Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Ngài Ti Ma La Xoa (Vimalaksas)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ti Ma La Xoa (dịch là Vô Cấu Nhãn) người nước Kế Tân. Tánh tình trầm tĩnh, nhưng lại có chí khí. Xuất gia xong, Ngài chuyên cần tu khổ hạnh. Đầu tiên, Ngài xiển dương tạng luật ở nước Quy Từ. Các học giả ở phương tây canh cánh theo học đạo. Ngài Cưu Ma La Thập cũng đã từng theo ngài Ti Ma La Xoa mà thọ giới luật. Vì nước Quy Từ bị nạn binh đao vào năm 382, nên Ngài sang lánh nạn tại nước Ô Triền (Uddiyana). Nghe ngài Cưu Ma La Thập đang hoằng dương kinh tạng tại Trường An, nên ngài Ti Ma La Xoa cũng muốn sang Đông Độ để xiển dương luật tạng tỳ ni thù thắng. Vì vậy, Ngài chống tích trượng vượt bao sa mạc núi đồi nguy hiểm mà đến Trường An vào năm 406. Nơi đó, ngài Ti Ma La Xoa vẫn được ngài Cưu Ma La Thập kính lễ như bậc tôn sư.

Sau khi ngài Cưu Ma La Thập nhập tịch, ngài Ti Ma La Xoa vân du đến Thọ Xuân, cư trú tại chùa Thạch Giản. Đồ chúng theo Ngài học luật tạng rất đông, khiến luật Tỳ NiẠ được xiển dương hưng thạnh.

Ngài Cưu Ma La Thập dịch hết bộ Thập Tụng Luật, được năm mươi tám quyển. Bộ Tụng Luật cuối cùng nhất được gọi là Minh Thọ Giới Pháp và Chư Thành Pháp Thiện Sự. Do nghĩa đó mà gọi bộ này là Thiện Tụng. Đến chùa Thạch Giản, ngài Ti Ma Na Xoa viết thêm thành sáu mươi mốt quyển, và đổi tên bộ Tụng Luật cuối cùng là Tỳ Ni Tụng.

Sau này, tại chùa Tân Tự ở Giang Lăng, Ngài lên tòa giảng bộ Thập Tụng Luật. Nhờ Ngài thông thạo tiếng Tàu, nên giúp thính giả lãnh hội dễ dàng. Phật pháp vô tác vi diệu được xiển dương mạnh mẽ. Những kẻ chiết văn cầu lý vân tập dưới tòa của Ngài đông như rừng. Luật tạng được hoằng duơng rộng rãi đều là nhờ công của ngài Ti Ma La Xoa.

Tại chùa Đạo Tràng, nhờ thâm nhập tông chỉ luật tạng do ngài Ti Ma La Xoa diễn giảng, nên Huệ Quán ghi lại những điều cấm chỉ khinh trọng (nặng nhẹ) trong giới luật mà soạn viết thành hai quyển, rồi đem qua kinh sư. Tăng ni nơi đó canh cánh đua nhau truyền trao sao chép. Đương thời, các học giả thường bảo:

- Ngài Ti Ma La Xoa vừa nói ra lời nào thì Huệ Quán liền sao chép lại hết.

Bấy giờ, các bản sao chép lại những lời của ngài Ti Ma La Xoa giảng giải, được mọi người quý trọng như ngọc báu.

Ngài Ti Ma La Xoa thường lánh xa thế tục mà tu dưỡng đạo đức nơi chốn thanh vắng yên tĩnh. Vào năm bảy mươi bảy tuổi, ngài Ti Ma La Xoa nhập tịch tại chùa Thạch Giản ở Thọ Xuân. Ngài Ti Ma La Xoa vốn là con mắt của thế nhân, nên được người đời xưng tán là Thanh Nhãn Luật Sư.