Home > Khai Thị Phật Học > Truong-Gia-Keo-Kiet-Thuc-Hanh-Nam-Phap-Bo-Thi-Lon
Trưởng Giả Keo Kiệt Thực Hành Năm Pháp Bố Thí Lớn
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện Phật giáo. Câu chuyện này được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 301 302.

Người đã chứng ngộ chân lý Tứ đế, sẽ không bị thiên ma và các hàng ngoại đạo lừa gạt, mê hoặc, nên chúng ta hãy tinh tấn, dốc lòng tu hành thì nhất định sẽ chứng ngộ chân lý.

Thời Phật tại thế, có một vị cư sĩ tên là Thủ la vô cùng keo kiệt, bỏn sẻn. Ngài Xá lợi phất và các đệ tử của đức Phật thường đến nhà ông ta, dùng kệ tụng khai thị cho ông ta, đại ý như sau:

“Ba đường ác giống như biển sâu không thấy đáy; tâm tán loạn giống như nước dơ bẩn, tanh hôi.

Do chúng sanh bị trôi lăn trong dòng sông phiền não tham lam, keo kiệt nên nói dối là không có gì để bố thí (Tâm nhiễm ô giống như dòng nước nhơ bẩn, cùng với tâm xan tham hợp lại thành dòng sông phiền não. Dòng sông phiền não này sẽ chảy về biển khổ, sâu không thấy đáy). Trong dòng sông lớn của lòng ganh tỵ tật đố, đầy dẫy các loài cá, ba ba, tà kiến độc ác, chìm nổi mãi không dừng nghỉ (Người tà kiến, tật đố, thì sẽ ở trong tam giới, luân hồi sinh tử mãi không dứt). Cần nhổ dẹp gốc bất thiện tham lam keo kiệt, để thành tựu quả báo bố thí. Đức Thế Tôn từ bi, các đệ tử của Ngài là bậc vô úy, quán sát rõ các chúng sinh chìm đắm trong đau khổ, nên các ngài thường suy nghĩ: ‘Chúng ta nên cứu giúp họ’”.

Hôm nọ, tôn giả Đại Ca diếp đắp y, ôm bình bát tới nhà trưởng giả Thủ la tán thán công đức của việc bố thí. Trưởng giả Thủ la do không muốn bố thí, nên nghe những lời tán thán đó giống như bị mũi đao nhọn đâm vào tim. Ông ta bực bội, nói với tôn giả Ca diếp:

- Ngài được mời tới để nhận cúng dường hay là muốn tới đây khất thực?

Tôn giả đáp:

- Tôi thường lấy việc khất thực để sống.

Thủ la nói:

- Nếu muốn khất thực, thì ngài nên đến đúng thời điểm.

Tôn giả Ca diếp đành bỏ đi. Cứ như vậy, đến các vị đại đệ tử của đức Phật như Xá lợi phất, Mục kiền liên, đều lần lượt đến nhà Thủ la khất thực, nhưng ông ta đều chẳng bằng lòng tiếp đãi cúng dường.

Một hôm, đức Thế Tôn đến nhà trưởng giả Thủ la, Ngài nói với ông ta:

- Bây giờ, ông nên thực hành năm pháp bố thí lớn.

Trưởng giả Thủ la vừa nghe đức Thế Tôn nói như vậy thì vô cùng phiền não, trong lòng thầm nghĩ: “Việc bố thí chút ít, ta đây còn không muốn làm, sao lại bảo ta thực hành năm pháp bố thí lớn? Trong giáo pháp của đức Như Lai, lẽ nào không còn pháp môn nào khác ư? Vì sao các đệ tử của đức Phật đã bảo ta phải bố thí, mà bây giờ đức Phật cũng đến dạy ta bố thí?”. Sau khi nghĩ như vậy, ông ta bèn bạch đức Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ngay cả bố thí những cái nhỏ nhặt, con còn không muốn làm, huống gì muốn con thực hành năm pháp bố thí lớn.

Đức Phật nói với Thủ la:

- Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thực hành năm điều thiện hạnh đó chính là thực hành năm pháp bố thí lớn.

Sau khi Thủ la nghe như vậy thì vô cùng hoan hỷ, trong lòng thầm nghĩ: “Thực hành năm việc đó không tốn của mình một xu! Đối với mình không tổn thất gì cả, lại có thể được danh tiếng là đại bố thí, tại sao không làm nhỉ?”. Nghĩ thế, nên ông ta đối với đức Phật khởi lòng hoan hỷ, cung kính và tín thọ sâu sắc, lòng nghĩ rằng: “Đức Phật thật đúng là khác với những người khác”. Ông ta bạch đức Phật:

- Ngài là bậc Điều Ngự Trượng Phu, đúng là chân thật không hư dối, ngoài đức Thế Tôn, còn ai có thể giảng giải như Ngài? Còn có ai mà không khởi lòng cung kính và muốn chống đối Ngài chứ?

Tiếp đó, ông ta nói bài kệ, đại ý như sau:

“Tướng hảo của Phật trang nghiêm không ai sánh kịp, biện tài vô ngại thế gian hiếm có, Thế Tôn nói pháp luôn hợp thời cơ, đầy đủ phạm âm thanh tịnh và ngôn từ đẹp đẽ. Pháp do Phật nói chân thật không hư dối, khiến người nghe được lợi ích, chứng đắc thánh quả”.

Nói kệ xong, trưởng giả đối với đức Phật khởi lên tâm vô cùng hoan hỷ, bèn vào trong kho lấy hai cuộn vải mịn muốn cúng dường đức Phật, nhưng rồi ông lại nghĩ rằng hai cuộn nhiều quá, hay chỉ cúng một cuộn là được; lại nghĩ một cuộn có ít quá không, hay là cúng hai cuộn?

Đức Phật biết trong lòng Thủ la đang nghĩ gì, bèn nói bài kệ, đại ý như sau:

“Khi bố thí mà lòng do dự không dứt khoát, như hai đội quân giao chiến có lúc thắng lúc thua. ‘Nên bố thí nhiều một chút, hay ít một chút?’, hai điều này, trong lòng một vị nam nhân yếu đuối luôn giằng co không ngừng, nên trong tâm luôn không ngừng tranh đấu, do dự không thôi, đây là điều bậc trí không ngợi khen. Giống như chiến đấu, người dũng mãnh sẽ tiến về phía trước, kẻ yếu đuối sẽ lùi về sau; bố thí cũng như vậy, nếu khi bố thí trong lòng yếu đuối, khởi tâm niệm xan tham ích kỷ, cũng giống như kẻ chiến đấu thua trận thoái lui. Nếu dùng tâm kiên định, đem lòng thanh tịnh, thành tâm bố thí thì giống như trên chiến trận dũng mãnh tiến lên phía trước. Hai việc này, tâm niệm khởi lên và việc làm nên tương đồng nhau”.

Thủ la nghe đức Phật đọc bài kệ này, lòng nghĩ rằng: “Đức Như Lai biết ta đang nghĩ gì”. Do đó, ông vô cùng hoan hỷ, từ bỏ tâm keo kiệt bỏn sẻn, vui vẻ lấy vải mịn, thành tâm cúng dường đức Phật. Đức Phật biết Thủ la trong lòng rất hoan hỷ, bèn nói pháp môn khế lý khế cơ cho ông ta nghe, Thủ la liền phá trừ được hai mươi ức ngã kiến căn bản, chứng được quả Tu đà hoàn (Sơ quả).

Khi đó, đức Phật từ tòa ngồi đứng dậy để trở về tinh xá. Thủ la cung kính tiễn đức Thế Tôn về tận nơi, sau đó, ông mới trở về nhà, trong lòng ông vẫn tràn đầy hỷ lạc.

Ma vương nhìn thấy Thủ la hết sức vui mừng, bèn nghĩ: “Bây giờ, ta nên đến nhà Thủ la để phá hoại thiện tâm của ông ta”. Nghĩ xong, ma vương liền hóa thành thân đức Phật với ba mươi tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đến nhà của Thủ la. Ma vương nói bài kệ, đại ý như sau:

“Thân thể thanh tịnh như núi vàng, ánh sáng trên đỉnh đầu chiếu rực rỡ, tự tại biến hóa hiển hiện, bước đi nhẹ nhàng vững chãi như voi chúa, đến nhà của Thủ la, giống như ánh mặt trời xuyên vào các tầng mây trắng, người nhìn thấy đều không muốn rời mắt, ánh sáng giống như trăm nghìn ánh mặt trời”.

Lúc này, ánh sáng chiếu rọi vào nhà của Thủ la. Thủ la cảm thấy quái lạ, nghĩ rằng: “Đây là ai?”. Rồi trưởng giả nói bài kệ, đại ý như sau:

- Giống như vàng ròng chói sáng tràn ngập cả căn nhà của ta, lại giống như ánh mặt trời hiện ra, phóng vô số ánh quang minh khác thường.

Nói kệ xong, Thủ la rất vui mừng, giống như được nước cam lộ rưới lên thân. Ông lại nói tiếp:

- Ta có phúc đức lớn, đức Như Lai lại đến nhà ta rồi, lại quang lâm tới lần nữa, việc này chẳng phải quá hi hữu sao? Bởi đức Thế Tôn thường vì sự nghiệp từ bi tế độ chúng sinh.

Rồi trưởng giả lại nói bài kệ, đại ý như sau:

“Đầu Ngài như quả Ma đà, màu da giống như vàng ròng thanh tịnh, có tướng hào quang trắng, đôi mắt trong suốt, lông mày dài rộng giống hoa sen xanh nở rộ; dùng năng lực thiền định tịch tịnh vô thượng để điều phục thân tâm, hàng phục hết thảy phiền não; bước đi khoan thai nhẹ nhàng tĩnh tại, dung mạo đẹp đẽ thù thắng; quang minh của đức Phật viên mãn chiếu khắp thân thể và xung quanh, đức Như Lai dùng công đức như thế để trang nghiêm thân, dũng mãnh tự xưng: ‘Ta chính thật là đức Phật!’”.

Lúc đó, ma vương với hình dáng vô cùng đẹp đẽ trang nghiêm, hiện ra trước mặt Thủ la, nói với ông rằng:

- Trước đây, ta có nói ngũ thủ uẩn khổ là do phiền não và nghiệp sinh, tu tập Bát chánh đạo thì có thể diệt trừ được ngũ thủ uẩn, thực ra, đó đều là tà thuyết.

Thủ la nghe cách nói này thì cảm thấy vô cùng kỳ lạ, ông nghĩ: “Nhìn thì giống đức Phật, nhưng lời nói thì lại khác, lẽ nào mình đang nằm mơ? Hay là do tâm mình khởi lên điên đảo? Nghe lời ông này nói tràn đầy lòng tham lam, tật đố, đây là kẻ ác nào biến hóa ra hình dáng đức Phật? Giống như giữa một rừng hoa có một con rắn độc. Ta đã quan sát tỉ mỉ, xác định đây đích thị là ác ma. Giống như người bán kim đến chỗ người thợ chế tạo kim muốn rao bán kim vậy. Ác quỷ nhà ngươi! Bây giờ hãy ngoan ngoãn nghe đệ tử Phật ta đây nói cho ngươi nghe một bài kệ”.

Rồi trưởng giả nói bài kệ, đại ý như sau:

“Muốn dùng đôi cánh của thiên nga quạt tung núi Tu di, còn có thể khiến nó có chút biến động; nhưng muốn khiến cho tâm của một người đã thấy được chân lý mà giao động để nghe theo ngươi là việc tuyệt đối không thể. Ngươi có thể mê hoặc nhục nhãn, nhưng không thể mê hoặc được pháp nhãn. Đức Phật sớm đã biết tình huống này, nên Ngài từng nói: “Nhục nhãn rất thấp kém, không thể phân biệt chân thực hay hư dối, người đã chứng được pháp nhãn thì có thể tận mắt nhìn thấy đức Thế Tôn”. Ta đã chứng được Pháp nhãn tịnh (tức là Kiến đạo vị), là người đã diệt trừ được kiến hoặc, dù thế nào, ta cũng không bị lời nói của ngươi làm cho dao động, ngươi chỉ uổng công phí sức mà thôi, rốt cuộc cũng không thể làm nhiễu loạn tâm ta được, vì ta đã biết rõ ngươi là ác ma. Người đã thấy được Tứ thánh đế, khổ tập diệt đạo, thì dù thế nào cũng không bị dao động. Giống như lấy vàng, mạ lên đồng tiền bằng đồng để gạt bán cho người chuyên mua vàng thật, việc này không thể thành công, bên ngoài nhìn rất giống tiền vàng, bên trong rốt cuộc chỉ là tiền đồng thôi. Lại giống như lấy da của con hổ để phủ lên thân một con lừa, hình dạng bên ngoài dù có thể lừa gạt được mắt thịt, nhưng chỉ cần cất tiếng kêu lên thì sẽ bị người ta nhìn rõ sự giả dối của ngươi.

Lửa có tính nóng, còn có thể khiến lửa nguội lạnh; gió có tính động, còn có thể khiến cho gió dừng lại không động; thậm chí có thể làm cho ánh mặt trời bị che tối, khiến mặt trăng sinh tỏa nhiệt, nhưng không thể nào khiến một người đã giác ngộ chân lý có ý niệm dao động. Cho dù ngươi khiến cho cỏ cây, ngói đá, hươu nai, cầm thú… trong toàn thế giới này biến thành hình tướng đức Phật, cũng không thể lay động được tâm ta, huống gì thân ác ma của ngươi, làm sao có thể lay động ta được?”.

Thủ la đưa ra rất nhiều ví dụ, mạnh mẽ trách mắng ma vương Ba tuần, giống như một mãnh tướng xông lên tả xung hữu đột, làm quân địch rất khiếp sợ.

Khi ấy, ma vương cảm thấy rất sợ hãi, vội chạy trốn về thiên cung. Giống như con voi phát hiện đây là chỗ ở của sư tử, ngay lập tức cắm đầu chạy; ma Ba tuần cũng thế, gặp nơi ở của người đã thấy chân lý, tất cả ma đều không dám ở lại.

Trong kinh Xuất diệu cũng có một đoạn kinh có nội dung tương tự, xuất xứ thuộc Đại Chánh tạng quyển 4, trang 754.

Thời xưa, trong thành Xá vệ có hai trưởng giả, một người tên Tối Thắng, một người tên Nan Hàng. Hai người này tuy có rất nhiều của báu, voi, ngựa, xe, người hầu, nô tì, thóc gạo, ngũ cốc, nhiều tới mức đếm không xuể, nhưng họ đều là những người tham lam keo kiệt nhất trong thành Xá vệ.

Nhà của hai ông trưởng giả này xây bảy lớp tường bao. Họ còn ra lệnh cho những người gác cổng không được cho những người ăn xin vào. Hơn nữa, vì sợ chim chóc vào ăn thóc lúa trong kho, nên xung quanh các phòng ốc, họ đều dùng lưới sắt để bao vây che đậy, tường bao đều làm bằng sắt để ngăn ngừa chuột bọ vào cắn hư các đồ vật.

Năm vị đệ tử của đức Phật đến khuyên răn họ, nhưng họ vẫn không chịu nghe lời giáo hóa. Sau đó, đức Phật phải đích thân tới, nói giáo pháp cho họ nghe. Trưởng giả nghe, tuy không có cách nào hiểu thấu, nhưng trong lòng nghĩ rằng: “Dù sao thì đức Phật cũng đã đích thân đến đây, không nên để Ngài ra về tay không, ta nên vào kho lấy một cuộn vải trắng để cúng dường Ngài”.

Ông ta muốn chọn một miếng vải không tốt lắm trong kho, nhưng không ngờ khi cầm ra, lại trúng phải cuộn vải tốt. Ông bèn bỏ lại và chọn miếng khác, nhưng rồi lại cầm phải một cuộn vải đẹp hơn. Ông ta cứ như vậy, do dự không dứt, chần chừ rất lâu. Lúc này, đúng lúc đội quân của a tu la và trời Đao lợi giao đấu, có lúc quân của trời Đao lợi thắng, quân của a tu la thua; có lúc quân của a tu la thắng, quân của trời Đao lợi thua. Khi đó, đức Phật dùng tha tâm quán sát tâm niệm của trưởng giả, biết tâm tham lam và tâm bố thí của trưởng giả đang giao chiến, do đó, đức Phật nói với trưởng giả bài kệ:

“Khi bố thí mà tâm do dự không dứt khoát, cũng giống như hai đội quân của a tu la và trời Đao lợi giao chiến. Tâm do dự không dứt khoát này, bậc trí không khen ngợi tán dương. Khi bố thí trong lòng giao chiến với do dự: “Nên bố thí vật tốt hay vật không tốt?”, giống như hai đội quân đang giao chiến vậy”.

Trưởng giả Tối Thắng nghe xong cảm thấy vô cùng xấu hổ, nên ông chọn một miếng vải loại thượng đẳng để cúng dường đức Phật. Trưởng giả Nan Hàng cũng chí thành cúng dường đức Phật năm trăm lượng vàng.

Câu chuyện này đã chỉ ra mấy điểm quan trọng sau:

Đức Phật tán thán: “Trì ngũ giới là năm pháp bố thí lớn”, vì sao? Ví như giữ giới không sát sanh, chẳng phải là hôm nay không sát sanh, ngày mai không sát sanh mà là từ nay trở đi mãi mãi không sát sanh. Cũng không phải nói là: “Tôi không giết con này hay không giết con kia”, mà là từ nay về sau không sát hại bất cứ chúng sanh nào. Hơn nữa, đối với tất cả chúng sanh, kể từ nay cho tới mãi mãi về sau, phải bảo vệ mạng sống cho chúng, khiến chúng không còn cảm giác bị uy hiếp, sợ hãi.

Không trộm cắp cũng vậy, đối với tài sản của tất cả chúng sanh, chúng ta cho họ sự an toàn, bảo đảm không bị xâm hại, khiến cho hết thảy chúng sanh vĩnh viễn không có cảm giác sợ hãi bạn. Chúng ta khắc chế lòng tham của bản thân như vậy, thì ở bất cứ đâu cũng lo nghĩ cho người khác để giữ giới, chính là năm pháp bố thí lớn vậy.

Chúng ta trì giới cũng không nên cho rằng cái này không được làm, cái kia không được làm, khiến bản thân gò bó, không được thoải mái, không nên nghĩ như vậy. Nếu chúng ta khởi suy nghĩ, thì nên nghĩ như thế này: “Do chúng ta giữ giới, nên có thể khiến cho hết thảy các chúng sanh được an ổn, không còn sợ hãi”. Như vậy, mọi lúc đều lo lắng cho tất cả chúng sanh, thì chúng ta sẽ nuôi lớn được lòng từ bi, đồng thời, phước đức cũng được tăng trưởng.

Ngoài ra, có nhiều người làm việc thiện thường hay do dự không dứt khoát. Việc này, nên thực hành giống như lời của bồ tát Long Thọ dạy trong trong Luận thập trụ Tì bà sa: “Điều thiện chưa sinh nên mau chóng làm sinh khởi giống như mài cây lấy lửa”. Chúng ta mài cây lấy lửa, phải mài liên tục không ngớt. Cũng vậy, muốn dứt trừ điều ác cũng phải dứt khoát không nên chần chừ lần lữa, nếu nhổ cỏ mà không nhổ tận gốc, thì chỉ cần gió xuân thổi nhẹ, mưa xuân tưới qua, cỏ lại mọc lên.

Ngoài ra, đối với người kiến đạo thì dù ma có hóa thành thân Phật, nói rằng: “Ta trước đây đều lừa gạt ông, khổ tập diệt đạo đều là tà thuyết”, nghe như vậy, người kiến đạo cũng không bị dao động.

Xin chia sẻ với đại chúng như vậy.

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày10.01.2015