Trong thời đại ngày nay Phật giáo cũng đang cải cách, nhưng nếu chẳng thể giữ vững tinh thần chân chánh của Phật giáo thì Phật giáo sẽ biến chất. Một khi biến chất thì Phật giáo chân chánh sẽ bị tiêu diệt, thế nên phải giữ vững bản chất này. Bản chất là những điều ghi trong tựa đề của kinh Vô Lượng Thọ: ‘Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác’, đây là căn bản, không những là căn bản của Tịnh Tông, mà tất cả hết thảy Phật pháp Ðại Thừa đều xây dựng trên căn bản này. Tất cả hết thảy pháp môn đều phải đạt đến mục đích này, tách lìa khỏi mục tiêu này sẽ chẳng là Phật pháp nữa.
Kinh điển trong Phật pháp có vô lượng kho báu, bản thân bạn phải biết đi tìm kiếm, phát hiện. Bất kỳ một bộ kinh luận nào cũng có kho tàng vô tận, hơn nữa hết thảy kinh luận đều hỗ tương thông đạt lẫn nhau. Thế nên thông đạt một bộ kinh thì sẽ thông đạt hết thảy kinh điển. Tại sao lại thông đạt hết? Vì mục tiêu của mỗi bộ kinh đều là ‘Thanh Tịnh, Bình Ðẳng, Giác’. Chỉ cần bạn đạt được thanh tịnh, bình đẳng, giác thì bạn sẽ thông suốt hết thảy kinh, chẳng có chướng ngại gì hết.
Một bộ kinh cũng chẳng thông thì bất kỳ kinh nào cũng chẳng thông, đây là vì lý do gì? Vì chẳng đạt được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, vẫn còn mê hoặc điên đảo cho nên chẳng thông. Nếu mọi người hiểu rõ chân tướng sự thật này thì mới hiểu Phật pháp chú trọng ở chỗ chân chánh tu hành, [có chân chánh tu hành] thì mới thông được. Chẳng tu hành chân chánh, nếu chỉ học trên chữ nghĩa, văn tự thì sẽ tuyệt đối chẳng thể thông được.