Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp độ đời, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy, nói rộng, vô lượng vô biên, vô số pháp môn phương tiện; nói hẹp với con số lượng cũng đến tám muôn bốn ngàn. Tất cả pháp môn ấy đều tùy theo căn cơ sai biệt của chúng sinh mà Phật nói, nên chẳng đồng: Hoặc lớn nhỏ, cao thấp, hoặc khó dễ, mau chậm, v.v... Tu với một pháp môn nào chẳng hạn, chúng sinh phải dùng tự lực rốt ráo mới được liễu sinh thoát tử và siêu phàm nhập thánh.

Ngoài vô lượng, vô biên vô số pháp môn tu tự lực, Ðức Phật còn dạy thêm một pháp môn tu tự lực nương với tha lực; pháp môn này rất dễ tu, dễ chứng và hợp với tất cả thời cơ.

Ðứng về mặt thế gian mà nói, ở ngoài đời, con người ta muốn sinh sống của dễ dàng, không ai lại chẳng chọn một công nghệ dễ làm và mau phát tài. Cũng thế, đứng về mặt đạo mà nói, người Phật tử muốn được giải thoát, không ai lại chẳng lựa một pháp môn dễ tu, dễ chứng mà tu. Bởi vì, ở trong thời kỳ mạt pháp này là thời kỳ rất khó tu, Phật tử cần phải biết pháp môn nào dễ tu, dễ chứng để hành trì.

Mỗi Ðức Phật ra đời độ sinh, thời gian giáo hóa của mỗi Ngài đều chia ra làm ba thời kỳ:

1.- Thời kỳ Chánh pháp,

2.- Thời kỳ Tượng pháp,

3.- Thời kỳ Mạt pháp.

Thời kỳ Chánh pháp là lúc Phật còn tại thế; Ngài đi khắp chỗ cùng nơi giảng kinh cứu thế, thuyết pháp độ đời. Chúng sinh nào có phục đức nhân duyên lớn gặp Phật khai thị cho, thì liền chứng được quả thánh, ngàn người không sót một.

Thời kỳ Tượng pháp là sau khi Phật đã thâu thần nhập diệt, chúng sinh không còn diễm phúc gặp Phật nữa. Mặc dầu sẵn có ba tạng kinh điển của Phật lưu truyền, mà số tu đắc quả thành đạo chỉ riêng người căn tánh thuần thục, huệ nhiều, chướng ít được chứng ngộ mà thôi, nên chi sự tu hành của Phật tử ở thời kỳ Tượng pháp có phần khuy khuyết, không được toàn hảo như thời kỳ Chánh pháp.

Ðến thời kỳ Mạt pháp, là sau khi cách Phật đã lâu đời, một nỗi kinh luật xiêu lạc, Chánh pháp thất truyền, lại thêm các nhà đại diện cho Phật chỉ đạo, bậc đại thiện tri thức khó gặp, mà người học đạo phần đông là hạng nghiệp nặng, chướng dày, nên chi sự tu hành số người chứng quả rất hiếm hoi, chẳng khác nào bông xoài khi mới đơm hoa thật nhiều, mà lúc kết trái còn rất ít.

Chúng ta ngày nay ở nhằm thời kỳ Mạt pháp của Ðức Thích Ca Mâu Ni. Sự tu hành của chúng ta khó bì, khó sánh với những người ở trong hai thời kỳ Chánh pháp và Tượng pháp. Lâm vào thời buổi khó khăn như vậy, chúng ta phải chọn một pháp môn nào dễ tu, dễ chứng để cho chúng ta đi thẳng thắn một lần đến bờ giác, kẻo một khi vô thường bỏ mất thân người rồi, muôn kiếp ngàn đời khó gặp lại.

- Căn cứ vào đâu mà biết thời kỳ Mạt pháp khó tu chứng?

- Thời kỳ Mạt pháp khó tu chứng tại sự đấu tranh kiên cố mà ra. Sự đấu tranh kiên cố của chúng ta đây xét lại khởi điểm của nó ở tâm chấp ngã và chấp kiến mà có.

Chấp ngã là chấp có đây có kia, chấp có người có ta. Còn chấp kiến là chấp có phải có quấy, chấp có hay có dở, chấp có hơn có kém, chấp có khôn có dại v.v... hễ cái gì trái ý mình, thì không vừa lòng, liền nổi sân si. Chính tại sự sân si này là cái nhân sinh ra các điều phần, cãi vã và tranh đấu. Ðó là bằng cớ nghiệp nặng, chướng dày, si mê lầm lạc của chúng ta. Mà khi có phiền não, nghiệp chướng, thì tất nhiên không có trí huệ, rất khó tu chứng lắm vậy.

Ðây chúng ta mới xét qua một ít nội chướng cũng đủ thấy nó trở ngại như thế nào rồi. Còn nếu bàn về ngoại duyên, như hoài cảnh riêng của từ cá nhân, từ gia đình hay tình thế của quốc gia, xã hội và thế giới, thì còn biết bao nhiêu là việc khó khăn nữa!

- Ở trong thời kỳ Mạt pháp khó tu chứng như vậy, chúng ta có nên ngã lòng hay không?

- Tuy nhiên, chúng ta không nên ngã lòng. Chúng ta phải bình tĩnh để sáng suốt giải quyết lần lần. Biết rằng chúng ta là những người ở trong thời kỳ Mạt pháp, chính là những kẻ đã lâm vào hoàn cảnh nghèo thời cơ lẫn phương tiện, thì đáng lẽ chúng ta phải phát tâm rộng lớn và kiên cố để tu hành.

Vả lại, trong bốn phương pháp độ sinh của chư Phật như:

1/ “Pháp thí độ chúng sinh”, tức là từ kim khẩu Phật nói ra mười hai phần kinh hóa độ chúng sinh.

2/ “Thân nghiệp độ chúng sinh”, tức là chư Phật dùng ba mươi hai tướng tốt với tám mươi vẻ đẹp và hào quang của các Ngài mà hóa độ chúng sinh.

3/ “Thần thông lực độ chúng sinh”, tức là chư Phật có vô lượng đức dụng thần thông đạo lực và các pháp biến hóa dùng để hóa độ chúng sinh.

4/ “Danh hiệu độ chúng sinh”, tức là chư Phật có vô lượng danh hiệu hoặc chung, hoặc riêng, nếu chúng sinh nào biết chuyên tâm xưng niệm hồng danh của Ngài, thì một ngày kia sẽ được gặp Phật hóa độ cho.

Trong bốn pháp độ sinh của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, mặc dầu ba pháp đứng đầu đã tuần tự trôi qua với thời gian dĩ vãng chỉ còn lại pháp độ sinh thứ tư là “Danh hiệu độ chúng sinh” cho chúng ta tu hành dễ dàng, thì gẫm lại chúng ta ở trong thời kỳ Mạt pháp này chưa đến đỗi là hoàn toàn vô duyên bạc phúc đâu! Vậy chúng ta phải phát tâm rộng lớn, nỗ lực tu hành kiên cố với pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh”, tưởng lại cái kết quả đời tu của chúng ta sau này cũng không đến đỗi không hy vọng được giải thoát.

- Kinh nào nói pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh”?

- Kinh Ðại Tập Nguyệt Tạng nói: “Trong thời kỳ Mạt pháp, chúng sinh chỉ nương sức niệm Phật mà ra khỏi luân hồi”.

Kinh Vô Lượng Thọ, Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên chúng sinh nên trì danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà để thoát cõi khổ, sinh về cõi an vui, đủ duyên lành tu hành mau chứng đạo quả Bồ đề.

Kinh A Di Ðà, Ðức Bổn sư Từ phụ nói: “Tất cả sáu phương thế giới: Ðông phương, Nam phương, Tây phương, Bắc phương, Hạ phương, Thượng phương chư Phật và Bồ tát đều khen ngợi pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” và thường hộ niệm những người chuyên trì danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà”.

Kinh Bửu Tích nói: “Ðức Thích Ca Mâu Ni giảng pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” (pháp môn Trì danh niệm Phật) cho vua Tịnh Phạn với bảy vạn người tộc thuộc nghe đều phát tâm tu theo được siêu sinh về Cực lạc thế giới”

Nói tóm tắt, pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh”, tức là pháp môn “Trì danh niệm Phật” đều được nhiều kinh luận khác nói đến và tán thán công đức không thể kể xiết.

- “Trì danh niệm Phật” nghĩa gì?

- Chữ “Trì” nói đủ là “Trì cửu” nghĩa là giữ mãi không thay đổi.

Chữ Danh nói đủ là “danh hiệu” nghĩa là tên và hiệu.

Chữ Niệm nói đủ là “niệm niệm” nghĩa là nghĩ nhớ đến luôn.

Chữ Phật nói đủ là “Phật đà” nghĩa là người đã giác ngộ hoàn toàn với ba bậc giác: Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn do sự tu hành.

“Trì danh niệm Phật” là một pháp môn chuyên tu của tông Tịnh độ (một tông trong mười tông của đạo Phật) bằng cách nghĩ nhớ đến danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà không bao giờ xao lãng.

- Phải niệm như thế nào mới đúng ý nghĩa danh hiệu Phật?

- Phật là một danh từ tôn xưng những bậc giác ngộ hoàn toàn và được xem như hiện thân của các đức tính:

1.- Ðại từ nghĩa là thường ban vui cho khắp cả chúng sinh một cách bình đẳng.

2.- Ðại bi nghĩa là thường cứu khổ cho mọi loài mọi vật.

3.- Ðại hùng nghĩa là luôn luôn hăng hái về sự cứu khốn phò nguy và xây dựng hạnh phúc cho chúng sinh không biết mỏi mệt.

4.- Ðại lực nghĩa là mạnh dạn và cương quyết việc cứu tế chúng sinh không hề chán nản.

- Pháp môn niệm Phật có mấy cách?

- Trong Ðại Tạng Kinh nói: “Pháp môn niệm Phật” có trên trăm cách, mà giản tiện để thuật lại thì có bốn pháp là:

1.- Thật tướng niệm Phật,

2.- Quán tưởng niệm Phật,

3.- Quán tượng niệm Phật.

4.- Trì danh niệm Phật.

Thật tướng niệm Phật là niệm Phật bằng cách tuyệt đối, là khế hợp với bản tâm chân như. Nghĩa là hành giả trong cảnh giới này không còn chấp một quan niệm nào, hoặc năng, hoặc sở, không còn danh tự, ngôn thuyết nào cho đến cái biết không này cũng thật không, tức là chánh định hoàn toàn song song với Thiền tông.

Cách niệm Phật này cao lắm, chỉ dành riêng cho những bậc thượng căn, thượng trí dùng mà thôi.

Quán tưởng niệm Phật là niệm Phật bằng cách tưởng tượng nhớ lại những tướng hảo của Phật mà mình đã chiêm ngưỡng.

Những người mới tu, hoặc trí kém không nên áp dụng cách này sớm, vì có hại cho phần não nhiều.

Quán tượng niệm Phật là niệm Phật bằng cách chiêm ngưỡng ngay tượng Phật, nhìn rõ từ nét, từ phần các tướng tốt của Phật. Cặp mắt phải chăm chú không xao lãng, còn trong trí cứ nghĩ rằng như mình đứng trước Báo thân của Phật thật mà khởi lòng cung kính, tin, nguyện.

Trì danh niệm Phật là niệm Phật bằng cách ghi nhớ danh hiệu của Phật. Ðể tỏ lòng cung kính như chúng ta thường niệm đủ là “Nam mô A Di Ðà Phật”, hoặc là “A Di Ðà Phật” mà trong Kinh Nhật Tụng của chúng ta thường thọ trì do Ðức Bổn sư Thích Ca đã khuyên dạy.

Trong bốn cách vừa nói trên, xét kỹ, chỉ có cách thứ tư là “trì danh niệm Phật” là giản tiện và phổ thông nhất.

- Phải trì danh niệm Phật bằng âm thanh nào?

- Chúng ta có thể trì danh niệm Phật bằng:

1/ “Cao thanh niệm” nghĩa là niệm lớn tiếng. Cách này chúng ta có thể dùng mõ để phụ lực, hoặc giữ trường canh mà lấn áp tiếng động bên ngoài và đánh tan sự buồn ngủ của chúng ta.

2/ “Ðê thanh niệm” nghĩa là niệm nhỏ tiếng. Nếu niệm lớn tiếng nghe hơi mệt, thì nên dịu lại để giữ tâm khỏi sự tán loạn, giải đãi.

3/ “Kim cang niệm” nghĩa là niệm chỉ nhép môi, động lưỡi mà không có ra tiếng như hai cách vừa nói trên.

4/ Mặc niệm” nghĩa là niệm âm thầm. Ðến đây môi, lưỡi không còn động, chỉ dùng trí để nhớ câu niệm Phật mà thôi.

KINH NGHIỆM.- Chúng ta có thể dùng bốn cách trên đây mà thay đổi. Không nên cố chấp một pháp niệm nào nhất định. Nghĩa là nếu niệm thầm (mặc niệm) có hơi năng đầu, buồn ngủ, thì trở lại niệm lớn tiếng và tuần tự, hoặc đê thanh niệm, v.v...

Ngài Luật Hàng Pháp sư dạy chúng ta có thể trong khi dùng bốn cách “Trì danh niệm Phật”:

1.- Hoặc là niệm đủ sáu tiếng “Nam mô A Di Ðà Phật”.

2.- Hoặc chỉ niệm bốn tiếng “A Di Ðà Phật”.

3.- Hoặc cho câu niệm Phật theo hơi thở ra vào tùy theo sức mà niệm nhiều câu hay ít câu gọi là “Xuất nhập tức niệm”.

4.- Hoặc khi niệm Phật, luôn luôn trụ tâm nơi đỉnh đầu để tâm khỏi duyên cảnh khác mà bị tán loạn.

Ngoài ra, người niệm Phật phải chú trọng đến ý căn bản của mình, nghĩa là phải gom thâu tư tưởng lại mà đặc biệt để ý đến bốn điểm cần thiết:

1.- Phải kiên thành nghĩa là cung kính, thành khẩn, kỵ sự khinh mạn, không tôn kính.

2.- Phải thống thiết nghĩa là tỏ vẻ đau khổ, kỵ sự trống không, không thiết thực.

3.- Phải kiên chí nghĩa là ý chí vững vàng, kỵ sự gián đoạn, đứt khúc, không nối tiếp nhau.

4.- Phải chuyên nhất bấy giờ là chỉ theo một chiều, kỵ sự xen tạp lộn xộn.

Ý căn được kềm vào bốn điểm này thì các căn khác như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khó duyên ngoại mà phát thức vọng động.

Muốn cho được kết quả chắc chắn, trong khi niệm, hoặc lớn tiếng, nhỏ tiếng, chúng ta còn phải luôn luôn kiểm điểm những việc như sau:

1.- Giữ miệng niệm cho rành rẽ.

2.- Kềm hai lỗ tai nghe cho rõ ràng.

3.- Giữ tiếng niệm cho trong trẻo, đều đều.

4.- Nhất là cái ý phải cẩn mật, kim chỉ cho thật khít khao mà dày dặn đừng để một tà niệm nào xen vào.

Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật dạy chúng ta khi niệm Phật phải chăm chỉ, chẩm bẩm như mèo rình chuột, như viên tướng soái giữ cửa thành. Nếu được như thế, thì chúng ta sẽ thành công “Niệm Phật Tam muội” vậy.

- Niệm Phật có lợi ích gì cho mình và cho người không?

- Ðức Thích Ca Mâu Ni nói: “Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nói một cách khác, Ðức Phật là người đã giác ngộ sự thật, còn chúng sinh là người sẽ giác ngộ sự thật ấy sau này, nếu biết tu hành chân chính. Vì vậy, hết thảy các hành động của Phật tử phải nhắm Phật làm mục tiêu gương mẫu; nghĩa là phải thực hành các đức tính cao cả của Phật vào đời sống hằng ngày của mình.

Thí dụ: Như một người chí sĩ hằng ngày tủ đến những đấng anh hùng để khích lệ chí hướng của mình đã làm gương cho mình noi theo, thì Phật tử cũng vậy, giờ phút nào cũng đều niệm Phật để hướng Phật làm gương cho mình, lấy sự hành động của Phật để chỉ huy đời sống của mình, hy vọng tạo thành mình trở nên một bậc đại từ, đại bi, đại hùng, đại lực v.v..., tức là thành Phật. Như thế là niệm Phật có ích lợi cho mình vậy.

Khi niệm đức tính đại từ bi của Phật, thì phải áp dụng những biện pháp thiết thực và khôn khéo để bảo vệ và giúp đỡ đời sống của mọi loài. Khi niệm đức tính đại hùng lực của Phật, thì phải cực đoan, quả cảm thực hành biện pháp vị tha, lợi tha dầu phải hy sinh tài sản và thân mạng của mình đi nữa cũng không từ. Như thế là niệm Phật có ích lợi cho người, cho vật, cho chúng sinh vậy.

- Như thế nào pháp môn danh hiệu độ chúng sinh là dễ tu?

- Pháp môn danh hiệu độ chúng sinh dễ tu là vì:

1.- Lúc nào niệm Phật cũng được cả:

a) Sớm mai niệm Phật được,

b) Trưa niệm Phật được,

c) Tối niệm Phật được,

d) Khuya niệm Phật được v.v... nghĩa là không hạn cuộc thì giờ.

2.- Chỗ nào niệm Phật cũng được cả:

1/ Trong chốn già lam:

a) Trước chánh điện niệm Phật được,

b) Sau nhà Tổ niệm Phật được,

c) Trong liêu thầy niệm Phật được,

d) Hai bên Ðông lang, Tây lang niệm Phật được,

e) Trên gác chuông niệm Phật được,

g) Dưới gốc cây Bồ đề, gốc da, gốc duối niệm Phật được.

Tóm tắt, là niệm Phật không hạn định xứ sở.

2/ Trong nhà:

a) Trước bàn thờ Tam Bảo niệm Phật được,

b) Tại phòng khách niệm Phật được,

c) Tại phòng ăn niệm Phật được,

d) Tại phòng ngủ niệm Phật được,

đ) Sau nhà bếp niệm Phật được,

e) Trong phòng tắm niệm Phật được,

g) Trong phòng tiêu niệm Phật được,

h) Trong nhà sanh niệm Phật được.

Tóm tắt, bất kỳ chỗ sạch, chỗ dơ đều niệm Phật được hết. Nhưng mà nên lưu ý: Các nơi nào không được thanh tịnh, tinh khiết, thì phải mặc niệm nghĩa là niệm thầm, niệm trong tâm trí, niệm bằng ý tưởng.

3/ Ở chốn sơn lâm:

a) Trên đỉnh núi niệm Phật được,

b) Trong động, trong hang niệm Phật được,

c) Ngoài rừng, bụi niệm Phật được.

4/ Miền duyên hải:

a) Ngoài cồn, ngoài bãi niệm Phật được,

b) Trên doi, dưới vịnh niệm Phật được.

5/ Ở thôn quê:

a) Trong vườn, ngoài rẫy niệm Phật được,

b) Trong ao, đầm, ngoài đồng áng niệm Phật được.

6/ Ở thành thị:

a) Giữa chợ đông niệm Phật được,

b) Trong quán cháo, hàng cơm, lò bánh, tiệm nước, rạp hát niệm Phật được,

c) Ngoài bến xe, bến tàu niệm Phật được.

7/ Ở trường vận động:

a) Tại sân đấu cầu, đánh vợt niệm Phật được,

b) Tại hồ bơi lội niệm Phật được.

8/ Ở bãi chiến trường:

a) Trước họng súng, mũi gươm niệm Phật được,

b) Trên máy bay, dưới tàu lặn niệm Phật được,

c) Trong tiếng nổ của lựu đạn, quả bom niệm Phật được.

3.- Niệm Phật cách nào cũng được

Niệm Phật không nhất định phải một mực chắp tay cúi đầu, quỳ gối trước bàn thờ mãi, mà tha hồ đi, đứng, nằm, ngồi, bò, leo, chạy, nhảy v.v..., tùy theo hoàn cảnh. Niệm Phật cũng chẳng bắt buộc phải lớn tiếng, dài hơi luôn luôn, mà niệm mau, niệm chậm, niệm thầm, niệm có tiếng mõ, tiếng chuông, niệm vừa lần tràng (lần chuỗi), niệm đếm hơi thở ra vào (sổ tức niệm), niệm như thế nào tùy thời thay đổi, miễn là niệm niệm tiếp nối, đừng cho gián đoạn mới hy vọng đến cảnh giới “nhất tâm bất loạn”.

4.- Người hạng nào niệm Phật cũng được cả

a) Không hạn cuộc tuổi tác, kẻ bé măng sớm niệm càng hay, mà người già tàn tạ muộn niệm Phật cũng tốt.

b) Không hạn định nghề nghiệp: Người làm quan, làm thầy, làm thợ, cày ruộng, đi buôn, lập vườn, học trò, lính tráng v.v... người nào niệm Phật tâm lần sáng tỏ, không bê trễ công việc làm ăn, biết yêu nghề, biết trọng danh giá mình, không làm điều ám muội, ích kỷ hại nhân.

5.- Pháp môn tu nào cũng gồm đủ ở trong pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh”

Nhiều người tưởng rằng tu hành được thành đạo là nhờ có ăn chay, giữ giới, tụng kinh, trì chú, tham thiền, nhập định nhiều năm, chớ nghe nói niệm Phật được thoát khỏi sinh tử luân hồi ắt nghi ngờ; vì các người ấy chưa rõ pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” gồm tất cả các pháp, chưa nhận định niệm Phật tức là Giới, niệm Phật tức là Kinh giáo, niệm Phật tức là Thiền, niệm Phật tức là Phật.

Niệm Phật tức là Giới.- Chuyên trì các điều Phật cấm là giữ Giới để trị tam nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Còn chuyên trì danh hiệu của Phật là niệm Phật để trị thân tâm. Niệm Phật mãi thì thân an nhàn, tâm thuần thục. Tâm thuần thục là tâm rốt ráo; tâm rốt ráo là tâm rỗng không; ấy là niệm tánh (tánh niệm Phật). Niệm tánh với Giới tánh (tánh giữ Giới) nào có khác gì? Nên chỉ niệm Phật tức là giữ Giới vậy.

Niệm Phật tức là Kinh giáo.- Cả ba tạng kinh lớn đều bởi tâm mà ra. Nếu tâm không có Phật thì giáo vào đâu? Nhưng mà tâm ai lại không có Phật, chỉ vì mình không tự nhận đó thôi. Kinh giáo là cốt yếu cho người biết rõ lối tà mà bỏ đặng quay về đường chánh. Trì kinh mục đích để minh tâm kiến tánh; còn niệm Phật cốt yếu để trừ sạch các mối nghĩ nhầm đặng đi đến chỗ chánh niệm và chân niệm, tức là minh tâm kiến tánh, nên chi niệm Phật tức là Kinh giáo vậy.

Niệm Phật tức là Thiền, là Phật.- Lặng xem một câu thoại đầu gọi là Tham thiền. Ngồi yên xét hơi thở gọi là Tọa thiền. Tham với Tọa cả hai phương cũng đều là Thiền cả. Thiền, Phật rốt cuộc cũng là một Tâm. Thiền kia tức là Thiền của Phật; Phật kia tức là Phật trong Thiền, nên chi pháp môn niệm Phật không có trở ngại gì với pháp Tham thiền, không trái trấp gì với pháp Tọa thiền.

Vả lại lúc Tham thiền, nếu lấy sáu chữ Hồng danh “Nam mô A Di Ðà Phật” làm câu thoại đầu, niệm đi niệm lại quanh quẩn không rời, thì không cần Tham thiền mà cũng là Thiền rồi. Pháp Tọa thiền cốt nhất phải đến cõi chỉ còn một mối nghĩ cùng ứng với Tâm, rỗng rang như hư không thì đối với niệm Phật mà tới cảnh “Nhất tâm bất loạn” nào có khác gì? Nên chi niệm Phật tức là Thiền là Phật vậy.

QUYẾT NGHI.- Giả sử có người ngại rằng: Tu theo pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” tức là niệm Phật cầu sinh Tịnh độ Tây phương Cực lạc là “Tiểu thặng” có phải không?

- Pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” ở trong Kinh A Di Ðà. Bộ kinh này thuộc về loại “vô vấn tự thuyết”, không ai hỏi, Phật tự nói. Kinh A Di Ðà là kinh Ðại thặng.

Vả lại, người muốn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ phải phát tâm đại Bồ đề (rộng lớn) trên cầu cho được quả Phật, dưới mong mỏi hóa độ chúng sinh. Phát tâm rộng lớn như vậy là tu Ðại thặng.

- Người trọn đời làm ác, khi gần chết, chí tâm niệm Phật có được vãng sinh không?

- Ðược. Ngày xưa, ở Trung Quốc, đời nhà Ðường có Trương Thiện Hòa chuyên làm thịt trâu bán độ nhật. Lúc chàng bệnh nặng gần chết, thấy nhiều con trâu hiện trước mắt đòi mạng. Trương Thiện Hòa sợ hãi lắm, bảo vợ mau mau lên chùa thỉnh thầy Tỳ kheo tới cứu độ chàng.

Thầy Tỳ kheo dạy rằng: Kinh Thập Lục Quán nói: “Nếu người nào trong khi sắp lâm chung có ác tướng địa ngục hiện ra, thì phải chí tâm xưng niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà, tức thì được vãng sinh”. Vậy ngươi hãy y theo lời kinh dạy mà làm ắt được siêu độ.

Trương Thiện Hòa vâng lời chí tâm niệm danh hiệu Ðức Phật A Di Ðà. Vừa niệm ít câu, Trương Thiện Hòa tự nói rằng: “Ta thấy Ðức Phật từ phương Tây đến kìa, ta đi theo Ngài”. Nói dứt lời, Trương Thiện Hòa tắt thở.

- Ðời nay có người nghe câu Thánh giáo trong kinh rằng: “Chúng sinh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sinh về nước Ta, đến cùng mười hơi niệm Phật, nếu ai không được vãng sinh, Ta không ở ngôi Chánh giác”, rồi người ấy cả đời không lo tu hành gì cả. Người nói như vầy: “Khi gần chết ta sẽ niệm Phật mười câu cũng không muộn gì”. Như vậy có nên hay không?

- Không. Mười niệm tương tục nói suông nghe không khó, nhưng mà bắt tay vào việc làm chẳng phải dễ. Vì cái tâm của con người lăng xăng như con ngựa hoang, cái ý thức của con người lung loạn như con vượn chuyền cây, nó cứ dong ruổi mãi theo lục trần không ngừng nghỉ. Hơn nữa, khi gần chết, có biết bao nhiêu thứ khổ bấu theo thân. Nếu bình nhật không tập niệm Phật cho quen, đến cơn hấp hối thì làm gì xong được.

Vậy mỗi người nên lượng xét lại mà lo khắc niệm Phật trước hay hơn.

Kinh giáo có câu: “Chớ đời đến già mới niệm Phật, mồ hoang biết mấy kẻ thanh niên”.

Nói tóm lại, pháp môn dễ tu, dễ chứng và hợp cả thời cơ là pháp môn “Danh hiệu độ chúng sinh” thông thường gọi là pháp “Trì danh niệm Phật” mà sao gọi là dễ tu?

- Pháp môn Trì danh niệm Phật dễ tu vì:

1.- Lúc nào niệm Phật cũng được,

2.- Chỗ nào niệm Phật cũng được,

3.- Niệm Phật cách nào cũng được,

4.- Người nào niệm Phật cũng được,

5.- Pháp môn niệm Phật bao gồm tất cả các pháp môn tu khác.

Ðức Thích Ca Từ phụ đã để dành sẵn một phương thần dược chữa bệnh sinh tử luân hồi cho bầy con thơ dại dột rơi rớt trong thời kỳ Mạt pháp này. Ngài đinh ninh khuyên dạy rằng: Chúng sinh chỉ nương pháp môn niệm Phật mà được ra khỏi luân hồi. Vì pháp môn niệm Phật có những công dụng đặc biệt mà các pháp môn khác không có.

Cho hay thân người khó gặp, Tịnh độ Tây phương lại dễ sinh! Vì Ðức Phật A Di Ðà có lời thệ nguyện rộng lớn rằng: “Nếu chúng sinh nào nghe danh hiệu Ta, khởi tâm chí thành, niệm từ một niệm đến mười niệm mà Ta không tiếp độ về nước Ta, thì Ta không làm Phật”.

May mắn thay! Hiện nay chúng ta có cái thân người lại được nghe pháp môn Dễ Tu thật là chúng ta có đầy đủ phước đức nhân duyên để sau này sẽ vãng sinh về Tây phương Cực lạc thế giới. Vậy chúng ta không nên chần chờ, lần lựa gì nữa mà không chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Ðức Phật A Di Ðà, kẻo một khi thân này mất rồi, thì muôn kiếp ngàn đời khó gặp trở lại được.

Nam mô A Di Ðà Phật.

Trích từ: Pháp môn dễ tu, dễ chứng, hợp cả thời cơ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Chân, Thành, Hằng
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Pháp Môn Dễ Tu Học
Hòa Thượng Thích Hân Hiền