Pháp An
Minh Thành Tổ Chu Lệ | Đức Nghiêm Đức Thuận Nguyên Nhứt, Việt Dịch


Sư còn có tên là Từ Khâm, chẳng rõ người xứ nào, đệ tử ngài Tuệ Viễn, là người tinh chuyên trì giới, giảng thuyết kinh điển và tu tập thiền định, khéo hóa độ người ngu bỏ tà qui chánh.

Trong khoảng niên hiệu Nghĩa Hi (405 419) nhà Tấn, ở huyện Tân Dương xảy ra nạn hổ. Trong huyện có xây một miếu thần dưới cội cây to, mấy trăm dân cư sống quanh đó. Hằng đêm có đến một hai người bị hổ ăn thịt. Lần nọ, sư đến huyện này thì trời đã tối. Sư định vào thôn xin nghỉ lại, vì sợ hổ nên người dân thôn này đóng cổng làng rất sớm, sư bèn đi thẳng đến gốc cây ngồi thiền suốt đêm. Đến gần sáng, sư nghe tiếng hổ vác người ném xuống ở phía bắc cội cây. Thấy sư, hổ vừa mừng vừa sợ, nhảy đến quỳ trước mặt. Sư thuyết pháp và truyền giới cho hổ. Nó quỳ yên không cử động, một lát sau rồi đi. Khi trời vừa sáng, mọi người đuổi theo hổ, đến gốc cây đó thì gặp sư, ai nấy đều kinh hãi cho là thần nhân. Tin này loan truyền khắp huyện, quan dân đều kính ngưỡng sư. Nạn hổ cũng nhờ đó mà chấm dứt. Nhân đây, mọi người sửa miếu thành chùa và thỉnh sư ở lại. Ruộng vườn xung quanh đều cúng cho bổn tự.

Sau, sư muốn dùng bột acít đồng để họa tượng Phật, nhưng tìm không ra. Đêm đó, sư mộng thấy một người đến bên giường và nói:

– Dưới này có chuông đồng.

Tỉnh dậy, sư liền cho người đào, quả nhiên nhặt được hai cái. Nhờ đó, có bột acít đồng để vẽ, nên bức họa hoàn thành.

Sau, sư đem một cái chuông cúng cho ngài Tuệ Viễn đúc tượng Phật, cái còn lại thái thú Vũ Xương là Hùng Vô Hoạn mượn về xem và giữ lại luôn.

Sau này không biết sư viên tịch ở đâu.