Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngai-That-Xoa-Nan-Da-Siksamanda-Dich-La-Hoc-Hy
Ngài Thật Xoa Nan Đà Siksamanda, Dịch Là Học Hỷ)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài là người nước Vu Điền ở phía bắc ngọn Thông Lĩnh, tài trí quảng bác, phong cách phi phàm, tinh tường kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa, biện thông các dị học thế gian. Thiên Hậu (Võ Tắc Thiên) sùng tín Phật pháp, hưng dương chánh giáo. Bà vốn tín phụng Đại Thừa, mà bộ kinh Hoa Nghiêm chưa được dịch xong. Nghe nước Vu Điền có bản chữ Phạn, nên Thiên Hậu sai sứ sang đó, thỉnh cầu chư sa môn phiên dịch. Vì vậy, Ngài mang bộ kinh này sang Trung Thổ. Niên hiệu Chứng Thánh nguyên niên (695), tại chùa Đại Biến Không ở Đại Nội, nơi Đông Bộ, Ngài khởi sự phiên dịch. Thiên Hậu đích thân đến pháp tòa, viết lời tựa. Sa môn Bồ Đề Lưu Chí (người nam Thiên Trúc), sa môn Nghĩa Tịnh đồng tụng đọc chữ Phạn; sa môn Phục Lễ, Pháp Tạng, v.v... ghi chép. Bộ kinh Hoa Nghiêm được dịch thành tám mươi quyển, đến năm 699 thì hoàn tất. Kế đến, Ngài dịch kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già vào năm 700. Thiên Hậu cũng đích thân viết lời tựa. Tại chùa Thanh Thiền ở kinh sư và chùa Phật Thọ Ký ở Đông Đô, Ngài dịch kinh Văn Thù Thọ Ký, v.v... Tổng cộng dịch được mười chín bộ. Sa môn Ba Lôn, Huyền Quỹ, v.v... ghi chép. Sa môn Phục Lễ hiệu đính lời văn. Sa môn Pháp Bảo, Hằng Cảnh, v.v... kiểm chứng nghĩa lý. Thái tử Trung Xá Cổ Ưng Phước giám hộ.

Trú tại Trường An bốn năm, nghe tin người mẹ vừa qua đời, Ngài bèn dâng sớ xin trở về bổn quốc. Quan ngự sử Hoặc Từ Quang đưa Ngài trở về nước Vu Điền. Vua Đường Trung Tông niên hiệu Cảnh Long (708), lại ban sắc lịnh cho vời Ngài trở lại kinh đô. Ngài vừa đến kinh đô, nhà vua đích thân ra ngoài cửa Khai Viễn mà nghinh đón, và sai quân mang tràng phan bảo cái để tiếp rước, cùng trang hoàng một thớt voi, thỉnh Ngài vào cung thành, trú nơi chùa Đại Tiến Phước. Rủi thay, chưa tiếp tục xúc tiến việc phiên dịch kinh điển thì Ngài bị nhiễm bịnh, rồi thị tịch vào ngày mười hai tháng chín, niên hiệu Cảnh Vân nguyên niên (710), thọ năm mươi chín tuổi. Triều đình theo pháp thức nước Vu Điền mà làm lễ trà tỳ. Hỏa táng xong, thân thể tan rụi hết, nhưng cái lưỡi vẫn còn nguyên vẹn. Môn đồ dâng sớ, cung thỉnh lưỡi của Ngài trở về nước Vu Điền, xây tháp cúng dường. Người sau xây một ngôi tháp bảy tầng nơi trà tỳ nhục thân của ngài Thật Xoa Nan Đà. Chư tăng kẻ tục gọi đó là tháp Hoa Nghiêm Tam Tạng.

Trích từ: Thần Tăng Thiên Trúc