Lan Đài là biệt hiệu của cư sĩ Bành Hy Tốc, tự Lạc Viên. Ông ở huyện Nguyên Hòa tại Tô Châu, vốn là cháu họ của Bành Nhị Lâm cư sĩ. Năm 26 tuổi, ông đỗ Hương thí. Từ bé Lan Đài đã thích ăn chay, đến tuổi thành đồng liền trường trai được 5 năm. Kế đó bị bịnh lạc huyết, mới trở lại dùng mặn. Nhưng do nhân duyên đau bịnh, Lan Đài phát tâm tín hướng Phật thừa, giữ lục trai, hằng tụng kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày ông đều niệm Phật cầu vãng sanh, dù trong cảnh xe thuyền đi xa cũng chưa từng quên bỏ Cư sĩ từng làm 10 bài thi Hồi hướng như sau:
I
Lên xuống luân hồi mãi khổ đau,
Kiếp trần giải thoát biết chừng nào?
Ân cần sám lễ đài sen ngọc,
Bất giác thương tâm lệ rạt rào!
II
Gió nghiệp đưa người khó tự do,
Huyễn duyên vẫn khởi mối buồn lo!
Nạn tai ma bịnh thay đổi lớp,
Gần chót thương mình chẳng sớm tu!
III
Đã hay sắc tướng vẫn không hư,
Muôn kiếp tham si chửa dễ trừ !
Xét kỹ chi bằng chuyên niệm Phật,
Sáu căn thâu t hập chẳng còn dư.
IV
Ruổi dong khéo tính vẫn thua nhàn,
Hơi thở mạng người sớm liệu toan!
Còn ngại tu hành sai đạo chánh,
Đường mê vạn nẻo tối mênh mang.
V
Tịnh quán ngồi lâu bóng nhật tà,
Cảm thông Cực Lạc lộ không xa.
Mười năm lãng tử lìa quê cũ,
Một niệm hồi quang thấy cảnh nhà.
VI
Rừng thưa gió lọt nỗi tiêu cầm,
Chim hót đầu cành điệu nhã âm.
Trăm tám Bồ Đề ngày tháng niệm,
Giống sen mười trượng chẳng căn thâm.
VII
Tâm tâm nối tiếp niệm Di Đà,
Muôn việc phù vân mặc trẩy qua.
Đâu đợi mãn phần về tịnh cảnh,
Hiện tiền thân đã thoát Ta Bà.
VIII
Trần chướng khi tan hiện pháp th ân,
Hồ thu nguyệt lặng sáng trong ngần!
Bể âm thanh rộn ba ngàn cõi,
Một niệm nghe vào dứt biệt phân.
IX
Sáu chữ trừ mê, giác cũng không,
Niệm tâm niệm Phật, Phật tâm đồng.
Ngàn đời phiền não tiêu tan sạch,
Tô lạc, Dương chi thấ m mát lòng!
X
Trời người phước tạm sẽ không còn,
Xin phát Bồ Đề thệ sắt son.
Nguyện lớn Phổ Hiền đầy pháp giới,
Chưa sanh Cực Lạc dễ chi tròn!
Nhị Lâm cư sĩ thấy quyển Vãng Sanh Tập của ngài Vân Thê, sự và lời đều quá giản lược, muốn gom tìm lại những di tích vãng sanh xưa nay viết đầy đủ hơn để in ra. Lan Đài vui vẻ lãnh trách nhiệm phụ giúp, cùng vợ là Cố thị ra công sưu tầm, biên thành 9 quyển, lấy tên là Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, cho khắc bản để lưu hành. Cư sĩ lại tự tay tả một bộ kinh Pháp Hoa gần trọn năm mới xong. Ngày mùng 3 tháng 10 niên hiệu Càn Long thứ 58, ông bị bịnh rét thêm kiết lỵ rất trầm trọng. Biết mình khó thoát qua, cư sĩ từ trong phòng lần đi đến giường nằm của thân mẫu, không đề cập đến việc nhà, chỉ khuyên mẹ niệm Phật và nói: "Xin cố gắng tinh tấn, ngày kia sẽ gặp nhau ở Tây Phương!" . Ba hôm sau, trước khi mãn phần, ông cho mời Trừng Cốc hòa thượng đến nhà, cầu thọ t am quy ngũ giới và khẩn thiết phát nguyện sám hối. Cư sĩ tự nói: "Trong vài bữa trở lại đây, tôi được tịnh niệm hiện tiền, cành sen nơi bảo trì đã chắc có phần vin nắm!" . Sáng sớm ngày 13, Lan Đài bảo người nhà dời giường nằm hướng về phương Tây, trước mặt thiết tượng Phật tiếp dẫn. Cư sĩ lại cho thỉnh Trừng Cốc hòa thượng đến và thưa: "Xin nhờ thầy xưng h ồng danh và trợ niệm cho con!" Rồi nằm nghiêng bên hữu miệng lâm râm niệm Phật theo, đến chiều tối mới qua đời. Lúc ấy mùi hương lạ bay đầy nhà, ông mới vừa 33 tuổi. Nhị Lâm cư sĩ đến phúng điếu, đề tặng bài thi rằng:
Bát ngát sen thơm khắp một phương
Buông tay phút chốc lại hoàn hương .
Xương Lê chẳng biết đường Tây độ
Luống phụ năm xưa Thập nhị lang!(1)
Cố thị tên Uẩn Ngọc, cũng sớm thông tuệ, giỏi về thi văn. Năm 29 tuổi cô mang bịnh, ngồi kiết già niệm Phật mà vãng sanh.
Ghi chú:
(1) Hàn Tương Tử khi xưa, nguyên là cháu của Hàn Xương Lê tức là Hàn Dũ, tu tiên đắc đạo. Tương Tử thứ mười hai, nên cũng gọi là Hàn thập nhị lang. Biết chú mình sẽ mắc nạn, muốn cảnh giác trước để khuyên Hàn Dũ tu hành, Tương Tử đến nhà chơi, múc một chậu nước và làm phép. Giây phút nơi chậu mọc lên mười bốn cánh hoa, mỗi đóa đều có chữ, góp lại thành hai câu thi: "Vân hoành Tần lảnh gia hà tại? Tuyết ủng lam quan mã bất tiền!". Sau Hàn Dũ bị đày xa đến vùng đất Thục, ngoảnh lại thấy mây giăng ngang đỉnh non Tần, không nhìn biết quê nhà ở đâu. Trông tới trước thì tuyết phủ mờ biên ải, ngựa bị lạnh cóng chân không tiến bước được. Nhớ lại hai câu thi trước, nghiễm nhiên đúng với hoàn cảnh hiện thời, ông bỗng bàng hoàng hối hận!