Home > Học Phật Căn Bản > Thien-Thu-1-Kiep-Luong
Thiên Thứ 1: Kiếp Lượng
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Việt Dịch


Tai kiếp có hai loại: Một là Tiểu tam tai. Hai là Đại tam tai.

I. THUYẾT MINH TIỂU TAM TAI

Tiểu tam tai có sáu phần: Thuật ý, Dịch bệnh, Đao binh, Cơ cận, Tương sinh, Đối trừ.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Xét rằng kiếp vốn là danh từ ghi chép thời gian, cũng như niên hiệu. Nhưng thời gian không có định thể, tùy cách quy ước mà thành hình. Vì thế, trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, nhiều chỗ có ghi chép kiếp.

Dù không phải là quy tắc suông không của phép Quân lý, kiếp cũng mang ý chỉ sâu kín của lối khuyến trừng. Như vượt khỏi bờ mê đối với người sớm ngộ, kiếp vi trần dứt sạch dễ dàng. Trở lại đường chánh giác đối với kẻ phát sơ tâm, kiếp Tăng kỳ khó khăn mãn hạn. Đó là sự dị biệt giữa mê ngộ. Có khi đem so trong ngục vô giám với hết thành hạt cải, để định kỳ chịu khổ báo, sánh trên Trời tPhạm chúng hành với áo phẩy mòn bàn thạch, để nói kiếp hưởng lạc hình. Đó là sự khác nhau giữa thiện ác. Còn như ở Ta bà gọi khoảnh khắc làm trăm năm, cõi giải thoát lấy vĩnh hằng làm tuần lễ. Đó là sự phân biệt giữa nhiễm tịnh vậy.

Nói tóm lại, chẳng qua có kiếp lớn nhỏ. Lớn, nhỏ mỗi thứ có ba. Lớn thì nước, lửa, gió gây nên vạ tai. Nhỏ thì binh đao, đói kém, bệnh dịch làm thành họa hại. Thế mới biết, sáu năm xây nên Đạo viện, cuối cùng thiêu hủy thành tro, nghìn Thánh ngự giữa ngọc đài, rốt cuộc đắm chìm trong mưa bão! Hơn nữa, chực chầu không ứng hiện, cầu đảo chẳng hiển linh, lần lữa dao sương cắt tới, kiếm sao đâm vào, tàn hại sinh linh, tiêu vong sắp hết. Đáng sợ cho ba cõi vẫn còn mê, thương xót đến sáu đường biết mấy!

Thứ hai: PHẦN DỊCH BỆNH

Theo luận Trí độ nói: “Sao gọi là kiếp?”. Đáp rằng: “Theo đúng Phạm âm, gọi là Kiếp bá bạt đà. Kiếp bá cũng gọi là Kiếp ba. Đời Tần dịch nghĩa là phân chia thời gian. Bạt đà, đời Tần dịch nghĩa là có nhiều, cũng dịch là hiền, vì có nhiều hiền nhân ra đời, nên cũng dịch là hiền kiếp”. Lại nữa, luận Lập Thế A tỳ đàm nói rằng: “Phật bảo: “Một Tiểu kiếp gọi là một kiếp. Hai mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp.

Bốn mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. sáu mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp. tám mươi Tiểu kiếp gọi là một đại kiếp. Vì sao một Tiểu kiếp gọi là một kiếp?”. Lúc bấy giờ, Tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa ở trong địa ngục, chịu quả báo Dị thục. Phật bảo: “Ở lâu một kiếp”. Vì sao hai mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp? Như Trời Phạm chúng, hai mươi Tiểu kiếp là thọ lượng của mình. Phật bảo: “Hưởng thọ một kiếp”. Vì sao bốn mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp? Như thọ lượng của Trời Phạm Phụ là bốn mươi Tiểu kiếp. Phật bảo: “Hưởng thọ một kiếp”. Vì sao sáu mươi Tiểu kiếp cũng gọi là một kiếp? Như thọ lượng của Trời Đại phạm là sáu mươi Tiểu kiếp. Phật bảo: “Hưởng thọ một kiếp”. Vì sao tám mươi Tiểu kiếp gọi là một đại kiếp? Kinh Phật thuyết kiếp trung thế giới nói rằng: “hai mươi Tiểu kiếp hoại, sau đó trải qua hai mươi Tiểu kiếp khởi thành dĩ trụ. hai mươi Tiểu kiếp khởi thành dĩ trụ nầy, đã qua bao nhiêu? Chưa qua bao nhiêu?”. tám Tiểu kiếp đã qua, mười một Tiểu kiếp chưa qua. Kiếp hiện tại thứ chín chưa hết. Kiếp hiện tại thứ chín nầy, đã qua bao nhiêu? Chưa đến bao nhiêu? Số chưa đến chắc chắn còn lại sáu trăm chín mươi năm. (Đến năm Kỷ Mão, cuối đời Hậu Lương, khi phiên dịch kinh nầy mới hết kiếp).

Trong hai mươi Tiểu kiếp trung gian nầy, có ba Tiểu tam tai lần lượt xảy ra. Một là tai họa dịch bệnh, hai là tai họa binh đao, ba là tai họa đói kém. (Về ba Tiểu tam tai nầy, các kinh luận sắp xếp thứ tự trước sau không giống nhau. Như theo các kinh Trường A hàm, Trung A hàm và Khởi Thế thì đầu tiên là xếp binh đao, tiếp theo là đói kém, và sau cùng là dịch bệnh. Nếu theo các bộ luận Câu Xá, Tỳ đàm, Bà sa thì trước là xếp binh đao, tiếp theo là bệnh dịch, sau là đói kém. Nếu theo các bộ luận Du Già, Đối Pháp, thì trước là xếp đói kém, sau là binh đao. Nếu căn cứ năm tháng, thời gian ngắn dài, thứ tự sắp xếp trước sau, thì dựa vào các bộ luận Du Già, Đối Pháp là đúng). Nay lại theo luận Lập Thế A tỳ đàm nói rằng: “Bây giờ đang ở trong kiếp thứ chín, tức là đang chịu Tam tai thứ ba. Kiếp nầy do đói kém mà hết”. Phật bảo: “Trong hai mươi Tiểu kiếp thế giới khởi thành được trụ nầy, ở vào kiếp thứ nhất, lúc Tiểu tai nổi lên, có bệnh dịch lớn, lớp lớp các loại bệnh tật đều phát ra. Tất cả nhân dân các nước trong cõi Diêm phù đề đều mắc phải trận đại dịch. Tất cả quỷ thần đều nổi tâm sân xấu xa, tàn hại thế nhân. Tuổi thọ rút nhắn, chỉ còn mười năm. Thân hình bé nhỏ, chừng hai nắm tay, hoặc ba nắm tay. Nếu họ tự do, chừng tám nắm tay. Lương thực có thể ăn được, cao cấp nhất là bông cỏ, y phục làm bằng tóc người là cao cấp nhất, chỉ có dao gậy làm cho uy nghiêm. Bấy giờ, mọi người không theo chính pháp, các nghiệp phi pháp, tham lam, tà kiến phát sinh suốt ngày đêm, quỷ thần xấu xa làm hại người khắp nơi. Bấy giờ, các vị quân vương lớn đều băng hà, lãnh thổ của các Ngài lần lượt hoang phế, chỉ còn sót lại các quận huyện nhỏ nằm rải rác cách xa nhau. Như thế, nhân dân bị bệnh tật khốn khổ, không có người bố thí thuốc men, cơm nước, vì thế tuổi thọ dù chưa hết, đã chết yểu vô số, trong một ngày đêm, có vô số chúng sinh chết vì bệnh dịch, do làm điều ác phải chịu quả báo nầy. Lúc ấy, sinh ra kiếp trược, sau khi mệnh chung, chúng sinh đọa vào ba ác đạo. Bấy giờ, mỗi một quận huyện lần lượt hoang tàn, chỉ còn lại vài nhà thưa thớt, nằm cách nhau xa hơn, kẻ chết vì bệnh dịch, không có người chôn cất, xương trắng phủ đầy mặt đất, đến nỗi nhà cửa lần lượt trống không, đấy là kiếp mạt kéo dài trong bảy ngày. Trong bảy ngày nầy, vô số chúng sinh mắc phải bệnh dịch chết hết, nếu còn ai sống sót, đều sơ tán chỗ khác. Khi ấy, có một người đứng ra tập hợp lại nam nữ trong cõi Diêm phù đề, chỉ còn một vạn người sống sót để nhân giống cho tương lai, vì vạn người nầy thường giữ thiện hạnh. Các quỷ thần thiện, vì muốn loài người không bị tuyệt chủng nên ra tay hộ, đem các món ăn ngon truyền vào lỗ chân lông của họ, bởi còn nghiệp lực, nên loài người chưa dứt. Qua hết bảy ngày, trận đại dịch nầy nhất thời dứt sạch, tất cả ác quỷ đều đã bỏ đi. Tùy theo nhu cầu ẩm thực, y phục mà chúng sinh vừa máy niệm trong tâm, Trời lập tức làm mưa rơi xuống, âm dương điều hòa, mỹ vị sinh sản, thân hình khả ái, an lạc vô bệnh. Thí dụ như thân ái lâu ngày không gặp nhau, bỗng được tụ hội, mọi người đều sinh lòng hoan hỷ vui mừng, vồn vã ấp yêu, không nỡ rời nhau. Thế là từ tiền kiếp có thọ mệnh mười tuổi, chúng sinh ra đời ở hậu kiếp có thọ mệnh rất dài, đến hai mươi ngàn tuổi. Như thế, công đức tự nhiên thành tựu, hợp theo đường thiện, thân, khẩu, ý đều thiện. Sau khi mệnh chung, sinh vào Thiên đạo, sau khi hết kiếp Trời, lại sinh vào nhân đạo, hiền thiện tự nhiên, giới phẩm đầy đủ. Sau khi mệnh chung, lại sinh vào Thiên đạo, mãi mãi như thế. Ở kiếp trung gian đệ nhất, bệnh dịch hết sạch, rồi đến kiếp thứ hai nối tiếp hai mươi ngàn năm. Trong kiếp trung gian đệ nhất thọ lượng nầy, người ở đây thọ hai mươi ngàn tuổi ở trước sinh ra, có thần lực tự tại, bẩm chất đầy đủ, thọ mệnh được bốn mươi ngàn tuổi. Khi chết, sinh vào Nhân đạo, Thiên đạo, lâu dài như thế, gọi là kiếp trung gian thứ hai thọ lượng thứ hai, được bốn mươi ngàn tuổi. Nhờ bẩm chất đầy đủ, thọ mệnh sáu mươi ngàn tuổi, lâu dài như thế, gọi là kiếp trung gian thứ ba thọ lượng thứ ba, được sáu mươi ngàn tuổi. Từ sáumươi ngàn tuổi lên đến tám mươi ngàn tuổi. Lúc nầy người nữ đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Bấy giờ, mọi người chỉ có bảy loại bệnh là: bệnh đại tiểu tiện, bệnh hàn nhiệt, bệnh dâm dục, bệnh đói và bệnh già. Trong lúc nầy, tất cả nước đều giàu sang sung túc, không có oán thù, phản loạn, trộm cướp, làng xóm san sát liền kề, gà gáy cùng nghe, cày cấy tuy ít nhưng thu hoạch lại nhiều, y phục của cải, đầy đủ nhu cầu, yên hưởng hạnh phúc không cần bon chen. Khi thọ mệnh được tám mươi ngàn tuổi, hưởng vô số năm lâu dài, cho đến khi chúng sinh chưa mắc thập ác. Từ khi mắc thập ác, cứ một trăm năm lại giảm mười tuổi, tiếp tục một trăm năm lại giảm mười tuổi, lần lượt giảm xuống còn hơn mười tuổi. Cuối cùng, đến mười tuổi thì ngừng, không còn giảm nữa. Thọ mệnh dài nhất được tám vạn, ngắn nhất đến mười năm. Nếu Phật không ra đời thì lần lượt như thế. Nếu Phật ra đời thì cũng như có chính pháp trụ thế, thọ mệnh của chúng sinh tạm dừng, không còn giảm xuống. Tùy theo chính pháp giảm dần, thọ mệnh cũng giảm xuống”.

Thứ ba: PHẦN ĐAO BINH

Theo luận Lập Thế A tỳ đàm nói: “Phật bảo một Tiểu kiếp là một kiếp, cũng giống như trước, cho đến tám mươi Tiểu kiếp gọi là một đại kiếp. Trong Đại kiếp, vào giữa hai mươi Tiểu kiếp khởi hành rồi trụ, nổi lên Tiểu tai thứ hai. Vì nạn binh đao lớn, thọ mệnh còn mười tuổi. Bấy giờ, tam độc, tà kiến phát sinh suốt ngày đêm. Cha mẹ, con cái, anh em, bà con cùng nhau tranh cãi, huống gì là người ngoài? Khi ấy, mọi người đã hết tranh cãi, bắt đầu động thủ, hoặc dùng gạch đá, gậy dao đe dọa lẫn nhau. Khắp bốn phương, các nước chinh phạt lẫn nhau, trong một đêm giết chết vô số, các tội lỗi tự nhiên phát sinh như thế do loài người làm điều bất thiện, phải chịu quả báo nầy, giữa lúc ấy, sinh ra kiếp trược. Bấy giờ, người ta đều chết hết, nếu còn sống sót, người người đều ly tán, thời mạt kiếp còn lại bảy ngày. Trong bảy ngày nầy, con người tay cầm cây cỏ, liền hóa thành gậy dao, lấy đó đâm chém lẫn nhau, khủng bố đến chết. Khi ấy mọi người cùng sợ hãi vũ khí, trốn vào rừng tậm hay vượt sông ngòi, ẩn núp vào đồi bãi, hoặc trốn vào hang hốc để tránh tai họa. Đôi lúc gặp nhau, cùng kinh hoàng chạy trốn, sợ hãi thất thần, đôi khi ngã quỵ, như hươu nai gặp phải thợ săn. Trong bảy ngày nầy, chết chóc vì nạn binh đao nhiều vô số, nếu có người sống sót, đều sơ tán đi nơi khác. Bấy giờ, có một người tập họp nam nữ lớn bé trong cõi Diêm phù đề, cộng lại một vạn người, tồn tại để nhân giống cho tương lai. Lúc ấy, mọi người đều làm điều phi pháp, chỉ có một vạn người nầy luôn theo thiện pháp. Các quỷ thần thiện, vì muốn loài người không bị tuyệt chủng nên đã ra tay ủng hộ, đem các món ngon truyền vào lỗ chân lông của họ, vì còn nghiệp lực, trong kiếp trung gian, nên lưu lại giống người, y nhiên không bị tiêu diệt. Qua hết bảy ngày, trận đao binh lớn nhất tề yên ổn. Tất cả các ác quỷ đều bỏ đi hết, tùy theo nhu cầu ẩm thực, y phục mà chúng sinh vừa máy miệng trong tâm, làm Trời rơi mưa xuống, âm dương điều hòa, mỹ vị sinh sản, thân hình khả ái, tướng tốt phục hồi, tất cả điều thiện tự nhiên khơi dậy, mát mẻ thanh tịnh, bình yên vô bệnh, lòng từ bi phát sinh, không có ý gây phiền não. Mọi người gặp nhau, sinh lòng hoan hỷ, thí dụ như thân ái lâu ngày không gặp nhau, bỗng được tụ hội, sinh lòng hoan hỷ, vồn vã ấp yêu, không nỡ rời nhau. Từ mười tuổi thọ, lần lượt làm lành, sinh vào Nhân đạo, Thiên đạo, thọ lượng đến hai mươi ngàn tuổi, cho đến thọ lượng tám mươi ngàn tuổi, hưởng vô số năm lâu dài giống với trước đây không cần nói lại”.

Thứ tư: PHẦN ĐÓI KÉM

Theo luận Lập Thế A tỳ đàm nói: “Từ một Tiểu kiếp đến tám mươi Tiểu kiếp, vào kiếp thứ ba trong Trụ kiếp, nổi lên Tiểu tai. Vì nạn đói kém lớn sắp nổi lên, trời hạn hán, tất cả nhân dân mắc phải trận đại dịch. Tất cả quỷ thần nổi tâm sân hận, làm hại loài người, thọ mệnh rút nhắn, chỉ còn sống được mười tuổi, thân hình nhỏ bé, chừng hai, ba vốc tay, ăn bằng bông cỏ, mặc bằng tóc người cho là cao cấp. Lấy binh khí làm oai nghiêm, không tôn trọng nhau. Nghèo nàn khốn khó, ngu si tà kiến, đêm ngày phát sinh. Lúa mắc, đói kém, lếch thếch lang thang, thấy được lương thực, xông vào giựt ăn, vì nguyên nhân nầy, chết đói vô số. Tất cả chúng sinh, sinh vào kiếp trược, tự dưng nổi lên tạo tác ác nghiệp, Trời không mưa xuống, trong bốn, năm năm. Bởi vì đại hạn, tìm kiếm rau cỏ còn không thể có được huống chi thóc gạo? Tất cả cầm thú đều bị bắt ăn sạch. Trong một ngày đêm, đói khát chết chóc không thể đếm được, quận huyện trống trơn, chỉ còn vài nhà, cách nhau càng xa. Không theo chính pháp, tam độc càng nhiều, bần cùng khốn khó, đêm ngày như nhau. Bấy giờ, trong sáu, bảy năm trời không đổ mưa. Bởi vì đại hạn, muốn tìm ra nước còn không thể được, huống gì đồ ăn? Kiếp trung gian nầy chỉ còn bảy ngày, trong một ngày đêm, chết đói vô số, nếu còn có người đều đi chỗ khác. Bấy giờ, có một người, tập hợp nam nữ lớn bé trong cõi Diêm phù đề, cộng một vạn người sống sót để nhân giống cho tương lai. Số người nầy thường làm việc thiện, các quỷ thần thiện, vì muốn loài người không bị tiêu diệt, đã ra tay ủng hộ. Lấy các món ngon truyền vào lỗ chân lông của họ. Vì còn nghiệp lực, giống người không dứt. Qua hết bảy ngày, nạn đói khát nhất tề yên ổn. Tất cả ác quỷ đều bỏ đi hết. Nhu cầu ẩm thực, y phục, trời cho mưa xuống. Âm dương điều hòa, mỹ vị sản sinh. Thân hình khả ái, tướng tốt phục hồi. Tất cả điều thiện, tự nhiên khơi dậy. Mát mẻ thanh tịnh, yên vui vô bệnh. Lòng từ bi phát sinh, không có ý gây phiền não. Thí dụ như thân ái lâu ngày không gặp, bỗng được tụ hội, sinh lòng hoan hỷ, vồn vã ấp yêu, không nỡ rời nhau. Từ thọ mười tuổi, lần lượt hành thiện, sinh vào Nhân đạo, Thiên đạo. Thọ mệnh lâu dài, lên đến hai mươi ngàn tuổi, cho đến tám mươi ngàn tuổi, ra ngoài phép tắc, cũng như đã thuật ở trước”.

(Theo trong luận Lập Thế, một Tiểu tam tai trải qua bảy ngày. Nếu theo các kinh luận khác nói, đói khát bảy năm bảy tháng bảy ngày. Bệnh dịch bảy tháng bảy ngày, binh đao nhiều nhất trải qua bảy ngày). Thế nên, luận Du Già nói: “Lúc con người chỉ còn thọ ba mươi tuổi, mới bắt đầu xảy ra”. Vào lúc ấy, đồ ăn uống tinh mỹ không thể kiếm lại được, chỉ còn nấu nướng xương khô cùng nhau yến ẩm. Nếu gặp được một hạt thuộc bông cỏ, lúa gạo, quý trọng như ngọc Ma ni. Đem cất giấu vào hòm rương mà giữ gìn. Các chúng sinh ấy, phần đông không còn sức lực, nghiêng ngửa cứng đơ trên mặt đất, không ngồi dậy được. Vì nạn đói kém, chúng sinh chết chóc gần hết. Nạn đói kém như thế kéo dài bảy đêm, bảy ngày, bảy tháng, bảy năm mới qua khỏi. Các chúng sinh ấy lại bắt đầu tụ tập, phát tâm chán nản xa lìa thấp. Do nhân duyên nầy, thọ lượng không giảm xuống, nạn đói kém mới yên. Vả lại, nếu lúc con người chỉ còn thọ hai mươi tuổi, thì phải phát tâm chán nản lo âu, nay lại bỏ qua. Vì thế, bấy giờ có nhiều tai ương dịch lệ quái ác liên tiếp nổi lên. Các chúng sinh ấy mắc phải các dịch bệnh nầy, phần đông đều bị chết chóc. Bệnh dịch tai ương như thế xảy ra bảy đêm, bảy ngày, bảy tháng mới yên. Các chúng sinh lại cùng nhau tụ tập, phát tâm chán nản xa lìa lưng chừng. Do nhân duyên nầy, thọ lượng không giảm xuống, bệnh dịch tai ương mới yên. Vả lại, nếu lúc con người chỉ còn thọ mười tuổi, thì phải phát tâm chán nản lo âu, nay lại bỏ qua. Bấy giờ, chúng sinh lần lượt gặp nhau, mỗi người nổi tâm sát hại mãnh liệt. Do nhân duyên này, vừa cầm cây cỏ cho đến gạch đá, liền hóa thành dao kiếm hết sức bén nhọn, lại cùng tàn sát nhau đến khi chết sạch. Như thế, tai họa binh đao nhiều nhất trải qua bảy ngày mới yên.

Thứ năm: PHẦN TƯƠNG SINH

Theo kinh A hàm nói: “Vào đời quá khứ, có Luân vương ra đời, tên là Đỉnh Sinh, giữ gìn trai giới, tu hành bố thí, đem của cải chu cấp cho người nghèo trong nước. Qua nhiều lúc sau, do trong nước có người nghèo khó, không thể hằng đem của cải chu cấp cho sự thiếu thốn của họ. Người dân hóa thành bần cùng. Nhân thế, đi ăn cắp của người khác. Chủ nhà rình bắt trói lại, giải đến triều, giao cho Thiên vương Đỉnh Sinh và tâu rằng: “Thưa Thiên vương, người nầy ăn cắp của cải của tôi, xin Thiên vương trị tội”. Thiên vương hỏi người ấy rằng:

“Nhà ngươi có thật sự ăn cắp không?”.

Thật sự có ăn cắp”.

Vì lý do gì?”.

Vì nghèo khó quá, nếu không ăn cắp thì không thể sống nổi”.

Thiên vương liền đem của cải chu cấp cho người ấy và dạy rằng:

“Các người về đi, lần sau đừng tái phạm nữa!”. Vì cớ ấy, người dân có suy nghĩ nầy: Bọn ta cũng nên đi ăn cắp của người khác. Liền đó mỗi người tranh nhau đi ăn cắp. Như thế gọi là vì nghèo, không có của cải hằng đem chu cấp, nên người dân hóa thành bần cùng. Nhân trộm cắp sinh nhiều, nên tuổi thọ của người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ tám vạn tuổi, con thọ bốn vạn tuổi. Lúc người còn thọ bốn vạn tuổi, lại có người đi ăn cắp, bị đem nộp cho Thiên vương. Nghe tâu qua, Thiên vương có suy nghĩ nầy: Nếu trong nước ta có người ăn cắp của cải kẻ khác, ta lại đem của cải chu cấp hết cho họ. Như thế, kho tàng sẽ cạn kiệt, nạn ăn cắp lại càng sinh ra nhiều hơn. Thà nay ta làm dao rất bén, nếu trong nước còn kẻ ăn cắp của người khác, liền cho bắt về làm tội, treo lên chặt đứt đầu. Suy nghĩ xong xuôi, liền ban bố thi hành. Về sau, người dân ấy bắt chước làm loại dao bén ấy, cầm đi ăn cướp, bắt lấy khổ chủ đem chặt đứt đầu. Nhân nghèo khó quá, trộm cướp càng nhiều, nạn dùng dao giết người càng tăng, nên tuổi thọ người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ bốn vạn tuổi, con thọ hai vạn tuổi. Lúc người chỉ còn thọ hai vạn tuổi, kẻ trộm cắp có suy nghĩ nầy: Nếu Thiên vương biết được, hoặc sẽ sai trói đánh ta, hoặc phạt tiền đuổi đi, hoặc cho đem treo lên. Ta nên nói dối lừa gạt Thiên vương thì hơn chăng? Nghĩ xong, đến tâu với Thiên vương: “Tôi không trộm cướp”. Như thế gọi là vì nghèo, không có của cải hằng đem chu cấp, nạn cướp của giết người tăng thêm, lại còn nói dối hai lưỡi nữa, nên tuổi thọ người dân đó giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ hai vạn tuổi, con thọ một vạn tuổi. Lúc người chỉ còn thọ một vạn tuổi, liền sinh lòng ganh ghét, tăng thêm thói tà dâm, nên tuổi thọ của người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ một vạn tuổi, con thọ năm ngàn tuổi. Lúc người chỉ còn thọ năm ngàn tuổi, ba pháp tăng thêm: phi pháp, dục ác pháp và tham tà pháp. Nên cha thọ năm ngàn tuổi, con thọ hai ngàn năm trăm tuổi. Lúc người dân ấy chỉ còn thọ hai ngàn năm trăm tuổi, ba pháp lại tăng thêm: Lời hai lưỡi, lời thô tục, lời thêu dệt, nên tuổi thọ giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ hai ngàn năm trăm tuổi, con thọ một ngàn tuổi. Lúc người dân ấy chỉ còn thọ một ngàn tuổi, lại tăng thêm một pháp nữa là tà kiến. Bởi vì tăng thêm một pháp nữa, tuổi thọ người dân ấy giảm xuống, hình sắc hóa ác. Cha thọ một ngàn tuổi, con thọ năm trăm tuổi. Lúc người ta chỉ còn thọ năm trăm tuổi, người dân ấy bất hiếu với cha mẹ, không hằng tôn trọng Sa môn, Phạm chí, không làm điều phải, không tạo phước đức, không thấy tội lỗi ở kiếp sau, nên cha thọ năm trăm tuổi, con thọ hai trăm năm mươi tuổi hoặc hai trăm tuổi. Đến nay, nếu được trường thọ, hoặc thọ một trăm tuổi hoặc không bằng được”.

Phật lại bảo Tỳ kheo: “Trong tương lai xa, người thọ mười tuổi, phụ nữ sinh được năm tháng là đã lấy chồng. Lúc con người chỉ còn thọ mười tuổi, có giống lúa tên là lúa lép là món ăn ngon nhất, như hiện nay cho lúa gạo là đồ ăn cao cấp. Tất cả các thứ sữa, dầu, muối, mật, mía ngọt đều mất hết. Chỉ kẻ nào làm theo mười ác nghiệp đạo mới được tôn trọng. Tất cả đều chưa được thiện. Mẹ hết sức rắp tâm muốn hại con. Con cũng hết sức rắp tâm muốn hại mẹ. Cha con, anh em, chị em, thân thuộc lần lượt đều có lòng mưu hại lẫn nhau, giống như người thợ săn thấy được con nai, hết sức rắp tâm sát hại. Lúc con người chỉ còn thọ mười tuổi, liền có tai kiếp binh đao bảy ngày nổi lên khốc liệt. Nếu chộp được cọng cỏ, lập tức hóa thành dao. Nếu chộp được cành củi, cũng lập tức hóa thành dao. Người người dùng dao ấy chém giết lẫn nhau tai kiếp bảy ngày. Qua bảy ngày, tai kiếp mới lặng yên. Bấy giờ, cũng có người sinh lòng hỗ thẹn, xấu xa, chán ghét, không thích thú. Trong kiếp binh đao bảy ngày nầy, cũng có người bỏ trốn vào núi non hoang dã, ẩn nấp vào chỗ kín đáo. Qua hết bảy ngày ấy, từ chỗ ẩn nấp kín đáo trong núi hoang dã, liền trở về gặp lại mọi người, sinh lòng từ mẫn, hết sức thương nhớ, giống như bà mẹ hiền chỉ có được một đứa con, ly biệt lâu ngày ở chỗ xa xôi, nay lại trở về gặp mặt, hết dức thương yêu mong nhớ nhau. Liền nói thế nầy: “Hỡi các bạn hiền, chúng ta hôm nay gặp nhau, khiến cho ai nấy đều được an lành! Chúng ta vì xưa sinh lòng bất thiện, khiến cho thân tộc đã chết sạch. Chúng ta nên cùng nhau làm phép thiện, xa lìa hẳn sát nghiệp”. Làm pháp thiện xong, tuổi thọ liền tăng lên, hình sắc hóa đẹp. Người thọ mười tuổi, sinh con thọ hai mươi tuổi. Người thọ hai mươi tuổi lại có suy nghĩ nầy: “Nếu cầu làm thiện thì tăng thọ và sắc hóa đẹp. Chúng ta càng nên làm thêm điều thiện, cùng bỏ thói trộm cắp. Làm điều thiện nầy xong, tuổi thọ liền tăng. Người ta sinh con thọ được bốn mươi tuổi. Lại xa lìa tà dâm, làm điều thiện nầy xong, tăng thọ và sắc hóa đẹp. Người ta sinh con thọ tám mươi tuổi. Lại bỏ nói dối, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ một trăm sáu mươi tuổi. Thọ được một trăm sáu mươi tuổi, lại bỏ lời hai lưỡi, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ ba trăm hai mươi tuổi. Lại bỏ lời thô tục, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp, người ta sinh con thọ sáu trăm bớn mươi tuổi. Lại bỏ lời thêu dệt, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ hai ngàn năm trăm tuổi. Lại bỏ tham lam, ganh ghét, làm điều thiện nầy xong, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ năm ngàn tuổi. Lại bỏ sân hận, làm điều thiện nầy xong, tăng thọ và sắc hóa đẹp. Người ta sinh con thọ một vạn tuổi. Lại bỏ tà kiến, làm điều thiện nầy xong, tăng thọ và sắc hóa đẹp. Người ta sinh con thọ hai vạn tuổi. Lại bỏ phi pháp, dục ác pháp và tham hành tà pháp. Chúng ta có thể xa lìa ba pháp xấu ác không thiện nầy. Làm xong điều thiện nầy, sắc thọ hóa đẹp. Người ta sinh con thọ bốn vạn tuổi. Lúc thọ được bốn vạn tuổi, hiếu thuận với cha mẹ, tôn trọng cung kính Sa môn, Phạm chí, làm theo việc phải, tu tập phước nghiệp, thấy được tội lỗi kiếp sau, làm điều thiện nầy xong, người ta sinh con thọ tám vạn tuổi. Lúc người ta thọ được tám vạn tuổi, cõi Diêm phù đề nầy giàu có, an lạc tột đỉnh, có nhiều nhân dân, làng xóm liền kề, như gà bay là sang. Phụ nữ đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Chỉ có bảy bệnh tật là hàn nhiệt, đại tiểu tiện, dâm dục, đói khát và già. Ngoài ra, không có hoạn nạn gì nữa. Lúc bấy giờ sẽ có Thiên vương tên Loa làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn quân chủng chỉnh đốn cai trị bốn phương thiên hạ. Có ngàn món thất bảo đầy đủ, đoan chính, dũng mãnh, vô úy, hàng phục kẻ khác. Thống lãnh đại địa, cho đến đại hải. Không dùng vũ lực, chỉ dùng chính pháp giáo hóa hiệu lệnh, khiến cho mọi người đều được an vui. (Riêng phần bệnh tật đói kém còn lại, xảy ra dài nhắn đều giống như ở trước).

Thứ sáu: PHẦN ĐỐI TRỪ

Theo luận Tân Bà sa nói: “Tuy nhiên, có Thánh ngôn nói về cách đối phó Tiểu tam tai, bảo rằng: “Nếu có kẻ thường giữ gìn giới bất sát suốt một ngày đêm, trong kiếp mai sau, chắc chắn sẽ không gặp nạn binh đao nổi dậy. Nếu có kẻ thường đem một quả Ha lê đát kê, phát tâm thanh tịnh, cung kính bố thí tăng chúng, trong kiếp mai sau, chắc chắn sẽ không gặp nạn bệnh dịch hoành hành. Nếu có kẻ thường cầm một vắt cơm bố thí cho chúng sinh, trong kiếp mai sau, chắc chắn không gặp nạn đói kém hành hạ”.

Hỏi rằng: “Như ba Tiểu tam tai nầy, liệu các châu khác có xảy ra không?” Đáp: “Căn bản không giống, nhưng có vẻ tương tự”. Nghĩa là lửa sân tăng mạnh, thể lực gầy yếu, thường hay đói khát. Đó là nói về hai châu. Còn châu Câu Lô, tuy không mắc phải tội tình gì, cũng phát sinh ra nạn ấy, dù châu nầy không hề có lửa sân tăng mạnh.

Thuật rằng: “Chúng sinh bản tính cố chấp, không nghĩ cách chừa bỏ, đổi thay, cứ keo kiệt, tham lam, ganh ghét, làm cho ác nghiệp ngày mỗi chất đầy. Vì vậy, nhân tình trở thành hiểm hóc, thói độc tràn đầy, mau đưa vào đời Mạt pháp. Con người, vạn vật đều ác, khiến cho bẩm thụ y báo, chánh báo mòn mõi, tiêu hao. Thế nên kinh Phó Pháp Tạng nói rằng: “Vua A Thứ Già thân hành đem ban đồ ăn cho chư Tăng. Lúc ấy, tôn giả Tân Đầu Lô lấy sữa tưới lên cơm. Vua A Thứ Già bạch rằng: “Thưa đại Thánh, tính sữa khó tiêu, sợ sinh bệnh chăng?”. Tôn giả đáp rằng “Chẳng đáng lo đâu! Vì sao thế? Lúc Phật còn tại thế, nước và sữa hôm nay đều giống như nhau. Cho nên dùng sữa cuối cùng cũng chẳng sinh bệnh”. Bấy giờ, tôn giả muốn chứng nghiệm điều nầy, liền thò tay đút vào đất, sâu đến bốn vạn ba ngàn dặm, rút lấy chất béo bở đưa cho vua xem: “Nhà vua nên biết rằng hiện nay chúng sinh bạc phước, chất đất màu mỡ đều thấm thấu hết vào lòng đất. Do đó, phước đức của thế gian dần dần suy diệt”. Nhà vua cúng dường xong, hoan hỷ ra về. Vốn dĩ đức Thế tôn tịch diệt chưa đầy một trăm năm mà xảy ra điềm nầy. Huống chi nay đã gần đủ hai ngàn năm, há còn mỹ vị? Thế nên, luận Du Già nói: “Lúc Tam tai nổi lên, bấy giờ có ba thứ suy giảm đến cùng cực: Tuổi thọ suy giảm, chỗ nương tựa suy giảm, vật thực suy giảm. Tuổi thọ suy giảm là nói tuổi thọ rút ngắn còn mười tuổi. Chỗ nương tựa suy giảm là nói thân hình nhỏ còn một vốc tay hoặc còn lại một nắm tay. Vật thực suy giảm là nói vào lúc ấy, chúng sinh chỉ còn lấy một hạt bông cỏ làm đầu trong các món ăn. Lấy tóc làm đầu trong các loại y phục, lấy sắt làm đầu trong các đồ trang sức. Năm loại mỹ vị cao cấp đều mất hẳn. Đó là các loại sữa, mật, dầu, muối và mía biến vị đường”.

II. ĐẠI TAM TAI

Đại tam tai có bốn phần: Thời lượng, Thời tiết, Hoại kiếp, Thành kiếp.

Thứ nhất: PHẦN THỜI LƯỢNG

Theo luận Tân Bà sa nói rằng: “Kiếp có ba loại: Một là Kiếp trung gian, hai là Kiếp thành hoại, ba là Đại kiếp.

Kiếp trung gian có ba loại: Một là kiếp giảm, hai là kiếp tăng, ba là kiếp tăng giảm.

Kiếp giảm là từ người thọ vô lượng tuổi giảm xuống còn mười tuổi. Kiếp tăng là từ người thọ mười tuổi tăng lên tám vạn tuổi. Kiếp tăng giảm là từ người thọ từ mười tuổi tăng lên tám vạn tuổi, rồi trả lại từ tám vạn tuổi giảm xuống còn mười tuổi. Trong đó có một kiếp giảm, một kiếp tăng và một tám kiếp tăng giảm. Gộp hai mươi trung kiếp thế gian thành với hai mươi trung kiếp thành rồi trụ, gọi là kiếp thành. Trải qua hai mươi trung kiếp thế gian hoại với hai mươi trung kiếp hoại dĩ không, gọi đấy là kiếp hoại. Gộp tám mươi trung kiếp lại gọi là đại kiếp. Trong hai mươi trung kiếp thành rồi trụ, kiếp đầu là kiếp giảm, kiếp cuối là kiếp tăng, giữa là mười tám kiếp vừa tăng vừa giảm”. Cho nên luận Đối Pháp nói rằng: “Do số kiếp nầy mà biểu hiện được tuổi thọ của chư Thiên các cõi sắc giới và vô sắc giới”.

Thứ hai: PHẦN THỜI TIẾT

Theo sách Tây Quốc truyện của Pháp sư Huyền Trang nói: “Âm dương luân chuyển, nhật nguyệt xoay vần. Tên gọi tuy khác, nhưng thời gian giống nhau. Theo chuôi sao chỉ mà đạt tên tháng. Thời gian ngắn nhất gọi là sát na”. Như luận Tân Bà sa nói: “Lượng sát na ấy, làm sao biết được?” Có người bảo theo như luận Thi Thiết nói: “Như người thiếu phụ lúc se lông thú, nhanh nhẹn phấn chấn, lựa từng sợi nhỏ, không ngắn không dài, sao cho bằng nhau, gọi là lượng đát sát na”. Luận ấy không muốn nói sợi lông ngắn dài, chỉ nói sợi lông thú theo ngón tay lựa ra, tùy theo số lượng lựa ra bao nhiêu, gọi là đát sát na.

Hỏi: Trước đây hỏi về sát na, tại sao lại dẫn chứng luận Thi Thuyết nói về đát sát na?

Đáp: “Trong luận nầy đưa ra cái lớn lao để làm hiển hiện cái vi tế. Vì cái vi tế rất khó nhận thức, không thể hiển hiện ra được”. Gọi một trăm hai mươi sát na thành một đát sát na. Sáu mươi đát sát na thành một liệp phược. Liệp phược nầy có bảy hai trăm sát na, ba mươi liệp phược thành một mâu hô lật đa. Mâu hô lật đa nầy có hai trăm mười sáu ngàn sát na. Ba mươi mâu hô lật đa thành một ngày đêm. Một ngày đêm còn thiếu hai mươi sát na mới đủ sáu mươi lăm ức sát na. Thân ngũ uẩn nầy, trong một ngày đêm trải qua ngần ấy sát na mà sinh diệt vô thường.

Có người bảo: “Điều nầy còn lớn lao, không phải là lượng sát na. Theo nghĩa của ta, như trong khoảnh khắc tráng sĩ búng ngón tay, đã trải qua sáu mươi bốn sát na”. Có người bảo: “Không phải thế, theo nghĩa của ta, như có hai tráng sĩ bứt đứt hết rất nhiều sợi tơ Ca thy cực mảnh, tùy theo số sợi tơ đứt hết bao nhiêu thì lượng Sát na đã trải qua đến bấy nhiêu”.

Có người bảo: “Không phải thế, theo nghĩa của ta, như hai lực sĩ nắm chắc nhiều sợi tơ Ca thy cực mảnh. Có một lực sĩ lấy cây dao bằng thép cứng trăm lần tinh luyện tốt nhất của cả nước, chặt nhanh. Tùy theo số tơ đứt bao nhiêu thì lượng sát na đã trải qua đến bấy nhiêu.

Có người bảo: Còn lớn lao, không phải là lượng sát na. Lượng sát na thật, Thế tôn không nói”. Như Thế tôn nói: “Có bốn nhà thiện xạ, cầm sẵn cung tên cùng đứng dựa lưng chụm sát vào nhau, sắp bắn đi khắp bốn phương. Có một người nổi tiếng nhanh nhẹn, đến nói với bọn họ: Bây giờ, các ông có thể cùng bắn tên ra một lượt, tôi có thể chụp lấy từ khắp bốn phía không cho rơi xuống. Thế nào? Người nầy có nhanh nhẹn không?” Tỳ kheo bạch Phật: “Rất nhanh nhẹn thưa Thế tôn”. Phật nói: “Người ấy không nhanh nhẹn bằng Địa hành Dược Xoa. Địa hành Dược Xoa không nhanh nhẹn bằng Không hành Dược Xoa. Không hành Dược Xoa không nhanh nhẹn bằng Tứ đại thiên vương. Tứ đại thiên vương không nhanh nhẹn bằng hai vầng nhật nguyệt. Hai vầng nhật nguyệt không nhanh nhẹn bằng Kiên hành thiên tử. Kiên hành thiên tử nầy nhanh nhẹn hơn hai vầng nhật nguyệt”. Chư Thiên nầy lần lượt nhanh nhẹn. Thọ, hành của chư Thiên sinh diệt nhanh nhẹn hơn cả chư Thiên nầy. Sát na lưu chuyển không hề ngừng. Do đó mới biết Thế tôn không nói lượng sát na thật.

Hỏi: Tại sao Thế tôn không nói lượng sát na thật giúp Tỳ kheo kia?

Đáp: “Vì không có chúng sinh nào có thể biết được”. Lại nữa, theo kinh An Bát nói: “Trong khoảnh khắc một cái búng tay, tâm có chín trăm sáu mươi chuyển biến”. Lại kinh Nhân vương nói: “Trong một niệm có chín mươi sáu sát na. trong mỗi một sát na lại có chín trăm sự sinh diệt. Lại nữa, kinh Bồ tát Xử Thai nói: “Trong khoảnh khắc một cái búng tay, có ba mươi hai ức ức niệm. Niệm niệm thành hình. Hình hình đều có thức. Uy lực của Phật thâm nhập vào các thức vi tế nầy giúp chúng sinh đều được độ”. Lại nữa, luận Tỳ đàm gộp lại thành mười hai lớp: Một lớp gọi là sát na, hai gọi là đát sát na, ba gọi là la bà, bốn gọi là ma hầu la, năm gọi là ngày đêm, sáu gọi là nữa tháng, bảy gọi là tháng, tám gọi là mùa, chín gọi là hành, mười gọi là năm, mười một gọi là song, mười hai gọi là kiếp. Một sát na chuyển thành một niệm. một trăm hai mươi sát na là một đát sát na, chuyển thành một nháy mắt. sáu mươi đát sát na là một hơi thở. Một hơi thở là một la bà. Ba mươi la bà là một ma hầu la, chuyển thành một giây lát. ba mươi ma hầu la là 1 ngày đêm, gồm có sáu trăm ba mươi tám vạn sát na. Luật Tăng Chi nói: “hai mươi niệm là một nháy mắt, hai mươi nháy mắt lá búng tay. Hai mươi búng tay là 1 La dự. Hai mươi La dự là một giây lát. Một ngày đêm có ba mươi giây lát. Lúc ngày dài nhất có mười tám giây lát, đêm có 12. Lúc ngày ngắn nhất có mười hai giây lát, đêm có mười tám. Lúc xuân phân, thu phân, ngày đêm có giây lát bằng nhau”. Lại nữa, luận Trí Độ nói: “Ngày đêm chia làm 6, có ba mươi thì. Lúc Xuân phân, Thu phân, ngày đêm mỗi nữa có mười lăm thì. Thời gian còn lại tăng giảm khác nhau: Vào tháng năm, ngày có mười tám thì, đêm còn mười hai thì. Vào tháng mười, đêm có mười tám thời, ngày còn mười hai thì”. Theo sách Tây Quốc truyện của Pháp sư Huyền Trang nói: “Ở ngoài đời, ngày đêm chia làm tám thì (ngày bốn thì, đêm bốn thì, mỗi một thì có bốn phân). Từ khi trăng đầy đến trăng tròn gọi là bạch phân. Từ khi trăng khuyết đến không trăng gọi là hắc phân, nên vào ngày mười bốn hoặc vào ngày rằm, trăng có lớn nhỏ. Bạch phân trước, hắc phân sau, hợp làm một tháng. Sáu tháng là một hành. Mặt trời đi ở trong gọi là bắc hành. Mặt trời đi ở ngoài gọi là nam hành. Gộp hai hành nầy thành một năm. Lại chia một năm thành sáu mùa. Từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba là mùa nóng dần. Từ mười sáu tháng ba đến rằm tháng năm là mùa nóng nhiều. Từ mười sáu tháng năm đến rằm tháng bảy là mùa mưa. Từ mười sáu tháng bảy đến rằm tháng chín là mùa tươi tốt. Từ mười sáu tháng chín đến rằm tháng mười một là mùa lạnh dần. Từ mười sáu tháng mười một đến rằm tháng giêng là mùa lạnh nhiều”. Theo Phật giáo, năm có ba mùa. Từ mười sáu tháng giêng đến rằm tháng năm là mùa nóng. Từ mười sáu tháng năm đến rằm tháng chín là mùa mưa. Từ mười sáu tháng chín đến rằm tháng giêng là mùa lạnh. Hoặc năm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Theo luận trên mà tính, mười lăm đêm là nữa tháng, hai lần nữa tháng là một tháng. Ba tháng là một mùa. Hai mùa là một hành. Một hành tức là sáu tháng, là nữa năm. Hai hành là một năm. Hai năm rưởi là một song. Song do nhuận mà ra. Lấy tháng nhuận gộp với tháng gốc, gọi là tháng song. Chứ không phải là nhuận song. Nếu xét hai nhuận song trong năm năm, cứ hai năm rưỡi mới có một lần nhuận, làm sao chia đứng lẻ ra?

Gộp hết số thời gian nầy, rõ ràng kiếp có bốn loại: Một là biệt kiếp, hai là kiếp thành, ba là kiếp hoại, bốn là đại kiếp. Từ người thọ mười tuổi, tăng dần đến tám vạn tuổi. Trải qua nhiều thời gian tám vạn tuổi, rồi lại giảm dần xuống còn mười tuổi là một biệt kiếp. Vì khác với tất cả kiếp kia nên gọi là biệt. Nếu lấy sự tướng để xét kỹ hạn lượng thì theo kinh Tạp A hàm nói: “Có một thành trì chu vi một do tuần, từ trên xuống dưới cũng thế, đều chất đầy hạt cải. Cứ một trăm năm lấy bớt một hạt, đến khi hạt cải hết sạch mà kiếp vẫn còn”. Xét ra, đây cũng là kiếp biệt. Nếu căn cứ vào đại kiết thì lấy thành trì chu vi tám mươi do tuần làm hạn lượng. Kinh Lâu Thán nói: “Lấy hai sự tướng nầy để luận về kiếp: Một là có một thành trì lớn, từ Đông sang Tây dài một ngàn dặm, từ Nam đến Bắc dài bốn ngàn dặm, chất đầy hạt cải. Cứ một trăm năm chư Thiên xuống một lần, lây bớt một hạt, đến khi hạt cải hết sạch mà kiếp vẫn còn. Hai là có một tảng đá lớn, chu vi bốn mươi dặm vuông. Cứ một trăm năm, chư Thiên xuống một lần, lấy áo sa mỏng phủi qua một lượt, đến khi tảng đá mòn hết mà kiếp vẫn còn”. Đấy cũng nên xem là kiếp biệt. Thứ hai là kiếp thành có bốn mươi kiếp biệt, kiếp hoại cũng thế. Sở dĩ như thế là vì thời gian thế gian thành là hai mươi biệt kiếp. Thời gian trụ là hai mươi biệt kiếp. Thời gian hoại là hai mươi biệt kiếp. Thời gian không là hai mươi biệt kiếp. Trong đó, đem trụ hợp với thành, đem không hợp với hoại, nên mỗi kiếp nầy có bốn mươi biệt kiếp. Gộp cả hai kiếp thành, hoại nầy lại gồm có tám mươi biệt kiếp, là một đại kiếp. Nếu triển khai ra, đặc biệt có sáu kiếp: Một là biệt kiếp, hai là kiếp thành, ba là kiếp trụ, bốn là kiếp hoại, năm là kiếp không, sáu là đại kiếp. Nếu tóm tắt lại thì có ba kiếp: Một là tiểu kiếp, hai là trung kiếp, ba là đại kiếp. Tiểu kiếp là biệt kiếp. Trung kiếp là kiếp thành hoại. Đại kiếp tiếp theo là gộp kiếp thành và kiếp hoại lại. Trong cõi dục giới, thọ một kiếp là tiểu kiếp. Trong ba cõi Trời Sơ Thiền, thọ một kiếp là trung kiếp. Từ cõi Trời Nhị Thiền trở đi, thọ một kiếp là đại kiếp.

Theo tục ngoại quốc, phép toán có sáu mươi số. Vượt ngoài số sáu mươi nầy thì không thể tính đếm được, nên gọi là A Tăng Kỳ. Đấy là tính số năm làm kiếp lượng. Từ số một đến số sáu mươi, gọi là kiếp A Tăng Kỳ. Đấy là kiếp lượng của đại kiếp. Thế nên luận Trí Độ nói: “Lấy thành trì một trăm do tuần làm kiếp lượng, mỗi trăm năm lượm một hạt cải nên mới thí dụ lấy áo trời Ca thi la, mỗi trăm năm phẩy qua một lượt. Lấy bàn thạch một trăm do tuần làm kiếp lượng, ấy đều là tính toán kiếp lượng của đại kiếp. Khi xét về một ngàn đức Phật ra đời trong một đại kiếp của thế giới Tát Ha (xưa gọi là thế giới Ta Bà) đến tên Kiếp ba thì không thể lấy thời gian mà tính nổi, nên phải mượn các thứ bàn thạch, thành trì hạt cải chấp nhận làm một kỳ hạn thời gian, tức là trong đại kiếp ấy đã bao hàm đủ cả bốn kiếp thành, trụ, hoại, không vậy. Cũng như trên, từ mười tuổi tăng đến tám vạn tuổi, lại từ tám vạn tuổi xuống còn mười tuổi, trải qua hai mươi biệt kiếp trở lại một tiểu kiếp, hai mươi Tiểu kiếp là một kiếp thành. Lấy năm mà tính, thì trải qua tám ngàn vạn vạn ức tám trăm vạn năm, cũng chỉ là một tiểu kiếp thôi. Nay kiếp thành đã qua, bắt đầu vào kiếp trụ, lại trải qua tám Tiểu kiếp, đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ là vị Phật thứ tư xuất thế trong kiếp tụ nầy. Chín mươi sáu đức Phật còn lại sẽ lần lượt xuất thế về sau”.

Theo Tây Quốc truyện của Pháp sư Huyền Trang nói: “Đo về số lượng là du thiện na (xưa gọi là do tuần, còn gọi là du xà na hay do diên, đều hơi sai). Du thiện na là quãng đường nhà vua đi trong một ngày vào thưở trước. Xưa truyền một du thiện na là bốn mươi dặm. Tục của nước Ấn Độ là ba mươi dặm. Phật giáo quy định chỉ ba mươi dặm. Cho nên luận Tỳ đàm nói: “Bốn cánh tay là một cung, năm cung là một câu lô xá, tám câu lô xá là một do tuần. Một cung dài tám thước, năm trăm cung dài bốn trăm trượng. bốn trăm trượng là một câu lô xá. Một dặm có basáu mươi bước. Một bước có sáu tấc. Gộp hai trăm mười sáu trượng là một dặm. Hai dặm có bốn trăm ba mươi hai trượng. Tính năm trăm cung có bốn trăm trượng là một câu lô xá, còn thiếu ba mươi hai trượng trên mới đầy hai dặm. Cứ tính một câu lô xá non hai dặm, tám câu lô xá non mười sáu dặm là một do tuần”. Nếu tính theo kinh Tạp Bảo, một câu lô xá có năm dặm. Tính theo luận Tỳ đàm, tám câu lô xá là một do tuần, có bốn mươi dặm.

Thứ ba: PHẦN KIẾP HOẠI

Theo kinh Trường A hàm nói: “Thế nào là giới hạn của Tam tai? Nếu khi hỏa tai xảy ra, đến Trời Quang Âm là giới hạn. Nếu khi thủy tai xảy ra, đến Trời Biến Tịnh là giới hạn. Nếu phong tai xảy ra, đến Trời Quả Phật là giới hạn. Khi Tam tai sắp xảy ra, người thế gian đều theo Chánh pháp, Chánh kiến đều không bị đảo lộn, mọi người đều tu hạnh Thập thiện. Khi thật hành pháp này, có người chứng được quả Nhị Thiền, liền phóng thân lên giữa không trung trụ ở Thánh nhân đạo, Thiên đạo, Phạm đạo, lớn tiếng tuyên bố: “Nào! Chư hiền nên biết rằng thứ hai Thiền không giác không quán làm cho người an lạc”. Nghe xong lời nầy mọi người liền tu pháp không giác không quán. Khi thân hoại, mệnh chung sinh lên Trời Quang Âm. Lúc ấy chúng sinh ở địa ngục sạch tội, mệnh chung sinh vào nhân gian. Lại tu pháp không giác không quán, sinh vào Trời Quang Âm. Giới súc sinh, ngạ quỷ, a tu luân, thậm chí lục dục đều sinh vào Trời Quang Âm. Bấy giờ, Trước là địa ngục hết, sau là súc sinh hết, kế là ngạ quỷ, a tu luân, cho đến Trời Tha hóa tự tại đều hết sạch. Sau đó, người hết sạch chẳng còn ai. Thế gian nầy hủy hoại mà thành tai họa”.

Hơn nữa, luận Thuận Chánh Lý nói: “Cho đến địa ngục chẳng còn một chúng sinh. Bấy giờ, gọi là địa ngục đã hủy hoại, các chúng sinh ở địa ngục sắp thọ nghiệp báo, thì nghiệp lực đưa họ vào địa ngục ở phương khác. Theo chuẩn này biết súc sinh, ngạ quỷ cũng vậy. Người lúc ấy trong mình không có ký sinh trùng, giống thân của Phật. Nếu người ấy vào châu nầy thì có một người học pháp không có thầy dạy (vô sư pháp), nhưng đắc quả Sơ Thiền. Từ quả Sơ Thiền tuyên bố thế nầy: “Lìa dục sinh an vui, rất an vui, rất thanh tịnh”. Các người khác nghe xong đều vào Sơ Thiền. Khi mệnh chung được sinh vào Phạm Thế, cho đến chúng sinh trong châu này đều hết. Như thế gọi là đã hủy hoại người ở châu Thiệm Bộ. Hai châu Đông, Tây đều bắt chước nói thế. Chúng sinh ở Bắc châu mệnh chung đều sinh vào Trời Dục giới nhờ thiền định (tĩnh lự) hiện tiền tại cần chuyển được Thắng y, mới có thể lìa dục. Thậm chí Nhân đạo không còn một chúng sinh. Bấy giờ gọi là Nhân đạo đã hủy hoại. Nếu chư Thiên sinh vào sáu cõi Trời Dục giới, tu theo một pháp thì chứng được quả Sơ Thiền, thậm chí đều được sinh vào Phạm Thế. Bấy giờ gọi là Dục thiên đã hủy hoại. Như thế trong dục giới chẳng còn một chúng sinh nào cả. Gọi là trong dục giới, chúng sinh đã hủy hoại.

Bấy giờ trong Phạm Thế có một chúng sinh, học pháp không có Thầy dạy, nhưng chứng được quả Nhị Thiền. Từ định ấy, tuyên bố thế nầy: “Định sinh hỷ lạc, rất an vui, rất an tĩnh”. Các cõi Trời còn lại nghe xong, đều chứng được quả Nhị Thiền ấy. Khi mệnh chung, đều được sinh về cõi Cực Quang Tịnh, thậm chí chúng sinh trong cõi Phạm Thế đều hết. Như thế gọi là thế gian đã hủy hoại chúng sinh, chỉ còn khí thế gian trống không trụ lại. Tất cả chúng sinh trong thế giới của phương còn lại đều chịu tận nghiệp của ba ngàn thế giới nầy. Liền đó, dần dần có bảy vầng mặt trời xuất hiện. Các biển cạn kiệt, núi non trống trơn, đồi bãi của thế gian nầy đều bị thiêu đốt. Gió lùa lửa dậy, đốt cháy lên đến Thiên cung, cho đến Phạm cung, không còn một chút tro tàn. Chính lửa ở đây thiêu đốt cung điện ở đây, không phải hỏa tai ở chỗ khác đến đây hủy hoại. Vì tướng dẫn khởi nên nói thế này. Lửa từ phía dưới, theo gió bay lên, đốt cháy mặt đất. Nghĩa là lửa từ dục giới mãnh liệt cháy lên, vì duyên đẩy đưa, lửa rực sắc giới. Các tai họa khác cũng đều như vậy. Phải biết rằng từ khi địa ngục mới bắt đầu giảm dần cho đến khí thế gian hết thì gọi chung là kiếp hoại”.

Lại nữa, kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Từ khi trời đất bắt đầu cho đến khi kết thúc là gọi là một kiếp. Khi kiếp hủy hoại hết, hỏa tai sẽ nổi lên. Tất cả mọi người đều bỏ chánh theo tà, tranh làm thập ác. Tời lâu không mưa, cây cỏ không mọc. Từ suối nguồn sinh nước cho đến bốn con sông chảy tràn tất cả đều cạn kiệt. Sau đó rất lâu, gió thổi lùa vào đáy biển, đem thành quách lớn trên mặt đất đặt vào nhật quỹ bên núi Tu di. (Kinh Trường A hàm nói: “Lâu lắm về sau, có cơn gió đen to lớn mãnh liệt nổi lên, thổi vào đáy biển sâu đến tám vạn bốn ngàn do tuần, phân đôi nước biển, bốc các cung điện của mặt nhật đặt gió vào nhật quỹ giữa núi Tu di cách xa mặt đất bốn vạn hai ngàn do tuần, cho đến cả bảy mặt trời đều làm lần lượt như thế”. Luận Tạp Tâm nói: “Vào thời kiếp diệt, có bảy mặt trời trụ ở núi Du Càn Đà rồi từ núi nầy mà di chuyển”. Lại nói: “Phân chia một mặt trời thành bảy”. Lại nói: “Mặt trời mọc từ dưới địa ngục A tỳ, do nghiệp lực của chúng sinh gây lên”).

Khi một mặt trời xuất hiện, cây cối trăm hoa đồng loạt khô héo. Khi 2 mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển khô cạn xuống từ một trăm do tuần cho đến bảy trăm do tuần. Khi ba mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn khô cạn từ một ngàn do tuần cho đến bảy ngàn do tuần. Khi bốn mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn còn sâu bốn ngàn do tuần. Khi năm mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn chu vi ngang dọc còn bảy ngàn ngàn do tuần cho đến cạn sạch. (Kinh Trường A hàm nói: “Sau khi năm mặt trời đã xuất hiện, nước biển hóa cạn giống như sau cơn mưa xuân, hay tựa vũng nước trâu dẫm, dần dần khô cạn, không thấm ướt người”). Khi sáu mặt trời xuất hiện, bấy giờ mặt đất chia dày sáu vạn tám ngàn do tuần đều khói dậy. Từ núi Tu di cho đến ba ngàn đại thiên thế giới, luôn cả tám địa ngục lớn, không quốc độ nào không bị thiêu đốt thành mây khói chẳng còn gì. Người ta mệnh chung theo chư Thiên của núi Tu di và của sáu cõi Trời Dục. Tất cả đều mệnh chung. Cung điện đều trống trơn. Hết thảy các pháp vô thường đều không trụ lâu được nữa. Khi bảy mặt trời xuất hiện, cõi núi Tu di từ từ băng hoại cả trăm ngàn do tuần, tuyệt không còn gì. Các ngọn núi đều trống không, các của báu đều nổ tung, khói lửa chấn động đến tận Phạm Thiên. Tất cả ác đạo thảy đều sạch đẹp. Tội hết phước đến, tất cả đều tụ họp ở cõi Trời thứ mườ lăm. Từ cõi Trời thứ mười bốn trở xuống đều hóa thành tro đen. Thiên tử xa xưa đều đến ủy lạo: “Chớ sinh lòng lo sợ, cuối cùng cùng chẳng xảy ra đến đây!”. Người ta mệnh chung, sinh vào trời Quang Âm, lấy ý niệm làm đồ ăn, sáng láng tự chiếu, có chân phi hành kỳ diệu. Hoặc sinh vào các quốc độ khác, hoặc đọa vào địa ngục để chịu hết tội lỗi, lại lên các cõi Trời. Nếu chưa hết tội, lại dời đến phương khác. Không có mặt trời mặt trăng, không có tinh tú, cũng không có ngày đêm, chỉ toàn bóng tối mênh mông gọi là kiếp hỏa. Quả báo hỏa tai đưa đến sự hủy hoại này. Khi kiếp mới sắp thành, lửa mới tự tắt. Lại nổi lên mây lớn, mưa lớn đổ dần, giọt nước như trục xe. Bấy giờ các quốc độ của ba ngàn thế giới đại thiên đều ngập nước, cho đến Phạm Thiên”. Bởi thế, luận Du Già nói: “Hơn nữa, vì các chúng sinh có thể tiêu trừ hoại nghiệp, tăng thêm thượng lực và vì y theo sáu việc bị hỏa thiêu, nên lại có sáu mặt trời lần lượt xuất hiện. Các mặt trời ấy đối diện với mặt trời cũ, nhiệt lượng tăng lên gấp tư. Khi đã thành đủ bảy mặt trời, nhiệt lượng tăng lên gấp bảy. Thế nào là sáu việc bị hỏa thiêu?

+ Một là các ao ngòi lớn nhỏ, do mặt trời thứ hai làm khô kiệt.

+ Hai là sông nhỏ sông lớn, do mặt trời thứ ba làm khô kiệt.

+ Ba là ao lớn vô nhiệt, do mặt trời thứ tư làm khô kiệt.

+ Bốn là biển lớn do mặt trời thứ năm và một phần mặt trời thứ sáu làm khô kiệt.

+ Năm là do núi Tô Mê Lô và toàn cõi đất quá kiên chắc nên bị một phần mặt trời thứ sáu và mặt trời thứ bảy thiêu đốt. Khi ngọn lửa mạnh này bị gió thôi thúc, lần lượt cháy hết sức dữ dội, lan đến tận Phạm cung. Như vậy toàn thế thế giới bị thiêu hủy sạch, đến nỗi tro than và dư ảnh cũng không còn. Từ đây gọi là khí thế gian đã hủy hoại. Đầy đủ hai mươi trung kiếp hoại dĩ như thế, lại trải qua hai mươi trung kiếp trụ.

Thế nào là thủy tai? Nghĩa là qua khỏi bảy hỏa tai, rồi từ cõi thứ hai Thiền, các pháp đều sinh ra. Thủy giới nổi lên hủy diệt khí thế gian, như nước mất vị muối mặn. Thủy giới và khí thế gian này đều mất đi cùng một lúc. Mất xong như thế, lại trải qua hai mươi trung kiếp trụ.

Thế nào là phong tai? Nghĩa là qua bảy thủy tai rồi lại trải qua trải qua bảy hỏa tai. Từ thời kỳ không gián đoạn này, trong cõi thứ ba Thiền, các pháp đều sinh ra. Phong giới nổi lên hủy diệt khí thế gian. Như khi gió cạn, mọi ngọn ngành đều tiêu tan hết. Phong giới và khí thế gian mất đi một lượt. Từ sự đã hủy diệt này, lại trải qua hai mươi trung kiếp trụ. Như thế là nói gọn về thế gian đã hủy diệt. Hơn nữa, theo luận Thuận Chánh Lý nói rằng: “Ba Tam tai lớn là nước, lửa, gió nổi lên, bức bách chúng sinh phải bỏ dưới đất thấp, lên tụ họp trên trời. Trước tiên là hỏa tai nổi dậy, do bảy mặt trời xuất hiện. Có người nói thế này: “Bảy mặt trời di chuyển như chim nhạn bay, chia đường mà vận chuyển”. Có người lại nói: “Bảy mặt trời di chuyển như chim nhạn bay thành hàng cao thấp, chia đường mà vận chuyển. Mỗi hàng cách nhau năm ngàn du thiện na”. Kế tiếp là thủy tai nổi lên do đổ mưa lớn. Có người nói rằng: “Từ giữa không trung, bên cõi thứ ba Thiền hốt nhiên đổ xuống cơn mưa tro nóng”. Có người lại nói: “Từ dưới thấp, thủy giới vụt dậy bốc lên cao, nước bay tung tóe”. Ý nghĩa đúng đắn là người nói thủy tai phát sinh bên cõi thứ ba Thiền. Sau đó là phong tai nổi dậy do gió chướng va nhau. Có người nói thế nầy: “Từ bên cõi đệ tứ Thiền giữa không trung, hốt nhiên nổi lên cơn gió lốc thổi xoáy vào”. Có người khác lại nói: Từ phía dưới nổi dậy cơn gió lốc bay vù vù lên cao”. Ý nghĩa đúng đắn ở đây phải là lời trước tiên. Khi Tam tai nổi lên, thứ tự thế nào? Trước tiên, phải có một thời kỳ gián đoạn mới nổi lên bảy hỏa tai. Tiếp theo, nhất định là một thủy tai. Sau đó, không có thời kỳ gián đoạn, lại nổi lên bảy hỏa tai. Qua khỏi bảy hỏa tai này, còn có một thủy tai xảy ra. Như thế, cho đến khi đủ bảy thủy tai, lại có bảy hỏa tai. Sau đó, lại nổi lên một phong tai. Như thế, tổng cộng có tám lần: bảy lần hỏa tai và một lần thủy tai, một phong tai nổi dậy, thủy tai, phong tai đều nổi lên sau hỏa tai. Tất nhiên, hỏa tai nổi lên trước thủy tai, phong tai. Vì vậy, thứ tự của đại Tam tai đương nhiên như thế.

Vì nhân duyên nào xảy ra bảy hỏa tai mới có một thủy tai? Vì tình hình thọ lượng của Trời Cực Quang Tịnh, nghĩa là thọ lượng của Trời ấy lớn đến tám đại kiếp, nên đến đại kiếp thứ tám mới có một thủy tai. Do đó, cần biết rằng phải qua một lượt bảy thủy tai, tám lượt bảy hỏa tai. Sau đó, mới có một phong tai. Vì tình hình thọ lượng của Trời Biến tịnh, nghĩa là Trời ấy có thọ lương sáu mươi bốn kiếp, nên đến kiếp thứ sáu mươi bốn mới có một phong tai. Nếu các chúng sinh tu Thiền định có tiến bộ, thọ được quả Dị thục, thọ lượng dần dần dài hơn. Do đó, chỗ ở cũng dần dần trụ lâu hơn. Bởi vậy luận Tỳ đàm có kệ rằng:

“Bảy hỏa lần lượt qua, Sau đó mới một thủy. Bảy bảy hỏa, bảy thủy, Lại bảy hỏa, mới phong”.

Vả lại, luận Đối Pháp nói: “Như thế, phương Đông vô gián, vô đoạn, vô lượng thế giới, hoặc sắp hủy hoại, hoặc sắp thành, hoặc đang hủy hoại, hoặc hủy hoại rồi trụ, hoặc đang thành, hoặc thành rồi trụ. Như từ phương Đông cho đến cả mười phương cũng đều như vậy cả. Như thế, hoặc thế gian hữu tình, hoặc khí thế gian, do nghiệp lực phiền não mà sinh ra, do nghiệp lực phiền não tăng lên mà dựng nên, đều gọi chung là Khổ đế”.

Hơn nữa, luận Tạp Tâm có câu hỏi: “Vì sao kiếp hoại không xảy đến cõi đệ tứ Thiền?”

Đáp: “Vì Trời Tĩnh cư. Sinh vào Trời ấy là vô thượng địa, tức nhập Niết bàn ở Trời ấy. Cũng không hạ sinh xuống cõi Dưới, nên không bị số kiếp hủy diệt. Nếu trụ ở đấy, dù trải qua kiếp hoại, cũng không bị như thế. Vì phước lực tăng lên mà sinh ở cõi ấy, nên không có nhiễu loạn ở bên trong. Nếu trong cõi ấy có nhiễu loạn thì bên ngoài bị tai họa. Trong cõi Sơ Thiền ấy có lửa giác quán, nhiễu loạn, nên bên ngoài bị hỏa tai thiêu đốt. Trong cõi thứ hai Thiền có nước Hỷ nhiễu loạn, nên bên ngoài bị thủy tai cuốn trôi đi. Trong cõi thứ ba Thiền có gió hơi thơi ra, vào nhiễu loạn, nên bên ngoài bị phong tai hủy hoại”. Hỏi: “Cõi đệ tứ Thiền chưa từng có nhiễu loạn, vì sao lại chịu vô thường?”. Đáp: “ Vì bị vô thường hủy hoại trong từng sát na, nên cõi đệ tứ Thiền nhất định không hằng hữu. Khi Trời ấy sinh ra, cung điện đều dựng lên. Nếu Trời ấy mệnh chung, cung điện sẽ cùng biến mất mà thôi!”.

Thứ tư: PHẦN KIẾP THÀNH

Theo kinh Khởi Thế nói: “Bấy giờ, lại trải qua vô lượng kiếp lâu dài không thể tinh đếm ngày tháng thì nổi lên một vầng mây lớn, đến nỗi che khắp thế giới Phạm Thiên. Sau khi che khắp xong, liền đổ xuống cơn mưa lớn. Giọt nước rất thô, có giọt bằng trục bánh xe, có giọt như chày vồ. Cơn mưa trải qua hằng trăm ngàn vạn năm. Vũng nước đọng càng lớn dần, đến nỗi ngập đầy các thế giới Trời đang trụ. Nhưng vũng nước ấy được bốn ngọn gió cầm chân lại. Bốn ngọn gió nào? Một là Trụ, hai là An trụ, ba là Bất đọa, bốn là Lao chủ. Khi cơn mưa ấy dứt rồi, vũng nước đọng lại rút xuống vô lượng trăm ngàn vạn ức do tuần.

Vào lúc bấy giờ, khắp bốn phương nhất tề có gió lớn, gọi là A na tỳ la, nổi dậy thổi làm vũng nước ấy hỗn loạn không ngừng. Trong nước tự nhiên sinh ra lớp bọt lớn. Gió thổi tung lớp bọt lên giữa không trung. Trên mặt tạo thành cung điện Phạm Thiên bằng bảy loại báu vật xen kẽ thật vi diệu khả ái, ấy là vàng, bạc, pha lê, lưu ly, châu đỏ, xa cừ, mã não. Có Phạm Thiên ấy từ thế gian xuất sinh. Vũng nước lớn nầy lại rút xuống vô lượng trăm ngàn vạn ức do tuần. Cũng như trước, khắp bốn phương nổi cơn gió gọi là A na tỳ la. Do cơn gió nầy thổi tung lớp bọt, biến thành cung điện. Tường vách của Trời Ma thân giống như của Trời Phạm thân, không khác. Chỉ có màu sắc tinh thô của bảo vật thì khác mà thôi. Như vậy, kế tiếp tạo thành Trời Tha hóa tự tại, lần lượt đến Trời Dạ ma. Tất cả sáu Trời theo thứ tự tạo thành đầy đủ như Trời Phạm Thiên, không khác. Chỉ khác nhau về màu sắc tinh thô của bảo vật. Vũng nước đọng bây giờ lại tiếp tục rút xuống vô lượng trăm ngàn vạn ức do tuần, rồi ngừng lại trong vắt. Trong vũng nước ấy, từ khắp bốn phương trên mặt nước, nổi lên lớp bọt dày sáu mươi tám ức do tuần, chu vi rộng lớn vô lượng. Cơn gió lớn thổi lớp bọt lại tạo thành núi Tu di bằng bốn loại bảo vật. Cơn gió lại thổi lớp bọt trên mặt nước, tạo thành Trời Tam thập tam bằng bảy loại bảo vật. Cơn gió lại thổi lớp bọt trên mặt nước, tạo thành cung điện của thiên tử Nhật nguyệt đều bằng bảy loại bảo vật, nằm ở khoảng lưng chừng núi Tu di, cao bốn vạn hai ngàn do tuần. Do nhân duyên nầy, thế gian mới có cung điện của bảy vầng mặt nhật an trụ hiện nay. Cơn gió lại thổi lớp bọt nước lên trên mặt biển, cao vạn do tuần, giúp cho Không cư Dạ xoa tạo thành cung điện bằng pha lê. Thành quách cũng như thế. Cơn gió lớn lại thổi lớp bọt biển đến khắp bốn phía núi Tu di, mỗi phía cách một ngàn do tuần, ở dưới biển lớn, tạo nên thành trì A tu la ở khắp bốn phía, trang hoàng bằng bảy loại báu vật. Cơn gió lớn lại thổi lớp bọt trên vũng nước, tạo thành các núi báu to lớn khác. Lần lượt như thế, cơn gió lớn thổi lớp bọt nước qua khỏi bốn châu lớn, tám vạn châu nhỏ, núi chúa Tu di và tất cả các núi lớn khác ở ngoài, tạo thành vòng núi bao quanh, gọi là núi Đại luân vi, cao rộng tới mức sáu trăm tám mươi vạn ức do tuần, kiên cố, chắc chắn, làm bằng kim cương, khó phá hoại nổi. Cứ thế, cơn gió lớn thổi quật tung mặt đất, dần đào xuống sâu, đặt vũng nước đọng lớn vào giữa, trong trẻo, im lìm. Do nhân duyên nầy mới có biển cả”.

Vả lại, kinh Khởi Thế nói: “Nước của biển cả nầy, vì nhân duyên nào, mặn chát như thế, không thể ăn uống được? Điều ấy có ba nhân duyên. Ba nhân duyên nào?

+ Một là sau trận hỏa tai, trải qua vô lượng thời gian, nổi lên một vầng mây lớn ngừng lại che khắp. Sau đó, đổ xuống cơn mưa ngập cả thế gian. Nước cơn mưa lớn ấy tẩy rửa tất cả cung điện của Phạm Thiên. Kế tiếp, tẩy rửa các cung điện của Trời Tha hóa tự tại, của Trời Hóa lạc, của Trời Đâu suất, của Trời Dạ ma đâu đó xong xuôi. Trong khi tẩy rửa các cung điện ấy, các chất mặn chát đều chảy xuống. Kế tiếp, lại tẩy rửa núi Tu di, bốn châu lớn và tám vạn châu nhỏ, các núi non to lớn khác. Trong khi tẩy rửa như thế, nước mặn róc rách chảy xuống biển cả. Vì nhân duyên nầy, khiến nước của biển cả mặn chát, không thể ăn uống được.

+ Hai là các chúng sinh đại thủy thần có thân lớn sinh sống trong biển cả này, bài tiết chất đại tiểu tiện vào trong biển cả. Vì nhân duyên nầy, khiến nước của biển cả mặn chát, không thể ăn uống được.

+ Ba là nước của biển cả nầy, ngày xưa từng bị chư Tiên niệm chú, cầu cho biển cả trở thành mặn, không thế ăn uống được. Vì nhân duyên nầy, khiến nước của biển cả mặn chát, không thể ăn uống được”.

Lại nữa, luận Thuận Chánh Lý nói: “Cái gọi là kiếp thành, nghĩa là từ khi gió nổi lên cho đến khi chúng sinh mới sinh vào địa ngục. Nghĩa là thế gian này bị Tam tai hủy hoại rồi đến hai mươi kiếp trung gian chỉ có hư không. Qua khỏi thời gian lâu dài nầy, sau đó phải có các kiếp trụ, rồi mới đến kiếp thành. Tất cả chúng sinh tăng thêm nghiệp lực. Trong không trung liền có làn gió nhẹ sinh ra. Đó là tướng báo trước khí thế gian sắp thành. Gió dần tăng mạnh, thành lập các loài phong luân, thủy luân, kim luân như đã nói trước đây. Nhưng khi mới thành lập thiên cung của Đại phạm, cho đến thiên cung Dạ ma, lại nổi lên các cơn gió. Đây gọi là thành lập ngoại khí thế gian. Do nghiệp lực của chúng sinh, nghĩa là thanh tịnh trong sáng, nên lâu nay đã tụ họp chúng sinh, chư Thiên cũng nhiều. Vì cư xử xốc nổi, các phước báo giảm dần, cần phải phân tán xuống các cõi thấp. Đấy là chúng sinh đầu tiên của khí thế gian, rất thanh tịnh trong sáng, mạng chung, sinh vào cõi Đại phạm trong cung điện giữa không trung. Sau đó, các chúng sinh cũng theo kẻ ấy mạng chung, có người sinh vào thiên cung của Phạm phụ, có người sinh vào thiên cung của Phạm Thiên. Có người sinh vào thiên cung của Trời Tha hóa tự tại. Dần dần, hạ sinh xuống cho đến Nhân đạo, sau xuống đến ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục. Chiếu theo các kiếp sau, kiếp thành, kiếp hoại có sớm nhất. Nếu khi có chúng sinh đầu tiên sinh vào địa ngục vô gián thì hai mươi kiếp thành trung gian xem như đã mãn hạn. Sau nầy lại có hai mươi kiếp trung gian, gọi là Thành rồi trụ lần lượt bắt đầu”.

Luận Lập Thế A Tỳ Đàm nói: “Khi tất cả khí thế gian bắt đầu thành rồi, có hai loại giới trở nên trường cửu đó là địa và hỏa giới. Khi phong giới bắt đầu thổi, thì hỏa giới nung nấu địa giới. Phong giới thường nổi lên, thổi tất cả mọi vật, khiến thành kiên cố. Đã kiên cố rồi, tất cả bảo vật đều hiển hiện. Với thời gian lâu dài như thế, sáu mươi Tiểu kiếp, rốt cuộc cũng đã trải qua”.

Hơn nữa, kinh Trường A hàm nói: “Ba giới địa này và Địa giới làm thành Tứ tai Tứ kiếp. Trừ Địa giới, nói ba là đại kiếp. Chỉ do chưa nói đến cõi đệ tứ Thiền. Vì là Trời tĩnh cư, nên có thể sinh vào vô thượng địa, liền nhập Niết bàn ở cõi ấy. Cũng không hạ sinh xuống cõi thấp, không bị kiếp số hủy diệt, nên biến thành trời đất. Trời đất trở lại ban đầu. Thật chẳng có gì. Chẳng có mặt trời mặt trăng. Đất trào lên suối ngọt, mùi vị như sữa mật. Bấy giờ, chư Thiên Trời Quang Âm, có vị phước báo đã hết, đến sinh vào đấy, có vị ham thích đến chơi đất mới. Do tính nhiều nông nổi, chọc ngón tay nếm thử ba lần, được mùi vị ngon ngọt, liền ăn hoài không thôi. Dần dần sinh da thô, mất thiên chân đẹp đẽ. Thần túc sáng láng, hóa ra hôn ám tối tăm. Sau đó, có cơn gió đen thổi vào nước biển ấy, nổi lên hai vầng nhật nguyệt, rồi đem đặt vào nhật quỹ bên núi Tu di. Cả hai nhiễu quanh núi Tu di, chiếu sáng khắp bốn châu. Bấy giờ, mọi người thấy nhật nguyệt lên thì hoan hỷ, thấy lặn xuống thì lo sợ. Từ đấy về sau, ngày đêm, sáng tối, Xuân Thu, năm tháng xoay vần, hết rồi lại bắt đầu. Khi kiếp mới hành, chư Thiên giáng hạ, trở thành người thảy đều hóa sinh. Thân thể sáng láng tự tại, thần túc bay lượn. Chưa có nam, nữ, tôn ti, mọi người cùng nhau chung sống, nên mới gọi là chúng sinh. Có đất tự nhiên, mùi vị như bơ sữa, hay như sữa tươi, ngon ngọt như mật. Sau đó chúng sinh chọc tay nếm thử, liền sinh quen mùi vị, dần thành đoàn thực. Sáng láng bớt dần, chẳng còn thần thông. Kẻ ăn nhiều vị đất, nhan sắc khô héo. Kẻ nào ăn ít, nhan sắc tươi mát, liền sinh hơn thua. Vì nhân duyên hơn thua, liền sinh phải trái. Vị đất hết dần, mọi người đều buồn phiền, thở than, cho là tai họa. Vị đất không còn, lại sinh váng đất, giống như bánh mỏng. Váng đất đã hết, lại sinh da đất. Da đất hết nốt, theo kinh Tăng nhất A hàm, lại sinh mỡ đất tự nhiên, vị ngọt giống như rượu nho”.

Vả lại, kinh Lâu Thán nói: “Mỡ đất hết sinh, lại sinh hai dây nho, mùi vị cũng ngọt. Lâu lâu ăn nhiều, cùng ôm nhau cười. Hai dây nho hết sinh, lại sinh gạo có cám, không có trấu. Không thêm gia vị, vẫn đủ mùi ngon. Chúng sinh ăn vào, sinh ra hình thể nam nữ”. Lại nữa, kinh Tăng nhất A hàm nói: “Các thiên tử bây giờ có nhiều ước muốn về tình dục, liền thành ra người nữ, nên mới có tên vợ chồng. Về sau chúng sinh dâm dục càng tăng, vợ chồng bèn ở chung. Các chúng còn lại, phước thọ sắp hết. Sau khi lìa Trời Quang Âm, đến sinh tại đây, ở trong bào thai của mẹ, nhân đó, thế gian mơi có sinh ở bào thai. Bấy giờ, xây dựng thành lớn Chiêm bà cho đến tất cả các thành quách khác. Gạo cám tự nhiên, sáng cắt chiều chín, chiều cắt sáng chín. Cắt xong liền sinh lại”.

Còn nữa, theo kinh Trung A hàm nói: “Hạt gạo dài bốn tấc, chưa có gié, có cọng. Bấy giờ, có chúng sinh cắt về để dành làm lương thực ăn đủ suốt ngày. Như thế, chúng sinh bắt chước nhau, đến nỗi lấy gạo về để dành làm lương thực ăn đủ năm ngày. Dần dần, sinh ra gạo có vỏ trấu. Cắt xong không mọc lại nữa, thành ra có cây khô. Bấy giờ, chúng sinh áo não, khóc lóc. Mỗi người rào ngăn nhà đất, lúa gạo để làm ranh giới. Bọn họ cất giấu lúa gạo của mình, rồi đi ăn cắp ruộng lúa của kẻ khác. Không tài nào giải quyết nổi tranh chấp, nên cùng nhau bàn bạc lập ra một người làm chủ, công bằng giúp đỡ người dân, thưởng thiện phạt ác. Do đó, mới có các loại dao gậy tra khảo giết chóc. Đây là nguyên nhân của sinh lão bệnh tử. Vì có ruộng đất dẫn đến tranh tụng, nên mỗi người đều cắt bớt phần mình, đem cung cấp cho người chủ. Bởi thế, mới tuyển chọn một người, hình dung uy nghi, có nhiều tài đức, mời lên làm chủ. Nhờ thế mới có danh hiệu dân chủ, danh từ điền trạch, nhà cửa. Từ đây, thiên hạ ấm no, an lạc không thể nói hết. Dân chủ kính tuân thập thiện, thương xót nhân dân như cha mẹ yêu con. Nhân dân tôn kính dân chủ như con kính cha. Thiên hạ tuổi thọ lâu dài, no ấm an lạc vô tận”.

Lại nữa, theo luận Thuận Chánh Lý nói: “Vì bắt đầu ăn lối đoàn thực nên thân thể dần dần cứng cỏi nặng nề. Vẻ sáng láng biến mất, khí hắc ám phát sinh. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú từ đấy xuất hiện. Bởi dần dà ham mê mùi vị nên vị đất lẫn trốn. Từ đấy, có bánh da đất sinh ra, mọi người tranh nhau ham mê ăn lấy. Bánh da đất lại lẫn trốn. Bấy giờ, lại có sắn rừng xuất hiện, mọi người tranh nhau ham mê ăn lấy. Sắn rừng lại lẫn trốn. Có loại lúa thơm không cấy mà tự mọc lên, mọi người tranh nhau cắt về làm thức ăn, thức ăn này thô tạp nên cơ thể đọng lại cặn bã. Vì muốn tẩy trừ cặn bã nên sinh ra hai đường bài tiết, nhân đó mới sinh ra bộ phận sinh dục nam nữ. Do hai bộ phận nầy khác nhau nên hình dáng cũng dị biệt. Do nghiệp lực thúc đẩy, nên nam nữ cùng thích nhìn ngắm nhau, nhân đó mới sinh ra điều xằng bậy. Thậm chí còn do trộm cướp gây tội lỗi nên mọi người cùng nhau tuyển chọn một người có đạo đứng ra làm chủ. Mỗi người trích ra một phần sáu hoa lợi thu được mướn nhờ bảo vệ, phong làm Điền chủ. Nhân đó mới đặt ra tên Sát đế lợi. Đại chúng đều khâm phục. Sát đế lợi ban ơn dẫy đầy khắp đất nước, nên lại gọi tên là Đại vương. Bấy giờ, chưa có nhiều vị vương, so với các vị vương về sau, vị Đại vương này có trước tiên”.

Hơn nữa, kinh Trường A hàm nói: “Phật bảo Tỳ kheo có bốn sự kiện lâu dài vô lượng vô hạn, không thể lấy số ngày, tháng, năm ra tính toán được. Đó là bốn sự kiện gì?

+ Một là khi Tam tai ở thế gian manh nha nổi lên, hủy diệt thế gian nầy, có thời kỳ trung gian lâu dài, không thể lấy ngày, tháng, năm ra tính toán được.

+ Hai là khi thế gian nầy hủy diệt xong, có thời kỳ trung gian trống không, không có thế gian lâu dài, xa xôi không thể lấy ngày, tháng, năm ra tính toán được.

+ Ba là trời đất mới bắt đầu sắp thành hình, có thời kỳ trung gian lâu dài, không thể lấy số ngày, tháng, năm ra tính toán được.

+ Bốn là khi trời đất thành rồi trụ, lâu dài không hủy diệt, không thể lấy số ngày, tháng, năm ra tính toán được.

Đấy là bốn sự kiện lâu dài, vô lượng vô hạn, không thể lấy số ngày, tháng, năm ra tính toán được”. Tụng rằng:

“Trăm tuần hạt dễ hết,
 Tam tai xét cũng qua.
 Lửa đá không thường sáng,
 Điện trời chẳng lóe hoài.
 Đói quá cùng xâu xé,
 Binh đao nổi rộn trời.
 Bệnh dịch chữa không khỏi,
 Rên la chỉ nhọc lời.
 Thân thích không hề cứu,
 Quyết hại chút tàn hơi.
 Khuyến văn đầy giỏ phí,
 Vui theo phú quý mồi.
 Than thở vô thường chóng,
 Buồn đau khổ nghiệp vùi.
 Sinh diệt hằng thôi thúc,
 Bức bách chẳng yên nơi”.
 

Từ Ngữ Phật Học Trong: Thiên Thứ 1: Kiếp Lượng