Lý Trinh Nữ, người ở Lịch Thành tỉnh Sơn Đông. Cô sớm quy y ngôi Tam Bảo, được pháp danh là Tịnh Ngộ. Từ thuở bé, Trinh Nữ đã mồ côi cha mẹ, nương ở theo anh và chị dâu. Vì cảm ngộ cảnh khổ, nên cô giữ chí không lập gia đình, ăn chay trường hơn 10 năm, song chưa được nghe biết pháp yếu.
Năm Dân Quốc thứ 13, do nữ cư sĩ Ngô Thảnh Hương tiến dẫn, Trinh Nữ đến Sơn Đông Nữ Tử Liên Xã để dự vào hội niệm Phật. Từ đó cô trì danh không xen hở, lại tiến thêm thọ giới Bồ Tát tại gia. Trước kia cô đã mang chứng lao phổi và ghẻ tràng nhọt ở cổ, hai căn bịnh này kéo dài hơn vài mươi năm, thỉnh thoảng lại làm cho phát cơn nóng lạnh, khiến Trinh Nữ chịu nhiều nỗi khổ, mỗi lúc càng thêm khô gầy. Về sau cô suy yếu đến đỗi khi đi phải vịn vào vách, song vẫn bền chí không rời câu niệm Phật.
Đến năm Dân Quốc thứ 19 vào tiết Hạ nguơn, sau khi trì danh đọc lời văn phát nguyện xong. Trinh Nữ gọi cô bạn đến trợ niệm là Tịnh Hưng bảo: "Nay thân tôi an ổn không còn thấy bịnh khổ, lòng không tham luyến, ý không điên đảo, niệm Phật được nhứt tâm. Đức A Di Đà Thế Tôn tất sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh, điều này thật đáng hân hạnh!". Trước đó ba ngày cô đã không ăn uống, chỉ chuyên giữ câu hồng danh. Lúc sắp mạng chung, Trinh Nữ để tay nơi ngực nói: "Trong đây có đóa sen, cần phải tưới bằng nước niệm Phật cho nó nở. Hoa này thuộc về công đức của tôi!". Rồi bỗng dang hai tay đưa lên nói: "Có đài vàng lớn từ phương Tây nương theo hư không lướt mây gió bay đến. Đóa sen tôi thấy nhỏ hơn kim đài. Ôi hân hạnh thay! Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát cũng đều đã xuất hiện!". Thốt xong, to tiếng niệm Phật rất cấp thiết luôn một hơi dài, rồi chấp tay nhắm mắt yên lặng mà thoát hóa.
Hơn hai giờ sau, đảnh đầu cô còn nóng.
Lời bình:
Một bậc cao đức thời xưa đã bảo: "Các sự khổ đều là thiện tri thức của người tu!". Cho nên đối với kẻ có trí huệ, biết tu hành dù cho ma chướng cũng trở thành duyên tiến đạo. Lý Trinh Nữ đã sống trong cảnh côi cút, lại nhiều năm đau bịnh kéo dài, ngoài sự chí thành nương tựa theo Phật ra tất chẳng còn hy vọng và tham luyến nào khác! Giữa đời sự họa phước ẩn nấp nhau, trong phước có họa, trong họa có phước. Cho nên người sống trong cảnh vinh quang hạnh ngộ, chớ vội tự phụ đắc ý vui mừng, kẻ chìm trong khổ lụy nhọc nhằn, cũng chớ vội lấy làm đau buồn tủi hận.