Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Ton-Gia-A-Nan
Tôn Giả A Nan
Hòa Thượng Thích Minh Châu


“Phật pháp như đại hải thủy,

Lưu nhập A Nan tâm”

Tiền thân A Nan:

Trong vườn Cấp Cô Ðộc, rừng cây Kỳ Ðà, bấy giờ chúng Tỳ kheo vây quanh với nhau mà bàn luận rằng: “Không rõ hiền giả A Nan vào thời quá đã tu tập công đức gì, mà đời này, hiền giả hiểu sâu biết rộng, nhớ dai và đẹp đẽ quá vậy?”. Các Tỳ kheo nghĩ rồi bèn đi đến bạch Phật:

Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con chẳng hiểu đời trước của hiền giả A Nan đã tu tập công đức gì mà hiền giả được làm thị giả Thế Tôn, và thông minh đĩnh ngộ quá vậy? Xin Thế Tôn ân cần chỉ giáo cho chúng con sáng tỏ.

Này các Tỳ kheo, hãy lắng kỹ. Vào thời quá khứ, có một vị Tỳ kheo, nuôi một chú Sa Di, ngày ngày bắt chú phải tụng kinh và đủ thời. Vì vậy mà khi nào chú Sa Di tụng kinh đủ thời đã qui định thì vị Tỳ kheo vui vẻ, khen thưởng cho chú Sa Di, còn khi nào bận công việc mà chú Sa Di tụng trễ hoặc thiếu thời khóa thì vị Tỳ kheo ấy buồn hiu, và quở trách chú Sa Di nữa.

Vì trách nhiệm như vậy nên lúc nào chú Sa Di cũng lo lắng và sợ sệt, vì ngoài công việc tụng kinh ra, chú còn phải đi khất thực suốt buổi sáng nữa. Có khi đàn việt vui lòng cúng dường nhiều thì được về sớm, rồi lo tụng kinh. Còn khi nào ít người cúng dường thì chú phải đi khất thực cho đủ hai phần ăn, như vậy là đã trưa rồi, làm sao tụng kinh được nữa. Vì vậy ăn thì mất tụng, được tụng thì mất ăn.

Thực tế đã xảy ra là hôm nay chẳng may ít ai cúng dường quá, nên chú về trễ, đành bỏ thời tụng buổi sáng, vì vậy mà bị thầy quở trách, buồn quá sang ngày hôm sau, vừa đi khất thực vừa khóc. Khi ấy, gặp ông Trưởng giả, ông ta Hỏi:

Có việc gì mà chú lại khóc lóc vậy?

Thưa trưởng giả, thầy tôi thật nghiêm khắc, bắt tôi phải tụng kinh đủ thời giờ thầy tôi đã qui định, nhưng khổ nỗi, tôi còn phải đi khất thực nữa, ngày nào đàn việt thương nhiều thì tôi được về sớm và tụng kinh đầy đủ, còn chẳng may ít người bố thí thì tôi phải trở về trễ, như vậy là bỏ mất thời tụng kinh và chắc chắn bị thầy quở trách, vì vậy mà tôi buồn tôi khóc.

Tưởng gì chứ thầy muốn chú sốt sắng tu hành như vậy thì tốt quá. Ðược rồi, kể từ nay về sau, đến giờ chú cứ đến nhà tôi lấy thức ăn về cho hai thầy trò đủ dùng, còn hầu hết các thì giờ chú cứ việc lo tụng kinh niệm Phật cho đúng thời khóa đã qui định, đừng buồn việc khất thực xin ăn gì nữa.

Như vậy kể từ hôm đó, tới bữa chú Sa Di mang bình bát tới nhà ông trưởng giả để mang đồ ăn về cho hai thầy trò dùng, còn bao nhiêu thì giờ chú đều chuyên tâm trong việc tụng kinh niệm Phật tu hành đầy đủ, nhờ đó mà cả hai thầy trò đều vui vẻ.

Ðến đây, Ðức Thế Tôn nhắc lại:

Này các Tỳ kheo, các thầy biết không, vị Tỳ kheo của chú Sa Di đó chính là Ðức Phật Ðịnh Quang, ông trưởng giả cúng dường thức ăn, hàng ngày chính là Ta, còn chú Sa Di tụng niệm đó chính là A Nan bây giờ.

A Nan nhờ phước báu tụng kinh đời trước mà đời này trí tuệ đa văn, nhớ rõ từng câu kinh chẳng sai một chữ và thừa Phật trùng tuyên giáo pháp.

Thân thế:

A Nan chào đời trong đêm Phật thành đạo, nên còn có tên là Khánh Hỷ, thuộc dòng dõi quý tộc, nơi vương cung của vua Bạch Phạn, là em ruột của Ðề Bà Ðạt Ða mà cũng là anh em chú bác của Thế Tôn.

Trong hạng đồng thời đó, Ngài A Nan là người nhỏ tuổi nhất, nếu so với La Hầu La thì còn nhỏ thua nửa số tuổi.

Là một Thế tử được vua cha chiều chuộng, bảo bọc, đời sống vương giả chẳng thiếu một món gì, nhưng đối với tánh tình thuần hậu, hoan hỷ đó, A Nan không quyến luyến những vật dục, sang giàu của hoàng cung, cùng chơi đùa với chúng bạn chẳng phân giai cấp. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng với tư cách một con vua, bẩm tính sẵn có lúc nào A Nan cũng vui vẻ, hiền hòa, dễ thương đáo để.

Vì đời sống của một phước báo tiền kiếp xa xưa, nên đã trưởng thành A Nan một con người khôi ngô, tuấn tú. Về sau này, có thể nói trong hàng đệ tử Phật, A Nan là người đẹp đẽ, đoan trang nhất, với thân hình cân đối, nét mặt hào hoa, tươi nhuận, lúc nào cũng tỏ ra dễ dãi với mọi người. Vì sự đẹp trai và tánh tình dễ dãi ấy mà sau này có lắm chuyện rắc rối đã đến với A Nan.

Gia nhập Tăng đoàn:

Ngày Thế Tôn trở về thăm Ca Tỳ La Vệ đầu tiên, trong dáng đi trầm hùng, sắc diện trang nghiêm, dung mạo rực rỡ, chiếu diện như vầng trăng lồng lộng giữa khoảng trời bao la, đã soi sáng mọi vật, cảm hóa được lòng người. Chú bé A Nan nhìn say sưa dung nhan thậm kỳ diệu, sắc diện như núi vàng đoan nghiêm của Thế Tôn cảm thấy chấn động tâm linh, bèn vào trình vua cha xin đi xuất gia theo Phật cùng với bảy vương tử thời bấy giờ. Ðược vua cha chấp nhận, trong lòng hoan hỷ vô cùng, như vậy kể từ đây A Nan theo sát chân Phật, là một người tùy tùng thân cận với Ðức Thế Tôn, và sau này, chẳng bao lâu được đại chúng cử làm thị giả hầu hạ Phật.

Thị giả:

Bấy giờ, các Tỳ kheo, Trưởng lão thượng tôn danh đức, đại đệ tử của Phật được mọi người hiểu biết: Tôn giả Câu Lan Nhã, Tôn giả A Nhiếp Bối, Tôn Giả Bạt Ðề Thích Ca Vương, Tôn giả Ma Ha Nam Câu Lệ, Tôn giả Hòa Phá, Tôn giả Da Xá, Tôn giả Bân Nậu, Tôn giả Duy La Ma, Tôn giả Già Hòa Ba Ðề, Tôn giả Na Ðề, Tôn giả Kim Tỳ La, Tôn giả Ly Bà Ða, Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên, Tôn giả Ðại Ca Diếp, Tôn giả Ðại Câu Hy La, Tôn giả Ðại Châu Na, Tôn giả Ðại Ca Chiên Diên, Tôn giả Bân Nậu Gia Nậu Tả Trưởng lão, Tôn giả Da Xá hành trù trưởng lão, rất nhiều các Tỳ kheo Trưởng lão, danh đức đại đệ tử cùng đi du hóa tại thành Vương Xá, tất cả đều ở xung quanh ngôi nhà lá của Phật.

Lúc ấy Ðức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo rằng:

Này các thầy, hiện nay ta tuổi đã già, thân thể càng ngày càng suy yếu, nên ta cần có một thị giả nhất định để chăm sóc và mang y bát cho ta, làm vừa lòng ta và ghi nhớ những lời thuyết pháp rõ ràng, không quên nghĩa lý. Vậy các thầy hãy chọn giùm Ta một vị.

Nghe vậy, Tôn giả Câu Lan Nhã, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo sửa y chắp tay hướng về Thế Tôn, bạch rằng:

Bạch Thế Tôn, con tự nguyện hầu hạ Thế Tôn, làm vừa lòng Thế Tôn và ghi nhớ rõ ràng những lời Thế Tôn dạy.

Này Câu Lan Nhã, thầy tuổi đã già rồi thân thể chẳng hơn gì Ta, như vậy, chính thầy cũng cần có một thị giả, để chăm sóc hầu hạ thầy trong cơn bịnh hoạn, thôi được thầy hãy về chỗ cũ ngồi đi.

Bấy giờ, các Trưởng lão tôn túc lần lượt bạch Thế Tôn để xin tự nguyện làm thị giả hầuThế Tôn, nhưng cuối cùng tất cả đều được Thế Tôn bảo hãy lui về chỗ cũ mà ngồi.

Kết quả cuộc tự nguyện làm thị giả, chẳng có vị nào được Thế Tôn ghi nhận, Tôn giả Mục Kiền Liên, suy nghĩ: “Ðức Thế Tôn muốn chọn vị nào làm thị giả, ý Ngài đặt vào vị nào muốn cho ai săn sóc Ngài, tự nãy đến giờ chẳng có vị Tỳ kheo nào được diễm phúc ấy cả, có lẽ ta nên nhập “Như Kỳ Tượng Ðịnh” để quan sát tâm của đại chúng xem sao. Thế là Tôn giả nhập “Như Kỳ Tượng Ðịnh” xem từng tâm niệm của đại chúng Tỳ kheo, lần lượt, lần lượt, đến Ngài A Nan Tôn giả dừng lại, đây rồi, Thế Tôn đang hướng đến A Nan, muốn chọn A Nan làm thị giả, liền xuất định, Tôn giả Mục Kiền Liên thưa với đại chúng rằng:

Thưa chư hiền, đức Thế Tôn muốn chọn hiền giả A Nan làm hiền giả, ý Ngài đã đặt vào A Nan để thỉnh làm thị giả. Nói xong các vị thượng tôn trưởng lão, cùng Tôn giả Mục Kiên Liên đồng đi đến chỗ A Nan, tất cả đều chào hỏi rồi ngồi xuống. Lúc ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên đại diện trình bày:

Này hiền giả A Nan, thầy thật là diễm phúc, thầy có biết không đức Thế Tôn muốn chọn thầy làm thị giả đó, để săn sóc Thế Tôn, khi mang y, khi dâng bát và ghi nhớ những lời Thế Tôn giảng giải rõ ràng nghĩa lý. Cũng như ngoài thôn xóm không xa, có một tòa lâu đài to lớn, cửa sổ ở phía đông mở ra, khi mặt trời mọc lên, ánh sáng sẽ rọi thẳng vào vách phía tây, Này hiền giả A Nan, đức Thế Tôn cũng vậy, chú ý muốn thầy hầu Thế Tôn. Vậy thầy nên làm thị giả mà săn sóc Thế Tôn được phước hựu lớn.

Thưa Tôn giả Mục Kiền Liên, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ Thế Tôn nổi. Vì đối với các đức Thế Tôn, khó xứng ý, khó hầu hạ, nghĩa là khó làm thị giả lắm, xin Tôn giả thông cảm cho tôi. Cũng giống như con voi rất hùng mạnh, đã hơn 60 tuổi, kiêu bạo, sức mạnh cường thạnh, đủ ngà, đủ vóc, khó mà làm cho xứng ý gần gũi, chăm sóc được. Thưa Tôn giả với những bậc Như Lai Vô Sở Trước Ðẳng Chánh Giác cũng vậy, khó làm vừa lòng và gần gũi của một trách nhiệm thị giả được.

Này hiền giả A Nan, chưa chi sao vội từ chối quá vậy, Thầy hãy nghe tôi ví dụ thì sẽ hiểu rõ ý nghĩa, cũng như hoa Ưu Ðàm Bát La đúng thời mới xuất hiện thế gian, thì đức Như Lai, bậc Vô Sở Trước Ðẳng Chánh Giác cũng vậy, đúng thời Như Lai mới thị hiện ra đời, vậy Thầy còn chần chờ gì nữa, hãy mau làm thị giả đức Thế Tôn đúng lúc?

Bị Tôn giả Mục Kiền Liên ép nài, A Nan túng thế phải chịu, nhưng với những điều kiện như sau, nếu Thế Tôn thỏa mãn:

Thưa Tôn giả, nhờ Tôn giả bạch lại Thế Tôn, nếuThế Tôn thỏa mãn cho ba điều nguyện của tôi, thì chừng ấy tôi mới chịu làm thị giả, bằng không thì thôi. Một, tôi nguyện không đắp y của Thế Tôn dù mới hay cũ; hai, tôi nguyện không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Thế Tôn; ba, tôi nguyện không gặp Thế Tôn chẳng đúng lúc.

Thấy A Nan đã chịu làm thị giả rồi, Mục Kiền Liên cùng các vị trưởng lão, từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Tôn giả A Nan ba vòng rồi đi về chỗ Phật, làm lễ xong, ngồi xuống một bên, Tôn giả Mục Kiền Liên liền thuật lại sự việc:

Bạch Thế Tôn, vừa rồi con đã khuyên dụ hiền giả A Nan làm thị giả cho Thế Tôn, nhưng hiền giả A Nan đã xin Thế Tôn thỏa thuận cho ba điều tự nguyện: Không đắp y của Thế Tôn, dù mới hay cũ, không ăn thực phẩm biệt thỉnh của Thế Tôn và không gặp Thế Tôn chẳng đúng thời. Nếu Thế Tôn cho phép A Nan được ba điều ấy thì A Nan mới làm thị giả hầu Thế Tôn.

Này Ðại Mục Kiền Liên, Tỳ kheo A Nan thông minh, trí tuệ, dự đoán biết trước có những lời tỵ hiềm, hoặc các vị đồng phạm hạnh sẽ cho rằng: “A Nan vì cơm áo mà hầu hạ đức Thế Tôn”. Ðây là pháp vị tằng hữu của A Nan.

Tỳ kheo A Nan thông minh dự đoán biết trước những lời tỵ hiềm: “A Nan vì thực phẩm nên hầu hạ Thế Tôn”.

Tỳ kheo A Nan khéo biết thời, khéo phân biệt được thời, khéo biết lúc nào tự mình cần gặp đức Như Lai. Lúc nào nên cho và không nên cho Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, chúng Ưu Bà Tắc, chúng Ưu Bà Di, hay Sa môn Phạm Chí, dị học đến gặp Như Lai, thuận lợi hay không thuận lợi. Biết thức ăn loại cứng hay loại mềm mà đức Như Lai thường dùng được an ổn, và loại thức ăn nào đức Thế Tôn dùng rồi không được an ổn, nhẹ nhàng.

Tỳ kheo A Nan mặc dù chưa có tha tâm trí, nhưng có thể biết trước được đức Như Lai sẽ thuyết pháp cho ai, khi Như Lai từ chỗ tỉnh tọa dậy, vào buổi xế, hôm nay đức Như Lai sẽ làm như vậy, sẽ hiện pháp lạc thọ như vậy, nhận xét đúng lời Thế Tôn nói, chắc chắn không thể sai khác. Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, tôi đã hầu hạ đức Thế Tôn suốt 25 năm, trong thời gian đó tôi chưa hề khởi tâm cao ngạo bao giờ”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, tôi đã hầu hạ đức Thế Tôn suốt 25 năm cho đến ngày hôm nay tôi chưa hề gặp đức Thế Tôn chưa phải lúc”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, tôi đã hầu hạ đức Thế Tôn suốt 25 năm, chưa hề bị Phật quở trách, trừ một lỗi, nhưng lỗi đó cũng vì người khác”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, tôi theo đức Thế Tôn thọ trì tám vạn pháp tu, thọ trì không quên, không bao giờ khởi tâm cống cao, tự đắc”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, tôi theo đức Thế Tôn thọ trì tám vạn pháp tu, chưa hề hỏi lại một lần thứ hai, trừ có một câu, câu ấy như vậy cũng không phải dễ”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, tôi theo đức Thế Tôn thọ trì tám vạn pháp tu, trước hết không có tâm này: tôi thọ trì pháp ấy là để giáo hóa cho người khác. Này chư hiền, tôi chỉ muốn tự điều ngự, tự tịch tịnh, tự bát Niết Bàn thôi”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, có điều rất kỳ lạ này, đó là bốn bộ chúng đi đến chỗ tôi để nghe pháp, nếu tôi vì thế mà khởi tâm cống cao, điều ấy chắc chắn không thể có được. Tôi cũng không hề tác ý trước, để khi có người đến hỏi, thì tôi trả lời như vầy: này chư hiền, bây giờ tôi ngồi đây, rồi tùy theo phía của người kia hỏi mà ứng đối”.

Khi A Nan nói như vầy: “Thưa chư hiền, có điều rất kỳ lạ này: đó là có số Sa môn, Phạm Chí, dị học đến hỏi việc nơi tôi, nếu vì thế mà tôi sợ sệt, hãi hùng, lông tóc dựng đứng, không thể có sự kiện đó. Tôi cũng không hề tác ý trước để khi có người đến hỏi thì tôi sẽ trả lời như vầy: thưa chư hiền, bây giờ tôi ngồi đây, rồi theo nghĩa ấy mà ứng đối”.

Lại nữa, có một hôm Tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, Tôn giả A Nan, trụ tại nước Xá Vệ, trong núi Bà La Là. Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi rằng: “Này hiền giả A Nan, thầy hầu hạ Thế Tôn suốt 25 năm, thầy nhớ có lần nào khởi dục tâm không?”.

Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, tôi còn là hàng hữu học, chưa ly dục.

Này A Nan, tôi không hỏi thầy là bậc hữa học hay vô học, tôi chỉ hỏi thầy suốt 25 năm qua, thầy hầu hạ bên đức Thế Tôn có khi nào Thầy khởi dục tâm không?

Xá Lợi Phất hỏi ba lần như vậy, thì A Nan cũng trả lời ba lần như vậy. Khi ấy Tôn giả Mục Kiền Liên ngồi một bên nắm chéo áo A Nan thúc mà nói:

Hiền giả A Nan đáp nhanh đi, hiền giả đáp nhanh đi, đừng xúc nhiểu đến bậc thượng tôn trưởng lão mà tội.

Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, tôi hầu hạ đức Thế Tôn suốt 25 năm, tôi nhớ lại chưa hề khi nào phát khởi dục tâm, vì tôi thường hướng đến Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh với tâm niệm hổ thẹn.

Lại nữa, có một thời đức Thế Tôn du hóa tại thành Vương Xá, trụ trong Nham Sơn. Bấy giờ Thế Tôn bảo:

Này A Nan, thầy nên nằm như cách nằm của sư tử chúa.

Bạch Thế Tôn, sư tử chúa nằm như thế nào?

Sư tử chúa ban ngày đi tìm ăn, xong rồi vào hang, khi muốn ngủ, bốn chân xếp chồng lên phải. Qua đêm ấy, đến sáng hôm sau, quay ra nhìn thân thể, nếu như sư tử thấy thân thể mình không ngay ngắn thì chẳng ưng, buồn bã, còn nếu ngay ngắn tròn trịa thì hớn hởn vui mừng, nó từ chỗ nằm đứng dậy, ở trong hang đi ra, đi ra rồi vươn mình, vươn mình rồi tự ngắm thân thể, tự ngắm thân thể xoay nhìn bốn hướng, xoay nhìn bốn hướng rồi liền rống lên vài ba tiếng, rồi đi tìm ăn, cách thức nằm của sư tử chúa là như vậy.

Bạch Thế Tôn, đó là cách nằm của sư tử chúa, còn cách nằm của Tỳ kheo thế nào?

Nếu Tỳ kheo trụ nơi thôn ấp, qua một đêm đến sáng hôm sau, khoát y ôm bát, đi vào thôn khất thực, khéo hộ trì thân thể, nhiếp thủ các căn, trụ nơi chánh niệm. Vị ấy từ thôn ấp lần lượt khất thực xong, thâu bát xếp y, rửa sạch tay chân, vắt ni sư đàn lên vai đi đến chỗ rừng vắng hoặc đến dưới gốc cây, hoặc trong nhà trống, hoặc kinh hành, hoặc tọa thiền, trừ các phép chướng ngại trong tâm. Ban ngày đã tịnh trừ chướng ngại trong tâm, rồi lại vào đầu hôm, tinh tấn tọa thiền, tư duy để thân tâm được vắng lặng, cho đến nữa đêm, xã thiền đi vào tịnh thất đất nằm, xếp làm bốn Uất Ða La Tăng trải lên giường, gấp đôi Y Tăng Già Lê làm gối, nằm xuống phía hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, ý buộc vào mình tưởng chánh niệm, chánh trí, hằng hướng đến ý tưởng sẽ ngồi dậy. Khi đêm đã qua, mau ngồi dậy, đi kinh thành, hoặc tọa thiền để tịnh trừ sự chướng ngại của tâm. Như vậy là cách nằm sư tử của Tỳ kheo. Kể từ đó A Nan nằm xuống như sư tử chúa không hề có lần nào nằm về hướng bên trái.

Lại nữa, có lúc đức Thế Tôn du hóa Câu Thi Na Kiệt, trụ trong rừng Ta La của Hòa Bạt Ðam lực sĩ. Bây giờ là lúc tối hậu, đức Thế Tôn muốn thủ bát Niết bàn, Thế Tôn bảo:

Này A Nan, thầy hãy đi đến giữa hai cây Ta La song thọ, trải một giường nằm, đầu quay về hướng bắc cho Như Lai, vì nữa đêm hôm nay Như Lai sẽ bát Niết bàn.

Tôn giả A Nan vâng lời, liền đến giữa hai cây Ta La, trải giường nằm, trải xong trở về đức Thế Tôn, cúi đầu lễ Phật, đứng sang một bên, bạch Thế Tôn:

Con đã trải giường nằm, quay đầu về hướng bắc cho Như Lai, ở giữa hai cây Ta La song thọ rồi, kính mong Như Lai tự quyết.

Bất giờ Thế Tôn dẫn A Nan đến giữa hai cây Ta La song thọ, xếp làm bốn Uất Ða La Tăng trải lên giường, gấp đôi Y Tăng Già Lê làm gối, nằm về phía hông bên phải, hai chân chồng lên nhau.

Lúc tối hậu, Thế Tôn sắp bát Niết bàn, Tôn giả A Nan quạt hầu Phật giơ tay gạt nước mắt, nghĩ như vầy: “Trước kia có đại chúng Tỳ kheo ở các nơi muốn đến thăm viếng đức Thế Tôn để cúng dường, lễ bái thì đều có thể tùy lúc mà được thăm viếng, cúng dường, lễ bái. Bấy giờ họ nghe được Thế Tôn sắp bát Niết bàn thì sẽ không còn đến thăm viếng, cúng dường Thế Tôn nữa”.

Khi ấy đức Thế Tôn hỏi các Tỳ kheo: “Tỳ kheo A Nan giờ ở đâu?”

Bạch Thế Tôn, A Nan đang cầm quạt hầu Phật và khóc lóc nghĩ ngợi.

Này A Nan, thầy chớ khóc lóc, cũng chớ buồn rầu, vì thầy hầu hạ Ta thân hành từ hòa, khẩu và ý hành từ hòa, chưa từng có hai tâm, an lạc vô lượng, vô biên, vô hạn. Này A Nan, trong đời quá khứ, các bậc Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Ðẳng Chánh Giác có người thị giả hầu cận, thì cũng không thể hơn thầy được, nay Ta là bậc Như Lai, Ứng Cúng trong đời hiện tại, nếu có người thị giả nào thì người thị giả đó cũng không thể hơn thầy được, vì thầy khéo biết thời, khéo phân biệt thời, điểm và hiểu biết ý Như Lai trong mọi trường hợp.

Bấy giờ Thế Tôn muốn làm cho Tôn giả A Nan vui vẻ, bèn bảo các Tỳ kheo rằng:

Vị chuyển Luân Thánh Vương có bốn pháp vị tằng hữu, mà mỗi khi các hàng Sát đế lợi, cư sĩ hoặc Sa môn đến yết kiến, Chuyển Luân Thánh Vương dù nói hay im lặng, họ thấy mặt đều sanh tâm hoan hỷ, vui vẻ. Tỳ kheo A Nan cũng vậy, A Nan có bốn pháp vị tằng hữu mà mỗi khi chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đến tham vấn thì dù A Nan có nói hay im lặng, họ thấy A Nan rồi thì liền sanh tâm hoan hỷ, vui mừng.

Lại nữa, A Nan thuyết pháp cho đại chúng có bốn điểm vị tằng hữu. Mỗi khi A Nan thuyết pháp cho chúng Tỳ kheo, Tỳ Kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, bằng lời chí tâm thành kính, cả chúng nghe rồi nghĩ như vầy: “Mong Tôn giả A Nan thuyết pháp không dừng lại nữa chừng”.

Khi nghe Tôn giả A Nan thuyết pháp, các chúng hoàn toàn tâm không chán nản, và Tỳ kheo A Nan vẫn ngồi im lặng.

Lại nữa thuở ấy, Thế Tôn đã bát Niết bàn chưa được bao lâu, A Nan du hóa tại Kim Cang, trụ ở thôn Kim Cang. Bấy giờ thuyết pháp cho vô lượng trăm nghìn đại chúng vây quanh. Hiện đó, có Tôn giả Kim Cang Tử cũng ở trong chúng, Tôn giả trong lòng suy nghĩ: “Hiền giả A Nan vẫn còn là bậc hữu học chưa ly dục sao, ta thử nhập Như Kỳ Tượng Ðịnh để quan sát tâm A Nan như thế nào?”. Nghĩ rồi bèn nhập định, Tôn giả biết A Nan vẫn còn là bậc hữu học chưa ly dục, Tôn giả liền xuất định hướng về A Nan, nói bài tụng:

Núi rừng vắng tư duy

Niết bàn khiến vào tâm

Thiền Cù Ðàm không loạn

Sẽ sớm chứng tịch tịnh.

Bấy giờ A Nan nghe lời dạy của Tôn giả Kim Cang Tử, rời bỏ chỗ đông người, sống một mình nơi yên tĩnh, tinh tấn không tán loạn, thời gian chẳng bao lâu các lậu dũ sạch, cho đến khi vừa mới nghiêng đầu chưa đụng gối lòng bổng nhiên khai ngộ, chứng tâm giải thoát. Nếu Tôn giả A Nan nói như vậy thì đó là pháp vị tằng hữu của A Nan.

Nếu sau khi chứng tâm giải thoát rồi, A Nan nói rằng: “Tôi sẽ ngồi kiết già để bát Niết bàn, thì đó chính là pháp vị tằng hữu của A Nan”.

Bị nạn Ma Ðăng Già:

(Xem chuyện Tỉnh Giấc Mơ Hoa ở Truyện cổ Phật giáo Tập I) Ðối với Ni Chúng:

Một con người đa cảm, giàu tình thương nên lắm lúc thấy ai đau khổ hay ý nguyện không tròn thì A Nan sẳn sàng giúp đỡ mọi cách. Với một tình thương, giàu nhân ái đó mà A Nan đã đề bạt và bạch Phật cho hàng nữ nhân được xuất gia theo học giáo pháp Phật, trong khi đó cả Thánh chúng chẳng ai dám làm.

Một thời đức Thế Tôn du hóa giữa dân chúng Thích Ca, tại Ca Tỳ La Vệ, trong khu vườn Nigrodha.

Ðêm đã qua, vừa tờ mờ sáng bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề đi đến Thế Tôn, lạy sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, hôm nay con xin làm lễ Thế Tôn, mong Thế Tôn hứa khả cho nữ nhân được xuất gia tu học theo giáo pháp Phật, sống đời không nhà để cầu đạo giải thoát.

Thôi! Vừa rồi, Kiều Ðàm Di chớ có ưa thích mà xin cho nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng. Lần thứ hai rồi lần thứ ba đề nghị, nhưng rồi Ðức Thế Tôn cũng ba lần từ chối.

Hiểu ý Ðức Thế Tôn chẳng muốn cho nữ nhân xuất gia, sống đời không gia đình, nên bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề quá đau khổ, sầu muộn, khóc lóc nước mắt chảy đầy mặt rồi đứng dậy đảnh lễ Ðức Thế Tôn, nhiễu quanh ba vòng rồi đi.

Khi ấy Ðức Thế Tôn rời khỏi Ca Tỳ La Vệ để đi đến Vệ Xá Ly trú tại đại lâm, trong ngôi nhà nóc nhọn. Biết được Thế Tôn hiện trú tại Vệ Xá Ly, bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề bèn tự cạo đầu đắp áo cà sa cùng với 500 nữ nhân khác kéo đếnVệ Xá Ly quyết cầu Phật cho xuất gia bằng được, trông thân thể tiều tụy, lấm lem cát bụi, đôi chân sưng vù, đôi tay ướt đẫm, đau khổ sầu muộn mặt mày ràn rụa nước mắt, khóc than, đứng ngoài cổng chính. Khi ấy A Nan thấy tình huống như vậy, bèn đến:

Thưa Kiều Ðàm Di, vì sao lại đứng ngoài cửa, và thân thể đến nổi này? Trông thảm thương quá vậy?

Thưa Tôn giả A Nan, Thế Tôn chẳng cho nữ nhân xuất gia, sống đời không nhà trong chánh pháp luật của Ngài, nên tôi mới làm ra việc này.

Thưa Kiều Ðàm Di, hãy đứng chờ ở đây, Tôi sẽ vào xin phép Thế Tôn cho. Rồi Tôn giả A Nan đi đến bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, có Kiều Ðàm Di đứng ngoài cửa, thân thể lấm lem cát bụi, tay chân sưng vù, trông thiểu não, nguyện xin Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống đời không nhà trong chánh pháp luật do Thế Tôn thuyết giảng cũng tốt vậy.

Thôi, vừa rồi A Nan, chớ có ưa thích mà xin cho nữ nhân xuất gia trong chánh pháp luật của Ta.

A Nan lại thưa đến ba lần, nhưng rồi Thế Tôn cũng từ chối ba lần. Túng thế quá, A Nan tự nghĩ: “Thế Tôn không chấp nhận cho nữ nhân xuất gia, sống trong giáo pháp, vậy ta hãy dùng phương pháp khác để xin Thế Tôn”.

Bạch Thế Tôn, chẳng biết nữ nhân sau khi xuất gia tu học chơn chánh trong giáo pháp thì có thể chứng đắc tứ quả của bậc Thánh không? Này A Nan, sau khi xuất gia, sống đời không nhà, tinh tấn tu hành trong chánh pháp luật thì nữ nhân chắc chắn chứng đắc quả Dự lưu, Nhất lai hoặc A La Hán.

Bạch Thế Tôn, như vậy, Ma Ha Ba Xà Ba Ðề đã giúp đỡ Thế Tôn còn nhỏ, trong bổn phận của một người dì, người kế mẫu, cho Thế Tôn bú sữa mẹ, khi bà mẹ Thế Tôn từ trần. Bà đã thay mẹ nâng niu nuôi nấng Thế Tôn cho đến ngày khôn lớn. Vậy Thế Tôn hãy nghĩ tình mà cho phép nữ nhân được xuất gia.

Vì sự chân thành khẩn khoản của A Nan, nên cuối cùng đức Thế Tôn đã chấp nhận.

Kể từ đây, hàng nữ nhân được sống trong chánh pháp luật, cuộc đời không nhà, và tổ chức thành Giáo Hội Ni Chúng.

Pháp Vị Tằng Hữu:

Từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến Thế Tôn, A Nan cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

Bạch Thế Tôn, con nghe Ðức Thế Tôn đến thời Phật Ca Diếp mới bắt đầu phát nguyện Phật đạo, thực hành phạm hạnh, rồi sinh lên cõi trời Ðâu Suất. Thế Tôn sinh lên sau, nhưng có ba việc thù thắng hơn các vị trời Ðâu Suất sinh trước, đó là thọ mạng, sắc tướng và danh dự của hàng trời. Vì vậy, các vị trời Ðâu Suất vui mừng, hớn hở, tán thán rằng: “Kỳ diệu thay, hy hữu thay vị thiên tử này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Con nghe khi Ðức Thế Tôn ở cung trời Ðâu Suất, ở nơi đó mạng chung biết sẽ sinh vào thai mẹ, lúc ấy chấn động cả trời đất, có ánh sáng quảng đại vi diệu chiếu khắp thế gian, cho đến những nơi u ám tối tăm cũng không có gì ngăn che được, trong khi đó ánh sáng của mặt trăng, mặt trời không thể lọt qua, chúng sanh các nơi ấy do thấy được ánh nhiệm mầu này mà phát khởi sự hiểu biết rằng: “Có một chúng sinh kỳ diệu, hi hữu ra đời”. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Con nghe Ðức Thế Tôn biết mình trụ trong thai mẹ, tựa vào hông bên phải, nằm duỗi dài, ẩn kính trong thai, không bị máu dơ làm ô uế, cũng không bị các thứ bất tịnh khác làm ô uế. Rồi Thế Tôn biết mình sắp ra khỏi thai mẹ, lúc ấy chấn động cả đất trời, có ánh sánh vi diệu, quảng đại, chiếu khắp thế gian cho đến những nơi u tối cũng không có gì ngăn che được. Khi Ðức Thế Tôn duỗi dài để ra khỏi thai mẹ và không bị máu me làm ô uế. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Con nghe khi Ðức Thế Tôn vừa sinh ra có bốn vị Thiên tử, tay cầm áo mịn, đứng trước thai mẹ, làm cho người mẹ hoan hỷ, tán thán rằng: “Ðồng tử này rất kỳ diệu, rất hy hữu, có đại như ý túc, có đại oai thần”. Rồi Thế Tôn vừa mới sinh ra liền đi bảy bước, không khiếp sợ, không kinh hãi, quán sát các phương, thì ngay khi ấy phía trước người mẹ bỗng nẩy sinh một hồ nước lớn, nước tràn bờ, làm cho người mẹ ở nơi đó được tắm rửa thanh tịnh, còn Thế Tôn thì từ trên hư không nước mưa rưới xuống, một luồng ấm, một luồng lạnh để tắm thân thể của Thế Tôn, chư Thiên đánh trống tấu nhạc của trời, hoa sen xanh, hoa sen vàng, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa mạn đà la của trời, và bột chiên đàn rưới trên đức Thế Tôn. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Con nghe khi đức Thế Tôn ở trong hoàng gia của phụ vương Bạch Tịnh vào một ngày đi dự lễ hạ điền, ngồi dưới gốc cây diêm phù, ly dục, ly ác và pháp bất thiện, có giác có quán, ly sanh hỷ lạc, nhập sơ thiền và thành tựu an trụ, bấy giờ là buổi xế, tất cả bóng của các cây đều ngã dần dần chỉ có cây diêm phù ấy là bóng không ngã để che mát thân thể Thế Tôn. Lúc ấyvua Bạch Tịnh đến quan sát công tác hạ điền, đi đến chỗ người làm ruộng hỏi rằng: “Này nông phu, Vương tử ở chỗ nào?” Vị Vương tử ấy hiện ở dưới gốc cây diêm phù. Rồi vua Bạch Tịnh đi đến cây diêm phù, ngài ngạc nhiên thấy bóng cây diêm phù không ngã như những bóng cây khác, liền nghĩ: “Vị Vương tử này thật là kỳ diệu, có phước hựu lớn lao”. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Con nghe có một thời Ðức Thế Tôn du hóa ở đại lâm, lúc đó qua một đêm, đến buổi sáng, Ðức Thế Tôn đắp y, mang bát vào thành Tỳ Xá Ly khất thực, khất thực xong, thâu y, ôm bát, rửa tay chân, vắt ni sư đàn lên vai đi vào rừng, đến dưới một gốc cây đa la. Khi ấy Thích Ma Ha Nam, ung dung đi đếm đại lâm, thấy Thế Tôn đang tĩnh tọa dưới bóng cây che mát, Ma Ha Nam nghĩ: “Sa môn Cù Ðàm rất kỳ diệu, rất hy hữu và có đại công đức lớn”.

Cũng có một thời Ðức Thế Tôn du hóa tại Tỳ Xá Ly, trong đại lâm. Bấygiờ, các Thầy Tỳ kheo để bát ngoài đất trống, lúc ấy, bát Thế Tôn cũng có trong số đó, có một con khỉ ôm bát của Thế Tôn mà đi, các Thầy Tỳ kheo la gọi, sợ rằng nó làm bể bát của Thế Tôn, nhưng Phật bảo các Tỳ kheo: “Hãy để yên đừng la, nó không làm bể bát đâu”. Thế rồi khỉ ôm bát của Thế Tôn đi đến một cây Sa La, chậm rãi leo lên, lấy mật đầy bát, rồi chậm rãi leo xuống, trở về chỗ của Ðức Phật, đem dâng bát mật ấy lên cho Ðức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn không nhận. Lúc đó, khỉ liền ôm qua một bên, nhặt bỏ rác và sâu bọ, sau khi lựa bỏ rác xong, nó ôm bát trở lại dâng lên Thế Tôn, nhưng Thế Tôn vẫn không nhận. Khỉ lại ôm qua một bên, múc nước đổ vào trong mật, rồi ôm trở lại dâng lên Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn thọ nhận. Khỉ thấy Thế Tôn lấy bát mật rồi, vui mừng hớn hở, múa may nhảy nhót rồi bỏ đi.

Hoặc một thời Ðức Thế Tôn du hóa tại Tỳ Xá Ly, cao lầu đài quán, bên bờ ao di hầu, bấy giờ Thế Tôn đang phơi tọa cụ, rũ bụi phủi đất, lúc ấy có một đám mây kéo tới trái thời, che kín khắp hư không, muốn mưa nhưng dừng lại chờ Ðức Thế Tôn phơi tọa cụ. Sau khi rũ bụi phơi xong, xếp đem vô nhà, bấy giờ đám mây lớn ấy mới mưa xuống thật to, từ đất cao cho đến thấp, nước ngập lai láng. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Con nghe Ðức Thế Tôn khi ở trong miếu A Thần Phù, bấy giờ sau một đêm, đến buổi sáng Ðức Thế Tôn khoác y ôm bát vào thôn A Phù để khất thực. Sau khi khất thực xong, thâu bát xếp y, rửa tay chân, Thế Tôn vắt ni sư đàn lên vai đi vào miếu thần ngồi nghỉ. Bấy giờ mưa to và sấm sét đánh chết bốn con trâu và hai người cày, lúc chôn cất cho hai người chết đó, thật đông đảo ồn ào, âm thinh cao và to, tiếng dội chấn động. Bấy giờ vào xế trưa, khi Ðức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, trong miếu thần đi ra chỗ đất trống để kinh hành, trong đám đông, có người thấy Thế Tôn, liền đi đến cúi đầu làm lễ rồi đi kinh hành theo Phật. Ðức Thế Tôn thấy người ấy ở phía sau, nên hỏi rằng: “Vì cớ gì mà đông đảo ồn ào, nhiều người vậy”. Người ấy thưa: “Bạch Thế Tôn, khi trưa trời mưa to và sấm sét đánh chết bốn con trâu và hai người cày, họ chôn các người ấy, nên đông đảo và ồn ào như vậy. Bạch Thế Tôn, vừa rồi Ngài ngủ sao? “Không phải” Lúc ấy Ngài tỉnh mà không nghe âm thanh lớn ấy sao?” “Quả thật như vậy”. Rất là kỳ diệu, rất là hy hữu, sở hành của Như Lai, bậc Vô Sở Trước Ðẳng Chánh Giác rất là vắng lặng, rất là tịch tịnh. Vì sao? Vì lúc tỉnh mà vẫn không nghe các âm thanh to lớn này. Như vậy, con xin thọ trì pháp vị tằng hữu ấy của Thế Tôn.

Rồi có lần Ðức Thế Tôn trụ tại Uất Tỳ La bên bờ sông Ni Liên thuyền ngồi dưới cây A Xà Hòa La Ni Câu Loại lúc mới thành đạo. Bấy giờ mưa lớn đến bảy ngày, từ chỗ cao đến thấp bị ngập nước, từng luồng nước lớn chảy ngang dọc, trong vùng đất đó, Ðức Thế Tôn đi kinh hành đến chỗ nào thì chỗ ấy đếu khô ráo. Hoặc nữa, ma vương trong suốt sáu năm theo Phật để tìm chỗ sơ suất mà không được, liền chán nản bỏ về, chẳng phá hoại được gì nơi Thế Tôn. Lại nữa, Thế Tôn suốt bảy năm suy niệm về thân, luôn luôn suy niệm không gián đoạn, thì con xin thọ trì pháp vị tằng hữu của Thế Tôn.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn bảo rằng:

Này A Nan, thầy hãy nghe Như Lai nói và thọ trì thêm pháp vị tằng hữu. Này A Nan, Như Lai biết thọ sanh, biết trú, biết diệt, luôn luôn biết chẳng có lúc nào không biết. Này A Nan, Như Lai biết tư và tưởng sanh, biết diệt, luôn luôn biết không lúc nào không biết. Cho nên, này A Nan, hãy nghe Như Lai mà thọ trì pháp vị tằng hữu như vậy.

Bảy điềm mộng:

Thời gian sau này, khi Ðức Thế Tôn gần bát Niết bàn, một đêm A Nan nằm mộng thấy bảy điều quái dị, trong lòng hoang mang lo sợ, sáng ngày đến bạch Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, đêm vừa qua con nằm ngủ thấy bảy điều mà lâu nay con chưa hề bao giờ thấy mộng mị hay chiêm bao. Bạch Thế Tôn, bảy điềm mộng mà con thấy là:

Lữa dữ khắp nơi, thiêu đốt làm khô biển ngòi sông rạch.

Mặt trời rụng xuống, thế gian tối tăm, đầu con cao ngang núi Tu di.

Tỳ kheo bỏ giới luật, vứt áo cà sa.

Tỳ kheo y áo tả tơi, xuôi theo thế gian khổ sở.

Heo rừng kéo đến ủi bức gốc rễ cây chiên đàn to lớn.

Voi con không nghe lời voi mẹ rong chơi khắp nơi, lạc đường bị chết đói.

Sư tử chết, bị các vi trùng trong thân bò ra lúc nhúc, rúc rỉa.

A Nan, biết rằng mộng là do tâm sanh, nhưng bảy điều vừa rồi thầy đã thấy đó chính là điềm báo trước trong tương lai Tăng đoàn sẽ suy đồi, giáo pháp sẽ bị mai một.

Này A Nan, điềm thứ nhất, đó là trong đời mạt pháp có hạng Tỳ kheo được đàn na thí chủ cúng dường đầy đủ, rồi lại sanh lòng tranh cãi chia rẽ.

Thứ hai, mặt trời sụp xuống, thế gian tối tăm và đầu A Nan vươn cao như núi Tu Di, đó là sau khi Ta bát Niết bàn, đại chúng, chư thiên sẽ cử thầy trùng tuyên lại giáo pháp.

Thứ ba, Tỳ kheo mà vứt bỏ cà sa, hủy hoại giới pháp đó là điềm trong đời mạt pháp có hạng Tỳ kheo chỉ lý thuyết suông mà chẳng chuyên tâm tinh tấn tu hành.

Thứ tư, Tỳ kheo lận đận, khốn đốn, y áo tả tơi, đó là điềm trong đời mạt pháp có Tỳ kheo bị vợ con ràng buộc, bỏ giới chạy theo thế tục.

Thứ năm, heo rừng ủi tung rễ chiên đàn, đó là điềm trong đời mạt pháp có hạng Tỳ kheo buôn bán Như Lai, xem giáo pháp như món hàng để trao đổi sự lợi dưỡng.

Thứ sáu, voi con không nghe lời voi mẹ, cuối cùng phải chết đói, đó là điềm trong đời mạt pháp có hàng Tỳ kheo trẻ tuổi, hậu học, không chịu nghe lời chỉ dạy của bậc Tôn túc, không tin tội phước nhân quả, chết đều rơi vào địa ngục.

Thứ bảy, dòi bọ từ trong thân sư tử chết bò ra rúc rỉa thịt xương của sư tử, đó là điềm trong đời mạt pháp chính đệ tử của Như Lai phá hoại Phật Pháp, chứ chẳng do ngoại đạo, bên ngoài có sức phá nổi.

Bảy điềm mộng của A Nan, để chứng minh cho hôm nay, thực tế đã xảy ra, vậy chúng ta biết rằng giai đoạn này chính là thời mạt pháp.

Sáu tội Ðột Kiết La:

“Các đệ tử Phật

Nếu nghĩ đến Phật

Nên báo ân Phật

Chớ nhập Niết bàn”

Một hoàn cảnh thật đau lòng, sau khi Phật diệt độ, trong hàng đệ tử vị nào đã chứng đắc A La Hán thì cũng lần lượt Niết bàn theo Phật, còn những ai chưa đạt đến quả vị tự thâu thần tịch diệt được thì ưu sầu thương tiếc. Tâm tư của hàng đệ tử bấy giờ bị chấn động mãnh liệt, ai cũng đầy ấp nỗi lòng nhớ nhung, bàng hoàng trước sự ra đi của Thế Tôn vào nơi tịch mặc, chẳng ai có lòng dạ nào để suy nghĩ việc gì hơn nữa. Trước cảnh bi thương ấy, Ngài Ðại Ca Diếp quán xuyến tâm tư của hàng Thánh chúng bị xáo trộn, lung lay. Ngài nghĩ nếu như vậy tiếp tục diễn tiến thì chắc chắn Phật Pháp sẽ bị mau tiêu diệt, giáo pháp sẽ chóng lãng quên và chúng ta chẳng tròn bổn phận với Ðức Như Lai và đắc tội với chúng sanh, xa thời chánh Pháp. Trước một trọng trách nên làm và phải hoàn thành trước nhất, ấy là kiết tập giáo pháp của Ðức Thế Tôn, suốt thời gian 45 năm Ngài đã hoằng hóa.

Tiếng kiềng chùy được giống lên trên đỉnh núi Tu Di, vang vội khắp thế giới ba ngàn:

“Hỡi các Thánh đệ tử, những bậc vô sanh, các hàng tôn túc, hãy nhớ lời Phật dạy, thương xót chúng sanh, chớ vội thâu thần thị tịch, thế gian tăm tối hàng chúng sanh trong đời mạt pháp sẽ bơ vơ, vì con mắt trí tuệ của thế gian đã nhắm lại rồi. Vì lòng thương tưởng cho đời, mở lượng từ bi, xin các Ngài hãy kiết tập giáo pháp, xâu chuỗi viên ngọc vô giá thành từng chuỗi mà Ðức Thế Tôn đã trao truyền cho chúng ta, để sau này hàng chúng sanh được ân triêm công đức”.

Lời triệu thỉnh được truyền đi và hội chúng tụ tập, vây quanh giảng đường để báo ân Phật, kiết tập giáo pháp.

Trước khi bắt tay vào công việc, Ngài Ca Diếp nhập đại định, để quán tâm đại chúng, xem ai chưa đoạn tận các lậu, và thấy A Nan hãy còn những kiết sử vụn vặt của một vị Tu Ðà Hoàn. Xuất định, Ðại Ca Diếp đi đến chỗ A Nan, thản nhiên nắm tay A Nan kéo ra khỏi đại hội và nói rằng: “Trong hàng Thánh chúng tất cả các lậu hoặc đều đã đoạn trừ và đang làm việc thanh tịnh, ông hãy còn nhiễm ô, chưa sạch, vậy xin mời ra khỏi đại hội. Ðó là tội đột kiết la thứ nhất.

Như cả một bầu trời sụp đổ, mây đen giăng kín cả lòng, thật là một điều không ngờ, làm thị giả suốt 25 năm trời gần Phật để đến giờ phút này A Nan phải lãnh chịu hậu quả tan nát cả lòng, bị đuổi ra khỏi đại hội chẳng được duyên lành báo đáp ân Phật. Tủi phận mình, A Nan tự nghĩ: “Khi Phật còn tại thế, ta theo hầu Ngài từ khi mới xuất gia cho đến khi Ngài thị tịch, chưa có lần nào bị tủi hổ và khổ não như bây giờ”.

Thưa Tôn giả Ðại Ca Diếp, từ khi làm thị giả cho Thế Tôn đến bây giờ, không phải tôi không đủ khả năng để hoàn thành một vị A Lan Hán, nhưng vì trong pháp Phật, một vị A Lan Hán không thể làm công việc của một thị giả, hầu cạnh Phật được, vì lý do đó nên tôi còn giữ lại một ít kiết sử nhỏ nhiệm để tròn bổn phận của mình.

Trước nỗi lòng tha thiết đó, Ngài Ca Diếp vẫn lạnh nhạt, tiếp tục hạch tội:

Khi Ðức Thế Tôn còn ở đời, ý Ngài không muốn cho nữ nhân xuất gia sống theo pháp luật của chúng Tăng, nhưng do ông ân cần thưa thỉnh nên Ðức Thế Tôn nhận lời, để cho thời chánh pháp của Ðức Thế Tôn bị giảm 500 năm, đó là tội đột kiết la thứ hai.

Rồi đến Phật sắp nhập Niết bàn, Ngài đau lưng phải trải bốn lớp áo Uất Ða La Tăng để nằm. Lúc đó, Ðức Thế Tôn nói với ông hãy múc nước cho Thế Tôn. Khi ấy sao ông không chịu múc nước, đó là tội đột kiết la thứ ba.

Một hôm nọ trong rừng Ta La, Ðức Thế Tôn Hỏi: “Bậc có bốn thần túc, có thể duy trì đời sống trong một kiếp hay một phần kiếp” Ông vẫn làm thinh, Ðức Thế Tôn hỏi tới ba lần mà ông cũng không đáp. Do nhân duyên đó mà Ðức Thế Tôn quyết định nhập Niết bàn, đó là tội đột kiết la thứ tư. Trong khi trải Tăng Già Lê của Phật mà ông lại dẫm chân lên đó là tội đột kiết la thứ năm.

Sau khi Ðức Thế Tôn nhập Niết bàn tại sao ông lại vén y cho nữ nhân thấy tướng mã âm tàng của Thế Tôn, một việc phi pháp, đó là tội đội kiết la thứ sáu.

Trước những lời buộc tội gay gắt, nhưng A Nan bình tĩnh, xin giải bày:

Ðối với tội thứ nhất tôi phải đành chịu, vì thương Phật nên tôi lưu lại một ít phiền não. Còn tội thứ hai vì thấy tình cảnh của bà Kiều Ðàm Di thảm thương quá, hơn nữa lại là di mẫu của Thế Tôn, nên tôi cầu xin như vậy, vì trong chư Phật ba đời thảy đều có bốn bộ chúng, thì Ðức Thế Tôn của chúng ta cũng phải có đủ. Tội thứ ba chẳng phải tôi không dâng nước cho Phật, mà vì do ngựa voi lội trên sông làm cho nước vẩn đục. Tội thứ tư, là khi ấy ma vương muốn hại nên che kín cả tâm tôi, chứ không phải tôi có ác ý muốn Thế Tôn nhập Niết bàn sớm. Tội thứ năm, lúc ấy vì gió lớn quá, một mình tôi nắm chẳng hết nên bị gió tung và rớt y xuống chân chứ không phải tôi cố tình dẫm lên y Phật. Cuối cùng tội thứ sáu, tôi tự nghĩ rằng cho các nữ nhân thấy tướng âm tàng của Thế Tôn để tự xấu hổ thân hình nữ của mình mà siêng năng tu hành và cầu làm thân nam, tướng hảo, chứ chẳng phải làm điều phi pháp chẳng biết xấu hổ.

Sau những lời luận giải rõ ràng, nhưng Ngài Ca Diếp vẫn bắt A Nan sám hối trước đại chúng, và nói rằng: “Khi nào ông hết các kiết sử thì mới được vào đây”.

Thầm lặng A Nan bước ra khỏi giảng đường và về phòng riêng. Trong đêm đó, A Nan tọa thiền, nhập định cho đến nửa đêm, thấy mỏi quá, bèn nghiêng mình nằm xuống nghỉ, nhưng đầu chưa chấm gối thì hoát nhiên đại ngộ. Tiếp tục A Nan nhập Kim Cang định và phá đổ hết thảy các lậu hoặc vi tế, chứng đắc tam minh lục thông, trở thành vị A La Hán.

Trong đêm đó, A Nan liền đến phòng riêng của Ðại Ca Diếp gõ cửa để trình bày sở đắc của mình, nhưng Ngài Ca Diếp chẳng mở cửa mà nói rằng: “Hãy chui lỗ khóa mà vào” A Nan bèn dùng thần thông sẳn có lách mình qua lỗ khóa vào đảnh lễ Ngài Ca Diếp. Ðại Ca Diếp. vui mừng, xoa đầu A Nan nói rằng: “Này A Nan, hiền giả chớ giận ta nghe, mục đích ta muốn hiền giả tự đắc chứng, như vẽ hình giữa hư không, không dính mắc vào đâu cả, hơn nữa, giáo pháp của Thế Tôn tồn trữ trong tâm của hiền giả vắng lặng trong ngần như biển sâu để tuyên hoằng lại cho hàng hậu chúng”.

Một lần nữa Ðại Ca Diếp vỗ đầu A Nan, tỏ một niềm kính mến thiết tha, vì A Nan sẽ chủ trì trọng trách kiết tập giáo pháp, sẽ xâu lại những lời vàng, tiếng ngọc để làm mặt trời huệ cho hậu lai.

Tiếng kiềng chùy lại gióng lên và buổi kiết tập giáo pháp được bắt đầu. Ngài Ðại Ca Diếp đi trước, A Nan theo sau khoan thai tiến vào hội chúng, trong bước đi trầm hùng như sư tử, dõng dạc như tượng vương, sắc mặt rạng rỡ tươi sáng. Ðại chúng đều im lặng, cung thỉnh A Nan thăng lâm pháp tòa sư tử, và suối pháp tuôn chảy từ A Nan, như hải triều âm bất tuyệt.

Nhập Niết bàn:

Một thời A Nan du hành tại Tỳ Xá Ly.

Sau buổi du hóa, Ngài đi đến các vị Tỳ kheo đang nhóm dưới những gốc cây thanh vắng tĩnh tọa, tư duy, hay cùng nhau đàm đạo những lời Ðức Thế Tôn đã giảng thuyết.

Trong nhóm Tỳ kheo trẻ đang luận bàn về đề tài thế gian vô thường Phật pháp sanh diệt, con người cũng nằm trong định luật ấy. Có kẻ sanh ra đời rồi lớn lên trải qua đôi mươi năm rồi chết đi, luống qua một kiếp người vô tích sự, không làm lành, cũng chẳng tạo phước hay ích lợi cho ai, vậy sự sống của kẻ ấy có trải qua trăm năm hay ngàn năm rồi cũng vô dụng.

Khi bàn luận đến đây, có vị Tỳ kheo trẻ phát biểu:

Thế gian vô thường, đời người chóng vánh, sinh ra đời sống hằng trăm năm mà không gặp Phật Pháp, không tạo duyên lành tô bồi cho kiếp sau thì rồi cũng luống trôi qua, chẳng bằng kẻ sống một ngày mà thấy được con hạc già đứng cạnh bờ ao. Rồi vị Tỳ kheo ấy đọc lên bài kệ:

“Như nhơn sinh bách tuế

Bất kiến thủy lão hạc Bất như sinh nhứt nhật Nhi đắc kiến chi”.

Bất giờ Tôn giả A Nan cũng ngồi gần đó nghe vị Tỳ kheo trẻ đọc bài kệ như vậy, Ngài thầm nghĩ: “Vị Tỳ kheo này sao đọc lạ vậy, Ðức Thế Tôn có dạy như vậy bao giờ đâu, chắc có lẽ vị ấy đã nhầm lẫn”. Nghĩ xong Tôn giả đứng dậy đi đến bên vị Tỳ kheo ấy nói rằng:

Này hiền giả, vừa rồi hiền giả đọc bài kệ như vậy là nhầm rồi, Thế Tôn không phải dạy như vậy, mà như thế này, hiền giả hãy nghe kỹ:

“Nhược nhơn sinh bách tuế

Bất kiến sanh diệt pháp Bất như sanh nhứt nhựt Nhi đắc kiến chi”.

Nghe xong vị Tỳ kheo trẻ không biết đâu là sai, đâu là đúng.

Sau khi trở về tịnh xá, vị Tỳ kheo trẻ ấy đem sự việc bài kệ mà Ngài A Nan đã đính chính đọc lại cho thầy nghe. Vị bổn sư của thầy Tỳ kheo trẻ nầy nghe rồi liền nói:

Tôn giả A Nan bây giờ đã già nên sanh ra lẩm cẩm, có nhớ rõ ràng gì đâu mà nói đúng. A Nan biết được điều này, Ngài tự nghĩ: “Hàng chúng sanh hậu học căn cơ chậm lụt chẳng nhận ra đâu là tà thuyết của ngoại đạo, của sự mê mờ, chấp giữ sai lầm, thật thương thay! Giáo pháp của đấng Thế Tôn rồi đây sẽ mai một. Thôi, giờ ta hãy vào Niết bàn, vì đã già nua lẩm cẩm”. Nghĩ vậy, A Nan quyết định nhập Niết bàn.

Trước khi vào nơi tịch mặc vĩnh viễn, A Nan bèn kêu đệ tử của mình là Thương Na Hòa Tu dạy rằng:

Này Pháp tử, khi Ðức Thế Tôn sắp nhập Niết bàn Thế Tôn đã trao truyền chánh pháp nhãn tạng lại cho Tôn giả Ðại Ca Diếp, sau đó Tôn giả cũng nhập Niết bàn nên đã trao lại cho ta, nay ta cũng nhập Niết bàn, vậy ta phó chúc lại cho ông, ông nên truyền thừa ngọn đuốc giáo pháp để soi sáng thế gian làm con mắt huệ cho đời và báo Phật ân đức, lợi lạc chúng sanh. Ông hãy giữ gìn cẩn thận.

Kính bạch Thầy, xin Thầy hãy vì lòng từ bi thương tưởng cho đời, vì lợi ích hàng Tăng chúng, làm điểm tựa cho hàng hậu học còn đang cần Thầy, chớ vội vào Niết bàn.

Ðã đến lúc ta vào Niết bàn, ông hãy lắng lòng nghe bài kệ mà thọ trì pháp Như Lai:

“Bản lai phó hữu pháp

Phó liễu ngôn vô pháp

Các các tu tự ngộ

Ngộ liễu vô vô pháp”.

Tin Ngài A Nan sắp vào Niết bàn, từ vua quan đến dân chúng ai nấy đều rơi lệ thương tiếc. Vòm trời trần gian mất đi bóng sáng của ánh sao mai và hàng chúng Tăng mất đi một bậc kỳ đức tôn túc.

Khi ấy vua A Xà Thế và vua nước Tỳ Xá Ly rắp tâm đến giành Xá lợi đem về nước xây bảo tháp thờ.

Thấy trước tình cảnh như vậy, Tôn giả A Nan đi thẳng về phía bờ sông Hằng, lên một chiếc thuyền và ngồi kiết già thả trôi ra giữa dòng sông mà nhập Niết bàn.

Vua A Xà Thế liền cùng quan quân, tùy tùng tìm đến bờ sông, vua thấy Tôn giả A Nan kiết già phu tọa trên thuyền ở giữa dòng sông, liền cúi đầu đảnh lễ và đọc bài kệ:

“Khể thủ tam giới tôn

Khí ngã nhi chí thử Tạm bằng bi nguyện lực Thả mạc bát Niết bàn”.

Ðồng thời, vua nước Tỳ Xá Ly cũng rầm rộ voi ngựa kéo đến bờ bên kia sông Hằng, cúi đầu và đọc bài kệ:

“Tôn giả nhất hà tốc

Nhi qui tịch diệt trường

Nguyện trụ tu du gian

Nhi thọ ư cúng dường”.

Trước nổi lòng khuyến thỉnh của hai vua, Tôn giả A Nan đọc bài kệ:

“Nhị vương thiện nghiêm trụ

Vật vi khổ bi luyến

Niết bàn đương ngã tịnh Nhi vô chư hữu cố”.

Liền khi ấy, Tôn giả A Nan nhập định và bát Niết bàn.

Giới Ðức

“Làm cho ông lưu chuyển sanh tử, là lỗi tại cái tâm cùng với con mắt, vậy nếu ông không biết cái tâm cùng con mắt ở chỗ nào? Thì ông không hàng phục được phiền não trần lao. Cũng như vị quốc vương bị giặc đến xâm chiếm, đem binh dẹp trừ, nếu không biết được giặc ở chỗ nào, thì không bao giờ dẹp trừ giặc được”.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Tôn Giả A Nan