Home > Linh Cảm Ứng
Đức Trí
Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Việt Dịch


Thích Đức Trí họ Trương, người tỉnh Hồ Bắc, lúc chưa xuất gia chuyên nghề đánh cá. Khi tuổi gần 60, ông nghĩ mình nghiệp sát quá nặng, tất khó tránh khỏi ác báo, muốn được giải cứu chỉ có cách đối trước Tam Bảo sám hối tu hành.

Năm Nhâm Tý, đầu kỷ nguyên Dân Quốc, ông đến chùa Phật Đảnh ở non Phổ Đà, cầu xin xuống tóc xuất gia. Sau khi thọ đại giới, có nhiều vị sư dạy bảo cho cách thức tu thiền. Đức Trí cũng tham cứu ít lâu, song tự biết mình căn tối chướng sâu, khó được sự lợi ích thiết thật. Kế tiếp nghe Ấn Quang pháp sư đề xướng pháp môn Tịnh Độ, sư đến đảnh lễ cầu khai thị. Sau khi nghe lời chỉ dạy, Đức Trí liền tin nhận, từ đó chuyên cần lễ bái tụng niệm, giữ thời khóa chắc chắn không trễ sót, hơn mười năm như một ngày. Tánh sư cang trực, lại cần kiệm chất phác, rất chuộng giới hạnh, lạnh nhạt cùng lợi danh. Đối với những vị t ăng có đạo hạnh , thì đặc biệt cung kính, không luận già trẻ hoặc niên lạp cao thấp, đều đảnh lễ cầu xin khai thị. Khi được của cúng dường, đều chuyển giao cho thường trụ, hoặc giúp làm những công đức lành, bên mình không chứa để chi cả. Về sau vài bạn đồng môn đem việc phiền lụy đến người về chi phí củi lửa để thiêu hóa lúc mãn phần, đôi ba phen trách móc. Bởi duyên đó sư mới dành ra 30 đồng giao cho vị t ăng tri khố nhờ cất giữ, chớ không chịu chứa để nhiều.

Mùa thu năm Bính Dần thời Dân Quốc, Đức Trí vương chứng hạ lỵ. Có người bày uống rượu ngâm với trái Vô hoa để chữa bịnh, tất sẽ mau lành. Sư khẳng khái bảo: "Tôi thà chết chứ không dám phá giới cấm uống rượu!" . Hai năm sau, bịnh ấy lại tái phát, kỳ này rất trầm trọng, thường làm dơ cả giường nệm, phải dời về Như Ý liêu để tĩnh dưỡng. Nhân vì bình sanh sư ưa kết duyên với người, nên lúc đó được vị h ương đăng có lòng tốt săn sóc, lo cơm cháo cùng lau rửa giường phòng, giặt giũ y phục chăn nệm. Đức Trí tự biết đây là do nghiệp sát sanh phát hiện, nhờ chân thật tu hành, nên chuyển từ trọng báo sang khinh báo. Vì thế nên tuy đau yếu, song sư vẫn chí tâm niệm Phật không xen hở.

Trước khi mãn phần ba ngày, căn bịnh bỗng giảm nhẹ , không còn làm nhơ uế, thần trí sư trở nên thanh tĩnh. Do Đức Trí thật ý tu trì, nên được nhiều người kính mến, hằng lui tới viếng thăm. Lúc ấy tầng lầu trên của liêu Như Ý có mấy vị t ăng đang duyệt xem Đại Tạng kinh, thấy trạng thái đó biết là sư sắp từ trần; phát tâm thay phiên nhau trợ niệm, cùng khai thị cho những điểm thiết yếu để được vãng sanh. Trước khi sư lâm chung bốn giờ, tất cả đều chuyên xưng hiệu Phật giúp phần chánh niệm cho bịnh nhân, lại trần thiết tượng Phật tiếp dẫn để trước mặt. Đức Trí vui mừng cảm tạ và chú nguyện rằng: "Cầu cho chư vị đều được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!" . Ban sơ sư niệm ra tiếng nhỏ theo đại chúng, kế đó chỉ sẽ động môi niệm thầm.

Lúc sắp đi lại trở mình nằm nghiêng bên hữu, tay mặt tự sửa ngay ngắn, tay trái do một vị t ăng giúp để xuôi theo mình, thành ra tướng nằm kiết tường. Trong tiếng xưng hồng danh của chư t ăng, Đức Trí vẫn động môi niệm Phật đến giờ phút cuối cùng, rồi nhắm mắt đi thẳng.

Mấy giờ sau, cả mình sư đều lạnh, duy đảnh đầu còn nóng. Tới khi nhập khám, toàn thân Đức Trí đều mềm dịu, trong người sạch sẽ không có mùi hôi, lại tiết ra hương thơm thanh thoảng. Gương mặt sư bình thời vẫn đen nám tiều tụy, lúc đó lại lộ nét tươi đẹp sáng nhuần. Đấy là triệu chứng sư được nghiệp chướng tiêu trừ, sanh về Cực Lạc.