Ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta, Dịch Là Pháp Mật)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Ngài Đạt Ma Cấp Đa vốn là người nước Hiền Đậu La La, thuộc dòng Sát Đế Lợi, tục tánh là Tệ Na Già La (gọi là Hổ Để); Ngài là người lớn nhất trong năm anh em. Cha mẹ quyến luyến không cho phép Ngài xuất gia. Tuy nhiên, Ngài dốc tín mến mộ Phật pháp, thâm nguyện xuất gia rời tục. Năm hai mươi ba tuổi, Ngài đến thành Kiện Noa Cứu Bạt Đổ (dịch là Nhĩ Xuất). Tại vùng Cứu Ni (dịch là Hoàng Sắc Hoa Viên), có một ngôi Tăng Già LamẠ nổi tiếng. Nơi đó, ngài Đạt Ma Cấp Đa được xuống tóc xuất gia. Năm hai mươi lăm tuổi, thọ giới cụ túc xong, Ngài vẫn ở lại chùa tu học ba năm. Trong chùa có một vị A Xà Lê tên là Phổ Chiếu, thông suốt kinh luận của Đại Thừa và Tiểu Thừa, thường đi hành khất, cùng tu pháp thiền. Lúc ngài Phổ Chiếu được quốc vương nước Trá Ca thỉnh cầu sang đó giảng kinh pháp, Ngài Đạt Ma Cấp Đa cũng theo qua nước đó. Một năm sau, ngài Phổ Chiếu trở về bổn quốc, còn ngài Đạt Ma Cấp Đa vẫn lưu trú nơi đó bốn năm, tại chùa Đề Bà Tị Hà La (dịch là Thiên Du). Đây là ngôi chùa mà tăng chúng Đại Thừa và Tiểu Thừa ở bốn phương đồng hội tụ đến để tu học, hầu mong sở kiến được tăng trưởng.

Thương nhân đi đường phía bắc Thiên Trúc thường băng ngang qua vùng này. Họ thường truyền tụng nhau rằng ở Đông Vực có nước Đại Chi Na (hay Chấn Đán). Mới đầu, tuy nghe tên nước đó, nhưng Ngài chưa màng để ý đến. Sau này, Ngài cùng với sáu vị sa môn khác qua nước Ca Tý Thi, trú tại chùa Vương Tự. Ngài lại cùng bốn vị sa môn khác đến và trú trong quốc thành đó hai năm liền. Trong thời gian ấy, Ngài đi khắp các tự viện để học tập kinh điển. Nước này vốn là nơi mà các thương nhân thường tụ hội, vì nằm trên tuyến đường phía bắc. Các thương nhân cũng thường kể với nhau rằng dân chúng ở nước Đại Chi Na rất tín phụng ngôi Tam Bảo. Hai lần nghe đến nước Đại Chi Na, khiến Ngài phát tâm du hành sang nơi đó để hoằng dương chánh pháp. Vì vậy, Ngài cùng với vài vị sa môn đồng hành, đến núi Tây Túc ở dãy Tuyết Sơn, nước Bạc Khư La, Ba Đa Xoa Noa, nước Đạt Ma Tất Tu Đa. Tại những nước này, tuy không trú lại lâu, nhưng Ngài hiểu rõ phong tục, nghi thức tu hành ở trong các tự viện. Ngài lại đến nước Kiệt La Bàn Đà, rồi lưu trú một năm, cũng chưa giảng kinh pháp. Ngài lại đến nước Sa Lặc. Một vị sa môn đồng hành bèn trở về bổn quốc, còn lại ba vị đồng cư trú nơi chùa Vương Tự. Ngôi chùa này do quốc vương Sa Lặc kiến tạo. Trong hai năm cư trú, Ngài vì chư tăng tại chùa đó mà giảng hai ngàn câu kệ của luận Niệm Phá để thuyết minh tam pháp ấnẠ, thuyết phá lý luận của ngoại đạo. Ngài lại giảng luận Như Thật, gồm hai ngàn bài kệ, để phá văn nghĩa và luận của thế gian.

Kế đến, Ngài sang nước Quy Từ, trú tại chùa Vương Tự trong hai năm. Ngài cũng vì chư tăng nơi đó mà giảng Thích Tiền Luận. Vốn dốc tín Đại Thừa, nên khi nghe ngài Đạt Ma Cấp Đa giảng giải bộ luận đó, quốc vương nước Quy Từ cũng được khai ngộ rất nhiều điểm, nên ngày đêm thường đến vấn đạo. Vì có tâm nguyện sang Đông Độ và không muốn lưu lại nơi đó, nên Ngài cùng với một vị tăng khác bí mật sang nước Ô Kỳ, trú tại chùa A Lan Noa, giảng luận Thông Tiền cùng kinh điển trong hai năm, rồi từ từ đến nước Cao Xương, đi tham quan các tự viện. Tại nước đó, rất nhiều tăng chúng chuyên học tiếng Tàu. Tuy ở lại hai năm, nhưng Ngài không giảng thuyết gì hết. Thứ đến, Ngài sang nước Y Ngô. Trên đường đến nước đó, Ngài cùng các vị sa môn khác vượt qua một bãi sa mạc không cỏ nước. Một số vị đồng hành vì khát nước nên phải bỏ mạng trong bãi sa mạc. Ngài cùng với những vị còn lại mang kinh luận, cố men theo đường lộ, vượt núi non để tìm nước uống. Tìm không được nước, Ngài và các vị pháp hữu bèn rán sức niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và tụng thần chú. Đến tối, trời đột nhiên đổ mưa, khiến thân tâm mọi người tràn đầy niềm vui. Khi trở lại con đường cũ, họ thấy bốn bề hoang vắng, nên bị lạc dấu tích cùng mất phương hướng. Tuy nhiên, họ vẫn tiến về phía trước, đến vùng Qua Châu. Tựu chung, trên đường đi, các vị sa môn đồng hành với Ngài, có người hoặc trở về Thiên Trúc, hoặc trú lại các vương quốc lân cận, hoặc đã mất mạng.

Trải qua bao gian nan khổ cực, cuối cùng một mình Ngài đơn độc đến kinh thành của Trung Thổ. Nghe tin Ngài đến, nhà vua ân cần tiếp đãi, tứ sự cúng dường, và thỉnh về trú tại các tự viện lớn. Vào tháng mười, niên hiệu Khai Hoàng thứ mười (590), chưa nghỉ ngơi xong, Ngài được nhà vua ban sắc lịnh phiên dịch kinh điển. Ngài sang chùa Đại Hưng Thiện, bắt tay ngay vào việc phiên dịch. Nơi đó, Ngài thường tuyên giảng nghĩa lý thâm yếu của kinh luận Đại Thừa và Tiểu Thừa. Tuy có các người theo phái cựu học nghi ngờ, nhưng Ngài vẫn hoằng hưng chỉ thú kinh luận. Tánh Ngài nhu hòa, nhân từ. Tâm chẳng rời đạo; ngôn hạnh (lời nói và hành động) tương dung. Giới đức thanh tịnh. Trí huệ thâm sâu uyên bác. Hiểu rõ tận nguồn cội kinh luận. Dung mạo đoan chánh, oai nghi hùng dũng; âm thanh đọc tụng kinh điển vang rền như sấm; lý lẽ thông trong ngoài; tánh thích cư trú nơi vắng lặng, chẳng thích tình lự thế gian; thường giáo huấn người không mỏi mệt; không màng tiền tài vật chất, khiến người chưa gặp đều sanh lòng kính phục, và khiến người gặp mặt đều khởi tâm thâm tín.

Dương Đế Định kính trọng và cúng dường Ngài thâm hậu. Vì muốn Phật pháp được hưng thịnh, ông lại ban sắc lịnh lập đạo tràng dịch kinh tại Thượng Lâm Viên ở mé sông Lạc Thủy, để Ngài phiên dịch kinh luận cùng truyền bá chánh pháp. Chư danh sĩ nhất thời đổ về tham học với Ngài. Lần nọ, một bản kinh vừa được dịch ra, có thiếu vài đoạn. Vì đã tinh tường liễu giải kinh luận thâm sâu, Ngài tự bổ túc vào để cho đầy đủ ý nghĩa. Tổng cộng, Ngài phiên dịch được bảy bộ kinh luận, hợp thành ba mươi hai quyển, như Khởi Thế Gian Duyên Sanh, Dược Sư Bổn Nguyện, Nhiếp Đại Thừa Bồ Đề Tư Lương, v.v... Văn nghĩa gọn gàng trong sáng, và yếu chỉ minh bạch rõ ràng. Những bộ kinh luận do Ngài dịch đều được xếp đặt vào bộ 'Đường Trinh Quán Nội Điển Lục'. Đến niên hiệu Võ Đức thứ hai, Ngài lại dịch thêm mười lăm quyển kinh Phổ Lạc.

Có sa môn Ngạn Tông, thông thạo tiếng Phạn Hán, dựa theo những lời trần thuật của ngài Đạt Ma Cấp Đa về những sự việc thấy nghe trên tuyến đường từ Thiên Trúc sang Trung Thổ, mà viết thành một bộ 'Đại Tùy Tây Vực Truyện'. Trong bộ truyện này chia ra làm mười thiên: 1/ phương hướng, sự vật, 2/ khí hậu, 3/ cư xứ, 4/ chánh trị, 5/ học giáo, 6/ lễ nghĩa, 7/ thức ăn, 8/ y phục, 9/ tài nguyên, 10/ núi sông, thành ấp tục lạc, dân chúng.