Châu Quang hiệu Tây Liên cư sĩ, vốn là hàng Chư sanh ở Giang Ninh. Ông bẩm tánh thuần hậu, lạnh nhạt với lợi danh, tuy gia thế sang giàu, song tuyệt không thói khoe khoang khinh ngạo. Đến tuổi trung niên, cư sĩ trường trai thờ Phật, mỗi ngày tụng kinh Kim Cang, niệm Phật vài muôn câu nguyện sanh về Cực Lạc. Khi gặp bè bạn, sau vài lời hàn huyên liền đề xướng pháp môn Tịnh Độ, khuyên nhắc tu hành. Ông từng xuất của mình và quyên góp tiền in kinh Di Đà Sớ Sao, tự tay kiểm duyệt, cho lưu hành khắp miền Giang Hoài. Lúc lớn tuổi, thần khí vẫn khỏe mạnh, niệm Phật càng tinh tấn.
Mùa thu năm Gia Khánh thứ 22, cư sĩ mang chứng sán khí rất nặng, song vẫn trì niệm không thôi nghỉ. Chẳng mấy lúc bịnh được lành, có người hỏi đến việc đó và khen ngợi, ông bảo: "Trong khi bịnh ngặt, ban sơ tôi cũng đau đớn khó nhẫn. Kế tưởng đến thân đã là giả, thì bịnh khổ cũng không phải thật. Huống chi thân đối với tâm, sự tinh thô chia cách rõ ràng, cứ để cho thân mặc nó đau đớn, tâm ta đừng nghĩ tới và chuyên niệm Phật. Như thế thân bịnh không làm ngại đến tâm ta được. Tôi theo ý nghĩ đó mà thật hành. Trước tiên dù cố quên thân chuyên niệm Phật, song vẫn còn cảm biết đau đớn. Kế đó lần lần quên đau, nhưng lại thấy có thân cùng tâm đối lập. Sau lần lần chỉ biết có tâm, chẳng thấy có thân. Do đây không còn bị cơn đau đớn hành hạ chi phối, và bịnh cũng được lành!" . Về sau cư sĩ niệm Phật mà qua đời. Ông từng làm hơn 100 bài thi Tịnh Độ, cho khắc bản lưu hành nơi đời. Xin lược trích vài bài như sau:
I
Sớm về An Dưỡng mà ngơi nghỉ,
Đừng đối Ta Bà luận có không.
Lửa nghiệp khi hừng dùng sức định,
Niệm trần lúc khởi gắng ra công.
Nén hương siêng lễ ba ngàn Phật,
Tràng chuỗi cần chuyên một tấc lòng.
Cám nỗi mẹ hiền trông tựa cửa,
Hẫng hờ du tử chạy Tây Đông.
II
Ta Bà cõi nghiệp sự tung hoành,
Nói đến Liên Bang mộng cũng thanh.
Hơi thở chẳng vào ngàn kiếp hận,
Tấc dương dám trễ sáu thời danh.
Như gà ấp trứng liền hơi ấm,
Tợ lửa nung vàng luyện mới tinh.
Một niệm gốc tình trừ sạch hết,
Tánh chân lồ lộ khối viên minh.
Lời bình:
Đức Phật bảo: "Nỗi khổ không chi quá hơn có thân! Cho nên có thân là có tội nghiệp, có tội nghiệp tức có đau khổ. Nếu biết được thân là giả, khổ không thật, soi trở lại nguồn, thì tội khổ tiêu tan, vọng tâm cũng mất" . Biết hướng theo đường lối này, Tây Liên há chẳng phải là bậc trí đó ư?