Cưu Ma La Thập
Minh Thành Tổ Chu Lệ | Đức Nghiêm Đức Thuận Nguyên Nhứt, Việt Dịch


Cưu ma la thập, Trung Quốc dịch là Đồng Thọ. Sư người Thiên Trúc, giỏi kinh, luật, luận. Sư giáo hoá ở Tây Vức, sau đi về phía đông đến nước Qui tư. Vua nước Qui tư làm sư tử tòa[25] bằng vàng để thỉnh sư.

Bấy giờ, Phù Kiên tiếm ngôi ở Quan Trung. Khi đó, có Tiền Bộ vương và em của vua Qui tư đến triều kiến Phù Kiên. Phù Kiên cho diện kiến. Hai vương nói với Phù Kiên:

– Tây vức có rất nhiều vật quý hiếm, xin ngài đem binh đến bình định khiến qui thuận triều đình.

Đến tháng giêng niên hiệu Kiến Nguyên thứ mười ba (356), Thái sử tâu lên vua:

– Có ngôi sao xuất hiện ở địa phận Tây Vức, sẽ có bậc đại trí đến Trung Quốc.

Phù Kiên nói:

– Trẫm nghe nước Tây Vức có Cưu ma la thập, chẳng phải ứng vào điềm này sao?

Phù Kiên liền sai sứ sang thỉnh cầu.

Đến tháng chín niên hiệu Kiến Nguyên thứ mười tám (361), Phù Kiên sai tướng Lã Quang thống lãnh bảy vạn binh sang chinh phạt nước Qui tư. Trước khi xuất binh, Phù Kiên đãi tiệc tiễn Lã Quang ở Kiến Chương[26] và bảo:

– Phàm bậc đế vương nên thuận theo mệnh trời trị nước, lấy việc thương yêu muôn dân như con làm nền tảng, trẫm chỉ vì muốn có người tài phụ giúp đất nước chứ đâu vì tham chiếm đất đai mà dụng binh. Trẫm nghe Tây Vức có Cưu ma la thập hiểu sâu pháp tướng, giỏi về âm dương, làm mô phạm cho hậu học. Trẫm rất muốn có được người này. Bậc hiền triết là vật báu của quốc gia. Nếu chế phục được Quy tư, khanh mau đón Ngài La thập về đây.

Khi quân của Lã Quang chưa đến, sư nói với vua Quy tư là Bạch Thuần:

– Vận nước sắp suy yếu, sẽ có giặc mạnh từ phía đông kéo đến, đại vương nên thuận theo, chớ kháng cự lại.

Bạch Thuần không nghe lời sư, khởi binh giao chiến. Lã Quang đánh bại Quy tư, giết Bạch Thuần và lập em Thuần là Bạch Chấn lên ngôi.

Thỉnh được La thập trở về. Trên đường đi, Lã Quang đóng quân dưới chân núi. Bấy giờ, tướng sĩ đã nghỉ ngơi, nhưng sư nói:

– Không nên nghỉ lại nơi đây, vì sẽ gặp nguy khốn, nên dời quân đến chỗ cao.

Lã Quang không nghe theo. Đêm ấy, quả nhiên mưa lớn tuôn xối xả, nước cuồn cuộn dâng cao đến vài trượng, người chết tới vài ngàn. Lúc này Lã Quang mới thầm kính phục sư. Sau, sư nói với Lã Quang:

– Nơi nầy không tốt, chớ nên ở lại đây lâu. Tính theo vận số của ngài thì nên mau chóng trở về. Trên đường đi ắt sẽ có nơi tốt lành để cư ngụ.

Lã Quang nghe theo.

Khi đến Lương Châu, Lã Quang nghe tin Phù Kiên bị Diêu Trường hại chết, ông ta và quân lính đều phát tang tại phía nam thành Đại Lâm.

Bấy giờ Lã Quang chiếm vùng Quan Ngoại, tiếm xưng đế, đặt hiệu là Đại An

Tháng giêng, niên hiệu Đại An thứ hai, ở Cô Tang có gió lớn. Sư nói:

– Gió này là điềm không lành! Ắt có kẻ tạo phản, nhưng không cần lao nhọc, tự sẽ an định.

Sau đó, Lương Khiêm, Bành Hoảng liên tiếp tạo phản, nhưng không bao lâu đều bị tiêu diệt.

Đến niên hiệu Long Phi thứ hai đời Lã Quang (337 399), tại các vùng Trương Dịch, Lâm Tùng, Lư Thủy, thủ lĩnh rợ Hồ là Thư Cừ Nam Thành và em là Mông Tốn làm phản, đưa Thái thú Giả Nghiệp ở Kiến Khang làm chủ soái. Lã Quang sai người con thứ là Thái Nguyên Công Toản, thứ sử Tần Châu xuất năm vạn binh đánh dẹp. Người bấy giờ đều cho quân của Nghiệp là ô hợp, còn quân Công Toản có uy thế lớn ắt sẽ chiến thắng. Lã Quang đến hỏi sư.

Sư đáp:

– Quan sát kĩ cuộc chiến này thì chưa thấy lợi gì cho ta!

Không lâu sau, Công Toản thua trận ở Hợp Lê, Quách Nô lại làm loạn, Toản bỏ chạy thoát thân, đại quân bị Quách nô tiêu diệt.

Quan trung thư giám của Lã Quang là Trương Tư, văn chương rất tao nhã, Lã Quang rất coi trọng.

Khi Trương Tư bệnh, Lã Quang truyền lệnh tìm thầy thuốc khắp nơi để chữa trị. Bấy giờ, có một đạo nhơn nước ngoài tên La xoa nói:

– Ta có thể trị lành!

Lã Quang vui mừng, chu cấp cho ông ta rất trọng hậu.

Sư biết La xoa là người dối trá, nên nói với Trương Tư:

– La xoa không thể trị lành bệnh cho ông được đâu, chỉ thêm tốn tiền của mà thôi! Vận số tuy ẩn kín, nhưng có thể dùng một việc để thử.

Sư bèn dùng chỉ năm màu kết làm dây, rồi đốt thành tro, thả vào trong nước và nói:

– Nếu tro hiện trên nước, trở lại thành sợi dây thì bệnh của ông không lành.

Trong chốc lát tro tụ lại, rồi kết thành sợi dây như cũ. La xoa trị bệnh nhưng không công hiệu, ít hôm sau thì Trương Tư mất.

Không bao lâu, Lã Quang cũng qua đời, con của Lã Quang là Thiệu nối ngôi. Được mấy hôm, con thứ của Lã Quang là Toản giết Thiệu soán ngôi, đổi niên hiệu là Hàm Ninh. Đến niên hiệu Hàm Ninh thứ hai, có một con lợn sinh ra lợn con ba đầu, một con rồng xuất hiện ở trong giếng tại dãy nhà phía đông và bay đến trước điện nằm cuộn tròn, gần sáng thì biến mất. Toản cho là điềm lành, nên gọi đại điện là Long Tường điện.

Không bao lâu lại có một con rồng đen bay lên từ cửa Cửu Cung ở phía nam, nên Toản gọi đó là Long Hưng môn.

Ngài La thập tâu với vua:

– Những ngày gần đây, có những việc lạ, như rồng xuất hiện, lợn sinh con hình thù quái dị. Vả lại rồng là loài vật thuộc âm, ẩn hiện đúng thời mà nay thường xuất hiện, ắt sẽ có tai họa xảy ra, chắc chắn có kẻ mưu đồ tạo phản. Bệ hạ nên tự khắc phục lấy mình, tu nhơn tích đức, để đáp sự răn dạy của trời.

Toản không chịu nghe theo.

Một hôm, Toản cùng sư đánh cờ, ông hạ một quân cờ và nói:

– Chém đầu Hồ Nô!

Sư nói:

– Không thể chém đầu Hồ Nô, Hồ Nô sẽ chém đầu người.

Lời này có ẩn ý, nhưng Toản hoàn toàn không nhận ra. Em của Lã Quang có người con tên Siêu. Lúc nhỏ Siêu tự là Hồ Nô. Về sau quả nhiên Hồ Nô chém đầu Toản, lập anh mình lên làm vua. Bấy giờ, mọi người nghiệm lại mới thấy đúng như lời sư.

Ngài La thập ở nước Lương nhiều năm, nhưng cha con Lã Quang không ủng hộ xiển dương Phật pháp, cho nên sở ngộ Phật pháp uyên thâm của sư không có cơ hội để truyền bá cho mọi người. Phù Kiên đã mất cũng không gặp được, đến khi Diêu Trường đoạt ngôi cũng ngưỡng mộ cao danh của sư và một lòng thỉnh cầu. Nhưng Lã Quang thấy ngài La thập tài trí mưu lược hơn người, sợ sư làm quân sư cho Diêu Trường nên ông không cho sư vào Đông thổ.

Đến khi Diêu Trường mất, con là Diêu Hưng lên ngôi, lại sai sứ cầu thỉnh sư.

Tháng giêng niên hiệu Hoằng Thỉ thứ ba (401), có cây liên lí[27] mọc trước sân miếu, còn trong vườn Tiêu Dao cây hành biến thành cỏ. Diêu Hưng cho là điềm lành và đoán sẽ có bậc hiền trí đến.

Tháng năm, Diêu Hưng sai Lũng Tây Công Thạc Đức dẫn binh sang phía tây, chinh phạt Lã Long. Quân Lã Long đại bại.

Đến tháng chín, Lã Long dâng biểu quy hàng, Diêu Hưng mới đón được sư về.

Đến ngày 20 tháng 12, sư đến Trường An. Diêu Hưng dùng lễ quốc sư tiếp đãi và hết lòng ân sủng.

Tỳ kheo Bôi Độ ở Bành Thành, nghe sư ở Trường An liền than:

– Ta cùng người này cách biệt đã hơn ba trăm năm, mờ mịt không biết bao giờ gặp lại, hi vọng gặp lại ở đời sau vậy.

Trước khi lâm chung vài hôm, sư thấy tứ đại bất an, bèn đọc ba biến thần chú, sai đệ tử ngoại quốc tụng để tự cứu chữa, nhưng chưa kịp dốc sức, sư cảm thấy bệnh mình nguy kịch, bèn gắng gượng nhóm chúng từ biệt và dạy:

– Chúng ta nhân nơi Phật pháp mà được gặp nhau, những vẫn chưa tận tâm gắng sức mà đã ra đi, thật cảm thương biết bao! Tôi sợ mình ngu tối truyền dịch có lầm lẫn. Trong hơn ba trăm quyển kinh luận đã dịch, chỉ có bộ Thập tụng là chưa kịp chỉnh sửa, còn những bản khác thì yếu chỉ ắt không có sai sót. Mong rằng tất cả những bản kinh đã phiên dịch được truyền bá rộng rãi đến đời sau. Nay ở trước chúng, tôi thành tâm xin phát nguyện: “Nếu tôi truyền dịch chẳng sai, thì sau khi thiêu, lưỡi vẫn còn nguyên vẹn”.

Ngày 20 tháng 8, niện hiệu Hoằng Thỉ thứ 11 (409), sư an nhiên thị tịch tại Trường An, nhằm niên hiệu Nghĩa Hi (405 419) đời Tấn. Lễ trà tì được cử hành tại vườn Tiêu Dao theo nghi thức của Thiên Trúc. Sau lễ trà tì, toàn thân tiêu hết, nhưng lưỡi sư vẫn còn tươi hồng nguyên vẹn.