Home > Nhân Qủa Nghiệp Báo > Bay-Buoc-Thang-Tram
Bảy Bước Thăng Trầm
Hòa Thượng Thích Minh Châu


Một hôm, thanh niên Citta, con trai một nhà luyện voi, đi giữa đường gặp một vị Tỳ Kheo đang khất thực. Nhiều Phật tử đến đảnh lễ đặt vào bát của Tỳ Kheo những thức ăn ngon lành, trong đó có một trái sầu riêng, món mà Citta đặc biệt ưa thích. Anh ta liền tiến đến vị Tỳ Kheo và nói:

Bạch Đại Đức, Ngài cũng ưa món này sao?

Ồ thanh niên. Nếu muốn, ngươi có thể lấy đi!

Thanh niên sung sướng cám ơn vị Tỳ Kheo, nhận trái sầu riêng đem về. Dọc đường anh ta suy nghĩ: “Mình lao đồng suốt ngày mới có mà ăn, vậy mà vị Đại Đức thì trông thực là nhàn nhã, khỏi làm gì cả, lại được cúng dường đầy đủ. Hay thay, nếu ta cũng xuất gia để được cúng dường.

Nghĩ thế, thanh niên bèn cạo đầu đắp ca sa đi khất thực, gia nhập một tăng đoàn của đức Phật. Nhưng vì xuất gia với một động cơ không hay ho gì lắm, nên chẳng bao lâu Citta phải hoàn tục vì chàng không chiụ nổi nếp sống khổ hạnh gò bó của Tăng đoàn. Nhưng sự thanh tịnh an lạc của chư Tăng, với khung cảnh trang nghiêm ở vườn Cấp Cô Độc, nơi đức Thế Tôn ngự toạ, vẫn để lại một ấn tượng khó phai trong tâm khảm chàng đến nỗi khi đã hoàn tục, Citta vẫn thường mơ ước trở lại đời tu sĩ. Một hôm gặp con voi khó luyện, chàng trở nên chán nghề của cha, và tìm đến Phật xin xuất gia lại. Đức Thế Tôn chấp thuận cho chàng thế phát. Tu được vài tháng, chàng lại đâm chán, xin hoàn tục. Một lần nữa chàng trở về đời sống tại gia, cứ thế cho đến khi hoàn tục lần thứ năm. Lần này khi trở về nhà, việc đầu tiên chàng định làm là cưới một chị vợ để thay đổi không khí, họa may đời chàng có một chút ổn định nào chăng. Chàng đâm chán cái bệnh ưa thay đổi của chàng, và muốn thay đổi lần chót, do đó chàng cưới vợ.

Đời sống hôn nhân chẳng bao lâu cũng làm cho chàng chán ngấy lên tới cổ. Một đêm kia, chàng trằn trọc không ngủ được, dòm qua thấy chị vợ đang ngủ say, mép tiết ra một đống nước bọt trên gối, bụng mang bầu lớn trướng như một con cá “bong mú” sắp tới kỳ sinh nở, chàng bỗng thấm thía sự dơ uế khốn nạn của dục lạc và lập tức ôm y bát chạy ra đường. Qua năm lần xuất gia rồi hoàn tục, chàng vẫn giữ y bát như người ta giữ cái va li chờ dịp đi xa. Trên đường vắng, đêm khuya thanh tịnh, một mình tiến đến rừng Cấp Đô Độc, bao nhiêu hột giống tốt đẹp chàng đã gieo trong ruộng thức cũng trỗi dậy một hạt, đâm chồi nảy lộc. Chàng chứng được sơ quả Dự Lưu khi đang còn đi trên đường.

Trong lúc ấy, tại vườn Cấp Cô Độc, các thầy Tỳ Kheo sau thời tọa thiền đang ngồi bàn tán về chàng:

Tên đó lần này nếu còn trở lại, chúng ta nhất quyết đừng cho xuất gia các huynh đồng ý không?

Đồng ý! Cho y xuất gia chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Y cứ nhảy ra nhảy vô hoài, làm náo động nếp sống thanh tịnh của chúng Tăng.

Phải đầy! Nhưng mà chư hiền nghĩ sao? Y có còn trở lại nữa không? Chắc y sẽ xấu hổ không trở lại. Năm lần là quá lắm rồi!

Chúng ta hãy chờ xem!

Đúng lúc ấy, thì Citta ôm y bát tiến vào vườn. Mặt rạng rỡ như trăng rằm, các căn tịch tịnh. Chư Tỳ Kheo không ai bảo ai, đều im lặng khi Citta ngỏ lời xin được nhập Tăng đoàn trở lại. Có nghĩa là họ đã bằng lòng.

Lần thứ sáu xuất gia, Citta nhiệt tâm tu tập và nhanh chóng đạt đến Tứ Thiền, nội tâm định tĩnh. Chàng vô cùng hân hoan, và mong mỏi có dịp để tỏ lộ Thánh quả. Một hôm, vài vị đã chứng A La Hán đang ngồi đàm luận về pháp. Citta cũng tham dự, không ngớt ngắt lời vị Trưởng lão Ma Ha Câu Thi La bảo:

Này Citta, chú hãy đợi những vị Thượng tọa nói xong cái đã, rồi mới nên phát biểu ý kiến của mình. Vài vị Tỳ Kheo bênh vực Citta:

Bạch Thượng tọa, huynh Citta đã đắc pháp nhãn có thể nói lên những gì đã thực chứng. Xin chớ khiển trách y.

Ta biết y có đạt thiền chứng. Nhưng điều đó không ngăn nổi y sẽ hoàn tục trở lại. Ví như một con bò được buộc chặt vào cái cây thì có vẻ hiền lành an ổn, nhưng nếu thả ra nó sẽ giẫm đạp nát hết ruộng lúa. Cũng vậy, một vị Tỳ Kheo khi đứng trước bậc Đạo Sư hay trước những bậc Thánh, có thể rất khiêm cung, đạo hạnh, nhưng khi thả lỏng y có thể thối đọa, từ bỏ học giới và hoàn tục. Một người có thể chứng đắc bốn thiền, nội tĩnh nhất tâm, và trong khi an trú các thiền chứng này, y khoác lác với mọi người, không thể tự kềm chế y đâm ra ưa khoe khoang thánh quả. Khi y hoan hỷ về chúng, tham đắm chúng, thì chính những thiền chứng ấy đưa y đến chỗ tàn mạt. Vì những cấu uế của tâm rất vi tế, thiền chứng chỉ làm cho chúng lắng xuống chứ không mất. Như khi một đạo quân cấm trại trong rừng, thì vì những tiếng trống, tiếng kèn, ống loa, xe cộ và tiếng người, ta không nghe được tiếng những côn trùng nấp trong cỏ, ta tưởng chúng đã im. Nhưng khi đạo quân nhổ trại đi chỗ khác thì tiếng côn trùng, tiếng dế sẽ nỉ non trở lại như thường.

Về sau, quả nhiên Tỳ Kheo Citta từ bỏ đời sống xuất gia lần thứ sáu. Các Tỳ Kheo hỏi Trưởng lão:

Có phải Ngài đã biết trước việc này do thiền quán hay nhờ chư Thiên mách?

Cả hai.

Họ đi đến Phật, kể lại vụ này và tỏ ý tiếc rẻ cho Citta. Nhưng Đức Thế Tôn dạy:

Không sao, Citta sẽ trở lại.

Một hôm, Citta cùng đi với Pottaphàda một nhà khổ hạnh lang thang, đến hầu Phật để hỏi về pháp. Nhưng lời đức Thế Tôn dạy cho vị khổ hạnh làm chàng rất hài lòng. Chàng bèn xin Phật xuất gia lần thứ bảy, cũng là lần chót. Đức Phật bằng lòng, sau một thời gian ngắn Citta chứng quả A La Hán. Đức Thế Tôn thuật lại nguyện do vì sao Citta phải bảy lần xuất gia như vậy, mới chứng quả. Nguyên một đời trước thời Phật Ca Diếp, chàng cùng đi với một người bạn xuất gia. Bạn chàng muốn ngỏ ý hoàn tục vì không chịu nỗi khổ hạnh. Thay vì khuyến khích bạn tu hành tiếp tục, Citta lại có tâm xấu xúi giục bạn bỏ tu để bạn bị chê, mình được khen: vì nhân duyên ấy, kiếp này Citta phải chịu sự sỉ nhục vào ra bảy lần trong Tăng đoàn… Người xuất gia có hai ước vọng:

Ước vọng gần gũi nhất là:

Chánh tín xuất gia, đồng chơn học đạo. Bất nhiễm thế duyên, thường tu phạm hạnh.

Và ước vọng cao xa là:

Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.

Như Thủy

(Theo Wheel Pub – 115)