Phật dạy chúng ta những gì:  Tổng hợp lại thì chính là ‘sửa đổi tâm niệm’.  Tâm phàm phu là gì?  Tâm Phật, Bồ Tát là gì?  Phải hiểu rõ, minh bạch hoàn toàn.  Làm thế nào để thay đổi tâm phàm phu thành tâm Phật?  Làm sao thay đổi sự hành trì của phàm phu trở thành sự hành trì của Phật, Bồ Tát?  Nếu tự mình chúng ta chẳng hiểu đạo lý này, chẳng gắng sức đi làm mà còn giả danh Phật pháp, dạy sai chúng sanh, tội lỗi đều ở địa ngục A Tỳ, đây là việc Phật, Bồ Tát chẳng muốn nhìn thấy.  Cho nên những người đảm nhiệm trọng trách giáo học nhất định phải ráng sức nỗ lực khắc phục tập khí, khó khăn của mình.

Phật pháp và Thế pháp là một chứ chẳng phải hai.  Dùng tâm của Phật, Bồ Tát vào thế gian thì Thế pháp thành Phật pháp, chẳng có pháp nào chẳng phải là Phật pháp.  Dùng tâm phàm phu vào Phật pháp thì hết thảy Phật pháp đều biến thành pháp thế gian.  Từ điểm này có thể biết cái gọi là Phật pháp và Thế pháp đều chẳng ở tại sự tướng mà ở tại tâm niệm của mỗi người, đó là ‘tâm tịnh thì cõi nước tịnh’.

Phật pháp chẳng làm hoại thế gian pháp cho nên lúc Thế Tôn còn tại thế, khi dạy rất nhiều tín đồ của các tôn giáo ở Ấn độ, Phật chẳng thay đổi phương thức sanh hoạt của họ, chỉ sửa đổi quan niệm của họ cho đúng, giúp họ từ sinh hoạt mê tín quay trở về sinh hoạt giác ngộ, chánh tín.  Thế Tôn chẳng thay đổi họ, chỉ thêm vào cách giải thích mới, tư tưởng mới, quan niệm mới, phương pháp này đúng như thánh nhân Trung quốc gọi là: ‘vô cùng cao minh nhưng đường lối trung dung’ [6], đó mới là trí huệ chân thật.

Sanh hoạt giác ngộ tức là Bồ Tát hạnh, nói cách khác nghĩa là từ sanh hoạt của phàm phu đổi thành sanh hoạt của Bồ Tát.  Nhưng sanh hoạt chẳng có biến đổi, lúc trước làm nghề nghiệp gì thì bây giờ cũng làm nghề đó, khác nhau ở chỗ lúc trước là mê, bây giờ đã giác ngộ.  Lúc mê thì khổ, lúc giác thì vui, cái niềm vui này chính là ‘pháp hỷ sung mãn’, khác nhau ở chỗ này.  Chẳng thay đổi đời sống của họ, chẳng thay đổi chức nghiệp, ngành nghề của họ.  Năm mươi ba lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy những Bồ Tát, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, tức là các ngành nghề vốn có của họ, trong đời sống tập quán sanh hoạt vốn có của họ giác ngộ xong thì lìa khổ được vui, đây là Phật pháp.

Thí dụ chúng ta làm việc trong nhà bếp, mỗi ngày nấu cơm, rửa chén, lau bàn, người thế gian cho những việc này là những việc khổ nhọc, nhưng người giác ngộ cho là những việc sung sướng, thiệt ra những chuyện này trong Lục Ðộ vạn hạnh tức là Giới Ðịnh Huệ tam học.  Công việc giống như nhau, sự việc cũng giống nhau, chỉ là tâm lý, quan niệm thay đổi.  Vừa thay đổi thì là đời sống của Bồ Tát.  Ðời sống của Bồ Tát là gì?  Tức là mỗi ngày nấu cơm, lau bàn, rửa chén.  Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta những thứ này, dạy chúng ta làm thế nào để sống một đời sống sung sướng nhất, hạnh phúc nhất.  Ðây là sự thật, đây tức là tu hành, Ðại Thừa Bồ Tát hạnh, Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác là tu ở chỗ này.  Người chẳng hiểu cho rằng mỗi ngày làm những chuyện này thiệt là khổ quá chừng, các bà nội trợ ai cũng muốn chạy trốn.  Như vậy là mê, mê thì sẽ khổ; khi ngộ rồi thì sẽ vui.  Người giác ngộ biết tu bố thí, tu xưng tán, tu cúng dường, tu nhẫn nhục, tu thiền định, tu Bát Nhã ngay trong những trường hợp này.  Thế nên mê và ngộ hoàn toàn sẽ chẳng giống nhau.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ