Sư họ Giả, người Lâu Phiền Nhạn Môn, thuở bé đã rất thích đọc sách. Năm mười ba tuổi, sư theo cậu là Lệnh Hồ Thị đến học ở Hứa Lạc. Vì thế, thuở thiếu thời, sư đã là chư sinh[19] tinh tường Lục kinh[20], thông thạo Trang Lão[21], chí khí cao xa, phong tư xuất chúng, dù là hàng nho sĩ trí thức hay bậc anh tài cũng đều nể phục về sự hiểu biết sâu rộng của sư.
Năm hai mươi mốt tuổi, sư muốn đến Giang Đông[22] cùng ở với Phạm Tuyên Tử. Nhưng lúc bấy giờ Thạch Hổ đã mất, Trung Nguyên loạn lạc, đường về nam gặp nhiều trở ngại, nên chí nguyện của sư không thành.
Bấy giờ, sa môn Thích Đạo An lập chùa ở Hằng Sơn Thái Hành, hoằng truyền chánh pháp, nổi tiếng khắp nơi, sư liền đến đó quy y, một bề kính trọng và cho ngài Đạo An đích thực là thầy mình. Khi nghe ngài Đạo An giảng kinh Bát nhã, sư hoát nhiên tỏ ngộ. Sư cùng với em là Huệ Trì xuống tóc xuất gia, quên thân học đạo. Khi đã vào đạo, sư vượt trội hơn ngưòi. Sư một lòng giữ vững giềng mối đạo pháp và lấy chánh pháp làm trách nhiệm, nên ngày đêm tinh chuyên nghiên cứu, tụng trì kinh kệ. Tuy sống đời đạm bạc, mặc áo thô rách mà huynh đệ trước sau chưa từng xao lảng. Bấy giờ, sa môn Đàm Dực hằng ngày cung cấp cho sư đèn đuốc. Ngài Đạo An nghe thế, rất vui nói:
– Ông ta thật biết nhìn người.
Năm hai mươi bốn tuổi, sư bắt đầu thuyết giảng. Có lần, khi nghe sư giảng, một thính giả than thở về nghĩa của “Thật tướng”, tuy trải qua thời gian dài mà vẫn mờ mịt. Sư bèn dùng học thuyết Trang Tử để liên hệ so sánh, nhờ thế ông ta liền thấu đạt. Từ đó về sau ngài Đạo An đặt biệt cho sư được xem sách ngoại điển.
Ngài Đạo An có hai đệ tử Pháp Ngộ và Đàm Trưng, đều là người thông minh tài trí, chí nghiệp sáng ngời, đều kính nể sư. Về sau, sư theo ngài Đạo An đi về phương Nam đến Phiền Miện.
Đến niên hiệu Kiến Nguyên thứ 9 (351) đời Ngụy Tần, tướng nhà Tần là Phù Bình làm loạn ở Tương Dương. Ngài Đạo An bị Chu Tự bắt giữ, không thể đi tiếp, nên đã phân tán đệ tử mỗi người đi mỗi hướng tuỳ theo sở nguyện. Mọi người đều được Ngài dặn dò, riêng sư thì không được dạy lời nào. Sư liền quỳ thưa:
– Bạch thầy! Sao con không được chỉ dạy như những huynh đệ khác?
Ngài đáp:
– Như ông thì thầy đâu còn lo lắng gì!
Bấy giờ, sư cùng mấy mươi đệ tử khác theo hướng nam đến chùa Thượng Minh tại Kinh Châu. Sau đó, sư muốn đến núi La Phù, nhưng vừa đến Tầm Dương, sư thấy Lô Sơn cảnh trí thanh tịnh rất thích hợp để tu tập thiền định, bèn dừng chân tại đây. Ban đầu, sư ở tịnh xá Long Tuyền, nơi này cách xa nguồn nước. Sư liền dùng tích tượng dộng xuống đất, nói:
– Nếu ta có duyên ở đây thì từ đất này sẽ phun ra dòng suối.
Nói xong, một dòng nước trong mát tức thời phun lên rất mạnh, tạo thành dòng suối.
Không lâu sau, Tầm Dương bị hạn hán. Sư đến bên ao tụng kinh Hải Long Vương[23], bỗng nhiên có một con rồng từ trong ao bay lên hư không, trong chốc lát mưa xối xuống như thác đổ. Nhân đó tinh xá được đổi tên thành chùa Long Tuyền.
Khi Đào Khản còn trấn giữ Quảng Châu, có một ngư dân nhìn thấy ánh sáng kì lạ xuất hiện trên biển vào mỗi tối. Ánh sáng càng lúc càng lan rộng và rực rở, trải qua suốt một tuần. Ngư dân ấy lấy làm lạ bèn trình lên Đào Khản. Ông ta đến xem kĩ thì nhận ra đó là tượng Phật do A dục vương tạo. Khản bèn thỉnh tượng về chùa Hàn Khê ở Vũ Xương. Một hôm, vị tăng trụ trì chùa này tên là Tăng Trân đến Hạ Khẩu, đêm đó mộng thấy chùa bị cháy nhưng riêng gian phòng thờ tượng Phật này thì được long thần bảo vệ. Khi tỉnh dậy, vị tăng trở về, quả nhiên chùa đã cháy rụi, chỉ còn lại gian phòng thờ tượng Phật, giống như đã thấy trong mộng.
Về sau, Đào Khản trấn nhậm nơi khác. Ông ta thấy tượng có oai linh, liền sai sứ đến thỉnh. Mấy mươi người chuyển tượng đến bờ sông, khi đưa lên thuyền, thuyền chìm. Sứ giả lo sợ đưa tượng trở lại chùa.
Khi sư xây dựng chùa xong, liền đến khấn thỉnh thì chuyển tượng về chùa một cách nhẹ nhàng, không trở ngại. Thế là sư dẫn chúng tu tập, ngày đêm không biết mỏi mệt. Sự nghiệp giáo hoá của Đức Thích ca nhờ đây được hưng thịnh.
Từ khi sư đến ở núi Lô, trải qua ba mươi năm chưa từng ra khỏi núi. Mỗi khi tiễn khách sư thường lấy Hổ Khê[24] làm ranh giới.
Tháng 8 niên hiệu Nghĩa Hy thứ 12 (417) đời Tấn, sư an nhiên thị tịch, thọ thế 83 tuổi.