Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo
Tôn Giả Nhiếp Ma Đằng (Kasyapa Matanga, Ca Diếp Ma Đằng)
| Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, Việt Dịch


Tôn Giả vốn là người trung Thiên Trúc (trung Ấn Độ). Đối với cử chỉ thần thái hằng ngày, tùy thời mà lộ vẻ xuất thần, với cung cách cao quý hòa nhã. Đối với kinh điển Đại Thừa và Tiểu Thừa, Tôn Giả đều thường quán thông dung hội triệt để. Chí nguyện suốt đời là thích đi chu du các nước để hóa độ dân chúng.

Lần nọ, đang giảng kinh Kim Quang Minh tại một tiểu quốc ở Thiên Trúc, chợt có quân của nước ngoài xâm lăng tiến vào cung thành, nên Tôn Giả phải ngừng giảng kinh. Tôn Giả suy nghĩ: ỀKinh thường dạy rằng nếu thường giảng giải kinh điển Phật pháp, thì sẽ được địa thần bảo hộ, và khiến nơi cư trú đều được an lạc. Hiện tại, chiến tranh đang bộc phát. Thế thì có tương phản với việc ở trên không?

Suy nghĩ xong, Tôn Giả quên cả sự hiểm nguy, tự thân mau chóng đến hai nước, kêu gọi họ bỏ vũ khí và ngưng đánh nhau. Do oai đức của Tôn Giả, cuối cùng hai nước đều bỏ qua sự hiềm khích, và bắt tay giảng hòa. Nhờ vậy mà danh của Tôn Giả vang xa.

Hán Minh Đế (58 75), trong niên hiệu Vĩnh Bình, vào một đêm nọ, mộng thấy một điềm lạ kỳ. Trong giấc mộng, ông thấy một vị thân vàng, cao hơn một trượng sáu, lưng phóng ánh sáng mặt trời mặt trăng, bay trên không trung, đến trước cung điện. Hôm sau, Hán Minh Đế hội tất cả quần thần để bàn đoán mộng đó, xem coi có ý nghĩa gì. Thái sử Phó Nghị bốc chiêm tinh rồi tấu trình:

- Thời Chu Chiêu Vương, thời tiết có khí tượng lạ kỳ, xuất hiện những tia sáng năm màu xoay vần trên sao Thái Vi. Đương thời quan thái sử Tô Do phụng tấu: "Nhất định có thánh nhân giáng sanh tại phương tây, nên mới xuất hiện điềm cảm ứng tốt lành trên trời như vầy. Một ngàn năm sau, giáo pháp của vị thánh nhân đó sẽ được truyền sang Trung Thổ".

Nghe như thế, Chu Chiêu Vương lập tức hạ lệnh khắc việc này trên đá, để làm bia truyền mãi mãi. Giấc mộng đêm hôm qua của Điện Hạ, nếu tính theo thời gian, thì hiển nhiên có sự liên quan mật thiết. Hiện tại, Thần lại nghe rằng ở Tây Vức có đức Phật. Điện Hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là đức Phật vậy.

Nghe qua lời này, Hán Minh Đế bèn sai đoàn sứ giả mười tám người như quan Lang Trung, Tần Cảnh, Thái Hâm, Bác Sĩ, Vương Tuân v.v... do Đậu Cố (cháu ngoại của Đậu Dung, đệ nhất công thần kiến quốc của nhà Hậu Hán) dẫn đầu qua nước Đại Nhục Chi ở Thiên Trúc, để tầm cầu Phật pháp. Trên đường cầu pháp, gặp được Tôn Giả, họ bèn thỉnh cầu qua Trung Thổ hoằng hóa. Tôn Giả vốn có đại nguyện hoằng pháp, nên chấp thuận lời thỉnh cầu. Trải qua bao gian nan hiểm trở trên đường lộ, cuối cùng Tôn Giả cùng với đoàn sứ giả đồng dùng ngựa trắng chở kinh, đi đến Lạc Dương. Nhân đó, nhà vua cho lập chùa Bạch Mã tại Lạc Thành, phía tây Ủng Quan, để làm nơi cư trú cho Tôn Giả. Trung Thổ có tăng sĩ khởi đầu từ đó.

Truyện Cao Tăng ghi rằng ngôi chùa này vốn tên là Chiêu Đề, sau đổi thành Bạch Mã:

- Tương truyền có một quốc vương ngoại quốc tên là Khải Vương thường đem quân đến phá các ngôi chùa, nhưng chỉ có chùa Chiêu Đề là chưa bị phá hoại. Đêm nọ, có một con ngựa trắng đi nhiễu quanh tháp của chùa mà kêu rống bi ai. Nghe tiếng này, Khải Vương bèn ngưng hủy phá các chùa chiền, nên từ đó đổi tên chùa Chiêu Đề thành chùa Bạch Mã. Việc lập danh của các ngôi chùa, thường dựa theo phép tắc của những điềm lành.

Trên đây nói về các quốc vương ngoại quốc, đó chính là các quốc vương Ngũ Hồ làm loạn Trung Nguyên, nhưng danh tánh khó mà biết chính xác. (Pháp Bổn Nội Truyện có kể đến chùa Bạch Mã và Hưng Thánh).

Hán Pháp Bổn Nội Truyện ghi rằng sau khi tôn giả Ca Diếp Ma Đằng đến Lạc Dương, các đạo sĩ ở mười tám ngọn núi tại Ngũ Nhạc dâng sớ lên vua Hán Minh Đế, vào mồng một tháng giêng, niên hiệu Vĩnh Bình thứ 14. Họ muốn cùng tăng sĩ Phật giáo tranh tài lý luận và pháp thuật. Hán Minh Đế bèn sai quan Tống Tường, truyền dụ cho tăng sĩ Phật giáo và đạo sĩ Đạo giáo tranh tài pháp thuật tại chùa Bạch Mã. Trử Thiện Tín ở Nam Nhạc, Lưu Chánh Niệm ở Hoa Nhạc, Hoàn Văn Độ ở Hằng Nhạc, Tiêu Đắc Tâm ở Đại Nhạc, Lữ Huệ Thông ở Sùng Nhạc, cùng với 690 đạo sĩ, lập ba đàn tràng ở phía ngoài chùa: Đàn phía tây, họ bày biện phù lục thư; đàn chính giữa, họ bày biện các kinh thư của hoàng lão; đàn phía đông, họ bày la liệt các thức ăn đồ vật để cầu thỉnh quỷ thần. Chư tăng Phật giáo an trí xá lợi của Phật và kinh tượng ở bên vệ đường phía tây. Sắp đặt đâu đấy xong xuôi, các đạo sĩ bèn đọc chú thuật, làm cháy đàn tràng mà không đốt được kinh điển Phật giáo. Họ càng gắng sức bao nhiêu thì lửa càng mau tắt bấy nhiêu. Xá lợi của Phật phóng năm ánh hào quang, bay vần trên không trung. Tôn giả Ca Diếp Ma Đằng bay lên hư không hiện bao thần biến. Người xem đều khâm phục. Lưu Huệ Thông và các đạo sĩ khác, cùng phụ nữ trong nội cung khoảng 230 người, đồng phát nguyện xuất gia. Triều đình bèn ra lịnh cho xây mười ngôi chùa; dùng bảy ngôi làm chùa của tăng chúng, và ba ngôi làm chùa của ni chúng. Chùa của tăng chúng được kiến lập bên ngoài thành Lạc Dương. Chùa của ni chúng được kiến lập trong thành Lạc Dương. Một số đạo sĩ ở núi Nam Nhạc, trổ hết mọi tài năng, mà pháp lực không bằng tăng sĩ Phật giáo, nên hổ thẹn phẫn uất mà chết.

Sau khi đến Trung Nguyên, tôn giả Ca Diếp Ma Đằng cùng với tôn giả Trúc Pháp Lan phiên dịch kinh Tứ Thập Nhị Chương, năm quyển kinh Phật Bổn Hạnh, bốn quyển kinh Thập Địa Đoạn Kết, hai quyển 260 giới Hợp Dị, một quyển kinh Pháp Hải Tạng, và một quyển kinh Phật Bổn Sanh. Hiện nay, chỉ có kinh Tứ Thập Nhị Chương là còn tồn tại. Các bộ kinh khác do hai tôn giả phiên dịch, đều bị thất lạc vì binh đao hỏa hoạn. Bộ kinh Tứ Thập Nhị Chương là quyển kinh đầu tiên nhất được hai tôn giả phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Tàu.

Tương truyền, sau khi dịch xong, kinh này được triều đình cho khắc vào tạng thạch thất, rồi bắt đầu được lưu truyền. Truyện Cao Tăng ghi:

- Đầu tiên, quyển kinh này được để trong thạch thất Lan Đài thứ mười bốn (Thất Lan Đài vốn là tạng cấm thư phủ của đời Hậu Hán).

Sau này, tôn giả Ca Diếp Ma Đằng thị tịch tại chùa Bạch Mã.