Home > Linh Cảm Ứng
Từ Hy
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Từ Hy tự Mộng Bạch, người đời Thanh, nguyên là một nho sĩ. Thuở thiếu thời ông từng du ngoạn đất Sầm Điền, thấy cảnh sông núi thắ m tươi, lòng dạ thanh thoát; gặp việc trung hiếu tiết nghĩa, liền khắp tuyên dương. Tuổi trung niên mở trường dạy học ở tỉnh ngoài. Đến hơn 40, được người quen là Châu Lân Thơ tặng cho tập Long Thơ Tịnh Độ Văn, xem xong liền tin thờ Phật, lấy hiệu là Mộng Liên.

Kế tiếp ông đến am Tôn Thắng quy y với Lương Khoan hòa thượng, được pháp danh là Như Siêu. Từ đó cư sĩ giữ thập trai, lập nhựt khóa trì niệm, quyết cầu sanh về Tây Phương. Hơn 60 tuổi, Từ Hy lại nương ngài Linh Thứu Nghĩa, thọ giới Bồ Tát. Sự tu tập càng thêm tinh tấn. Bấy giờ chư Tăng ở am Sô Sư quyên tiền xây dựng ngôi Đại Thông Các, ông hết sức giúp đỡ cho đến khi lạc thành.

Năm Đạo Quang thứ 21, vào mùa hạ, cư sĩ bỗng thanh lý việc nhà, bảo gia nhơn rằng: "Người đời sống được 70, đã mừng xưa nay ít có. Ta may mắn thọ được 72 tuổi, mùa thu này mạng chung cũng đã vừa thời!" . Kế đó ông viết một thiên nhan đề là Phản Bổn Tỏa Ngôn nhắc nhở các việc khi mình sắp mãn phần. Trong ấy có đoạn nói:

"Kiếp người như gởi tạm, đã sanh tất có tử. Cái chết vẫn là việc thường của nhơn thế, nhưng vì ân tình giữa vợ chồng con cái từ đây vĩnh biệt, nên chẳng khỏi có sự kêu gọi khóc thương. Tuy nhiên phải biết sống gởi thác về, được yên ổn mãn phần là phước. Huống chi chúng ta đã tu Tịnh nghiệp, chính muốn vượt qua biển khổ, về đến cõi sen. Như thế, lúc lâm chung cần phải giữ một lòng không loạn, mới mong được ý nguyện vãng sanh. Nếu để nghe tiếng kêu khóc, tất kẻ sắp chết dễ bị tình ái kéo lôi, tâm tư rối loạn , công tu niệm lúc bình thời đều trở thành vô dụng. Cho nên, nếu quyến thuộc thương ta khóc ta, chính là ghét ta hại ta vậy! Phải ghi nhớ lúc ta sắp mãn phần, mỗi người đều nên xưng danh hiệu Phật để trợ niệm, đừng rối loạn khóc than. Sau khi ta tắt hơi, ít nhất phải hơn 4 giờ, mới được thay y phục cùng di động, càng chậm càng tốt. Thuở xưa cha của Thiệu Khang Tiết tiên sinh, cũng là trượng nhơn của ngài Y Xuyên, lúc sắp chết bảo người nhà rằng: "Phải đợi khi thành liệm xong mới được cử ai, chớ vội kêu khóc làm cho ta lạc lối!". Lời này có ghi trong quyển Khang Tiết Ngoại Truyện.

Cư sĩ có viết mấy lời chọn lọc về Thiền và Tịnh như sau: Tham thiền chẳng niệm Phật Phải như thùng lọt đáy . Thảng còn một điểm nghi Kết cuộc uổng công lực! Niệm Phật lại tham thiền Hai việc chính là một . Tham niệm dính liền nhau Chẳng thể dễ phóng dật .

Không tham cũng chẳng niệm

Đắc đạo mới bỏ pháp . (1)

Nếu chưa đến bờ kia

Biển khổ không thuyền vớt.

Mùa thu năm ấy, quả như lời đã nói, cư sĩ vương bịnh. Mỗi ngày ông cho người mời chư t ăng hoặc các liên hữu luân phiên đến nhà trợ niệm. Lại dặn trước giường thiết bàn Phật, hương đèn tiếp nối luôn. Từ đầu hạ tuần tháng 7 đến đầu hạ tuần tháng 8, suốt 30 ngày. Từ Hy không ăn cơm cháo được, chỉ uống nước gạo rang tiếp sức mà thôi. Người nhà rước y sĩ đến, ông tự biết không thể qua khỏi, kiên quyết chẳng chịu uống thuốc. Khi bịnh ngặt sắp mãn phần, cư sĩ mạnh mẽ đem hết tàn lực chấp tay niệm Phật to tiếng mà vãng sanh.

Vợ của Từ Hy là Nghiêm thị, thuở bình cư cũng trì chú niệm Phật. Đến 73 tuổi, vì vương chứng kiết lỵ, nằm liệt trên giường, song vẫn liên tiếp thầm trì niệm. Một hôm bà cảm thấy sự đau khổ nơi thân bỗng tiêu tan, chứng điếc tai từ lâu cũng dứt hẳn, nghe được tiếng lớn nhỏ gần xa. Người con là Lập Phương đem việc vãng sanh để sách tấn. Nghiêm thị bảo: "Mẹ vẫn thường niệm Phật, chưa từng tạm quên". Vào khoảng canh hai đêm ấy, bà bảo người nhà rằng: "Rạng ngày ta sẽ đi!" . Rồi ngồi dậy cầm chuỗi, lớn tiếng niệm hết một tràng, tới đó mỏi sức mới chịu nằm xuống. Đến sáng hôm sau, bà nhìn quanh thốt lời giã biệt rằng: "Đã tới thời khắc ta vãng sanh!" . Nói đoạn gượng ngồi lên, chấp tay nghiêm chỉnh. Lập Phương khuyên: "Mẹ nên đi thẳng một đường, đừng nghĩ ngợi chi cả!" . Nghiêm thị quả quyết ứng tiếng Đáp: "Được!" . Rồi niệm Phật độ mười hơi mà thoát hóa.

Bạn đồng sư của Từ Hy là Kim Đình Đống, tự Hữu Lan, người ở Tô Châu cũng chuyên tu tịnh nghiệp. Mùa đông năm Đạo Quang thứ 20, ông mang bịnh. Biết mình sắp mãn phần, ông cho người thỉnh thầy quy y là Lươ ng Khoan hòa thượng cùng vài thiện hữu đến thưa rằng: " Con đã đến bờ vực sống chết, xin thầy và các đồng bạn giúp cho thành tựu duyên sen!". Hòa thượng và đại chúng đồng thanh xưng danh hiệu Phật trợ niệm. Giây lát, ông nói: "Hiện thời con thấy trước mắt đất đai đều là bảy báu hợp thành, chân đạp bước lên mềm mại êm như bông. Những tiếng nghe bên tai đều nhiệm mầu khó diễn tả. Lại thấy xa xa về phương Tây có tám chữ sắc vàng rất phân minh". Một liên hữu cải chính nói: "Anh lầm rồi! Nay đại chúng chỉ niệm tụng có sáu chữ thôi". Kim Đình Đống đưa tay chỉ bảo: "Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật, chẳng phải tám chữ là gì?" . Độ một lúc lâu, cư sĩ lại chắp tay thưa với thầy rằng: "Đệ tử xin đi!" , rồi nhắm mắt mà hóa.

Ghi chú:

(1) Nguyên văn “Bất tham diệc bất niệm. Đắc pháp khả xả pháp”. Ý nói: Tham thiền và niệm Phật đều là phương tiện để chứng đạo pháp, cho nên không tham thiền tất phải niệm Phật. Nếu không tham cũng chẳng niệm, chỉ trừ bậc đã chứng đạo pháp mà thôi. Bậc đắc đạo mới bỏ pháp phương tiện, như người đã qua bờ kia mới bỏ chiếc bè. Trái lại, tất phải chìm trong biển khổ, không làm sao cứu vớt được.