Kính thưa quý thầy, quý cô, cùng quý vị Phật tử!
Lần này xin được chia sẻ cùng quý vị câu chuyện Phật Pháp, được trích từ Kinh Hiền Ngu, quyển 4, Đại Chánh Tạng, trang 392c26 393b8.
Vào thời quá khứ, Phật trú tại vườn Kì Đà Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ. Cách xa đó có một nước tên là Tỳ Xá Li. Ở Tỳ Xá Li bấy giờ có năm trăm người mù phải đi xin ăn. Họ nghe đồn rằng: "Đức Phật ra đời rất kì diệu và thù thắng! Khiến cho bất kì ai bị bệnh gì, thân thể suy yếu, già nua mà chỉ cần nhìn thấy Phật, đều có thể được trị lành. Mắt không nhìn thấy có thể hồi phục thị lực, tai không thể nghe có thể nghe lại, miệng bị câm có thể nói được, lưng bị gù có thể thẳng lại, tay bị cong, nắn thẳng ra được, chân bị què thì có thể sửa thẳng và đi đứng bình thường. Người trí não hoảng loạn có thể hồi phục tinh thần trở lại, cũng có thể khiến cho người nghèo khổ bần cùng có được cơm ăn, áo mặc. Nếu có ưu sầu, khổ não đều có thể giải trừ."
Nghe đến đây những người mù lấy làm vui sướng, họ cùng nhau thảo luận: "Ấy da! Chúng ta đây thiệt tình là nghiệp chướng, tội lỗi quá nặng, phải chịu quả báo thống khổ, đau đớn như vậy. Nếu như có thể gặp được Đức Phật thì may mắn biết chừng nào!" Cho nên mọi người đi nghe ngóng tin tức Thế Tôn hiện đang ở đâu để đến diện kiến. Có người thông báo: "Thế Tôn hiện đang ở nước Xá Vệ, ở một nơi rất xa." Nghe được tin vui này, họ dâng tràn niềm hy vọng, đứng bên đường kêu xin thống thiết: "Trời ơi, có ai thương xót cho chúng tôi, đại từ đại bi đưa chúng tôi đến nước Xá Vệ, nơi Thế Tôn đang trú để chúng tôi được gặp Phật." Kết quả dù hỏi thăm rất lâu mà cũng không có một ai đến giúp đỡ.
Lúc ấy, năm trăm người mù bàn bạc với nhau: "Chúng ta trong tay không có một thứ gì, cũng chẳng có gì trả công cho người ta, nên không có ai sẵn lòng giúp đỡ." Có người đưa ra ý kiến: "Hay là như vậy đi, chúng ta chia nhau đi xin. Nếu mỗi người có thể kiếm được một đồng tiền thì năm trăm người sẽ kiếm được năm trăm đồng tiền, lúc đó chắc chắn sẽ có người bằng lòng đưa chúng ta đến gặp Phật."
Mọi người đều cảm thấy ý kiến này rất hay, cho nên đã chia nhau ra và nỗ lực kiếm tiền. Sau đó mỗi người đều kiếm được một đồng tiền, góp lại vừa đủ năm trăm đồng. Họ bèn hô lớn: "Mọi người có ai có thể đưa chúng tôi đến nước Xá Vệ không, chúng tôi sẽ trả công năm trăm đồng tiền."
Lúc này đã có tiền nên có người đáp ứng liền. Anh ta nói: "Được, tôi sẽ đưa mọi người đi." Và họ liền lấy tiền ra đưa cho người này. Anh ta đi trước dẫn đoàn người tay cầm tay lên đường. Cứ thế đi được nửa đường, qua đến nước Ma Kiệt Đà, anh ta đành lòng bỏ rơi đoàn người mù chơi vơi giữa đầm lầy, rồi cầm tiền cao chạy xa bay. Đoàn người mù không biết mình đang ở nơi nào, cách quê nhà Tỳ Xá Li thân quen đã bao xa? Mọi người chẳng biết làm gì hơn là nắm chặt tay nhau tiến về phía trước và vô tình đi lạc vào một nông trại, giẫm đạp lên nông sản của người ta.
Đúng lúc đó, vị trưởng giả đến thăm vườn, nhìn thấy nhiều tiếng bước chân giẫm đạp lên nông sản của mình, trước mắt ông không phải một hai con trâu ... mà là năm trăm người đang giẫm nát nông trại, gây tổn thất quá lớn. Ông ta rất giận giữ, liền lấy roi quất cho họ một trận nhừ tử. Đoàn người mù than khóc cầu cứu, đem sự tình dài lê thê kể lể một mạch. Vị trưởng giả này cũng lấy làm thương xót cho họ, liền sai một người giúp việc dắt họ đến nước Xá Vệ gặp Đức Phật.
Khi họ vừa đến nước Xá Vệ, thì nghe tin: "Thế Tôn đến nước Ma Kiệt Đà rồi." Trời ạ! Mọi người nghĩ: "Chúng ta mới vừa đến, Thế Tôn đã đi xa như vậy, giờ phải làm sao đây? Quay trở lại đi theo thôi!" Rồi lại nắm tay nhau về lại nước Ma Kiệt Đà để được gặp Đức Phật.
Lúc bấy giờ, mọi người đối với Đức Phật hết mực cung kính, một lòng muốn được gặp, cho nên tuy mắt không nhìn thấy nhưng tâm thì đã nhìn thấy Đức Phật. Niềm hoan hỷ xuất phát từ nội tâm nên không ai thấy mệt mỏi, đường tuy xa nhưng tất cả mọi người đều hớn hở mong gặp được Thế Tôn, quên cả mệt nhọc.
Về đến nước Ma Kiệt Đà, họ lại nghe nói Thế Tôn
đã trở về lại nước Xá Vệ rồi! " Ông trời ơi! Sao Thế Tôn không đợi một chút xíu, chúng ta vừa mới về thì Ngài lại đi". Rồi họ lại tiếp tục quay lại nước Ma Kiệt Đà. Cứ như vậy họ đi đi về về bảy lượt như thế.
Xin hỏi quý vị: "Nếu chúng ta đi gặp Đức Phật, chúng ta có lòng thành đến như vậy không? Nói không chừng chỉ mới một lần thôi là đã thối chí. “Ôi! Không gặp được đức Phật rồi, thôi bỏ cuộc đi!” Nhưng ở đây, tâm của họ rất kiên định, vì mong muốn được gặp đức Phật mà đi đi về về, chạy tới chạy lui bảy lần như thế."
Lúc này, Thế Tôn biết đoàn người mù nghiệp chướng đã giảm đi nhiều, thiện căn cũng đã thành thục, tâm cung kính, niềm tin... tất cả đều kiên cố, thuần khiết, cho nên Ngài thấy cơ duyên chín muồi, liền ở lại nước Xá Vệ đợi họ tới.
Người giúp việc dẫn đoàn người mù tới nơi, họ chầm chậm chầm chậm tiến lại gần Thế Tôn, toàn thân Đức Phật tỏa ra ánh quang minh, chiếu sáng khắp những người mù, khiến họ cảm thấy rất hỷ lạc. Lúc này, hai mắt của họ đã có thể nhìn thấy xung quanh.
Họ thấy được bốn chúng đệ tử ngồi quanh Thế Tôn, toàn thân Như Lai tỏa sáng như Tử Kim Sơn; họ cảm nhận được ân đức thù thắng của Thế Tôn, hạnh phúc không gì bằng, vô cùng xúc động, không thể nén lòng. Họ đến bên Đức Phật, toàn thân tiếp đất đảnh lễ Như Lai. Sau khi đảnh lễ xong, mọi người đồng thanh thưa: " Kính xin đức Thế Tôn từ bi thương xót, cho chúng con được theo Ngài xuất gia."
Đức Phật đáp: "Lành thay, hãy đến đây nào các tỳ kheo!". Tức thì râu tóc của họ tự nhiên rụng xuống, tăng phục được khoát lên thân. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, các vị liền chứng được quả A La Hán.
Lúc bấy giờ Ngài A Nan thấy mắt của đoàn người mù đã được hồi phục, huệ nhãn cũng được khai mở, trở thành bậc A La Hán vì dứt sạch phiền não. Ngài A Nan liền quỳ xuống, chắp tay bạch cùng Đức Phật: "Bạch Thế Tôn, Đức Như Lai ra đời thật là kỳ diệu! Ngài trao truyền thiện pháp bất khả tư nghì, năm trăm người mù thấm nhuần ân đức thù thắng, hồi phục thị lực, nhìn thấy ánh sáng, lại được huệ nhãn. Thế Tôn ra đời, thật là bất khả tư nghì!".
Câu chuyện này gợi mở cho chúng ta điều gì? Chúng ta nghĩ mà xem, những người mù này, mắt không nhìn thấy đường, thường phải bước những bước không an toàn, thật là nguy hiểm đúng không? Thật là khổ đúng không? Nhưng có những người không bị mù, tuy mắt có thể nhìn thấy mọi vật, thấy đường để đi, nhưng không tin nhân quả, thích làm việc ác, không theo con đường chân chánh, không thực hành bát chánh đạo, có phải cũng nguy hiểm như vậy không?
Bát chánh đạo bao gồm: “Bát chánh đạo thế gian” và “Bát chánh đạo xuất thế gian”. Bát chánh đạo là tám con đường chân chánh, gồm có: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, và chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh kiến của thế gian là phải biết có thiện, có ác, có tạo nghiệp, có quả báo, có đời trước, có đời sau; có phàm phu, có thánh nhân, đây là chánh kiến của thế gian. Chúng ta có đầy đủ chánh kiến về nhân quả ba đời chưa?
Ngoài chánh kiến của thế gian còn có chánh kiến xuất thế gian, cũng chính là rõ Pháp duyên khởi và Pháp tứ đế. Chúng ta tuy có nhục nhãn nhưng chưa có huệ nhãn, cho nên không biết được con đường chân chánh để ra khỏi hầm lửa tam giới là như thế nào. Mãi luân hồi trong mê cung tam giới, chẳng phải là con đường đầy nguy hiểm sao?
Chúng ta chưa khai mở được huệ nhãn, chẳng phải cũng giống như những người mù này sao? Chẳng phải cũng rất là mong muốn được gặp đức Phật, mong muốn được khai mở huệ nhãn, mong muốn ra khỏi luân hồi trong ba cõi sao? Hôm nay, chúng ta có đầy đủ phước duyên học Phật Pháp, giống như trong đêm đen tìm thấy được ánh đèn vậy, mong rằng mọi người có thể hiểu và nắm bắt thời gian, tinh tấn tu hành chánh đạo, từng bước, từng bước đi tới gần con đường thành Phật.
Mong mọi người cùng nhau tu tập.
Lớp giáo dục Phật Pháp Phước Nghiêm, ngày 15 tháng 09 năm 2012
Vị Sa môn chịu bị cướp chặt đứt cánh tay để giữ mạng sống đến gặp Đức Phật và ngộ đạo
Kính chào quý thầy, quý cô cùng quý vị Phật tử!
Hôm nay xin chia sẻ cùng quý vị một mẩu chuyện trong Kinh Phật. Câu chuyện này được trích từ "Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh" trong Đại Chánh Tạng, quyển 3, từ trang 111b26 112b2.
Vào thời quá khứ, lúc Đức Phật trú ở nước Xá Vệ trong vườn ông Kì Đà Cấp Cô Độc, đại đệ tử của Thế Tôn là Ngài Xá Lợi Phất ngày đêm sáu thời, ban ngày ba thời (sáng, trưa, chiều), và buổi tối ba thời (chập tối, đêm, khuya) Ngài thường vì đạo quán sát chúng sanh, nếu thấy ai cơ duyên đã thành thục thì liền đến hóa độ. Lúc bấy giờ, vua Ba Tư Nặc có một vị đại thần tên là Sư Chất, ông ta có một gia tài đồ sộ. Ngài Xá Lợi Phất thấy nhân duyên của ông đã thành thục có thể hoá độ được, nên sáng sớm hôm sau ngài đến nhà người này khất thực. Thấy ngài đến, ông cúi đầu đảnh lễ và cung kính mời vào nhà, thiết tòa mời ngài ngồi, rồi cúng dường phẩm vật, sau đó cung thỉnh ngài ban cho giáo pháp.
Sau khi thọ trai, ngài Xá Lợi Phất thuyết pháp cho Sư Chất nghe. Ngài dạy rằng: "Tất cả những gì thuộc về vinh hoa phú quý chính là nguồn gốc của khổ đau, tình cảm luyến ái trong gia đình giống như ở trong lao ngục, tất cả đều biến hoá vô thường. Những gì tưởng chừng quý giá trong ba cõi như huyễn hoá không có gì là lâu bền, luân hồi sanh tử trong năm đường (chính là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời và người), chẳng qua là sự thay hình đổi dạng mà thôi, chứ không có của cải gì của ta tồn tại thực sự."
Sư Chất nghe xong, cảm thấy lo sợ không yên. Ông không còn muốn tham ái chấp giữ vinh hoa phú quý, xem nhà cửa như nấm mồ ngoài nghĩa trang không khác. Do vậy, ông đem hết tài sản của cải, thậm chí cả vợ con nhường hết cho em trai, phần mình xuống tóc, khoác cà sa đi vào rừng tọa thiền học đạo. Vợ Sư Chất từ ngày bị nhường lại cho người em trai, suốt ngày buồn bã âu sầu, cứ mãi nhớ thương người chồng cũ, đối với người chồng sau (cũng chính là em trai của ông) hững hờ không chút tình cảm. Em trai Sư Chất (chính là người chồng sau của bà) thấy vậy bèn hỏi: Chúng ta có của cải đầy nhà, không thiếu một thứ gì, tại sao bà cứ âu sầu không vui vậy? Bà thật thà trả lời:
- Bởi vì tâm tư tôi đều nghĩ về chồng cũ, cho nên không thể nào vui nổi.
Người chồng mới nói:
- Bà bây giờ đã là vợ của tôi, sao suốt ngày còn nhớ đến chồng cũ?
Bà ta đáp:
- Người chồng cũ đối xử với tôi rất mực nồng nàn và ấm áp, không ai có thể so sánh được với ông ấy, nên tôi không thể nào nguôi nhớ được.
Nghe vậy, người em trai thầm nghĩ:
- Chị dâu mãi nhớ về anh trai như vậy, e là một ngày nào đó ông ấy xả giới hoàn tục, sẽ trở về đòi lại toàn bộ tài sản, như thế này thì không được rồi!
Vì vậy người em âm thầm tìm một tên cầm đầu băng cướp, thuê hắn ta năm trăm đồng tiền rồi nói:
- Anh trai ta đã xuất gia làm sa môn, ngươi hãy đem đầu ông ấy về cho ta.
Tên cướp nhận tiền và đi thẳng vào núi tìm vị sa môn. Gặp hắn ta, vị sa môn nói:
- Ta bây giờ mặc đồ rách rưới như thế này, chẳng có một chút của cải nào, ngươi đến đây làm gì?
Tên cướp thẳng thắn nói với vị sa môn:
- Bởi vì em trai ông thuê ta đến giết ông.
Vị sa môn nghe xong hết hồn, nói với tên cướp:
- Ta mới xuất gia chưa được bao lâu, còn chưa gặp được Đức Phật, cũng chưa hiểu lắm Phật pháp, ngươi có thể tạm thời tha mạng cho ta không? Đợi sau khi ta gặp đức Phật, học hiểu Phật Pháp rồi người lại đến giết ta cũng chưa muộn!
Tên cướp nói:
- Không được, không được! Ta nhận lời giết ông nên phải giữ lời. Cho nên bây giờ ta không thể không giết ông.
Vị sa môn nói:
- Đành chịu thôi!
Và ông ta giơ một cánh tay lên nói:
- Hay thế này đi, người lấy bớt một cánh tay của ta trước, tạm thời cho ta giữ lại mạng sống, để ta có thể gặp Đức Phật, có thể nghe pháp.
Vậy là tên cướp liền chặt một cánh tay của vị sa môn đem về giao cho người em.
Vị sa môn chịu đựng cơn đau đi tìm gặp Đức Phật, hướng về phía ngài đảnh lễ, sau đó ngồi sang một bên. Đức Phật khai thị cho ông:
- Ông từ nhiều kiếp trong quá khứ đến nay đã bị chặt chân, tay, đầu, máu chảy nhiều hơn nước bốn biển! Xương cốt của ông chất cao hơn cả núi Tu Di. Nước mắt của ông còn nhiều hơn nước trong bốn biển, ông uống sữa mẹ cũng nhiều hơn cả nước của sông, biển. Từ muôn kiếp đến nay ông gặp biết bao khổ sở như vậy, chứ không phải chỉ trong đời hiện tại này mà thôi. Tất cả các thân trong ba cõi (cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới), ông đều nhận chịu vô số khổ sở. Tất cả những khổ đau này từ đâu mà có? Chính là vì chúng sanh có phiền não, có phiền não nên tạo nghiệp, nghiệp lực chiêu cảm nên nhận quả báo khổ nơi thân, mới có đau khổ như vậy. Bởi vì chúng sanh tham ái, cho nên mới có những loại khổ như vậy. Nếu như đoạn trừ được ngu si, ái nhiễm, thì sẽ không còn huân tập các nghiệp bất thiện như vậy nữa, sẽ không còn nhận chịu quả báo khổ nơi thân. Khi không còn cái thân này, các loại khổ cũng được tiêu trừ, cho nên hãy tinh tấn thực hành bát chánh đạo.
Vị sa môn lắng nghe Đức Phật khai thị, hốt nhiên khai ngộ, thân tâm hoan hỷ chứng quả A La Hán, ngay lúc đó xả báo thân nhập Vô dư Niết Bàn.
Còn tên cướp mang cánh tay của ngài về đưa cho người em. Người em cầm cánh tay của người anh mang đến trước mặt người vợ nói:
- Bà nhớ chồng cũ như vậy, được thôi, đây là cánh tay của ông ta. Nghe vậy người vợ vô cùng đau khổ, khóc nghẹn không nói nên lời, bà tìm đến thưa với nhà vua. Sau khi nhà vua điều tra chân tướng sự việc quả y như vậy liền xử người em tội chết. Nghe đến đây các vị tỳ kheo cảm thấy băn khoăn:
- Bạch Thế Tôn, vị sa môn này trong quá khứ đã tạo những nghiệp ác gì mà chịu quả báo bị chặt tay như vậy? Và đã có công đức gì mà bây giờ gặp được Như Lai và chứng được quả A La Hán thưa Thế Tôn?
Đức Phật nói với các vị tỳ kheo:
- Vào đời quá khứ, ở nước Ba La Nại có một vị vua tên là Bà La Đạt. Một ngày nọ nhà vua đi săn, đuổi theo thú rừng, bị lạc đường không biết làm sao để về nhà. Lúc đó, xung quanh toàn là rừng rậm, cây cối mọc cao ngất che cả bầu trời, quả thực là không thể tìm được lối ra. Nhà vua vô cùng hoảng sợ chỉ biết nhắm về phía trước mà đi, may mắn gặp được vị Bích Chi Phật. Nhà vua hỏi vị Bích Chi Phật: "Ta bị lạc đường, mất phương hướng rồi, ta làm thế nào để trở lại hoàng cung bây giờ? Đại đội binh mã của ta rốt cuộc đang ở đâu? " Lúc đó vị Bích Chi Phật do cánh tay của mình mọc mụn nhọt, đau nhức không thể nhấc cánh tay lên chỉ đường được, nên đã dùng chân chỉ đường cho nhà vua về cung. Nhà vua thấy vậy rất nổi giận quát rằng: "Ta đường đường là vua một nước, ngươi cũng là thần dân của ta! Tại sao gặp ta nhà ngươi không đứng dậy kính lễ mà còn dùng chân chỉ đường cho ta hả?" Nói xong liền rút đao chặt đứt cánh tay của vị Bích Chi Phật.
Vị Bích Chi Phật nghĩ: "Bây giờ nhà vua phạm tội sát hại bậc Thánh, nếu không nhanh chóng sám hối tội lỗi, sau này sẽ chịu quả báo rất nặng không có ngày thoát khỏi!" Do đó, vị Bích Chi Phật bay lên không trung và hiện ra vô số thần thông biến hóa cho nhà vua thấy. Nhà vua vô cùng kinh ngạc: "Ôi! Thì ra là một vị Thánh nhân, bất giác khóc lớn tiếng, sám hối tội lỗi vừa rồi của mình: "Bạch đức Bích Chi Phật! Xin ngài hãy xuống đây cho tôi được sám hối!" Vị Bích Chi Phật liền đến trước mặt nhà vua, tiếp nhận lời sám hối của nhà vua. Nhà vua đảnh lễ vị Bích Chi Phật rồi thưa: "Xin ngài thương xót tha tội cho tôi, tôi xin được thành tâm sám hối để sau này không phải chịu quả báo khổ dài lâu!"
Vị Bích Chi Phật chấp nhận lời sám hối của nhà vua, sau đó xả thân nhập vào Vô dư Niết bàn. Nhà vua đặt nhục thân vị Bích Chi Phật lên dàn hỏa thiêu làm lễ trà tỳ, rồi mang di cốt của ngài về xây tháp phụng thờ, ngày ngày đến trước tháp phát nguyện sám hối, mong mỏi tương lai có đủ duyên lành hiểu được giáo lý, đắc được đạo giải thoát.
Nhà vua lúc bấy giờ chính là vị sa môn hiện tại bị đứt cánh tay. Bởi vì ngày xưa lúc làm vua đã chặt đứt cánh tay của một vị Bích Chi Phật, cho nên trong năm trăm đời bị chặt một cánh tay mà chết, cứ như vậy cho đến ngày hôm nay. Nhưng nhờ nhà vua biết lỗi, lập tức sám hối cho nên ông không bị đọa vào địa ngục. Lại nhờ phát nguyện, mong muốn được khai mở trí tuệ cho nên được đạo giải thoát. Vậy nên hôm nay, vị này có đủ duyên lành gặp ngài Xá Lợi Phất và được ngài giáo hoá, phát tâm xuất gia học đạo, rồi lại có phước báu gặp được Đức Phật, được nghe ngài khai thị mà ngộ được đạo giải thoát, đắc quả A La Hán.
Đức Phật dạy các vị tỳ kheo:
- Tất cả họa phúc đều không hư hoại, cũng không mất đi đâu cả!
Các vị tỳ kheo nghe đến đây ai nấy đều biết sợ, tự sách tấn bản thân và hướng về phía Đức Phật đảnh lễ.
Qua câu chuyện này giúp cho chúng ta nhìn lại chính mình, có nhiều lúc chúng ta không hiểu chuyện, đôi khi vì câu nói vô tình của người khác, hoặc có khi là một hành động vô ý thôi nhưng chúng ta lại gom góp trong lòng và nghĩ người ta xem thường mình, rồi trong lòng sanh phiền não. Cho nên dẫn đến tạo khẩu nghiệp, hoặc đánh mắng người, thậm chí là giết người ta luôn, thực sự đây là một mất mát lớn lao, không những hại người mà hại luôn chính mình. Chúng ta gây nhân, rồi nhận lấy quả như hình với bóng. Mong mọi người hãy cẩn thận với ba nghiệp thân, khẩu, ý, tinh tấn tu hành chớ phóng dật.
Trên đây là những lời chia sẻ gắn gọn cùng quý vị, mong mọi người cùng nhau sách tấn tu tập.
Lớp giáo dục Phật Pháp Phước Nghiêm, ngày 17 tháng 11 năm 2012