Ông Vương Trung người ở Thái nguyên thưa hỏi: “Hoành Cừ nói: ‘Quỉ thần là cái công năng tốt đẹp của hai chất khí.’ Trình tử bảo: ‘Quỉ thần là dấu tích của tạo hóa. Hối Am cho rằng: ‘Quỉ thần là sự co duỗi của khí.’ Cả ba thuyết ấy đều cho là quỷ thần do nơi một chất khí tạo ra. Như vậy có đúng chăng?”

Thiền sư Không Cốc đáp: “Nói một chất khí ấy là cái bao trùm khắp trời đất, xưa nay chưa từng khuyết thiếu. Đầy kín trong trời đất cũng chỉ một khí ấy thôi, thật không có hai. Chỉ một khí ấy, nhưng gọi là dương, lại gọi là âm, là theo nơi sự mở ra hoặc thâu lại mà gọi tên khác nhau.

“Nếu quỷ thần chỉ là một chất khí, thì khắp trong trời đất lẽ ra chỉ có một khí ấy mà thôi. Nhưng vì sao lại có những thần trên trời, thần dưới đất, thần núi Ngũ nhạc, thần sông Tứ độc, thần núi sông, thần xã tắc? Vì sao lại có những quỷ thần không người cúng tế, lại có những quỷ thần qua các triều đại đều phong tặng, lại có những quỷ thần xưa nay người ta đều cúng tế? Có rất nhiều loại quỷ thần như thế, nếu so với ba thuyết trên thì ắt là không tương hợp.

“Sách Lễ ký có chép: Thái Hạo làm Chúa Xuân, Câu Mang làm thần; Viêm đế làm Chúa Hạ, Chúc Dung làm thần; Thiếu Hạo làm Chúa Thu, Nhục Thâu làm thần; Chuyên Húc làm Chúa Đông,
Huyền Ninh làm thần. Nếu cứ theo ba thuyết trên, người thì nói là công năng tốt đẹp của hai chất khí, người thì bảo là dấu tích của tạo hóa, người thì cho là sự co duỗi của khí, vậy tại sao có Thái Hạo và các vị kia làm Chúa tể bốn mùa? Tại sao có Câu Mang và các vị khác làm thần bốn mùa?

“Sách Quan Doãn tử có chép rằng: ‘Quỉ là người chết biến thành.’ Trong sách Trung dung, đức Khổng tử nói: ‘Những việc do quỷ thần làm ra mạnh mẽ biết bao!’ Dương tử nói: ‘Việc của trời đất, thần minh, chẳng ai suy lường nỗi.’ Những lời ấy so với ba thuyết nói trên thật chẳng hợp nhau chút nào!

“Hối Am có nói: ‘Khi người chết rồi, hình thể hư nát, thần hồn tản lạc, không còn dấu tích gì cả.’ Như vậy, Thái Hạo và các vị kia làm sao làm Chúa tể bốn mùa? Câu Mang và các ông khác làm sao làm thần bốn mùa? Như thế lại càng hết sức khác biệt nhau!
“Trong sách Lý học loại biên chép việc có người hỏi rằng:
‘Khi người ta chết rồi, hồn phách có tan đi chăng?’ Hối Am đáp: “Có, đều tan biến hết.” Người ấy lại hỏi: ‘Nếu vậy, khi con cháu cúng giỗ, tổ tiên có cảm ứng nhận hưởng, đó là vì sao?’ Hối Am đáp: ‘Con cháu là khí huyết của tổ tiên, cho nên có chỗ cảm ứng nhận biết.’

“Theo lời Hối Am thì việc cúng tế các thần Ngũ nhạc, thần Tứ độc, thần núi sông, thần xã tắc cùng các quỷ thần không con nối dõi, vì lẽ chẳng phải là con cháu nên chẳng có sự cảm ứng nhận biết hay sao?

“Than ôi! Bà Khương Nguyên đạp dấu chân người mà sanh ra Hậu Tắc, bà Giản Địch nuốt trứng chim yến mà sanh ra Ân Khế.

Y Doãn sanh nơi đất Không Tang, hòa thượng Chí Công sanh trong tổ chim ưng. Những trường hợp ấy là do khí huyết của ai? Lấy ai làm tổ tiên của những người ấy?

“Hối Am lại nói: ‘Người ta chết rồi thì khí tan hết, chẳng còn dấu tích chi cả. Nếu có sanh vào nơi đâu, là do lúc tình cờ tụ lại không tan. Thêm nữa, khi chất khí tụ vừa thoát ra, nếu gặp phải một thứ sanh khí nào đó thì cũng có thể tái sanh.’

“Đã nói rằng hình thể hư nát, thần hồn tản lạc, không còn dấu tích chi cả, vậy thì cái gì gặp phải sanh khí mà tái sanh? Với những lời lẽ ấy, Hối Am chỉ tự mình mâu thuẫn với mình mà thôi, không thể giải thích được.

“Sách Lễ ký nói: ‘Chim ưng hóa làm chim cưu, chim sẻ hóa làm con sò.’ Cho đến trong nhiều sách khác ghi chép những chuyện Bào Tịnh nhớ được cái giếng thuở xưa, Dương Hộ biết được vòng vàng đời trước. Những việc ấy đều hoàn toàn trái ngược với lời lẽ của Hối Am.

“Nếu theo Văn Chánh Công và các kinh sử, ắt phải ngược với Hối Am, còn theo Hối Am thì ngược với Văn Chánh Công và các kinh sử, khiến cho người ta phải nghi hoặc, biết do đâu mà xác định được lẽ thật?

“Ôi! Việc này phải tự xét thật rõ ràng, xác đáng, sao có thể dựa theo cách nghĩ của người đời mà phỏng đoán rồi nói ra như vậy?

“Đức Khổng tử dạy: ‘Chưa phục vụ được con người, sao thờ cúng được quỷ thần? Chưa biết về sự sống, sao biết được sự chết?’ Chỉ một lời ấy suy rộng ra thì có thể tránh được sự lầm lạc.

“Trong sách Lý học loại biên, các ông Trương Hoành Cừ, Trình tử và Hối Am thường dẫn lời đức Khổng tử, nhưng từ chỗ trước lại đưa về chỗ sau, lại suy rộng ra mà luận việc quỷ thần, đến chỗ bế tắc thì bày ra mưu kế. Phàm việc gì đã không biết thì thôi, cần chi phải khổ nhọc cầu lấy chút hư danh, gắng gượng mà nói, làm trói buộc kẻ hậu học, khiến cho họ phải mê muội trong lòng, chẳng được sáng tỏ. Thật đáng thương thay!”

Trích từ: Quy Nguyên Trực Chỉ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ