Hôm nay chúng ta hãy nghiên cứu vấn đề này: Con người vì sao cần phải hiếu thảo với cha mẹ? Cần hiếu thảo với cha mẹ hay không cần hiếu thảo với cha mẹ? Vấn đề có hai cách giải thích. Ðứng trên lập trường pháp xuất thế gian thì không cần thiết phải hiếu thảo với cha mẹ. Tôi tin rằng ai nghe tôi nói câu này cũng hết sức kinh ngạc, bởi vì từ xưa tới nay chưa hề nghe qua lời này. Mình vẫn biết, là người nào cũng cần phải hiếu thảo với cha mẹ, chưa hề nghe ai nói rằng không cần trọn đạo hiếu cả. Do đó bạn cảm thấy kinh ngạc. Nhưng nếu căn cứ vào chân lý thì mình có thể nói như vậy: Ðứng trên lập trường pháp thế gian đương nhiên chúng ta cần làm tròn chữ hiếu. Pháp thế gian là mộc bổn thủy nguyên do đó mình phải thận chung truy viễn, nghĩa là hết lòng hiếu thảo với cha mẹ. Hiếu với cha mẹ, cung kính Sư trưởng là đạo lý của trời đất.
Nhưng nếu căn cứ vào pháp xuất thế mà nói chúng ta cần nỗ lực tu hành, dụng công học tập, phát đại tâm Bồ đề thì đó là trọn vẹn đại hiếu, không phải là tiểu hiếu. Làm sao giải thích câu này? Bởi vì khi mình tu hành được thành công thì có thể siêu độ được bảy đời cha mẹ, khiến họ sanh lên cõi trời. Rằng: "Nhất tử thành Phật, cửu tổ thăng thiên." Nghĩa là khi một người con thành Phật thì chín đời tổ tiên được sanh lên trời. Ðó gọi là đại hiếu.
Ðạo hiếu có bốn thứ: một là đại hiếu, hai là tiểu hiếu, ba là viễn hiếu, bốn là cận hiếu. Thế nào là đại hiếu? Tức là báo đền ơn cha mẹ của mình trong nhiều đời về trước, báo đền ơn của sư trưởng. Thế nào là tiểu hiếu? Tức là hiếu thảo với cha mẹ trong đời này mà thôi; lo lắng, chăm sóc làm cho cha mẹ vui vẻ, phụng dưỡng, an ủi, đó tức là cung kính cha mẹ, cúng dường cha mẹ. Thế nào gọi là viễn hiếu? Tức là kính trọng các bậc thánh hiền xưa kia, lấy mỗi lời nói mỗi công hạnh của họ làm gương sáng để mình bắt chước noi theo. Thế nào là cận hiếu? Tức là ngoại trừ hiếu thảo với cha mẹ mình, thì cũng cần phải hiếu thảo với cha mẹ người khác. Rằng: "lão ngô lão, dĩ cập nhân chi lão, " tức là tôn trọng những huynh trưởng, tiền bối của mình rồi cũng tôn trọng những bậc tiền bối của kẻ khác. Mình cần có tư tưởng và hành động hiếu thảo như vậy.
Pháp xuất thế chân chính thì vượt qua đạo hiếu, do đó tôi mới nói rằng: Không nên chấp trước hiếu đạo. Nếu chấp trước về sự hiếu thảo với cha mẹ thì mình vẫn còn tư tưởng và tình cảm thương yêu. Ðó chỉ là vọng niệm. Cả ngày chỉ tưởng nhớ tới cha mẹ thì làm sao tu đạo? Do đó theo chân lý thì không nên trọn đạo hiếu. Khi tôi giảng tới đây, có người không hiểu, có người hiểu, do đó mọi người hãy nghiên cứu vấn đề này một cách sâu xa.
Hiện tại lòng người mỗi ngày mỗi sa sút, phẩm hạnh mỗi ngày một tệ hại. "Nhân tâm bất cổ, " lòng người không như xưa. Vì sao vậy? Bởi vì người đời vốn phải hiếu thảo với cha mẹ, song le họ lại bất hiếu. Họ cho rằng hiếu thảo là tư tưởng lạc hậu, rằng cha mẹ có bổn phận nuôi nấng con cái. Do đó họ không có hiếu với cha mẹ mình. Họ không phụng dưỡng phải chăng để tu hành? Cũng không phải. Nếu ai chân chính tu hành thì không cần thiết phải phụng dưỡng cha mẹ mà cũng được xem là đại hiếu. Tương lai sẽ siêu độ cha mẹ mình. Nhưng nếu đã không hiếu thảo với cha mẹ, cũng không tu hành, chỉ chuyên tạo đủ thứ ác nghiệp thì tương lai nhất định sẽ đọa vào ba đường ác. Ðiều này không còn nghi ngờ gì nữa. Bạn hãy xem! Hiện tại nhiều thanh niên nam nữ học thói hèn hạ, nếu không giết người đốt nhà cũng làm chuyện gian dâm tà đạo, không có chuyện ác gì mà họ chẳng làm. Họ nghĩ rằng làm chuyện phóng đãng, không chính đáng như vậy là được tự do. Họ cho rằng không cần phải hiếu thảo với cha mẹ mà nên học những điều xấu xa. Tư tưởng như vậy thật là sai lầm! Tuy mình không thể vơ đũa cả nắm, nhưng đại khái phần lớn hanh niên đều phạm những lỗi lầm như vậy.
Người tu hành tuy không trọn đạo hiếu với cha mẹ, nhưng có khả năng cứu cha mẹ ra khỏi biển khổ để thăng lên cõi trời. Nhưng cũng có những người không hiếu thảo với cha mẹ, cũng không tu hành. Hằng ngày cứ làm chuyện không có đạo đức, hoặc phá hoại gia đình mình, hoặc nhiễu loạn quốc gia xã hội, làm mất an ninh trật tự. Ðó tức là tự mình chặt gốc, càng chặt gốc thì càng không còn chỗ đứng, tương lai không biết sẽ ra sao. Những việc làm xấu xa như thế là những hành vi tội lỗi khó mà tha thứ được.
Trên đây tôi có nói là tu hành có thể buông bỏ sự chấp trước vào cha mẹ, chuyên tâm nhất trí mà tu hành thì đó là điều đúng. Song le nếu không tu hành cũng không làm tròn đạo hiếu thì đó là sai. Ðiểm này các bạn hãy nhận cho rõ ràng bởi vì: "Vạn ác dâm vi thủ, bách thiện hiếu vi tiên, " trong vạn điều ác thì dâm dục là đứng đầu, trong một trăm điều lành thì hiếu thảo là trước hết.
(Vạn Phật Thánh Thành,
ngày 29 tháng 7 năm 1983 )