Home > Linh Cảm Ứng
Tôn Trung
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Cư sĩ Tôn Trung, người đời Tống, ở Minh Châu, sớm mộ hạnh Tây Phương, thường ăn chay giữ giới. Ông cất nhà ở phía Đông phủ thành, bên trong có đào hai cái ao, trồng hoa sen trắng. Giữa hai ao dựng một ngôi Tĩnh các, mỗi tháng họp nhiều người lại, tổ chức thành hội Niệm Phật.

Một hôm, cư sĩ thấy Phật thân hiện giữa hư không, gọi hai con cùng chạy ra, đồng chấp tay chí thành lễ bái. Giây lâu, Thánh tướng mới ẩn. Nhân đó, người đời sau gọi chỗ ấy là xóm Phật Trụ. Năm Nguyên Hựu thứ tám đời Tống, Thích Khả Cửu đã sanh về Tây Phương, trải ba ngày trở về báo rằng: "Tôi thấy có đài vàng ghi tên Tôn Trung!". Nói xong lại thoát hóa. Không bao lâu, cư sĩ mang bịnh, thỉnh hàng tăng tục một trăm người làm hội Niệm Phật. Trong lúc chúng đang tụng niệm, cư sĩ bỗng ngước nhìn lên hư không, chấp tay tỏ dáng kính thành. Rồi hai tay kiết hai ấn, an vui mà thoát hóa. Bấy giờ người trong thành đều nghe tiếng nhạc trời, ngửi thấy mùi hương lạ. Lần lần thiên nhạc thanh thao ẩn mất về Tây.

Hai người con Tôn Trung đều kế nghiệp cha, chuyên cần tu niệm. Sau cả hai cũng ngồi hướng về Tây, chấp tay niệm Phật mà mãn phần.