Home > Khai Thị Niệm Phật > Chu-To-Thuc-Hanh
Chư Tổ Thực Hành
Đại Sư Diệu Khẩu | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch


Pháp môn Tịnh độ rộng lớn bao gồm hết các cơ, dễ tiến mà công cao, các pháp môn khác khó bì kịp. Ban đầu từ Hoa Nghiêm thắng hội đại chúng đồng về, truyền đến Chấn Đán sáng ngời ba thừa cùng chứng, giáo hóa rất thạnh, vang cổ dậy kim, có thể nói pháp môn này rất rộng lớn, vi diệu không thể nghĩ bàn. Đến thời Đông Tấn, Tổ sư Huệ Viễn xướng lập thành một tông phái, người cùng chí hướng gồm có 123 văn nhân nhã sĩ cùng nhau ở Lô Sơn tu tập. Tổ Huệ Viễn ba lần thấy Thánh tướng, đúng theo nguyện vãng sanh. Triều sĩ Lưu Di Dân lập thệ cũng thấy Phật A Di Đà thân tự sờ đỉnh đầu, lấy y đắp trên thân thể. Lại có đồng chí Khuyết Công Tắc sau khi mạng chung đã hiện về đúng theo ý muốn, các truyền ký này đã ghi rõ ràng, ở thế gian mọi người đều biết rõ.

Thời nhà Tấn, Hàn lâm Đại học sĩ Trương Hàn chỉ trì Đại Bi chú 10 muôn biến cầu sinh Tịnh độ, đến sắp lâm chung, Hàn thấy cõi Tịnh độ ở trong nhà phía Tây, niệm Phật giây lâu rồi mất. Thời Lưu Tống, đất Giang Lăng, có vị Tăng tên Đàm Giám hằng ngày làm được chút ít việc lành, đều hồi hướng Tịnh độ. Một hôm Đàm Giám thấy Phật A Di Đà lấy nước rửa mặt cho và nói: “Ta rửa bụi nhơ cho Ông, sạch tâm niệm cho Ông, thân miệng ý của Ông đã trong sạch rồi”. Lại thấy trong bình bát hoa sen nở. Sau khi xuất định, Ông họp tăng nói lời từ biệt rồi niệm Phật mà thoát hóa. Thời Nam Tề, đất Dương Đô, có vị Tăng tên Huệ Tấn nguyện tụng Pháp Hoa làm hạnh Tịnh Độ, Huệ Tấn tụng kinh quá nhiều sanh bệnh, nên nguyện in 100 bộ Pháp Hoa ấn tống cho người, giúp cho việc tụng của mình, in kinh xong bệnh lành, bỗng nghe trong hư không có lời khen ngợi, Ông niệm Phật theo hơi thở mà vãng sanh.

Thời Hậu Ngụy, có vị Tăng tên Đàm Loan bỏ Tiên học Phật, cho tu Tịnh độ thật là pháp trường sanh bất tử, khi lâm chung bảo đệ tử cao tiếng niệm Phật. Ngài hướng về Tây khấu đầu mà mất, ở trên không nhạc trời trổi lên và theo hướng Tây mà đi.

Thời Nhà Tùy có vị Tăng tên Đạo Dũ lấy cây chiên đàn điêu khắc tượng Phật A Di Đà cao ba tấc, phát nguyện cầu sanh. Một hôm ông chết khá lâu rồi tỉnh dậy, Ông thuật lúc vào chỗ u minh gặp Phật A Di Đà. Đức Phật nói: “Giờ ngọ ngày mai ta sẽ đến tiếp dẫn Ông”. Đúng giờ ngọ hôm sau, Ông ngồi niệm Phật mà thoát hóa. Cùng những bậc Đại hạnh như thời Đường có Thiên Đạo Hòa Thượng, ở Hoài Châu có Pháp sư Hoài Ngọc, ở Hoài Châu có hai vị Phương và Quả, ở Chơn Châu có Tăng Tự Giác, ở Lục Châu có Thiếu Khương, ở Tinh Châu có Duy Ngạn. Các vị này đều y theo Đại Thừa kiến lập thệ nguyện, tu hành Tịnh độ, linh nghiệm hiển nhiên, cảm động trời người, mây pháp trùm khắp, thu nhiếp các căn vô cùng, mưa pháp tràn trề, đạo đức cao siêu không thể thuật hết.

Thời Trần Tùy có Quốc Sư Thiên Thai Trí Giả, có Bạc Truyền, có Pháp Liệt, Pháp Trí, Từ Vân. Thời Tống có Vĩnh Minh Thiền sư, Trường Lô, Từ Giác Thiền Sư. Đây là bậc Đại Thánh sư, hạnh vượt hẳn trời người, đức trùm ba cõi, là mặt nhật huệ chiếu nẽo tối tăm, là Đạo sư phá khổ. Tất cả các vị đều dùng Tam muội này mà tự lợi, lợi tha, là con đường hóa đạo cao tột, hóa nghi đã tròn đều về thượng phẩm.

Thời nhà Đường, ở Trường An có Ni Tịnh Chơn tụng kinh Kim Cang 10 muôn biến, năm tháng trước khi lâm chung thấy Phật 10 lần, thần dạo Cực lạc hai lần. Đời Đường, Phùng Chư nhờ khuyên một người niệm Phật mà cảm động đến U Minh. Ở Trường An, Lý Tri Diệu niệm Phật ngũ hội, thấy trên không thần Tăng đến tiếp vãng sanh Tịnh độ. Diêu Bà niệm Phật đứng mà thoát hóa. Ở Tinh Châu, vợ của Ôn Tịnh Văn tu hành nguyện đều được ứng đúng ý mình.

Trương Chung Húc, Trương Thiện Hòa hai người làm nghiệp sát, khi lâm chung, tướng địa ngục đã hiện, niệm 10 niệm về Tây. Thời Tấn có Tăng Trí Thông, thời Tống có Tăng Khả Cửu, Tăng Quán Trí, theo lời dạy trong kinh điển Tịnh độ, nhất tâm tu tập, thần dạo cõi Tịnh độ, thấy tên nêu ở Tòa Hoa, khi xuất định đúng như chỗ thấy. Thời Tống, Kim Thái Công, Huỳnh Đã Thiết, Ngô Dao, ba người này ban đầu đều làm ác nghiệp, nhờ cải hối tinh tu mà lúc lâm chung đều có thụy tướng. Kinh Vương Phu nhơn, Quán Âm Huyền Quán, Phùng Thị Phu nhơn tuy là thân nữ mà đức hạnh khá cao vãng sanh thân chứng.

Nên biết rằng, pháp môn thù thắng này phàm người có lòng đều có thể tu hành, đâu có phân biệt Tăng tục, nam nữ, già trẻ, ngu trí, hàng dị lưu cực ác, tối nghịch đơn đề. Loài vật nghe niệm Phật còn sanh về thiện đạo, người chuyên niệm Phật chắc được về Tây. Như thế, chỉ lo chúng ta không tu, đừng lo Phật không cảm ứng. Ở đây y theo truyện ký vãng sanh ghi lại, chỉ mong các đồng đạo, thấy người Hiền mong được bằng, thấy người vãng sanh mà quyết tâm niệm Phật hằng ngày theo gương xưa mà cảnh tỉnh.