Home > Khai Thị Phật Học > Nhan-Duyen-Uc-Nhi-Vao-Thanh-Nga-Qui-Tim-Nuoc
Nhân Duyên Ức Nhĩ Vào Thành Ngạ Quỉ Tìm Nước
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính thưa quí vị Tăng ni và Phật tử kính mến.

Hôm nay chia sẽ cùng quí vị một câu chuyện trong kinh Phật, câu chuyện này trích từ kinh “Đại Trang Nghiêm Luận” từ 275c~ 276btrong “Đại Chánh Tạng” quyển thứ 4.

Chủ nhân câu chuyện này là Ức Nhĩ, theo “Thập tụng luật” chép: nghe nói rằng Ức Nhĩ lúc ra đời, tai có đeo vòng vàng giá trị một ức (trăm triệu), do đó mọi người gọi là Ức Nhĩ. Về sau Ông cảm thấy cuộc đời vô thường mà phát tâm xuất gia.

Trong kinh nói rằng: thị hiện quả báo phóng túng là nguyên nhân hi vọng mọi người không nên phóng túng.

Hồi xưa nghe nói rằng, vị thương nhân có một người con trai tên là Ức Nhĩ, người con trai đó ra biển lặn tìm của quí. Sau khi tìm được của báu, trên đường trở về nhà, cùng đồng bạn tách nhau ngủ qua đêm. Do không có người bên cạnh, trong lúc lo lắng bấn loạn, lại vừa đói vừa khát, thì thấy xa xa có một thành phố, cậu nghĩ rằng nơi đó nhất định có nước uống, nên đi về hướng đó để xin nước.

Ức Nhĩ đi đến bên con đường cái rộng lớn có thể lưu thông với những con đường khác trong thành, lẽ ra phải có nhiều người tập trung mới đúng, nhưng lại không có một bóng người, vì quá đói khát nên hét lên: “nước! nước!”. Nhưng thật ra ngôi thành này là nơi cư ngụ của quỉ đói.

Chúng ngạ quỉ trong thành nghe tiếng “nước”, lập tức từ bốn nơi tám phía tập trung lại nói: “vị nào từ bi cho tôi nước uống?”

Thân hình của những con quỉ này như ông táo bị đốt cháy, chỉ có râu tóc bao quanh. Chúng quạ quỉ chấp tay thưa: “làm ơn cho tôi nước!”

Ức Nhĩ trả lời: “Vì ta quá khát nước mới tìm đến thành này tìm nước!”

Lúc này chúng ngạ quỉ nghe nói Ức Nhĩ vì không chịu nổi cơn khát nên mới tìm đến, thì những hi vọng mong manh đã tan nát, chúng liền than vãn: “Ngươi không biết đây là thành phố ngạ quỉ sao mà lại muốn tới đây tìm nước?”

Ngạ quỉ liền nói bài kệ, đại ý như sau:

“Chúng tôi ở trong thành này đã trải qua trăm ngàn vạn năm đều chưa từng nghe qua chữ “nước”, thì làm sao mà có nước uống? (Đương nhiên là không uống được nước. Chữ nước còn chưa nghe tới thì làm sao mà có nước mà uống chứ?)

Chúng tôi cũng giống như rừng Đa La bị lửa lớn thiêu rụi vậy, thân thể chân tay, gân cốt đều đang bị thiêu đốt.

Bất kể là ngày hay đêm, đầu tóc đều rối bù, thân thể đều bị hủy hoại; chúng tôi chỉ nghĩ đến thức ăn, và sợ hãi đi lang thang khắp nơi.

Do bị đói khát bức bách, muốn đi đến các nơi xin nước, thì có người cầm gậy rượt đuổi, khi đuổi tới nơi thì bị ăn đòn một trận nhừ tử.

Tai chỉ thường nghe những tiếng chửi mắng, chưa từng nghe dù là nửa câu nói hay, huống hồ chi là chúng tôi có được một giọt nước để thấm nhuần cổ họng và đầu lưỡi khô khan này!

Trong núi non này, nếu trời mưa xuống thì dù là một giọt, ngay lập tức nước mưa sẽ biến thành nước lửa nóng rực dội trên người chúng tôi.

Nếu như thấy sông ngòi, rạch nước, lập tức chúng đều biến thành biển lửa đang chảy; mỗi khi nhìn thấy ao hồ và nước giếng thì chúng lập tức khô cạn, hoặc biến thành máu mủ, hôi thối dơ dáy làm cho mọi người kinh tởm.

Thực ra chúng tôi muốn chạy đến nơi có nước, nhưng chúng Dạ Xoa cầm gậy sắt đánh dữ dội không cho tới gần. Chúng tôi bị sự đau khổ như vậy thì làm sao có nước bố thí cho ngươi chứ?

Trong quá khứ, vì chúng tôi quá tham lam, lại thường ganh tị người khác. Cho đến bây giờ cũng chưa từng bố thí nước và thức ăn cho bất kì người nào.

Đồ vật của riêng không những không muốn cho người khác, mà còn ngăn cản người khác bố thí. Do trong quá khứ chúng tôi tạo các ác nghiệp quá lớn, nên ngày nay phải chịu sự đau khổ và buồn phiền như vậy. Bố thí có thể nhận được quả báo lớn như mùa xuân gieo rắc hạt giống, mùa thu có thể thu hoạch. Nhưng quá khứ chúng tôi không có gieo trồng nhân tốt, nên đời này phải chịu khổ như vậy.

Do phóng dật giải đãi, tham lam ích kỷ, không dám bố thí, nên phải nhận quả khổ vô cùng tận. Nguồn gốc của mọi sự đau khổ không gì qua tâm tham, đố kị. Do vậy nên nổ lực tinh tấn, mới mong tiêu trừ tội lỗi này.

Bố thí là hạt giống thiện, từ đây có thể sinh sản mọi thứ có lợi ích, an lạc. Vì vậy mọi người nên thường hành thiện bố thí, đừng như chúng tôi, để đến giờ khi gặp quả báo khổ mới hối hận thì đã không kịp nữa.

Cũng như vậy, trong loài người, nếu nhìn về ngoại hình thì không có gì khác nhau, nhưng do tạo nghiệp không đồng nên có quả báo cũng không giống nhau.

Người phú quí thì có rất nhiều tài sản. Mà người khốn khó luôn phải ngửa tay cầu xin người khác giúp đỡ. Người ở cõi trời tuy dụng cụ ăn uống giống nhau, nhưng sắc hương mỹ vị của thức ăn lại khác nhau vời vợi.

Nếu đọa vào trong hàng súc sanh, nghiệp báo cũng không giống nhau, có loài thì được hưởng phước lạc, có loài thì gặp muôn ngàn khổ não. (Giống như thú cưng, được chủ nhân tắm rửa, cho ăn, dắt đi tản bộ, nhưng là thú hoang... thì lại không có thức ăn).

Do tham lam, keo kiệt, ganh tỵ thì dù là loài người, trời, hay súc sanh khi đi đến bất cứ nơi đâu, tất cả sự tốt đẹp an lạc đều biến mất, luôn thiếu hụt.

Loài ngạ quỉ bị lửa dữ thiêu đốt vô cùng đau khổ, chân tay đốt xương đều bốc khói và lửa như cây hoa màu đỏ, bị voi say dùng vòi cuốn lại vứt trong không trung, lúc này toàn thân bị lửa đốt cháy đỏ như bị hoa hồng che phủ.

Thánh hiền từng nói, tham lam, đố kị khiến người đau khổ nhất, sẽ cảm nhận quả báo khổ. Nếu nhìn thấy người đến xin ăn liền khởi tâm phiền muộn không vui. Chỉ trong một sát na khởi tâm phiền muộn sẽ dẫn đến những hành động thấp hèn. (Có tâm phiền muộn như vậy, tất sẽ dẫn đến những hành động thấp hèn như vậy).

Ngu si, ích kỉ, không bố thí chính là trồng xuống mầm mống nghèo khổ, lòng tham. Nó sẽ không ngừng tích lũy, tương lai tất sẽ bị đọa vào trong đường ác.

Keo kiệt, tham cầu không chán đó là cội gốc của tất cả khổ não; do vậy người có trí huệ nên đoạn trừ keo kiệt, lòng tham.

Có ai muốn được vui vẻ, danh tiếng tốt, được moi người cung kính mà lại bỏ chánh đạo, đi tìm cầu con đường bất chính? (Đương nhiên là không có rồi!)

Nếu hành tà đạo, đời này không chỉ đau khổ mà tương lai cũng sẽ như vậy.

Thế gian này phiền não, dẫn đến hành động có thể làm chướng ngại quả báo bố thí thanh tịnh. Ích kỉ và lòng tham là giặc oán lớn nhất trong tất cả giặc oán.

Cái thân thể nặng nề ngu xuẩn này, những nhu cầu cần thiết về quần áo, ăn uống, thuốc thang, và tất cả sự giải trí đều bị lòng tham, đố kị ngăn cản không được hưởng trọn vẹn.

Lòng tham, và đố kị rất nhỏ, nhỏ đến nổi không dễ dàng cảm nhận, không dễ dàng ngăn cản khống chế. Do vậy, nên lấy bố thí làm cửa đạo kiên cố, để cho tâm thanh tịnh cảm nhận được sự bảo hộ nghiêm mật, không bị bất cứ vật gì xâm hại.

Nhất định không nên để lòng tham, đố kị xâm nhập vào trong tâm, nếu như bị nó xâm nhập (thì dễ dàng đọa vào đường ngạ quỉ). Đến lúc đó, thì dù có nước sông, nước biển lớn nhiều như vậy cũng trở thành thứ nước không thể uống được.”

Ức Nhĩ thấy được tội lỗi, ác báo đáng sợ của sự tham lam và phóng dật liền sanh tâm chán ghét sanh tử, liền trở về thỉnh cầu được xuất gia; sau khi xuất gia thì tinh tấn tu học thiền định, trí huệ mà chứng được quả A la hán.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta không nên tham lam, ích kỉ. Có người bản thân không hành bố thí tài vật, mà còn ngăn cản người khác hành bố thí, như vậy sẽ rất dễ đọa vào đường ngạ quỉ. Do nghiệp lực, thì dù cho nước sông nhiều đến bao nhiêu cũng không thể dùng được. Mà tai chỉ thường nghe tiếng mắng chưởi, xấu xa, không được nghe một câu nói tốt. Tất cả chúng ta đều hi vọng nghe tiếng ác mắng chưởi hay sao? Đương nhiên là không mong muốn như vậy rồi.

Trên phương diện pháp thí cũng vậy, không biết thì mau mà học, học rồi thì mau mà dạy người khác. Nếu bản thân không hành pháp bố thí, không hộ trì người hành pháp bố thí, lại còn ngăn cản người khác hành pháp thí, ngăn cản người khác nghe pháp, thì rất dễ bị quả báo ngu si. Dù cho có nước cam lồ của Phật và Bồ tát, anh có thể dùng được không? Cũng giống như ngạ quỉ vậy, không thể dùng nước sạch bình thường được. Nếu như người mắc quả báo ngu si cũng vậy, dù có nước pháp cam lồ cũng không dùng được.

Nếu như mình thật không có khả năng hành bố thí tài vật hay bố thí pháp, hi vọng thường được khởi tâm hoan hỉ, khi thấy người khác bố thí có thể thành tâm hoan hỉ tán thán mà không đố kị hay hủy báng.

Trên đây là điều cần chia sẻ khích lệ cùng đại chúng!

Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 29 tháng 3 năm 2014