Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!
Hôm nay, tôi xin chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện cổ Phật giáo. Câu chuyện được trích từ kinh Đại trang nghiêm luận, trong Đại Chánh tạng quyển 4, trang 262 263.
Ai nghe pháp sẽ được nhiều lợi ích, trí huệ tăng trưởng, tâm ý được điều phục, nhu nhuyến.
Câu chuyện kể rằng: Ở nước Sư Tử (Tích Lan), có người dân nhặt được một viên ngọc quý, viên ngọc này rất lớn, to gần bằng đầu gối con người. Thật là một vật thù thắng, quý hiếm ở thế gian, nên người chủ của viên ngọc đem dâng nó lên quốc vương.
Nhận được viên ngọc, nhà vua sau khi xem xét tỉ mỉ, ông nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Xưa nay, các vị quốc vương tích lũy đủ các loại bảo vật, truy tìm danh lợi không biết mệt mỏi, thường mở các buổi triển lãm mời khách quý đến thưởng lãm, cảm thấy rất tự hào.
Nhưng đến lúc vua thoái vị hoặc mạng chung, các thứ trân bảo đều phải bỏ lại, một mình cô độc bước đi trên con đường sinh tử; thứ thân thiết có thể sánh vai chung bước với mình lúc này, chỉ có nghiệp thiện và nghiệp ác mình đã tạo mà thôi.
Cũng như những chú ong, suốt một đời vất vả tạo ra mật ngọt, nhưng cuối cùng số mật có được lại bị người lấy mất, chính mình chẳng được gì. Cũng như thế, tiền tài, bảo vật, cuối cùng cũng thuộc về người khác, ta một mình ra đi với hai bàn tay trắng.
Những vị quốc vương ngày xưa, đều bị tiền tài bảo vật mê hoặc, cực nhọc vơ vét tài sản của dân chúng, nhưng cuối cùng kho báu cũng thuộc về người khác, rồi cũng một mình trắng tay mà ra đi.
Điều bây giờ ta cần làm, là nhất định phải mang trân bảo công đức theo mình. Mang theo bằng cách nào? Bằng cách gieo trồng công đức vào ruộng phước lớn của đức Phật, như thế, quả báo thiện mới theo ta mãi cho đến đời sau, vĩnh viễn không biến mất.
Lúc lâm chung, tất cả mọi thứ đều phải buông bỏ, chia lìa; cho dù những quyến thuộc thân yêu nhất trong hoàng cung, hay các đại thần, mãnh tướng… dẫu có đau buồn luyến tiếc không nguôi cũng chỉ tiễn đưa quan tài ta ra khỏi cổng; xa lắm thì cũng chỉ đưa đến huyệt mộ mà thôi, cuối cùng rồi ai cũng phải về nhà nấy.
Trước đây có đủ voi, ngựa, xe cộ cao sang lộng lẫy, nhiều món thưởng ngoạn rất thích thú và vô số bảo vật trong kho; nào là dân chúng, thành quách, hoa viên để du ngoạn v.v., nhưng một khi mạng chung, đều phải buông xuống hết, không một món nào có thể đem theo bên mình, chỉ một thân cô độc, từng bước đối diện với cái chết”.
Nhà vua nói đoạn kệ xong, liền đem viên ngọc quý này đến treo lên trụ cổng tháp thờ đức Phật. Ánh sáng của viên bảo châu sáng rực, chẳng khác nào ánh sáng của một ngôi sao lớn. Khi mặt trời xuất hiện, ánh sáng chiếu đến cung điện, ánh nắng mặt trời và ánh sáng từ viên bảo châu đều lấp lánh, đua nhau tỏa sáng, có thể nói, ánh sáng của viên ngọc còn vượt qua ánh sáng của mặt trời. Mỗi ngày, viên bảo châu đều phát ra ánh sáng rực rỡ như thế.
Có một hôm, ánh sáng rực rỡ kia bỗng nhiên biến mất, đức vua lấy làm lạ, liền cho người đến xem xét. Sứ giả đến trước tháp thờ đức Phật, phát hiện viên bảo châu không còn nữa, chỉ thấy trên mặt đất, phía trước cửa tháp có một vũng máu dơ bẩn. Sứ giả lần theo vết máu để đi tìm, dần đi đến rừng Ca đà la, đến bìa rừng, liền phát hiện kẻ lấy trộm viên bảo châu đang núp trong rừng cây. Do vì lúc lấy trộm viên ngọc, hắn bị té nhào từ tên trụ cửa xuống, nên chân bị đứt ngang, máu chảy lai láng. Sứ giả liền bắt tên trộm đem về hoàng cung, dẫn hắn ta đến gặp nhà vua.
Ban đầu, quốc vương vừa nhìn thấy tên trộm thì vô cùng tức giận, nhưng khi nhìn thấy vết thương ở chân của hắn ta quá sâu, ngài liền sinh lòng thương xót. Nhà vua hết sức từ bi, nói với tên trộm:
- Này, nhà ngươi thật quá khờ dại! Hôm nay nhà ngươi trộm bảo châu của đức Phật, sau này chắc chắn bị đọa vào đường ác.
Sau đó, vua nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Đáng thương thay! Ngươi thật quá ngu ngốc, không có trí huệ, nên mới tạo hành vi xấu; chẳng khác nào người ta vì sợ bị gậy gộc đánh, mà chấp nhận để người giết chết.
Sợ khổ vì nghèo đói, nên nghĩ ra phương pháp ngu ngốc này, không chịu an phận với cái thiếu thốn ngắn ngủi, lại chọn lấy cái khổ dài lâu”.
Lúc bấy giờ, có vị đại thần nghe được đoạn kệ này, liền tâu với quốc vương:
- Bẩm, quả đúng như những lời đại vương vừa nói, thật không sai!
Sau đó, vị đại thần nói một đoạn kệ, có nội dung như sau:
“Tháp thờ đức Phật chính là bảo vật của nhân loại, chỉ có người ngu si mới vào đó lấy trộm đồ vật; hạng người này trong vô lượng kiếp về sau, sẽ không có cơ hội được gặp Tam bảo Phật pháp tăng.
Cũng như trong quá khứ, có người với tâm vô cùng hoan hỷ, lấy hoa Tu mạn đang cài bên tai, dâng lên cúng dường tháp thờ đức Phật, nhờ nhân duyên đó, mà trải qua trăm nghìn ức kiếp, thừa hưởng phước báo ở cõi trời trong thời gian lâu dài.
Còn hiện tại, người này trộm bảo châu trong tháp thờ đức Phật để chiếm làm của riêng, đức Phật là đấng Thập Lực, vì nhân duyên tạo ác nghiệp như vậy, người này tương lai chắc chắn bị đọa vào địa ngục”.
Lại có một vị đại thần khác, vô cùng tức giận, nói:
- Người này ngu si, đã phạm tội một cách rõ ràng như thế, còn trách mắng làm gì? Phải đem hắn ra tử hình!
Nhà vua quay sang nói với vị đại thần này:
- Khanh tuyệt đối không nên nói những lời như thế! Người này đã chết rồi, cần gì phải giết anh ta? Cũng như nếu có người bị té xuống đất, cần phải đỡ người đó đứng lên mới phải!
Nhà vua lại nói một bài kệ, có nội dung như sau:
“Người này đã phạm tội tử hình, phải nhanh ra tay cứu lấy hắn. Bây giờ, trẫm muốn cho người này một số tài sản, để hắn ta biết ăn năn, tu phước, thì tội của hắn mới được tiêu trừ, mới mong sau này xa lìa được đại khổ nạn.
Trẫm muốn cho hắn tiền tài, để hắn ta dâng lên cúng dường đức Phật; nếu hắn ta không quy y đức Phật, thì tội của hắn rốt cuộc sẽ không thể giảm nhẹ hay tiêu diệt được.
Cũng như có người bị té xuống đất, nên dìu người ấy đứng lên, cũng như thế, nếu có người trộm vật của đức Phật, lỡ tạo nghiệp xấu, người này cần phải biết cúng dường đức Phật thì tội chướng mới được giảm nhẹ, thậm chí có thể được tiêu diệt”.
Nói xong, nhà vua liền cho tên trộm rất nhiều tài sản, ngài còn dạy cho hắn ta đối trước đức Phật gieo các công đức.
Lúc ấy, tên trộm trong lòng suy nghĩ: “Vị quốc vương này nếu không phải là người nhu nhuyến hòa thuận trong Phật pháp, thì khi ta phạm tội như thế, nhất định đã bị ông lấy đầu rồi. Thế mà nhà vua thật bao dung, đặc xá trọng tội của ta, thật là người vĩ đại, cao quý. Đức Phật Thích ca đặc biệt kỳ diệu! Có thể giáo hóa một vị quốc
vương trước kia vốn tin theo tà kiến, nay khiến ông ấy có thể làm được những việc minh trí như thế”.
Tên trộm đi đến trước tháp thờ đức Phật, quỳ xuống đảnh lễ sát đất, chắp tay quy y, cảm thán:
- Đức Thế Tôn đại từ đại bi! Ngài chính là bậc Thánh cứu độ chúng sanh trong thế gian! Tuy Ngài đã vào niết bàn, mà vẫn có thể cứu sống con!
Người ở thế gian này, ai ai cũng tôn xưng đức Thế Tôn là bậc Thánh cứu tế nhân loại, tiếng thơm này đã truyền đi khắp năm châu bốn bể. Cho đến hôm nay, nhờ ân đức của Ngài mà con được sống sót, cho nên có thể xác tín, Ngài đúng là bậc Thánh cứu độ chúng sanh, thật là danh bất hư truyền!
Rồi tên trộm nói một đoạn kệ, nội dung như sau:
“Thế gian tán dương đức Phật là bậc Thánh cứu độ chúng sanh, thật là không sai; con hôm nay, nhờ ân đức cứu độ của đức Phật mà được thoát chết, mới thật sự hiểu thấu ý nghĩa của ‘cứu tế’.
Thế gian chẳng khác gì nhà lửa, đầy dẫy ưu bi khổ não; lòng từ bi của đức Phật như ánh trăng tươi mát, soi chiếu phá tan sự lo âu, sầu khổ của chúng sanh.
Khi đức Như Lai còn tại thế, ở chốn hoang dã, nơi ác quỷ cư trụ, Ngài cứu tế Thủ trưởng giả . Khi còn tại thế, đức Phật đã cứu khổ cho không biết bao nhiêu chúng sanh, những việc như vậy, đối với Ngài không có gì là khó khăn.
Thế nhưng, đức Phật nay đã nhập diệt, vậy mà giáo pháp Ngài để lại vẫn có thể cứu chúng sanh thoát khỏi hiểm nạn, nguy khốn; giúp cho con thoát ly khổ não, thật là hết sức hi hữu.
Người thợ thủ công dùng kỹ thuật khéo léo, phù hợp với Thánh tâm của Thế Tôn, tạo tượng Phật giơ cánh tay phải ra, thể hiện tư thế vỗ về an ủi chúng sanh. Người hay lo sợ chỉ cần nhìn thấy hình tượng của đức Phật, lòng lo sợ liền tan biến; huống gì khi đức Phật còn tại thế, những chúng sanh được Ngài cứu khổ chắc chắn là vô số.
Giờ đây, con gặp phải khổ nạn, tai họa lớn, may nhờ hình tượng của Ngài đặc xá, đã cứu con thoát chết”.
Câu chuyện này, có vài điểm đáng để chúng ta học tập:
Vị quốc vương này đã thể hội được hình ảnh con ong:
Thái đắc bách hoa thành mật hậu, Nhất sanh tân khổ vị thùy mang? Góp nhặt trăm hoa làm mật ngọt, Một đời bận rộn, khổ vì ai?
Đời người cũng như thế, vất vả dành dụm tài sản, cuối cùng, bất cứ vật gì cũng không mang theo được. Chúng ta cần phải tự phản tỉnh, chúng ta có thể mang theo được gì? Phải chăng, nên hết lòng dụng tâm vào việc tích lũy phước đức, trí huệ để làm vốn liếng?
Hơn nữa, khi kẻ gian trộm cắp bảo châu, các đại thần đều rất tức giận, đề nghị quốc vương mang hắn ra xét xử. Nhưng nhà vua lại bảo rằng: “Như có người té xuống, chúng ta nên đỡ người ấy đứng lên mới phải!”. Cho thấy, nhà vua nhờ được thấm nhuần những lời dạy của đức Phật, nên ông mới thương xót mà tha tội cho cho tên trộm. Lúc này, tên trộm đương nhiên vô cùng cảm tạ đức vua đã tha thứ tội chết cho mình; nhưng người hắn phải cảm ơn nhất, đó là ai? Là cảm ơn đức Thích Tôn! Đức Phật tuy đã vào niết bàn, nhưng những lời giáo huấn của Ngài để lại vẫn có thể giáo hóa quốc vương, và nay tiếp tục giáo hóa cho hắn ta. Tên trộm thầm nghĩ: “Nếu chẳng may gặp phải quốc vương không được đức Phật khai sáng, thì tôi chỉ còn con đường chết mà thôi! May mắn cho tôi, vị quốc vương này là đệ tử thuần thành, nhà vua không những không trách mắng tôi, mà còn cho tôi tài sản, để tôi được khẩn cầu sám hối, tu phước, mong cho tội nghiệp của tôi được giảm dần, tránh quả báo khổ trong tương lai”.
Chúng ta thử nghĩ xem: Một người bác sĩ, lúc ông ta còn sống, có thể trị lành bệnh cho rất nhiều người, nhưng một khi ông qua đời rồi, thì ông còn cứu bệnh nhân được chăng? Không thể! Nhưng đức Thế Tôn thì khác, đức Phật là bậc y vương, cho dù Ngài đã viên tịch, nhưng giáo pháp mà Ngài lưu lại, vẫn không ngừng tiếp tục giáo hóa chúng sanh. Đức Phật đúng là vị Thánh nhân cứu độ chúng sanh, xứng đáng được tôn xưng là bậc “đại y vương”!
Thế giới thật là hỗn loạn, lòng người đầy dẫy tham sân si, hai bên tranh đấu mãi không ngớt. Chúng ta thật hạnh phúc được hấp thụ pháp thủy cam lồ của đức Phật, chúng ta cần phải tri ân sâu sắc. Nếu chúng ta không hết lòng thực tập lời của đức Phật đã dạy, không khiến cho chánh pháp cửu trụ ở thế gian, thì thật là hết sức cô phụ ân đức của Ngài vậy!
Qua câu chuyện trên, mong mọi người cùng nhau cố gắng.
Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 01.11.2014