Sư người Thiên Trúc, phong thái uy nghi, thông suốt kinh điển Đại thừa lẫn Tiểu thừa, luôn lấy việc giáo hóa làm sự nghiệp. Có lần sư đến một nước nhỏ thuộc Thiên Trúc giảng kinh Kim quang minh[1], gặp lúc nước này đang bị binh đao loạn lạc, sư thầm nghĩ: “Trong kinh có ghi: Nếu nói kinh này thì sẽ được địa thần ủng hộ, đời sống nhân dân được an lạc. Nay chiến tranh mới bắt đầu, chính là lúc ta làm lợi ích!” Nghĩ thế, sư bèn lập nguyện quên thân hòa giải. Nhờ vậy mà hai nước giao hòa tốt. Do đó, danh tiếng của sư vang dội khắp nơi.
Vào khoảng niên hiệu Vĩnh Bình (58) nhà Hán, một đêm vua Minh Đế mộng thấy người vàng từ trên hư không bay đến. Sáng hôm sau, vua triệu tập quần thần để giải mộng. Trong số đó Phó Nghị là người học thức rất uyên bác tâu vua:
– Thần nghe ở nước Tây Vực có vị thần, hiệu là Phật, người mà bệ hạ mộng thấy chính là vị này.
Vua cho là đúng, bèn sai những vị như: lang trung Thái Âm, bác sĩ đệ tử Tần Cảnh.v.v.. đến Thiên Trúc tìm cầu Phật pháp. Đến đó, Thái Âm v.v. gặp Ma đằng, bèn thỉnh về nước Hán.
Sư lập nguyện hoằng dương rộng khắp, không ngại gian khổ, mạo hiểm vượt qua sa mạc để đến ấp Lạc. Hán Minh Đế tiếp đãi rất nồng hậu, cho xây một ngôi tinh xá ở phía tây thành để sư an trú. Sư là vị sa môn đầu tiên ở Trung Hoa. Bấy giờ Phật pháp mới được lưu truyền, nên nơi đây chưa có người tin theo. Vì thế, sư không thể truyền đạt được những kiến thức Phật pháp của mình. Về sau, sư viên tịch ở Lạc Dương.
Có thuyết cho rằng sư dịch một bộ kinh Tứ thập nhị chương[2], lúc đầu cất giữ trong gian thứ mười bốn ở Thạch thất Lan Đài là trụ xứ của sư. Nơi ấy, nay chính là chùa Bạch Mã[3] phía tây thành Lạc Dương. Tương truyền, nước ngoài có một vị vua thường phá hoại chùa chiền, chỉ còn chùa Chiêu đề là chưa bị phá. Đêm nọ, một con ngựa trắng chạy quanh tháp hí lên buồn thảm. Có người đem việc này trình lên vua, từ đây vua không còn phá hoại chùa chiền nữa. Nhân đó đổi tên chùa Chiêu đề thành chùa Bạch Mã. Về sau, các chùa đều theo đó để đặt tên.