Kính chào quý Thầy, quý Cô, cùng quý vị Phật tử!
Hôm nay tôi muốn cùng quý vị chia sẻ câu chuyện trong kinh Phật, câu chuyện này được trích từ Kinh Đại Trang Nghiêm Luận, thuộc Đại Chánh Tạng quyển số 4, trang 283a 284c.
Câu chuyện này kể về vua A Dục dâng nửa trái am ma la lên cúng dường chư Tăng.
Khi đức Phật còn tại thế, xứ Ấn Độ chưa được thống nhất, còn bị phân chia thành nhiều nước lớn nhỏ khác nhau. Cho đến sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, vua A Dục mới thống nhất được đất nước. Lúc trước, đức vua vì muốn đất nước không còn bị phân chia, nên đã giết rất nhiều người, máu chảy thành sông, nên vua bị mọi người gọi là “Hắc A Dục”; Nhưng sau đó đức vua nhờ tin phụng Phật pháp, hộ trì Phật giáo, nhân dân lại tôn xưng ngài là “Bạch A Dục”. Khi còn sinh tiền, ngài có oai lực rất lớn, quyền cao chức trọng, nhưng khi về già lại bị đối xử lạnh nhạt, muốn làm gì cũng bị sự kiềm hãm của thái tử và chúng đại thần. Câu chuyện này kể lại giai đoạn về già của vua A Dục.
Trong kinh có ghi lại: “Khi mang trọng bệnh, trong tình trạng hiểm nguy, tiếng nói bị mất giá trị, chẳng ai muốn nghe, mệnh lệnh truyền xuống không ai tuân theo. Cho nên, phải biết quý trọng thân thể lúc còn khỏe mạnh, việc gì cần làm phải gấp rút làm ngay.”
Chuyện kể rằng, khi đại hộ pháp A Dục Vương lâm trọng bệnh, muốn dâng tất cả tài vật có được để cúng dường Tăng chúng, ngài ra lệnh cho đại thần mang các loại trân bảo đến. Nhưng họ quyết không tuân theo, cuối cùng đức vua chỉ có được một nửa trái am ma la (không được một trái, mà chỉ được một nửa trái), thành tâm dâng lên cúng dường chư Tăng. Vì thế đức vua bèn triệu tập triều thần và hỏi họ rằng: “Bây giờ ai là quốc vương? Nên nghe lời của ai?”
Chúng đại thần: “Chỉ có oai đức của đại vương thống trị toàn dân, mệnh lệnh mới lan truyền khắp cõi Diêm Phù Đề.”
Vua A Dục nghe xong, nói một bài kệ, đại ý như sau: “Các ông ai cũng đều gọi ta là đại vương, nói trẫm hạ lệnh đều tuân hành; Nhưng đây chẳng qua là thuận tùng để làm vui lòng trẫm, nên mới cố ý nói những lời như thế. Những lời các ông nói đều là giả dối, mệnh lệnh của ta giờ đây đã vô hiệu, không còn được thực thi, không còn quyền quyết định, bây giờ chỉ còn nửa trái am ma la này nghe theo mệnh lệnh của trẫm mà thôi.
Cái gọi là giàu sang quyền thế, rốt cuộc cũng tầm thường tệ hại đến thế này. Thật là đáng thương, khiến người chê trách; chẳng khác nào dòng thác từ đỉnh núi đổ xuống, chảy xiết vô cùng. Cũng như thế, phú quý và quyền lực cũng không thể đứng yên. Ta tuy là một quốc vương, nhưng trong phút chốc đã biến thành kẻ nghèo cùng, cái nghèo đói mà người đời sợ nhất, trong phút chốc đã tìm đến ta rồi.”
Vua A Dục nói lên đoạn kệ, lại ca ngợi những lời giáo huấn của đức Thế Tôn chân thật không sai, đức vua lại nói tiếp một đoạn kệ khác: “Phú quý tuy có lúc vô cùng huy hoàng rạng rỡ, nhưng rồi sẽ có ngày suy tàn đổ nát; con người ở đời ai cũng đeo đuổi theo phú quý, chán ghét nghèo đói. Đây chính là lời của đức Thế Tôn đã từng dạy, thật không giả dối! Trước đây mỗi lần, trẫm tùy theo ý muốn mà ban mệnh lệnh. Chỉ cần mở lời, không một ai không theo, đến cả trời đất, quỷ thần cũng phải vâng theo mệnh lệnh của trẫm, không người nào dám chống đối.
Nhưng giờ đây, mọi người đều không còn nghe theo lệnh của trẫm, chẳng khác nào dòng nước chảy vào núi, nước không thể tràn qua được, mà còn bị dội ngược trở lại, tạo nên những con sóng. Trẫm đã đối diện với sự thất bại, chẳng khác nào sự cản trở của ngọn núi, ngăn cản khiến cho mệnh lệnh của trẫm không còn tác dụng.
Xưa kia lời của trẫm thốt ra, có ai dám trái phạm. Chưa từng có kẻ ác bá, trộm cướp, kẻ địch nào dám làm trái ý, chống lại trẫm. Những người sống trên trái đất này, không ai dám chống đối với trẫm, bất kể nam nữ hay già trẻ, không ai không cung kính phục tùng lệnh của trẫm; những ai chống đối, trẫm tiêu diệt. Gặp người nghèo khó, đặc biệt là người bệnh trẫm đều an ủi, và tận tâm ra sức giúp đỡ.
Thế nhưng giờ đây khi phước đức của trẫm đã hết, không ngờ trẫm lại lâm vào tình cảnh này, nghiệp nghèo khó đã tìm đến trẫm, .
Trẫm là A Dục Vương cai quản trăm họ mà! Tại sao phải chịu lấy cảnh khổ đau này? Chẳng khác nào thân câyA du già (tên của một loại cây) bị chặt ngang tận gốc, khiến cho hoa, lá, cuống và cành toàn bộ đều bị khô rụng. Trẫm giờ đây cũng thế! Phú quý chỉ là huyễn hóa nào có tồn tại được lâu.”
Đức vua quay đầu nhìn thầy thuốc đang đứng bên cạnh, rồi nói với ông ta: “Đúng là Vinh hoa làm cho con người cảm thấy nhàm chán! Nó chỉ tồn tại tạm thời trong thoáng chốc mà thôi, như tia sáng của sấm sét, xẹt qua rồi biến mất, cũng như ngọn lửa nhanh chóng vụt tắt, chẳng khác nào lỗ tai con voi không ngừng dao động, như lưỡi của rắn độc không nằm yên được; Cũng như giọt sương mai, khi mặt trời xuất hiện là tan biến, phú quý cũng thế, nào có tồn tại bền lâu. Trẫm đã từng nghe qua một bài kệ, có đại ý như vầy: “Lợi ích của phú quý khó dừng lại, nhẹ trôi bồng bềnh không đứng yên, người có trí tuệ cần hiểu sâu sắc, không nên ngã mạn phóng túng; Những hành nghiệp mà đời này đã gây, sẽ ảnh hưởng đến đời sau. Cần phải tư duy cẩn thận, cần phải làm gì để đời này và cả đời vị lai thật sự được lợi ích? Phải tìm hiểu cho cặn kẽ, rồi nỗ lực tinh tấn tu tập.”
Người được phước báu giàu sang, nếu chỉ biết bo bo gìn giữ, keo kiệt, không dám bố thí, dù có dùng trăm phương ngàn kế để bảo vệ đi nữa, cuối cùng của cải cũng bị tan biến, mất mát. Khi còn giàu sang, phải biết phú quý thay đổi khó lường, cũng như khi con rắn di chuyển uốn éo không thẳng, dấu vết ấy khó mà đo, khó mà nắm bắt, sự biến đổi của phú quý cũng thế. Nếu người biết quan sát, thì nên biết tận dụng ngay từ khi còn khỏe mạnh, nhanh chóng tu tập vun bồi phước đức.
Nếu một mai thân thể dù có bệnh tật, nhưng trong tâm vẫn phải chuyên cần gieo trồng cội phước, đừng bị thân thể hạn chế việc tu tập phước đức.
Người thân biết được người bệnh sắp ra đi, tuy người bệnh có nhiều của cải, muốn bố thí nhưng có được đâu (vì những người khác đang chờ thừa kế tài sản đó, lúc này có muốn làm gì cũng khó mà thực hiện được như ý muốn).
Do đó, tiền bạc kiếm được trong khi còn khỏe mạnh an tường, gặp được cơ hội gieo trồng ruộng phước, chúng ta cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội, nhanh nhanh bố thí, cúng dường. Không kể là thân thể tráng kiện hay lúc có bệnh, chúng ta cần phải tích cực thực hành bố thí, bình đẳng không tính toán. Có người đợi đến lúc sắp lâm chung, mới nghĩ đến vun bồi chút ít công đức, có lúc không còn kịp nữa rồi. Ngược lại, cố gắng tìm đủ mọi cách để chất chứa tài sản, tài sản này nếu không biết cách sử dụng chúng, chúng sẽ mang đến vô số tai họa.
Con người khi sắp chết, tài vật tiếng tuy là của họ, nhưng khi họ muốn làm việc thiện, mong được bố thí, những người thân xung quanh, vợ con đều làm ngơ hay tránh né họ, nên tâm nguyện của người sắp ra đi khó được mãn nguyện.
Lúc ấy, vua A Dục xuống tóc, khoác lên thân chiếc áo đầy vết dầu hoen ố, lôi thôi lếch thếch, ốm yếu đến không thể diễn tả, toàn thân run rẩy, hơi thở hổn hển, đau đớn hướng về nơi mà đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, gắng gượng hết sức để chắp tay, tưởng nhớ đến công đức của Như Lai, nước mắt chảy dàn dụa, vua nói lên một đoạn kệ như thế này: “Bạch đức Thế Tôn! Đây là cái lạy cuối cùng con đảnh lễ Người. Ngày xưa đức Thế Tôn từng căn dặn lấy ba loại pháp giả tạm để đổi lấy ba món pháp chân thật (ba loại tài tức chỉ vật chất, thân thể và sinh mạng; chính là dùng tiền tài giả tạm của thế gian để đổi lấy công đức pháp tài. Dùng phước báu hữu lậu, sắc thân vô thường để đổi lấy pháp thân công đức. Dùng tính mạng mong manh của thế gian để đổi lấy huệ mạng kiên cố hằng tồn.)
Hôm nay con chắp tay hướng về đức Phật, nguyện đem pháp giả tạm để đổi lấy pháp chân thật, cũng giống như phá núi đá mà cầu vàng ròng. Dùng vật chất không kiên cố này, ngày hay đêm đều một mực chỉ cầu pháp chân thật, hôm nay con mang phước báu còn dư lại, cung kính dâng lên cúng dường ba ngôi Tam bảo.
Phước báu mà hôm nay con gieo trồng được, không mong cầu chuyển sanh làm trời Đế Thích hay Phạm Thiên để hưởng phước báu, càng không cầu trở lại làm vua ở cõi Diêm Phù Đề. Chỉ cầu mong phước báu nhờ bố thí có được này một lòng hồi hướng: Nguyện được tùy tâm sở nguyện, tự tại giải thoát, sau này muốn làm gì đều không bị sự trở ngại, ngăn cản của mọi người, mong được chứng đắc thánh quả, thanh tịnh không còn nhơ uế, vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau.”
Đức vua muốn dâng nửa trái am ma la lên cúng dường Tăng chúng, bèn gọi người hầu cận đến và nói rằng: “Ông còn nhớ trước đây trẫm đã từng chăm sóc, nâng đỡ cho ông không? Nếu hôm nay ông còn nhớ đến công ơn ấy, xin làm theo mệnh lệnh cuối cùng này. Ông hãy mang nửa trái am ma la này đến tịnh xá cúng dường Tăng chúng, xướng tên của trẫm lên, bạch với chúng Tăng, rằng vua A Dục trước lúc lâm chung hướng về đảnh lễ dưới chân của chúng Tăng. Và chuyển lời giúp trẫm: “Trước đây ở tại Diêm Phù Đề, muốn gì được đó, bây giờ quả báo suy bại tìm đến, đã không thể tự mình làm chủ, giờ trẫm chỉ có quyền sử dụng vỏn vẹn nửa trái am ma la mà thôi (không còn gì khác, chỉ có nửa quả), cúi mong Tăng chúng thương xót, tiếp nhận nửa trái này làm phẩm vật cúng dường cuối cùng, nguyện cho đời sau trẫm được phước báu lớn hơn, và cầu mong tất cả chúng sanh đừng như trẫm, không được làm chủ lúc lâm chung.”
Lúc ấy người hầu tuân theo mệnh lệnh của vua A Dục, lập tức mang nửa trái am ma la đến nơi chúng Tăng đang cư trú, đối trước chúng Tăng đảnh lễ dưới chân của từng vị xong, chắp tay thưa rằng: “Vua A Dục đảnh lễ dưới chân của Tăng chúng.” Đây là cái lạy cuối cùng của đức vua, vừa cất tiếng, người hầu cận đã khóc nức nở, đến nỗi không thể nói nên lời, ông ta mang nửa trái am ma la ra cho chúng Tăng xem, rồi nói một đoạn kệ: “Quốc vương trước kia thống trị toàn thiên hạ, cai quản người trong bốn biển không ai dám chống đối lại mệnh lệnh của ngài; chẳng khác nào mặt trời vào ban trưa, cái nắng chói chang có thể chiếu sáng khắp đại địa. Một khi phước báu hết, nghiệp báo tự tìm đến. Sự trêu ngươi của nghiệp lực, đưa lại đủ thứ tang tóc, vinh hoa phú quý sẽ không còn, chẳng khác nào mặt trời sắp xuống núi (vốn là mặt trời đứng bóng, bây giờ là mặt trời lặn).
Đức vua giữ trọn niềm tin cung kính và dâng nửa trái am ma la lên cúng dường Tăng chúng, với mong muốn dùng cảnh tượng vô thường này, giúp cho mọi người có thể lĩnh hội sâu sắc rằng: vinh hoa, thế lực, giàu sang đều phải chịu sự chi phối của vô thường, không đáng nương tựa.”
Chư vị Tỳ kheo, Thượng tọa nghe người hầu nói xong bài kệ, ai nấy đều cảm thấy xót xa cho cảnh ngộ của vua A Dục, mọi người khởi tâm thương xót, nạp thọ phẩm vật cúng dường của vua, rồi nói với đại chúng rằng: “Chúng ta nên sanh tâm nhàm chán, trong kinh có lưu lại lời của đức Thế Tôn: ‘Khi thấy người khác suy tàn hoạn nạn, chúng ta phải biết khởi tâm xa lìa’. Người có lương tâm, thấy người như thế, chẳng ai mà không xót thương, có ai còn ham muốn?”, rồi nói một đoạn kệ: “Vị vua có tâm mạnh mẽ vui vẻ bố thí nhất chính là vua A Dục, quốc vương vô cùng dõng mãnh, như con voi chúa trong loài cầm thú. Ngày xưa vua A Dục giàu có nhất ở cõi Diêm Phù, có quyền uy rất lớn, muốn gì được đó, thế nhưng giờ đây phải chịu sự quản lý của đại thần và sự ngăn cản của thái tử, đã bị mất tự do. Tất cả đều bị hạn chế, chỉ còn lại nửa trái am ma la là tự quyền quyết định mang đến cúng dường Tăng chúng mà thôi.
Trong quá khứ giàu có không ai có thể sánh bằng, không thiếu vật gì, lúc ấy sanh khởi tâm kiêu mạn tự cao, tất cả giờ ở đâu? Hạng phàm phu chúng ta cần phải quán sát tình cảnh như thế này, để sớm tu tâm dưỡng tánh, đề phòng cảnh tỉnh.
Phú quý hôm nay đã không còn, chỉ còn sót lại nửa trái, là bài học quý giá, khiến cho các thầy Tỳ kheo sanh tâm xa lìa.”
Lúc ấy trong Tăng chúng, có một thầy Tỳ kheo đưa ra ý kiến: “Vật cúng dường chỉ được nửa trái am ma la, nhưng đại chúng lại đông vô số, bây giờ chúng ta mang nửa trái ấy nghiền ra thành bột để nấu súp, đại chúng cùng thưởng thức.” Rồi nói tiếp: “Đây là phẩm vật cúng dường cuối cùng của đại thí chủ vua A Dục, đây là bài học quý giá, giúp chúng ta hiểu được tất cả tài vật ở thế gian đều không tồn tại. Nên đức Thế Tôn có dạy: ‘Mang những thứ phú quý giả tạm ở thế gian, đổi lấy pháp tài vững bền công đức của xuất thế gian; Lấy sắc thân giả tạm, đổi lấy pháp thân kiên cố, dùng tính mạng mong manh đổi lấy trí tuệ kiên cố’. Quốc vương! Người nên sanh tâm vui mừng, dùng tài sản giả tạm này để đổi lấy cái công đức chân thật, chỉ có phước báu mới có thể sát cánh theo ngài đến kiếp sau. Nên trong mọi lúc, mọi nơi cần phải dõng mãnh phát tâm bố thí, cúng dường, không vì một lý do gì mà bỏ quên.”
Câu chuyện này có nhiều điểm chúng ta cần khắc ghi: Con người khi về già, trí nhớ không đủ sáng suốt, sự hiểu biết trước đây học được, bây giờ không còn nhớ. Ngày xưa thân thể tráng kiện, có người thích dùng sức mạnh có được, mang dao chém giết kẻ thù, Bây giờ, bước đi không vững, phải nhờ vào cây gậy. Cho dù có nhiều tài sản, thân không còn tự chủ, muốn đi đến đâu, cần phải có người đi cùng nâng đỡ, quyền thế đều không còn. Sức khỏe, người thân bây giờ ở đâu?, tất cả đều không còn; “sùng cao tất đọa lạc, hợp hội yếu đương ly” có nghĩa là “giàu rồi cũng nghèo khó, có hợp thì sẽ có tan”, chúng ta cần phải biết trân trọng những lúc còn có thể làm chủ được. Sức khỏe còn tốt, cần phải làm việc lành, gieo trồng phước đức, vun bồi trí tuệ, đừng đến muộn rồi hối tiếc.
Chúng ta cùng nhau sách tấn!
Phước Nghiêm 05.10.2013