóng sinh và sự cần được cứu bằng phương pháp này của súc sinh, nên thờ ơ lãnh đạm không hề nhắc và dậy đồ chúng thường hành. Họ không hề hiểu biết phóng sinh bao quát cả từ thiện lẫn cứu độ, cả đời lẫn đạo, nguyên nhân cũng vì có cái nhìn thiển cận thấy người và vật vĩnh viễn là 2 loài khác nhau, và lực từ bi không đủ rải đến muôn loài. Họ cũng không nhận ra mối liên hệ nhân duyên giữa ta và muôn loài, họ cũng không tin vào lực quy y Tam bảo có thể cải thiện cảnh giới cho súc sinh, họ cũng không tin vào lực hộ niệm "niệm Phật danh" cho súc sinh được vãng sinh về lại cõi nhân thiên, họ nói họ tin người ngu kẻ ác nghe Phật danh khi lâm chung có thể vãng sinh mà lại không tin loài súc sinh ngu muội kia nghe Phật danh cũng được vãng sinh chuyển kiếp thoát khỏi tam ác đạo, như thế đức tin của họ vừa yếu kém vừa ác, vì không muốn cho súc sinh nghe Phật danh do tưởng rằng súc sinh có nghe cũng vô ích vì ngu muội, thế thì kẻ ngu gã ác khi lâm chung cũng không nên hộ niệm vì chẳng chút lợi ích?
 
Từ bi của người tu thường chỉ giới hạn nơi loài người, nên họ sẽ cảm động khi thấy người giúp người nhưng không đủ mạnh rải từ bi đến muôn loài để cảm động và tán thán người phóng sinh cứu độ chúng sinh. Đức Phật nói trong các bố thí, bố thí pháp là cao thượng và công đức nhất, nói như thế có nghĩa bố thí tài vật, giúp đỡ và nuôi dưỡng chúng sinh tuy có phúc báo nhưng kém bố thí pháp vì chỉ cứu giúp tạm thời mà không khai mở và kết nhân duyên Tam bảo cho chúng sinh, ta gọi đó là từ thiện, do vậy từ thiện có phúc báo nhân thiên nhưng không có công đức cứu độ như bố thí pháp.
 
Pháp phóng sinh vừa có từ thiện vừa thêm công đức cứu độ chuyển hóa nên là hạnh lành lớn nhất trong muôn hạnh lành, Liên tông thập tổ hiểu rõ công đức của vãng sinh nên tán thán hành phóng sinh, bởi chỉ có phóng sinh là mang lại kết quả lớn "vãng sinh về lại thân người" cho chúng sinh, một thân người hữu duyên với Phật pháp.
 
Phàm nhân một mặt ca ngợi pháp vãng sinh, mặt khác nghi ngờ pháp này qua hạnh phóng sinh, thực là niềm tin mơ hồ. Chính do vậy mà người hành từ thiện thì nhiều mà người phóng sinh vẫn ít.
 
Hành giải tương ưng với người tu Bồ tát đạo chính là giảng pháp trừ mê tình, cổ lệ tha nhân hành thiện pháp phóng sinh, từ thiện, khiến cho thiện pháp ngày một thêm lớn trong cõi bất thiện nghiệp, người hành thiện đông hơn kẻ làm ác, nhờ vậy ai ai cũng được nhờ, thiên hạ thái bình, cửa thường bỏ ngỏ, chúng sinh an lạc, người người hạnh phúc, đó không phải là nhân thành tựu tịnh độ sẽ đưa đến quả tùy nguyện vãng sinh sao?
 
Người tu học đời nay thiếu quán nhân duyên nên tu học mâu thuẫn, một mặt tu niệm Phật tam muội, một mặt niệm thế gian, gia đình việc làm, tài sản...quả là chẳng khác người nấu hắc thạch mật, vừa đốt lò vừa quạt cho mật nguội. Một mặt tin ta chỉ cần niệm Phật là vãng sinh mà không cần tu thiện cải ác, hay tu huệ trừ ngu, mặt khác không tin loài súc sinh nghe danh hiệu Phật được lợi ích vãng sinh cõi người, vì cho chúng ngu muội, thế thì do đâu người ngu lại có thể vãng sinh về cõi Phật? Thiếu quán nhân duyên không biết súc sinh kia từng làm thân bằng quyến thuộc của ta, nên khinh rẻ súc sinh, không hành 1 pháp nào đem lợi ích lại cho chúng. Thiếu quán nhân duyên nên hành sự và tư tưởng không quảng đại, ý tưởng hẹp hòi, hành động ích kỉ. Thiếu quán nhân duyên nên gọi phóng sinh là vứt tiền xuống nước, mà không hiểu đó là đem của cải vô thường chuyển thành công đức vô lậu. Tựu chung do thiếu sức quán nhân duyên mà một đời tu hành chẳng chân thật lợi ích cho chúng sinh, khác nào kẻ sơn dã ngồi kiệu gieo hạt. Đáng tiếc và đáng thương lắm thay!.
 
Sài gòn 22/12/10.
Trích từ: Hiếu Giang Ni Tự