Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Muc-Dich-Cua-Giao-Duc-Phat-Da
Mục đích của giáo dục Phật Ðà là dạy cho mọi người thành Phật.  Trong thập pháp giới thì pháp giới Phật là chân thật, rốt ráo, viên mãn; chư Phật Như Lai khởi dụng[44] thì xưng là Bồ Tát.  Trong kinh Vô Lượng Thọ, Bồ Tát làm ‘người bạn chẳng mời mọc’ của hết thảy chúng sanh, chỉ cần các ngài nhìn thấy, nghe đến, thì nhất định sẽ dang tay ra giúp đỡ, chủ động giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn.

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Tân Gia Ba phát tâm rộng lớn muốn lập Phật Ðà Giáo Dục Học Viện.  Trước hết phải hiểu giáo dục Phật Ðà bồi dưỡng những người như thế nào, mục tiêu đó là gì.  Ðây là một giáo dục đặc biệt, hoàn toàn khác với giáo dục thế gian, giáo dục thế gian là giáo dục nhân đạo, thuộc về giáo dục của pháp giới Người trong thập pháp giới.  Giáo dục Phật Ðà là giáo dục của pháp giới Phật, Bồ Tát trong thập pháp giới, đây là việc chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng.  Từ đó có thể biết pháp giới Phật bao gồm thập pháp giới mà pháp giới Người chẳng bao gồm thập pháp giới.

Ðời người vô cùng ngắn ngủi, nhất định phải nắm chắc [cơ hội này], phải từ pháp giới Người nâng cao lên đến pháp giới Phật, Bồ Tát thì công đức tu học mới kể là viên mãn.  Giáo học của chúng ta cũng đặt căn bản trên quan niệm này, giúp cho con người nâng cao cảnh giới, đó là giáo dục Phật Ðà.  Giáo dục Phật Ðà chẳng giống với giáo dục thế gian, mục tiêu chung cực của giáo dục thế gian là nhằm đạt được danh văn lợi dưỡng, hưởng thọ ngũ dục lục trần.  Mục đích của giáo dục Phật Ðà là hoàn thành đức hạnh của mình, thành tựu trí huệ viên mãn của mình, sau đó tình nguyện phục vụ cho xã hội, phục vụ cho chúng sanh.   Những gì người thế gian đeo đuổi thì Phật, Bồ Tát hoàn toàn buông bỏ, buông xuống, vì người giác ngộ hiểu được truy cầu danh văn lợi dưỡng, hưởng thọ ngũ dục lục trần tất nhiên sẽ dẫn đến cạnh tranh, cạnh tranh đến sau cùng là đấu tranh.  Chư Phật, Bồ Tát hy vọng hết thảy chúng sanh đều có thể tôn trọng, kính ái, quan hoài, và hợp tác lẫn nhau; muốn đạt đến lý tưởng ấy thì nhất định phải buông bỏ đấu tranh, muốn buông bỏ đấu tranh thì trước hết phải buông bỏ cạnh tranh.  Hiện nay trong tâm người nào chẳng có cạnh tranh, chẳng có đấu tranh?  Tâm như vậy thuộc về pháp giới của tam ác đạo.

Nếu người tu hành còn chịu sự dụ dỗ của cảnh giới, vẫn còn bị quỷ thần phá rối thì tâm đạo ở đâu?  Kinh nói với chúng ta chân chánh quy y Tam Bảo phải từ ‘mê, tà, chánh’ quay đầu lại, nương vào ‘giác, chánh, tịnh’, bất luận có trải qua hình thức quy y hay chăng thì thần hộ pháp đều bảo hộ.  Các sách [khuyến] thiện trong thế gian đều nói: ‘Một người có tâm địa đôn hậu, tâm thiện hạnh thiện, thì sẽ có rất nhiều thiên thần, quỷ thần hộ vệ’; cho dù chẳng học Phật, chẳng có thọ nhận Tam Quy thì cũng có thần hộ pháp bảo hộ.  Lý do thần hộ pháp bảo hộ là vì tôn kính đức hạnh của những người ấy, là tự nhiên cảm động đến hộ trì.  Giới kinh nói thọ ngũ giới thì sẽ có hai mươi lăm vị thần hộ giới ngày đêm giữ gìn, hộ trì.  Thế thì làm sao có thể bị quỷ thần, yêu ma quỷ quái đến phá rối cho được?  Từ đó có thể biết chỉ thọ Tam Quy và Thọ Giới trên hình thức thì đều là giả, vậy mà cứ cho là mình rất hiển hách, nhưng quỷ thần lại khinh chê.

Ấn Quang đại sư là tấm gương tốt của chúng ta, ngài thị hiện cho chúng ta coi, ngài cũng phải trải qua tu học trong thời gian dài.  Truyện ký có ghi lúc ngài trên bảy mươi tuổi, thì muỗi mòng, kiến, bọ chét ở chỗ ngài cư trú đều tự động dọn đi chỗ khác, chẳng dám khuấy nhiễu ngài.  Tại sao chẳng dám khuấy nhiễu ngài?  Vì tôn kính ngài.  Chúng ta nghĩ coi tại sao ngài có thể cảm động lục đạo chúng sanh mà chúng ta làm chẳng được?  Vì chúng ta chẳng buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm luân hồi cứ tạo ra nghiệp luân hồi y như cũ, ai chịu tôn trọng?  Niệm niệm đều hy vọng vãng sanh Tịnh Ðộ, chỉ có một nguyện vọng này mà thôi, có thể đạt được hay chăng thì chưa biết.  Có nguyện thì nhất định phải có hạnh, dùng hạnh để thực hành nguyện, [được vậy] thì nguyện vọng mới viên mãn.

Có chẳng ít bạn đồng tu bị cảnh giới chuyển nên tôi đặc biệt nhắc nhở mọi người chúng ta nhất định phải có khả năng chuyển cảnh giới.  Khí phận trong môi trường hoàn cảnh chẳng tốt, chúng ta phải có khả năng chuyển biến khí phận xấu thành khí phận tốt, từ trường chẳng tốt thành từ trường tốt, đây là công phu tu học có chút đắc lực rồi.  Nếu mình trong cảnh giới ấy không thể chuyển thì sẽ chẳng có khả năng giúp đỡ người khác, nói giúp đỡ người ta chỉ là nói suông mà thôi.  Thế nên trước hết phải học tập nhìn thấu, buông xuống, phải thấy thấu suốt ‘vạn pháp giai không’.  Kinh Kim Cang dạy: ‘Phàm hết thảy các tướng đều là hư vọng’[45], tại sao phải trong tướng hư vọng này đi phân biệt, tính toán?  Tất cả hết thảy hiện tượng, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, thuận tâm và chẳng thuận tâm đều là vọng tưởng.  Nếu bạn có thể nhìn thấy rõ ràng, minh bạch rồi thì bất luận là cảnh nghịch hay thuận, tâm đều bình tịnh, đích thực dùng thanh tịnh, bình đẳng, giác để đối xử với mọi người, chẳng tiêm nhiễm mảy may nào hết, yêu ma quỷ quái sẽ chẳng đến kế bên thân bạn được.  Có ngã chấp thì sẽ có thân thể, chẳng có ngã chấp thì chẳng có thân thể, đây là đạo lý tại sao quỷ thần chẳng thể đến sát thân bạn được.  Nếu niệm niệm đều còn rơi vào ‘ta, người, chúng sanh, thọ giả’, bạn chẳng thiện thì quỷ thần sẽ dọa bạn, phá khuấy bạn.

Từ xưa đến nay, những người học Phật đều tu học y theo kinh Kim Cang, Tông Môn xưng kinh này là đốn giáo chẳng phải là không có đạo lý.  Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ nếu y chiếu nguyên lý nguyên tắc trong kinh Kim Cang để tu học thì nhất định sẽ vãng sanh thượng thượng phẩm, sanh Thật Báo Trang Nghiêm Ðộ.  Chúng ta phát tâm xuất gia, xuất gia tức là ‘học làm thầy của người, hạnh làm gương cho đời’ [46], chúng ta phải hết lòng học tập những đạo lý phương pháp nói trong kinh Kim Cang.  Vì chúng ta chẳng thật thà, kinh Kim Cang có thể giúp chúng ta đạt đến thật thà niệm Phật, thật thà làm người, thật thà làm việc.  Tham thấu kinh Kim Cang rồi, người trở nên thật thà rồi, thật thà tức là Phật, Bồ Tát.  Thật thà thì sẽ chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nữa, nếu vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chẳng thật thà.

Tổ sư đại đức trong Tịnh Tông dạy chúng ta ‘thật thà niệm Phật’, hai chữ ‘thật thà’ (lão thật, chắc thật) này chẳng dễ làm được, những người làm được thì đời này quyết định sẽ vãng sanh thượng phẩm.  Người có thiện căn, phước đức sâu dày, chẳng cần tu cũng thật thà, họ vừa nghe lời Phật dạy thì thực sự buông xuống vạn duyên, đối với ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng trong thế gian chẳng còn để ý đến nữa, hoàn toàn buông bỏ hết tất cả những điều thị - phi, nhân - ngã.  Có người phải tu thì mới thật thà, còn chúng ta đã học xong những vẫn chưa thật thà, đây là vì nghiệp chướng tập khí sâu nặng.  Nhất định phải chuyển cảnh giới trong hoàn cảnh sanh hoạt, niệm niệm tự nhắc nhở mình, hết lòng nỗ lực tu học, thực sự buông xuống vạn duyên thì mới tiêu trừ nghiệp chướng được.

Tiến trình hoằng pháp ở nơi đây rất thuận lợi, đây là oai thần Tam Bảo gia trì.  Chư Phật, Bồ Tát chiếu cố chúng ta đến như vậy, nếu chúng ta chẳng hết lòng, chẳng  nỗ lực thì làm sao chẳng có lỗi với quý ngài?  Mỗi ngày đều niệm ‘Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ’, nếu hai câu này chẳng thể thực hiện thì sẽ có lỗi với Phật, Bồ Tát, có lỗi với thiên long thiện thần hộ pháp.  Chúng ta tự mình tu học và sau này thành tựu Phật Học Viện, nhất định phải y theo lời giáo huấn trong kinh điển, bắt đầu làm từ chính bản thân mình.  Học trình là bảy năm, ‘bảy’ là một con số viên mãn, hy vọng trong bảy năm này, chúng ta tối thiểu cũng phải giống ‘Vô Lượng Thọ Phật’.  Chúng ta chẳng thể đạt đến Phần Chứng Vị, ít nhất cũng phải làm đến Tương Tự Vị, có thể chứng đến Tương Tự Tức Phật trong Thiên Thai Lục Tức Phật thì mới chẳng có lỗi đối với Phật, Bồ Tát.  Có thể đạt đến Phần Chứng Vị là tốt nhất, Phần Chứng Vị tức là Pháp Thân Ðại Sĩ, trong Viên Giáo là Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo là Sơ Ðịa Bồ Tát; Tương Tự Vị là Biệt Giáo Tam Hiền Bồ Tát, Viên Giáo Thập Tín Vị Bồ Tát.  Cho nên mọi người phải nỗ lực, hướng đến mục tiêu này thì sẽ có thể siêu phàm nhập thánh.

________________
[44] Khởi dụng là từ báo thân thị hiện trong các cõi, các loài thực hiện mọi sự hóa độ, tiếp dẫn, cứu tế.

[45] (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng)

 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Phật Nói Kinh Vô Thường
Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh

Vô Thường
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa