Hoàng đế La Xà có hai Hoàng tử, Hoàng tử Thiện Hữu, thật là bạn hiền của mọi người, Hoàng tử Ác Hữu trái lại, độc ác để khiêu khích anh.
Hoàng tử khi đến cái tuổi biết nhìn cuộc đời trắng trợn bày trước mắt chàng: đây người sập chim, bẫy cá, kia người làm thịt chọc huyết, chim sáo mỗ bọ ngựa, bọ ngựa bắt chuồn chuồn.
Sự sống không loài nào không tự bảo trọng cả. Nhưng cả đây cũng như ở nơi kia, ở đâu sự sống cũng xây trên sự sống. Thấy vậy Hoàng tử Thiện Hữu xin vua cho tất cả kho tàng để giúp dân chúng. Kho tàng hết, chàng mạo hiểm vào bể tìm ngọc giữa sự lo sợ của cha mẹ. Nghe anh đi tìm ngọc, Hoàng tử Ác Hữu nghĩ:
Không ác việc không thành được.
Rồi xin theo Thiện Hữu, nhưng Thiện Hữu ngăn lại:
Thân là trọng, em không nên mạo hiểm theo anh.
Ác Hữu quyết đi theo:
Sống không thỏa nguyện thì vô ích.
Thế là anh em theo nhau, và nhờ chí nguyện vĩ đại, tấm lòng thương người, Hoàng tử Thiện Hữu vượt bao nhiêu gian lao nguy hiểm, tìm được ngọc Như ý. Khi về đến bờ bể, Hoàng tử bảo em:
Giờ trên đường về, anh ngũ thì em giữ, em ngũ thì anh giữ. Ðời sống no đủ của muôn dân ở nơi viên ngọc nầy. Em nhớ nhé.
Nhưng một hôm anh em ngủ trên một quảng đường hiểm. Ác Hữu bèn tìm hai cây nhọn đâm thủng mắt anh. Ðau quá, Thiện Hữu vùng dậy la rên gọi em.
Nhưng Ác Hữu điềm nhiên mang ngọc đi thẳng. Vừa rên, Thiện Hữu vừa đưa tay quờ quạng tìm em. Chàng cứ nghĩ rằng chàng bị đâm mắt chứ Á Hữu mang ngọc thì chắc bị kẻ cướp giết rồi. Nhưng quờ quạng một lát, chàng nghĩ ra: em ta hại ta chứ không ai đâu khác. Chàng đau đớn thở dài:
Người tánh tình vẫn vậy…
Thiện Hữu đau lắm không thể nhổ hai cây nhọn ra được. Bỗng một đàn trâu rầm rộ đi qua. Thiện Hữu biết nhưng đành ngồi, không thấy gì mà tránh nữa. Nhưng lạ lùng thay, chàng biết mình đang ngồi dưới bụng một con trâu. Con trâu ấy che chở và thân mến liếm mắt chàng, trong khi đàn trâu rầm rộ đi qua. Tiếng chân đàn trâu vừa hết thì tiếng nói một người vừa đến:
Ai đây? Sao mắt bị đâm vậy?
Con trâu bây giờ đáng dang ra và nhìn chủ nó như cầu khẩn. Còn Hoàng tử Thiện Hữu nghe lời hỏi thì mừng gặp được người, nhưng lòng càng đau đớn. Chàng nghĩ thôi đành nói dối vậy.
Tôi là kẻ ăn mày. Tôi đang ngủ, không biết ai nó hại tôi thế này.
Giọng Thiện Hữu làm cho người ấy không nỡ hỏi lại, nhưng thấy kính mến dị thường. Người ấy bèn nhổ cây đặt thuốc – ông ta là người rành việc này – và đưa về nhà cung phụng nuôi dưỡng một cách không suy nghĩ. Càng lâu người chủ càng kính mến, nhưng Hoàng tử Thiện Hữu không yên tâm. Chàng bèn xin người chủ cho chàng tự tìm cách nuôi sống. Người chủ nói trong bụng câu đã tự nói với mình mấy lần:
Thật là người hiền.
Và trả lời:
Không! Người cứ ở đây với gia đình tôi. Ðói no với nhau. Tôi không nỡ xa người.
Xin ông thương tôi. Tôi không dám làm phiền nhiều.
Nói mấy cũng không được, người chủ Hỏi:
Thế giờ người định nuôi sống bằng gì?
Ông cho tôi xin một cây đàn hay.
Ðược! Nhưng xin người phải để tôi được làm cái việc ngày ngày đưa người ra chỗ đông, rồi tối đưa về nhà tôi ngủ.
Thiện Hữu lắc đầu:
Thế lại phiền ông lắm! Cho tôi ngủ ở chợ hay dưới gốc cây.
Người chủ năn nỉ:
Người có bằng lòng như thế, tôi mới để người đi kiếm ăn.
Thiện Hữu thở dài:
Cũng được.
Nhưng biết đàn à?
Sơ sài vậy thôi! Người chủ ngạc nhiên. Và hôm sau đầu chợ, Thiện Hữu đã ngồi đấy, lên những tiếng đàn thanh toát ra những khúc nhạc lòng. Chàng đàn lên những tấm lòng của chàng, những chí nguyện của chàng. Chàng say mê quên cả mục đích kiếm ăn của mình, nhưng quần chúng cảm mến chàng. Chàng nuôi sống được cả nhà chủ chăn trâu. Một hôm, tiếng đàn của Thiện Hữu làm chấn động lòng một người đẹp. Người ấy khi tiếng lòng của mình do ai gảy lên đã im rồi, mới tỉnh Hỏi:
Ông là ai?
Người là ai?
Tôi sẽ nói. Nhưng ông là ai xin cho biết đã?
Người tự trả lời cho mình cũng đủ: tôi một kẻ ăn mày đang xin thiên hạ bố thí bằng tiếng đàn, người không thấy sao!
Và Thiện Hữu thở dài:
Kể ra tôi cũng quá đáng đối với cây đàn đây! Nhưng ngoài việc kiếm ăn, nhờ nó, tôi đã thở ra được những gì của lòng tài!
Người là ai vậy?
Tôi là một công chúa.
Người đẹp nói nhanh và dò xét thần sắc của Thiện Hữu.
Nhưng chàng vẫn bình thản:
Của?
Của vua Sư Bạc.
Thiện Hữu bất giờ mới biết mình lâu nay sống trên đất của một chư hầu, và đang ngồi trước vị hôn thê chưa thấy mặt của mình. Nhưng chàng chỉ lặng thinh. Người đẹp đưa cho chàng một lượng vàng rồi từ biệt.
Mai em sẽ đến mải với ông.
Thiện Hữu không để ý câu nói ấy.
Chàng bình thản về nhà ngụ.
Công chúa vua Sư Bạc thì lòng đã nhất định nàng không thể xa tiếng đàn ấy. Nàng tính rụt rè, nhưng hôm nay nàng mạnh dạn. Sau bữa cơm tối, nàng trịnh trọng thưa với phụ vương và mẫu hậu rõ ý định của mình. Nghe xong, Hoàng đế Sư Bạc giận lắm:
Mày điên đấy à? Mày quên mày là vị hôn thê của Thái tử Thiện Hữu?
Con xin cha mẹ thương con.
Hoàng đế Sư Bạc không thèm nghe nữa.
Nhưng sáng hôm sau, nàng thu xếp đồ dùng của mình và ra đi. Nàng đến vào lúc tiếng đàn lòng nàng đang lên với ánh sáng thanh bình của vũ trụ. Nàng say sưa nghe, thu hút vào lòng tất cả âm ba tiếng đàn đã tỏa ra không gian. Bản đàn dừng, nàng bảo chàng:
Anh cho em nói chuyện đã.
Ai đấy?
Em đây, Công chúa vua Sư Bạc đây.
Công chúa muốn nói gì?
Nàng chân thành và tha thiết quên hết cả dè dặt. Nàng bất chấp người chung quanh:
Em nguyện theo anh.
Công chúa theo tôi? Theo thế nào được! Và, Công chúa theo chi một người ăn mày?
Em quyết định rồi, vua cha em không cấm em được nữa là!
Ðồng thời hai người nói chuyện thì trong kia hoàng cung, Hoàng đế Sư Bạc tức giận lắm. Ông muốn hạ lệnh bắt chém ngay người ăn mày có tiếng đàn cảm động lòng con ông. Nhưng ông nghĩ:
Ta vi hành xem nó thế nào mà con ta cảm được. Làm to chuyện chỉ bây tiếng.
Lẫn lộn vào đám người nghe đàn, ông nhìn rõ, bỗng giựt mình:
Sao giống Hoàng tử Thiện Hữu?
Quái lạ! Không lẽ. Nhưng khuôn mặt kia?…
Ông nghĩ ngay một kế. Về gọi một vị sứ giả trung thành ông bảo:
Nhà ngươi vì ta qua vấn an Hoàng đế La Xà, và hỏi thăm Hoàng tử Thiện Hữu.
Ngay ngày hôm ấy, sứ giả lên đường. Sư Bạc nằm chờ.
Trời đã về chiều, Hoàng hậu bảo:
Hoàng đế cho người ra bắt con về chứ sao để vậy?
Bắt về làm gì? Xem như nó không còn nữa!
Nhưng tai tiếng?
Thì làm sao được? Bắt nó về thì hết tai tiếng à?
Vợ chồng Hoàng đế Sư Bạc cho rằng đó là việc xấu. Phong tục và quần chúng bảo đó là tiếng xấu, nhưng một điều lạ là những người nào nghe được tiếng đàn và thấy được hình dung Thiện Hữu họ chỉ biết cái thật ấy, họ làm gì biết cái danh Hoàng tử của chàng họ đều cảm mến đức hiền của chàng. Ở chàng đã tỏa ra một cái gì bao bọc mọi người. Họ biết và có kẻ hôm nay thấy tận mắt Công chúa vua họ theo Thiện Hữu.
Nhưng họ cho là chuyện phúc. Họ trái tất cả tập quán và không suy nghĩ, không phân tích, không lý do. Thì ra đức hiền của người có khi đảo lộn cả tập tục, đúng hơn cả một quan niệm xã hội.
Chính họ khuyên Thái tử, khi chàng từ chối Công chúa.
Người bằng lòng đi. Người đỡ lận đận cho chúng tôi mừng. Cho tiếng đàn người còn mãi mãi với chúng tôi.
Nhưng phiền cho Công chúa và cho tôi lắm. Tôi biết… Uy quyền của một ông vua, khi ông bất bình. Tôi, kẻ ăn mày thì sợ gì ai, nhưng thân công chúa! Nói gì công chúa cũng không nghe. Nàng về với chàng trong sự hoan hỷ của những người mục kích đang thân mến nhìn theo.
Thiện Hữu tuy được vợ hiền, nhưng chàng không thay đổi. Tiếng đàn chàng đêm khuya vẫn trỗi dậy. Tiếng đàn bi thảm biểu diễn nỗi khổ vô biên của kiếp người, tiếng đàn cao hùng bộc lộ chí cao, cái hạnh cả muốn giúp người, cứu khổ cho người, tiếng đàn dũng mãnh toát hết cái chí hiên ngang của đấng đại trượng phu. Có khi tiếng đàn như tung không gian mà lên, có lúc như dấn mình xuống lao khổ… Có đêm điệu đàn bỗng lạc điệu: một điệu buồn thảm của kẻ nhớ cha, nhớ mẹ. Ðiệu đàn nghe chết cả lòng.
Công chúa sống cạnh chàng, lòng lên xuống đúng tiếng đàn của chàng. Nàng lấy làm lạ: Người ấy, tiếng đàn ấy, Công chúa nghĩ:
Khả nghi lắm!
Nàng khóc:
Anh giấu em!
Quái lạ, anh giấu gì?
Anh không phải là kẻ ăn mày!
Thế là gì đây?
Em khổ lắm! Anh giấu tông tích của anh! Anh, Anh nói rõ cho em. Tiếng lòng ta không đứt sao ta giấu nhau?
Em nghĩ rằng một kẻ ăn mày, không thể đàn những tiếng đàn tuyệt đích?
Nhưng em nghe ra: Tiếng đàn anh, lòng anh, nhất định không như tông tích anh nói! Anh nói cho em rõ đi.
Thiện Hữu buồn rầu:
Anh giấu em làm gì? Nhưng nói em cũng chẳng tin được! Ðời tin người mù mắt là kẻ ăn mày là dễ, Chứ tin thế nào được người mù là hoàng tử con vua!
Thế anh là một Hoàng tử?
Em không tin? Phải. Nhưng nói thật em biết anh, Hoàng tử Thiện Hữu đây!
Công chúa giật mình:
Anh không biết em là vị hôn thê của Hoàng tử Thiện Hữu đấy chứ? Anh không muốn em tin rằng anh là một Hoàng tử, chứ đừng nói là Hoàng tử Thiện Hữu anh không phủ nhận, nhưng chí anh không phải là một ông Hoàng, hay một Hoàng đế.
Em cũng muốn như vậy. Em muốn rằng anh là một người nào như tiếng đàn cao vút của anh kia!
Nhưng anh nhớ phụ hoàng và mẫu hậu lắm. Lòng anh thương người đến lắm lúc anh nghĩ sống làm chi khi mọi người đau khổ, nữa là với cha mẹ! Thế anh quả là Hoàng tử Thiện Hữu?
Nếu anh không dối, thì nguyện bảy hôm nữa anh được tin cha mẹ anh… Hoàng tử Ác Hữu khi đâm mắt anh xong, chàng về ra mắt cha mẹ, đưa viên ngọc Như Ý ra:
Tâu phụ hoàng và mẫu hậu! Anh con mất rồi!…
Vợ chồng Hoàng đế La Xà chỉ nghe có thể đã ngất đi. Hai vợ chồng khóc mù mắt rồi, ánh sáng không còn nữa, mà tin con ngày càng im bặt.
Hoàng đế La Xà không dám tin rằng con chết, nên càng buồn, càng khóc.
Con nhạn của Hoàng tử Thiện Hữu nuôi, con nhạn khôn ngoan mà hai vợ chồng Hoàng đế buộc tin và cho nó đi kiếm Hoàng tử, cũng bay đi đâu biền biệt.
Vợ chồng Hoàng đế La Xà sống trong sầu khổ cho tới hôm nay, có tin sứ giả Sư Bạc đến…
Công chúa hạ thần kính dâng lên đại Hoàng đế lời vấn an cầu chúc.
Có thế thôi?
Và vấn an Hoàng tử Thiện Hữu.
Hoàng đế La Xà lại ngất đi. Sứ giả biết có điều lạ. Tìm dịp kín đáo, sứ giả gặp La Xà hỏi rõ những điều Sư Bạc dặn. Ông kết luận thầm kín:
Nếu vậy thì chắc chắn người ấy là Hoàng tử Thiện Hữu rồi. Và có thể Ác Hữu đã hại anh mà lấy ngọc đem về.
Ta cũng nghi như vậy?
Và La Xà hạ ngục ngay Hoàng tử Ác Hữu và cất kỹ viên ngọc Như Ý. Hôm sau cho người hoàng gia lên đường với sứ giả Sư Bạc.
Hoàng tử Ác Hữu khi bị bắt hạ ngục, chàng chỉ cười thầm:
Việc thành rồi vậy!
Và mấy hôm nữa, dân chúng hoan hỷ tưng bừng đón rước Thiện Hữu như đón rước một ân nhân, hơn nữa, một người bạn.
Hoàng tử Thiện Hữu về với vợ giữa sự hoan lạc của dân chúng, sau ngày được tin cha mẹ, đúng vào ngày thứ bảy chàng nguyện với vợ. Dân chúng cảm động ứa nước mắt, thấy Hoàng tử đui mù vì mình. Thương tâm hơn nữa, khi họ thấy Hoàng tử vịn vay vợ đến ôm lấy cha mẹ, ba người mù khóc với nhau trong một lòng thương.
Và quay lại dân chúng theo vợ chỉ dẫn, chàng cầm nước mắt nói:
Tôi không ngờ gặp lại được cha mẹ và bà con. Chí nguyện tôi đã đạt. Bà con sẽ no đủ. Chỉ tiếc rằng tôi không được cùng bà con sống trong ánh sáng. Nhưng tôi hoan hỷ. Lòng thương không cần ánh sáng mới gặp nhau. Bà con tạm về. Trong đời sống an lạc ngày mai, mong bà con gắng thương nhau và làm điều thiện.
Lời nói Hoàng tử, đúng hơn là lòng thương của Hoàng tử, lúc ấy đối với dân chúng, quả là đã cho họ mỗi người một viên ngọc Như Ý vậy.
Ðức Thế Tôn tự kể tiền thân của mình rồi bảo đại chúng: Các con! Ác Hữu là ai các con có biết không? Là Ðề Bà Ðạt Ða vậy. Nhưng các con đừng tưởng Ðề Bà Ðạt Ða là người ác. Ðời đời kiếp kiếp, ta
nhờ thiện tri thức Ðề Bà, mà ngày nay thành Phật Ðà. Ðề Bà dùng nhiều phương tiện vi diệu, khiêu khích và tác thành cho ta phát bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh và thành vô thượng giác. Này A Nan! Con hãy thay ta xuống địa ngục thăm Ðề Bà.
A Nan Tôn giả vâng lời, khi gặp ngài Ðề Bà, Tôn giả cung kính thưa:
Ðức Thế Tôn kính lời thăm Ngài.
Ðức Thế Tôn giáo hóa có dễ dàng không? Chúng sanh giác ngộ có nhiều không?
Nhiều và rất dễ dàng.
Thế là ta mãn nguyện.
Ngài ở địa ngục có khổ lắm không?
Người nhập Tam thiền có vui không?
Vui nhất thế gian, một thứ vui thanh tịnh từ trong đến ngoài.
Ta ở địa ngục như ở Tam thiền.
Phật dạy:
Bồ tát đại sĩ dẫn tiến chúng sanh bằng đại phương tiện chịu đủ khổ sở lớn mà không thấy gì là khổ vui.
Và kết luận:
Các con! Nhờ Thiện tri thức mà ta biết ân báo ân cha mẹ và chúng sanh, nhờ thiện tri thức mà ta độ chúng sanh thành Phật Ðà. Vậy các con phải biết ân báo ân của các vị thiện tri thức.
Trích báo: Viên Âm
Chỉ có lòng thương chân chính.
Và rộng rãi mới cảm hóa được quần chúng.