Kính thưa quí vị Tăng ni và Phật tử kính mến!
Hôm nay chia sẽ cùng quí vị một câu chuyện trong kinh Phật, câu chuyện này trích từ “Kinh Tạp Bảo Tích” kinh số 91 trang 483a~c “Đại Chánh Tạng” quyển thứ 4.
Ngày xưa có một vị tôn giả A la hán tên là Kỳ Dạ Đa, sinh tại nước Quy Tân, phía bắc Ấn Độ. Đó là thời kỳ sau khi Đức Phật nhập Niết bàn bảy trăm năm.
Lúc đó ở nước Quy Tân có một con vua rồng hung bạo, tên là A Lợi Na. Nó thường nhiễu loạn ở trong nước, quấy rầy các bậc thánh hiền; gieo rắc tai họa cho người dân. Do vậy, mà dân chúng rất lo lắng, khổ sở.
Khi đó có hai ngàn vị A la hán, mỗi vị đều sử dụng hết sức thần thông của mình để đuổi con rồng ác này ra khỏi nước. Trong đó, năm trăm vị A la hán dùng thần thông làm chấn động mặt đất, năm trăm vị A la hán phóng ánh sáng chói lòa, năm trăm vị nhập định, năm trăm vị đi kinh hành. Tất cả các vị A la hán đều dùng
hết sức thần thông của mình, nhưng cũng không thể làm nhúc nhích con rồng chúa quái ác này.
Lúc này, Tôn giả Kỳ Dạ Đa là người tới cuối cùng. Ông đến nơi vua rồng ở bên hồ, gõ ba tiếng rồi nói: “Rồng! Mày phải đi ngay lập tức, không được ở lại nơi đây!”
Long vương nghe xong lập tức đi ngay, không dám ở lại.
Khi đó hai ngàn vị A la hán hỏi Kỳ Dạ Đa: “Chúng tôi và Tôn giả đều đã đoạn tận tất cả phiền não được giải thoát, sở đắc được giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến ngũ phần pháp thân cũng như nhau; Vì sao chúng tôi mỗi người đều dùng hết thần lực của mình, nhưng cũng không khiến long vương nhúc nhích. Vậy mà Tôn giả chỉ cần búng tay “tốc! tốc! tốc!” ba cái, thì đã khiến được long vương rời khỏi nơi đây, dời đến nơi biển lớn vậy?
Tôn giả trả lời: “từ trước tới giờ tôi luôn giữ gìn trì giới thanh tịnh. Tội nhỏ nhất, tôi cũng không dám vi phạm, giống như không phạm vào bốn giới trọng sát, đạo, dâm, tà vọng vậy. Hôm nay mọi người không điều khiển được con rồng này là do lực thần thông không giống nhau.”
Sau đó, tôn giả Kỳ Dạ Đa cùng các đệ tử đi về phía Bắc Ấn Độ, giữa đường gặp một con quạ, tôn giả ngước đầu nhìn nó mỉm cười.
Đệ tử thưa hỏi: “Không biết tại sao Tôn giả lại cười? Hi vọng, ngài có thể nói cho chúng con nghe hàm ý của nó được không?”
Tôn giả trả lời: “Khi nhân duyên đến, ta sẽ nói với các con.”
Thầy trò họ lại tiếp tục lên đường, đi đến thành Thạch Thất. Khi đến cửa thành, thần sắc của tôn giả đột nhiên trở nên buồn bã. Vì đã đến thời gian ăn cơm trưa nên họ vào trong thành khất thực. Dùng cơm xong, khi đi về tới cổng thành, sắc mặt của Tôn giả lại biểu hiện rất buồn bã.
Các vị đệ tử liền quỳ thẳng gối thỉnh ý tôn giả: “Không biết vừa rồi tại sao tôn giả lại mĩm cười? Mà bây giờ tại sao sắc mặt lại buồn bã như vậy?”
Tôn giả Kỳ Dạ Đa trả lời đệ tử rằng: “trong quá khứ chín mươi mốt kiếp, sau khi Phật Tỳ Bà Thi nhập Niết bàn, Thầy sanh làm con trai ở nhà một vị trưởng giả. Khi ấy, thầy cầu xin cha mẹ cho xuất gia, nhưng cha mẹ không đồng ý và nói rằng: “Nhà mình nhiều tài sản, sự nghiệp to lớn, nếu con đi xuất gia rồi thì ai nối nghiệp gia đình và nối truyền tông đường đây?. Chúng ta cưới vợ cho con, đợi con sanh con trai, có người nối dõi tông đường rồi sẽ cho con xuất gia.” Do đó thầy đã lập gia đình.
Sau khi cưới vợ, thầy lại cầu song thân cho xuất gia, cha mẹ lại nói: “Nếu sanh được một đứa con trai, mới cho con xuất gia.” Không bao lâu, gia đình thầy đã sanh được một cậu con trai. Khi bé trai đã biết nói, thầy lại thỉnh cầu song thân: “Hi vọng cha mẹ giữ lời hứa, cho con xuất gia.”
Khi đó cha mẹ thầy lo lắng sợ thất hứa, lén kêu vú em dạy thằng bé: “Cha con nếu muốn đi xuất gia, lúc sắp đi, con hãy ra đứng chặn ở cửa, nắm áo cha con và nói rằng: Cha đã sanh con ra, tại sao bây giờ bỏ con mà đi xuất gia? Nếu cha thật sự muốn đi, thì cha hãy giết con trước rồi hẵng đi.”
Lúc ấy cha đứa bé cảm thấy rất đau khổ, liền đổi ý nói với đứa trẻ rằng: “Được rồi! được rồi! cha sẽ ở lại, không đi nữa.” Vì nhân duyên như vậy mà luân hồi sanh tử không ngừng trong ba cõi sáu đường.
Sau đó, ta dùng đạo nhãn quan sát trên trời, cõi người, tam ác đạo trong quá khứ, phát hiện rằng chúng ta gặp nhau rất khó! Có duyên gặp nhau thật là khó! Hôm nay không dễ dàng gì mới gặp mặt nhau. Lúc đầu thầy mĩm cười với con quạ, trước kia là con của ta, và cũng là cháu của trưởng giả.
Cho đến vừa rồi tại sao sắc mặt thầy rất đau buồn, là do khi ta đến bên thành nhìn thấy con của con quỉ đói, nó nói với ta rằng: “tôi đã ở bên thành này đã bảy mươi năm rồi, mẹ tôi vì tôi đã vào trong thành xin ăn nhưng tới giờ vẫn chưa quay về. Tôi bây giờ vừa đói vừa khát, đau khổ vô cùng, hi vọng tôn giả vào trong thành, nếu gặp mẹ tôi xin nói giúp một tiếng: “Mau quay về gặp tôi!”
Sau khi ta vào thành, gặp mẹ của quỷ đói, liền nói với bà ấy rằng: “con của bà ở ngoài thành, đói khát khốn khổ rất nguy cấp, nó rất nhớ bà, nó hi vọng sớm được gặp bà.”
Khi ấy quỷ mẹ nói với ta rằng: “Tôi vào thành này cũng đã hơn bảy mươi năm, tôi phước đức mỏng manh, lại mới sanh con trai, đói khát yếu ớt không có sức lực, tuy có thấy thức ăn máu mủ, đờm giải, nước miếng, phân v.v.., nhưng bị các con quỷ khỏe mạnh giành trước, nên tôi không có được thứ gì cả! Cuối cùng không dễ dàng kiếm được một miếng đồ ăn bất tịnh. Cũng muốn đem ra ngoài thành chia cho con cùng ăn, nhưng đành bất lực vì trong thành có nhiều con quỷ mạnh khỏe không cho tôi đi ra. Hi vọng tôn giả từ bi thương xót, đem tôi ra ngoài thành, để mẹ con tôi có thể gặp nhau, cùng ăn đồ ăn bất tịnh này.”
Lúc này tôn giả liền đem quỷ mẹ ra ngoài thành, hai mẹ con mới được gặp nhau và cùng ăn thức ăn không được sạch sẽ này.
Khi ấy, Tôn giả hỏi quỷ mẹ: “Ngươi sống ở thành này bao lâu rồi?”
Quỉ đói trả lời: “tôi ở đây xem thành này xây lên được bảy lần, và cũng chứng kiến nó đã bảy lần bị phá hủy.”
Tôn giả cảm thán: “Ah! Thọ mạng của ngạ quỉ thật là lâu, đúng là đại khổ!”
Khi đó chúng đệ tử nghe xong câu chuyện đều chán ghét sanh tử luân hồi, không bao lâu đều chứng Thánh quả.
Câu chuyện này có ba đoạn nội dung khác nhau:
Đoạn đầu nói hai ngàn vị A la hán dùng hết sức thần thông của mình nhưng cũng không làm nhúc nhích được con rồng ác, nhưng tôn giả Kỳ Dạ Đa vì từ khi thọ giới giữ gìn thanh tịnh, ngay cả giới nhỏ nhất cũng không dám phạm. Vậy nên, Tôn giả chỉ cần búng tay ba cái, nói với nó rằng: “Đi ngay lập tức!”, Rồng ác liền ngoan ngoãn đi ngay. Thật ra, trừ ngoại hình của rồng ác ra, chúng ta nghĩ xem có phải trong tâm cũng có một con rồng ác? Chúng ta hãy tự mình phản tỉnh: có phải mình cũng rất dễ dàng nổi giận? Một khi giận dữ nổi lên thì không thể dừng lại. Giận dữ không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm hại cả thân mình. Nếu như giữ giới nghiêm ngặc, thì không chỉ có thể đối trị với rồng ác ở bên ngoài, mà còn có thể đối trị rồng ác ở trong tâm.
Đoạn thứ hai nói về chuyện xuất gia là việc khó, nghĩa là muốn xuất gia, thông thường hay bị gia đình cản trở, cần có đầy đủ nhân duyên mới được. Nếu như có người muốn xuất gia, chúng ta không nên làm chướng ngại người khác xuất gia. Nếu như tự mình có nhân duyên xuất gia thì cũng nên trân trọng. Ngoài ra, có những người kì vọng đời sau có thể kết duyên vợ chồng hay kết làm cha con, thầy trò v.v.. Nhưng trong kinh đã nói: nếu như không có giải thoát ra khỏi tam giới, mọi người tự luân chuyển trong sáu đường, có duyên gặp lại cũng không phải dễ dàng, trừ khi oan gia đường hẹp. Thật ra, nếu như không có đồng nguyện đồng hành, muốn gặp lại cũng không dễ dàng gì.
Đoạn thứ ba là nhắc tới thọ mạng của ngạ quỉ rất lâu, từ khi nhìn thấy một thành phố xây dựng lên rồi bị hủy hoại, bị hủy hoại rồi lại xây mới. Đã trải qua bảy lần xây dựng, rồi lại bị hủy hoại mà ngạ quỉ vẫn còn chưa chết. Đây cũng là do đời trước tham lam, chỉ có thể ăn được một ít đồ máu mủ, mũi giải, nước miếng, phân v.v.. dơ dáy; là những thứ dơ dáy này thật đáng ghê sợ. Đã vậy, lại còn thường bị những con quỉ mạnh khỏe khác giành giựt, nên luôn luôn bị đói khát. Trong kinh nói: “Bỏn xẻn tài vật, không chịu bố thí thì sẽ bị quả báo nghèo nàn. Keo kiệt không chịu hành bố thí pháp thì sẽ bị quả báo ngu xuẩn.” Chúng ta nếu không muốn bị đọa vào cõi ngạ quỉ, thì nên diệt trừ tham lam, thực hành hạnh bố thí nhiều mới được!
Trên đây là điều cần chia sẻ khích lệ cùng đại chúng!
Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 23.11.2013 Ban tuyên truyền giáo duc Pḥước Nghiêm