Tâm oán hận, đố kị đều liên quan mật thiết đến tâm sân hận tuy nhiên giữa chúng vẫn có nhiều điều khác biệt. Đố kị là tâm lí ghen tức, không thích người khác có được những gì mà mình nghĩ “cái đó đáng lẽ phải là của mình”, nói chung đố kị là không thích người khác có điều tốt, ví dụ khi bạn thấy người khác có xe hơi, có nhà đẹp trong khi mình không có, bạn sẽ ghen ăn tức ở, đâm bị thóc chọc bị gạo để thỏa lòng ghen tức. Còn oán hận là cảm giác bất công vì những gì mình nhận được quá bọt bèo so với những gì mình đã bỏ ra; ví dụ khi bạn thấy người khác dùng tiền có thể đẻ ra tiền, họ kiếm tiền rất dễ, rất nhiều trong một thời gian rất ngắn, trong khi đó bạn phải vất vả, khó nhọc mới kiếm được một ít tiền. Đây là điều mà hầu hết mọi người đều cảm thấy bất công, cảm thấy mình bị ấm ức, tâm lí oán hận bắt nguồn từ những suy nghĩ như thế.
Oán hận là hiện tượng mất thăng bằng tâm lí, cho rằng một đối tượng, một sự việc thậm chí cả cuộc đời này đã không đối xử công bằng với mình. Có người oán trách ỏng trời đã bất công với mình rằng: Rõ ràng mình làm việc thiện sao lại chỉ mỗi mình chịu khổ, tại sao toàn những chuyện bất hạnh xảy ra với mình mà không xảy ra với người khác? Tại sao người tốt không được quả báo tốt ngược lại người xấu lại toàn gặt hái hết quả tốt này đến quả đẹp khác?...
Những người có tư tưởng như thế thường nghĩ rằng chế độ nhà nước, môi trường xã hội, bạn bè thân thuộc đều trở mặt với mình và dường như trăm vạn điều sai trái đều do người khác gây ra còn bản thân họ luôn là số một. Tâm lí mất thăng bằng này là cội nguồn của sự oán hận, là nguồn gốc của bất hạnh và đau khổ cho người đó.
Tình thân như ruột thịt, máu chảy ruột mềm là những câu nói thể hiện tình cảm thân thuộc, máu mủ trong quan hệ gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, do nhiều mối quan hệ lợi ích đan xen nên không ít gia đình xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Những lúc như thế nếu không biết cách hòa giải thì mâu thuẫn, xung đột sẽ ngày càng lớn. Có lúc, chuyện xích mích mâu thuẫn với người ngoài còn ít hơn là người thân trong gia đình. Ví dụ, những người làm mẹ thường đối đãi công bằng với các con mình nhưng chỉ cần thể hiện tình cảm nhiều hơn một chút với đứa này thì đứa kia sẽ cảm thấy bất công, cảm thấy mẹ chưa chăm sóc công bằng và chu đáo từ đó hình thành ý nghĩ bố mẹ bất công, ở đâu tâm lí bất công xuất hiện thì khi đó sẽ có sự oán hận.
Tục ngữ có câu “không phải oan gia không chung nhà”, có người còn gọi vợ hoặc chồng mình là “tiểu oan gia”, điều đó có nghĩa là giữa tình yêu và hận thù có mối “duyên” gắn bó với nhau, ranh giới giữa chúng mơ hồ, khó phân biệt. Những người đã cùng chung sống với mình thì hoặc là người thân, hoặc là oan gia, nó là chuỗi ân oán trả vay không dứt, khó phân định rạch ròi nhưng nói chung thì kết oán chiếm tỷ lệ cao hơn so với kết ân vì thế kiếp sau lại tiếp tục làm người thân, kẻ oán của nhau mãi.
Phương Tây có câu ngạn ngữ “Khi bạn oán hận ai thì lúc đó bạn sẽ là nô lệ của người đó”, giao tiếp, ứng xử giữa người với người chỉ nên kết ân không nên kết oán. Một gia đình, một đoàn thể, một xã hội biết kết ân thay cho kết oán thì mọi người sẽ được chung sống trong hòa bình, hạnh phúc, nếu không thời gian bạn nghĩ đến kẻ thù nhiều hơn nghĩ về chính bạn thì sẽ biến cuộc sống thành bãi chiến trường, địa ngục. Vì thế khi bạn tiếp xúc với bất kì người nào bạn cũng đừng quên tấm lòng bao dung, đừng bao giờ nghĩ đến thù địch.