Ngày xưa, tại một xứ nọ trong nước Ấn Ðộ dân chúng sống đời bình yên, mưa thuận gió hòa, chưa khi nào gặp phải thiên tai hạn hán.
Nhưng chẳng ngờ, một chiều hôm đó, bầu trời mây đen giăng kín và trút xuống cơn mưa, ngập tràn hồ ao sông biển, dân chúng uống phải thứ nước mưa ấy ai nấy thảy đều loạn tâm, cuồng trí, cởi bỏ y phục, nhảy múa như những kẻ điên. Họ hốt đất bùn tô trét đầy mình mẩy, mặt mày. Trải qua bảy ngày như vậy mọi người mới tỉnh cơn cuồng loạn, nhưng họ chẳng biết do nguyên nhân nào gây nên sự kiện này.
Trong triều đình, vị vua đang trị vì xứ ấy là một bậc minh quân, tài trí một hôm thấy trời kéo mây đen, nhà vua biết được đó là cơn mưa độc sắp trút xuống, bèn lấy đồ đậy miệng giếng lại. Lúc ấy cả thành, nước mưa độc tràn xuống ao hồ sông suối, dân chúng uống thứ nước ấy đều bị cuồng loạn như lần trước.
Sáng hôm sau, nhà vua lâm triều thấy quần thần, bá quan văn võ đều trần truồng, bùn đất dính khắp thân thể, ngồi chầu hai bên. chỉ có một mình nhà vua vì không uống phải thứ thuốc độc ấy nên bình tĩnh sáng suốt, mình mặc áo long phụng, đầu đội mão cửu long gắn đầy châu báu, ngồi trên long ỷ. Quần thần thấy vậy, ngơ ngác, chủ chỏ nói với nhau rằng: “Ồ kìa! Thằng khùng! Nó làm cái gì mà dị hình dị tướng như vậy, chắc là nó điên. Nó quấn cái gì cùng mình chẳng giống ai, chúng ta hãy hỏi tội nó”.
Nhà vua nghe quần thần bàn tán với nhau như vậy sợ hãy, liền nói rằng: Ta có thú thuốc hay, có thể trị được bịnh này. Các ông hãy chờ ta một chút, ta đi lấy thuốc đem ra ngay. Nhà vua trở vào cung trút bỏ y phục trần truồng giống như bọn quần thần rồi lấy đất bùn trét lên mình mặt rồi trở ra. Bọn người thấy thế vui mừng, hớn hở, cho rằng ông ta đã hết điên, giống y như mình.
Trải qua bảy ngày chất độc tan hết, mọi người đều tỉnh lại, thấy mình trần truồng lấy làm xấu hổ, về nhà mặc quần áo rồi lâm triều nhưng khi ấy nhà vua lại ngồi trần truồng trên long ỷ, đầy mình đất cát nhơ nhớp, quần thần ngó thấy kinh ngạc nói rằng: Ðại vương là bậc đa mưu trí tuệ tại sao cuồng loạn như vậy?
Nhà vua nói:
“Tâm ta thường vắng lặng không biến đổi, chính các ông bị cuồng loạn”.
Ðấng Thế Tôn cũng lại như vậy, chúng sanh bị màng vô minh làm mê mờ, cuồng loạn, nếu nghe bậc đại Thánh Trí giảng thuyết về các pháp bất sanh, bất diệt, nhất tướng. . . thì cho đó là lời cuồng loạn. Bởi vậy Như Lai tùy theo chúng sanh mà phương tiện, nói thiện bất thiện, hữu vi, vô vi vậy.
Giới Ðức
Không lửa nào có thể ví được với lửa của tham dục.
Không có ngục tù nào có thể ví được với ngục tù của oán hờn.
Không mối ràng buộc nào có thể ví được với sự rối loạn của tâm trí.
Không đau khổ nào giống như sự đau khổ của loài người.
Nhưng chẳng có hạnh phúc nào lớn bằng sự an định của tâm trí.
Chuyện chàng 4 vợ
Một chàng kia có bốn bà vợ.
Bà thứ nhất, được chồng mến yêu, đi đứng, nằm ngồi, làm lụng không rời nửa bước. Ăn uống, áo quần thường được chồng lo cho trước hết. Lạnh nóng đói khát xem sóc tùy thời, chìu theo ý muốn, chẳng bao giờ cùng nhau to tiếng.
Bà hai, đi đứng nói năng, thường ở hai bên tả hữu. Chồng gặp thì vui, xa chút thì buồn.
Bà ba, thỉnh thoảng năm thì mười họa, khi cùng cực thiếu thốn, mới được anh chồng nghĩ đến.
Bà thứ tư, hẩm hiu hơn hết, bị chồng sai bảo đủ chuyện, phục dịch đủ điều, nhưng chẳng bao giờ thèm hỏi đến.
Một ngày kia, anh chồng hấp hối, kêu bà vợ thứ nhất vô bảo:
Ngươi phải đi theo ta.
Bà thứ nhất trả lời:
Tôi không thể theo anh được. Anh chồng nổi xùng, Hỏi:
Ta vốn yêu mi nhất, thường cưng chìu ngươi đủ thứ. Tại sao chẳng chịu theo nhau!
Bà vợ Đáp:
Anh tuy có lòng yêu mến tôi thật, nhưng tôi không thể đi.
Anh chồng bèn kêu bà hai đến bảo:
Mình đi theo tôi đi.
Bà này Đáp:
Anh yêu mến chị cả sao không bắt chị ấy đi, tôi đâu có đi theo anh được.
Anh chồng bèn nạt nộ:
Ngày trước, ta tìm mi thật khổ sở không thể tả xiết. Nào chịu lạnh, chịu nóng, nhịn ăn nhịn tiêu mới giữ được mi. tại sao chẳng chịu đi với ta.
Bà hai vẫn đáp tỉnh bơ:
Bởi lòng anh tham dục mới tìm đến tôi, chớ tôi đâu có cần gì anh. Nay sao lại đem việc gian khổ ấy buộc nhau lằm gì!
Quá ngao ngán, anh chồng phải kêu đến bà vợ ba mà rằng:
Mình nên đi theo tôi.
Bà ba tỏ ra lưu luyến, nhưng chỉ khóc lóc mà nói:
Tôi với anh ân nghĩa nặng lắm. Nay đến phút cuối cùng, tôi xin đưa tiễn anh tới ngoài thành ngoài thành mà thôi, không thể theo anh đi đến tận chỗ anh ở được.
Sau cùng, anh chàng bốn vợ đành phải kêu bà vợ thứ tư, người thường ngày bị chàng ta hất hủi, mà bảo đi theo mình. chị vợ này bảo chồng:
Tôi đã xa lìa cha mẹ tôi đi theo hầu hạ anh, thì việc sống chết vui khổ phải có mặt với nhau. Giờ đây, tôi xin theo anh đi cho đến chỗ.
Bốn bà vợ trên là bốn thí dụ:
Bà thứ nhất, dụ cho thân xác con nguời. Người đời, ai nấy ưa mến xác thân mình như anh chồng kia mê bà nhất. Nhưng đến khi chết, nó nằm trơ trơ nơi đất, nào chịu đi theo.
Bà hai, dụ cho của cải tiền bạc. Khi được thì vui. chẳng được thì buồn. Nhưng đến lúc chết của cải hoàn trả cho đời, nào chịu đi theo.
Bà ba, dụ cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, bạn hữu. Sanh thời lấy ân nghĩa tình ái, cùng nhau tưởng mến. Nhưng khi chết, dù họ có khóc lóc than van, cũng tiễn đưa được nhau tới nghĩa địa là cùng, rồi ai về nhà nấy. thương nhớ có lâu lắm cũng chẳng qua mười ngày là lại ăn uống cười nói mà dần quên người chết.
Bà tư, dụ cho tâm ý của con người. Trong thiên hạ, ai mà không có lúc tự ái, bảo thủ ý mình, buông thả tâm ý, tham dục giận dữ, chẳng tin chánh đạo. Ðến khi chết, chỉ có tâm ý là chịu đi theo để phải đọa vào ác đạo.
Cho nên, phải săn sóc tâm ý, bằng cách luôn luôn nhớ tới nó mà thắng tâm chánh ý.
Báo Bát Nhã